Trước đây, Hà Nội trong tôi là những mường tượng về bức tranh “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…” Cái không gian thơ mộng trong thi ca, trong những tiểu thuyết lãng mạn tiền chiến đã bị biến đổi đi rất nhiều. Hà Nội giờ đây với những thay đổi pha tạp, trộn lẫn giữa cũ và mới. Nhưng đâu đó, lẫn trong những tàn cây, bóng quế, vẫn còn những hình bóng cũ đọng lại. Tôi gọi đây là những “Góc khuất”, bởi nó chẳng phải là một phần của lối sống trẻ trung,  mà có khi quái gở một cách hoang dại hay “culture lập dị” cho cái gọi là sáng tạo. Nó tự thể chỉ là một “Vive la différence” của sự “Khác biệt muôn năm” vậy.

goc-khuat

Tác giả, tạo dáng kiểu “Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở!”

Cà phê Nhà sàn, có cả chút bừa bộn. Có sắp đặt mà không quá sắp đặt. Từ bộ bàn ghế có từ thời bao cấp, dàn băng cối rè rịch, những chiếc máy ảnh cơ được bỏ lăn lóc đầy chủ ý trên kệ trên những chiếc bàn cà phê. Chính giữa là chiếc cub cánh én thanh nhã xa xưa đặt song song với chiếc Honda 67 một thời trứ danh. Có lẽ, đấy không phải là một Hà Nội mà tôi hình dung. Yên tĩnh và khó tìm. Đây không phải là một chốn ồn ào mặt phố, cũng chẳng nằm trong những con ngõ ngập bông giấy và ban công hoa của khu phố Pháp thơ mộng. Nó chật vật nằm khuất nẻo trong một không gian cuối ngõ, một địa chỉ mà có ghi ra giấy cũng khó tìm.

goc-khuat6

Trai trẻ Hà thành với những hình ảnh đói khổ của thời bao cấp hay sự xô bồ của thời kỳ mở cửa, giờ chỉ còn là những chương sách cũ. Chẳng ai có thể nghĩ đến những quán cà phê của đám sinh viên kiến trúc với những chiếc áo t-shirt “phông đầu lâu”, những quán cà phê phờ phạc khói trong không gian heavy metal của những metallica thời xưa. Dù là một danh hài đất Bắc hay một sao nhạc Rock quá cố của Hà thành thì cũng đã từng trưởng thành từ một không gian nghịch dị thế này.
Trong ảnh là một cậu trẻ Hà thành tóc rối, khuyên tai, phả khói Bồ đà. “Funk style” đúng chất!

goc-khuat5

Chừng như cái thế giới này được giấu biệt ở đâu đó thật khó thấy trong một không gian công cộng ở Hà Nội. Trên chiếc bàn cà phê được làm từ thùng trống cũ. Gác bên cạnh là cái điếu cày đặc trưng của Bắc Bộ. Chếch mé sau lưng là tiếng guitar rời rạc, dưới lầu là một cậu bồi trẻ, nói theo lóng thời đại là “đẹp trai nhưng hai phai” vừa đem cho tôi ấm trà Ấn Độ ấm mùi quế và hương hồi. Giới trẻ nơi này không mang màu sắc dân chơi đốt tiền ở những quán bar, sàn nhảy huyên náo, mà ở đây đôi khi là những phong cách có thể bị mang tiếng là lập dị. Thế nhưng cái riêng lại rất được tôn trọng ở một nơi chốn lẩn khuất này.

goc-khuat4

goc-khuat7

Tóc vàng, khuyên tai lệch, dáng “cào cào”… một motif phá vỡ những gì mà tôi hình dung về một cái đất Hà Nội đầy thủ cựu.

“Những ánh mắt đăm chiêu thả vào cõi hư vô” của những chàng trai tập tành khói Trịnh. Tôi cũng có thể bắt gặp những phiên bản nhái với mái tóc dài lỗi mốt, cặp kính cận và cũng cái nhìn “nghiêng nghiêng mơ thoảng”. Thật ngạc nhiên là ở xó xỉnh nào thì cũng luôn xuất hiện vài tay khách Tây, có lẽ cũng thuộc loại sục sạo khắp Hà Nội. Cái chốn hiếm có này thì dường như chỉ phù hợp với đám trẻ, sinh viên thích xông xáo. Lớp người già “trầm ngâm câm lặng chờ sổ hưu” lại không thuộc về những khung hình hoài cổ này.

goc-khuat2

Quán café Cuối Ngõ này thực chất không phải là cuối ngõ mà chỉ bước vài bước nữa là ra bãi tha ma của làng. Nó chìm sâu trong một không gian làng cũ mà giờ dần bị chèn ép bởi những khuôn nhà bê tông liền kề. Tường vách lở loang được lấp đầy bởi những khung họa vô danh hay những bức ảnh đen/trắng mà tác giả là một tay chủ quán trẻ, dân học “nhiếp ảnh rớt” của trường mỹ thuật. Hồi đầu mở quán vẫn là những rượu Sán Nùng, Anh Đào rẻ tiền để những khách trẻ phê lên là ôm cây đàn guitar mà du ca. Giờ đây, hàng tuần lại hồi sinh “Đêm thứ Sáu” của nhạc Trịnh chỉ thuần guitar và saxophone cổ điển.
Nền nhạc Khánh Ly rền rã Đại bác ru đêm. Không gian như chìm vào cái phông màu vàng vọt của những ngọn đèn tù mù. Mấy cái chum đất nung với những nhánh Oải hương lay động lại lãng mạn hóa đi nhiều cái trù mật của một không gian tĩnh vật. Chụp không flash, tôi chỉ muốn ghi lại trong những bức ảnh của mình sự trung thực của một thứ sắc màu hoài cổ.

goc-khuat3

Vừa vào sân gửi xe, là đọc ngay cái câu trên tấm bảng đen phấn trắng này: “Ở Cuối Ngõ. Hãy nói nhỏ” Bên trong quán, cũng vẫn tiếp tục vài lời chủ ý rằng ngoài “Nói nhỏ” thì cũng phải “Nói sạch” luôn cho toàn tập!

goc-khuat1

Ngay trong những không gian tách biệt này, vẫn tìm thấy hơi hướm của những tay theo chủ nghĩa hướng nội, hàng giờ ngồi click chuột định giang sơn. Nếu Sài Gòn ồn ào xô bồ với chuyện “mần ăn” và không chịu “ở không”, thì Hà Nội cái sự “ở không” lại được duy trì như một sự an nhiên vốn đã vậy, một mâu thuẫn nghịch lý với cái đất kinh kỳ này nơi nuôi dưỡng cái chất thơ và cả sự trì trệ bao đời.

goc-khuat10

Ở Cuối Ngõ, lại gặp hình ảnh đời thường danh họa Bùi Xuân Phái. Nếu như Paris có Les Deux Magots và Café de Flore, thì Hà Nội cũng không thiếu những không gian cà phê hiện sinh mà những Trịnh, những Bùi, những Văn, … có thể thư thả như Albert Camus hay Sartre tịch mịch bên khung cửa sổ hoài vãng, cứ thế mà tư lự với cuộc đời! Haha!

goc-khuat9

Những cánh cửa đã lâu không được đánh vẹc ni. Vách tường vôi vữa loang lổ màu. Nếu ai hỏi tôi, tại sao Hà Nội lại thích màu xanh rêu thì đó chính là màu của thời gian. Với lữ khách phương Tây, thì đây là một trải nghiệm thực sự nghịch đảo những khái niệm về quán cà phê như Starbucks của Mỹ hay một không gian Phục Hưng của Café Italia. Ở đây, sự khác màu có lẽ là những con ngõ nhỏ ngột ngạt trong tiếng quạt trần ẩm thấp của xứ nhiệt đới.

goc-khuat8ĐMH