Chỉ riêng Berlin, CHLB Đức, mạng lưới các nhà bán lẻ, các cơ sở của Tập đoàn Rewe-là chuỗi siêu thị lớn đứng sau Tập đoàn Edeka (hoạt động theo kiểu hợp tác xã trong ngành bán lẻ), có đến hàng trăm. Nhưng nhiều chợ nhỏ họp trong một vài ngày trong tuần hoặc cả tuần rải rác quanh Berlin… cũng cạnh tranh không ngơi nghỉ với các… “ông to bà lớn”ngành thương mại.

Một số chợ nhỏ truyền thống

Chợ nhỏ thôi nhưng tuổi đời có vài chợ… già khú đế! Chắc chắn là nó có trước các chuỗi siêu thị. Ở quận Pankow có chợ hằng tuần Alt Pankow, tồn tại từ năm 1857 đến nay. Chợ bán các loại thực phẩm tươi như cá, các loại rau cải, dưa chuột và các loại xúc xích, gà nướng… Chợ họp vào các ngày thứ Ba, Tư, Sáu và thứ Bảy.

Antonplatz là một thị trấn, nằm trên đường Berliner Allee. Ở đó có một quảng trường rộng khoảng 1,500m2, được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XIX. Và đặc biệt tại đây có rạp chiếu phim Kino Toni và chợ nhỏ truyền thống. Rạp phim phù hợp với trẻ em và chợ thì phù hợp với người già. Đây là vị trí đắc địa vì gần với trạm tàu điện lúc nào cũng đông khách ngược xuôi hay ghé lại chợ. Tôi từng đến chợ trước đây vì thấy lạ lạ. Chỉ trên dưới 15 gian hàng thôi nhưng không khí chợ khá nhộn nhịp. Phía trước, bên kia đường, mới đây có nhà vệ sinh công cộng cũng là một lợi thế của chợ. Thu hút khách hàng nhiều nhất là gian hàng rau quả. Trước kia chợ còn có một số quầy hàng quần áo, giày dép, túi xách da… Theo bà Eva Kensbock, một cư dân ở đây cho biết, bà ta từng theo mẹ đến chợ này từ khi còn nhỏ. Nay bà ta đã ngoài 60 tuổi.

Chợ nhỏ Antonplatz, quận Pankow

Thứ Sáu, ngày 07/1/2025, tôi ghé lại chợ vào một ngày mùa Đông nắng hiếm. Chợ họp vào hai ngày thứ Ba và thứ Sáu trong tuần. Tình cờ gặp một gian hàng mà chủ nhân là hai vợ chồng người Việt. Cô X. quê Bắc Giang, có chồng quê Bà Rịa-Vũng Tàu. Hai vợ chồng chuyên bán hàng lưu động. Lái xe hơi kéo theo rơ móc như một cửa hàng ăn uống. Thức uống có cà phê nóng, đá, trà sữa trân châu… Thức ăn có bánh bao nhân thịt, bánh cuốn, cánh gà chiên, há cảo chay… Nhiều món ăn Việt, Tàu…khá thu hút khách hàng người Đức. Anh chồng góp chuyện có vẻ không vui: “Tiền lệ phí mặt bằng từ 40 đồng (euro) nay tăng lên 58 đồng. Bà quản lý chợ là người Thổ nói, tao tính mày tròn số luôn, 60 đồng cho chẵn! Mấy cái chợ khác, lệ phí chỉ 35 đến 40 đồng là hết mức! Buôn bán ngày càng khó mà lệ phí mặt bằng ở đây lại rất cao!”.

Xem thêm:   Pickleball từ đâu đến?

Trong tuần, vợ chồng họ chỉ nghỉ bán ngày Chủ Nhật. Xe cứ kéo rơ móc chạy từ nhà đến chợ. Trước đó đã ghi danh với ban quản lý chợ thị trấn, chợ làng…

Hôm 14/2/2025, cả Berlin gần như bị phủ trắng tuyết nhưng các chợ nhỏ vẫn hoạt động bình thường. Chợ ở Antonplatz không nhộn nhịp như những hôm nắng nhẹ, trời quang. Không biết đường đầy tuyết thế này có thuận tiện cho các cụ già gần đó đến chợ? Thu nhập của những người bán hàng hẳn sẽ sụt giảm.

Quảng trường Kollwitzplatz có nhiều quán bar, nhà hàng, quán cà phê xung quanh và còn có chợ Kollwitzmarkt một tuần họp ngày thứ Năm (từ 12 giờ đến 19 giờ) và thứ Bảy (từ 09 giờ đến 16 giờ) rất đông vui. Ở đây có khá nhiều gian hàng bày bán rau, củ, hoa và các loại bánh kể cả đồ thủ công mỹ nghệ như cặp sách, túi xách bằng da…nhà tự làm.

Chợ Greifswalder trước tượng đài Nhà văn Heinrich Boll (1917-1985)

Chợ Greifswalder họp trước tượng đài Heinrich Boll (1917-1985). Ông là nhà văn Đức đoạt giải Georg Buchner năm 1967 và giải Nobel Văn học năm 1972. Chợ chưa tới chục quầy hàng. Một tuần chợ họp vào ngày thứ Ba và thứ Năm. Quầy hàng trông bề thế nhất cũng chuyên bán rau, củ, quả. Một số quầy hàng bán cá khô, xúc xích, pho mát… Vài quầy bán quần áo mùa Đông.

Một quầy tạp hóa của một người Việt khá đa dạng, phong phú các mặt hàng đồ điện, nhựa, vải, túi giả da là  Anh Ph. (60 tuổi) quê Cà Mau, sang Đức học nghề từ năm 1980 và định cư tại đây. Anh chở hàng trong xe tải nhỏ, đến chợ dựng lều lên, bày hàng ra sạp. Hàng da của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, có cả hàng Việt. Có khi anh mua gom hàng lại từ chợ Đồng Xuân. “Nhà em ở cách đây 9 cây số. Tuần nào cũng đến bán 3-4 chợ. Tiền mặt bằng ở đây là 30 đồng. Chủ Nhật nghỉ ở nhà. Thu nhập cũng tàm tạm”, anh Ph. chia sẻ. Chủ cửa hàng hoa trong một container nhỏ, gỉ sét sơn lại màu xám, mở cửa thường xuyên, cũng ngang tuổi như anh Ph.. Anh Ch. quê huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trước bán hàng vải sau chuyển sang bán hoa. Anh kể: “Từ những năm 1990 đến năm 2000, chợ ở đây sôi động lắm, cũng vài chục gian hàng san sát nhau. Chợ có các quầy hàng của người Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và cả Việt Nam. Thế rồi theo thời gian quầy hàng giảm dần. Nhất là sau dịch COVID-19, nay chỉ còn chừng 10 gian hàng trụ lại. Buôn bán mỗi ngày mỗi khó. Cửa hàng em cũng thuộc diện cầm cự”.

Chợ nhỏ Hackescher Markt, quận Mitte

“Chợ nông sản Zionskirche ở đây đông vào thứ Năm hằng tuần. Có các quầy hàng trái cây, rau hữu cơ, pho mát và đặc sản cà phê Ý luôn đông khách. Rau các loại được nhập từ các nơi trồng trọt không dùng phân bón, thuốc trừ sâu, chú à! Ở chợ cũng có bán nhiều món ngon truyền thống hoặc đặc sản salad, bánh mì tươi và bánh mì làm từ lúa mạch đen khá đông khách”, chị D.T.Y, quê thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, sống gần đó kể.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/03/2025)

Còn chợ Hackescher Markt bán hàng vải như quần áo, vải vóc, khăn mặt, khăn quàng, ba lô, linh kiện điện tử; hàng da như nịt, bóp, giày và cả vài quầy hàng bán đồ nữ trang bằng bạc giá rẻ. Nhiều gian hàng là của người Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Đánh giá về ch

Một số đánh giá của nhiều người dân địa phương trên mạng xã hội về chợ nhỏ tại Berlin, tôi trích đăng lại: “Chợ nhỏ rất thuận lợi cho người dân địa phương. Tuy ít quầy hàng nhưng rau, cá, trái cây tươi ngon, luôn thay đổi, các sản phẩm thịt đa dạng”, “Trong đó xúc xích đến từ Ba Lan rất ngon vì được tẩm ướp đậm đà. Muối, tỏi và khói là hương vị chủ đạo. Tôi rất thích món bánh bao truyền thống Ba Lan với hành tây nấu trong bơ và dầu ô liu rất ngon”, “Cửa hàng thịt, cá, mực cũng như rau quả luôn tươi ngon. Pho mát từ quận Charlottenburg cũng tuyệt vời không kém. Thật tiếc là chợ không bán bia, chỉ bán cà phê”. “Nếu bạn muốn ăn uống lành mạnh cho gia đình, bạn bè và tất nhiên là cho chính mình, bạn có thể đến đây thường xuyên. Tuy nhiên giá có đắt hơn một chút”…

Chợ nhỏ mang đến nhiều tiện lợi. Nhất là không phải xếp hàng chờ đợi như trong siêu thị. Tuy vậy cũng có khách hàng than phiền về giá, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả như cà chua, nấm … quá mắc và khuyên mọi người hãy cẩn thận, kiểm tra túi tiền trước! Tuy giá mắc nhưng phẩm chất bảo đảm. Đặc biệt rất đông người bán hàng có thái độ thân thiện, cởi mở. Chợ có quy định chặt chẽ như phải bảo đảm an toàn về điện, trước khi các gian hàng rời đi, khu vực được dọn vệ sinh sạch sẽ… Chợ họp có đóng lệ phí khá cao nếu nơi này thuận lợi về mặt giao thông. Khách hàng của chợ là nhiều người tuổi cao sống gần đó. Chính họ và gia đình là những người góp phần… nuôi sống chợ.

Xem thêm:   Bacharach & Todd

Chợ nhỏ truyền thống ở Berlin bán nhiều mặt hàng hữu cơ được khách hàng tin tưởng. Hàng được đưa đến từ các nhà vườn, nông trại có chứng nhận. Gần đây, người bán hàng không chỉ mỗi người Đức mà còn nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Việt Nam định cư ở Đức lâu năm tham gia. Họ cũng góp phần mình lưu giữ văn hóa truyền thống cho nước Đức. Thật tuyệt vời khi có những cái chợ nhỏ như thế này vẫn tồn tại qua rất nhiều năm.

Chợ nhỏ ở Antonplatz vẫn họp trong mùa Đông băng giá

Bài & ảnh LKD