Cũng là chó nhưng chó bên Tây sao mà “quý tộc” còn chó bên mình…khổ như chó vậy không biết!

Chó thả rông trên đường phố ở Hội An, Quảng Nam    

Sướng như chó Tây

Trước kia, con chó tôi nuôi bị đánh bả chết. Con gái tôi, học lớp tám, tiếc thương khóc suốt một tuần! Nay cô ta gần bốn mươi tuổi, định cư bên Ðức hơn 5 năm rồi. Khi sang bên ấy thăm chơi có lần tôi hỏi vì sao con không nuôi chó cho vui nhà vui cửa. Cổ trả lời là…không kham nổi với một thành viên…không biết nói lại nhiều nhu cầu mình phải…bó tay hàng! Nhất là thời gian chăm sóc và kể cả khả năng tài chính!

Dù vậy, nhiều người già xứ Tây thường nuôi chó làm bầu bạn…Nghe nói bên Mỹ có hơn 45% số nhà nuôi chó với gần 80 triệu con!

Tuy nhiên có “Những con chó nguy hiểm” như Pit Bull, giống chó Staffordshire…bị cấm vào nước Ðức. Chó nhập cảnh vào Ðức phải được tiêm phòng. Kiểm tra tiêu chuẩn máu kèm theo giấy chứng nhận.

Muốn có một “thành viên bốn chân” mang từ các trại động vật về nhà bạn phải trải qua nhiều… thủ tục giấy tờ rồi trả lệ phí nhận nuôi, nộp thuế nuôi chó hằng năm, mua bảo hiểm trách nhiệm cho chó…Cũng có một thị trường chợ đen thú cưng (chó, mèo) rao bán trên mạng hoặc vùng biên giới với Ðức nhưng lớ ngớ, lạng quạng là “tiền mất tật mang” vì giấy tờ, hồ sơ tiêm phòng…không đáng tin cậy. Rồi còn những đòi hỏi nghiêm ngặt khác khi nuôi chó cưng như đăng bộ với bác sĩ thú y tại địa phương, khi nó “trái nắng trở trời” phải đi bác sĩ hoặc cấp cứu…

Ta nói vô cùng… oải! Nhưng thích nuôi thú cưng, làm bạn với nó thì phải chấp nhận tốn kém, khó khăn kể cả…vất vả phục vụ nó! Chi phí bảo hiểm sức khỏe cho chó cưng ở Ðức tối thiểu 250 euro/năm!

Chó đi tàu điện ở Berlin

Chỉ có Tây mới chơi nổi! Siêu thị mini của con gái tôi có một cô khách hàng người Mỹ (có chồng người Ðức) rất thân thiết. Hôm nọ, cô ta vào mua một lọ mật ong 10 euro nói là về khuấy với sữa cho chó cưng uống vì nó đau bụng! Bẵng đi hơn một tháng cô ta mới quay lại với lý do rất…chảnh là chó cưng của cô ta chưa đến được Hawaii nên vừa rồi nghỉ hè phải đưa Lotta (tên chó cưng) đến…cho nó biết!?

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Một đôi vợ chồng ở cạnh nhà con gái tôi khi đi du lịch có thuê người đến trông coi, chăm sóc chó, dắt chó đi dạo khi họ vắng nhà.

Bà Julia Klockner, Bộ trưởng Nông nghiệp Ðức cho rằng: “Chó không phải là đồ chơi để âu yếm. Chúng cũng có nhu cầu riêng của chúng và những nhu cầu sẽ được tôn trọng”. Nghe mà phát sốc!

Chó Tây được phép vào công viên, không cần phải xích khác với chó Ta. Chó Tây được đi xe buýt, tàu điện nhưng có nơi phải mua vé. Trên những chuyến tàu điện ở Berlin, tôi thường thấy chủ nhân của chó dẫn nó lên tàu. Họ thường chọn chỗ rộng rãi và vỗ nhè nhẹ lên đầu là chó cưng lẳng lặng cụp đuôi, nằm xuống, mắt ngước nhìn chung quanh rất thân thiện. Tuyệt không nghe tiếng gầm gừ hoặc sủa… Có người dùng rọ mõm chó với dây dắt ngắn, có người chỉ dùng dây dắt chó tự động (dây tự kéo dài và thu lại) đi lại trên đường phố.

Tôi thường thấy mỗi sáng ở Berlin, nhiều ông bà già hoặc các cô gái, chàng trai dẫn chó…đi vệ sinh. Họ dẫn chó bằng dây dắt tự động và trong túi lúc nào cũng có sẵn bao nilon màu đen. Chó cứ đi quanh quẩn, đi tới quay lui khi…chọn chỗ vừa ý thì…ị. Và chủ nhân của nó sẽ dùng bao nilon hốt gọn.

Chó được ăn ngon, ăn sang, được tắm rửa, tỉa lông sạch sẽ, được ẵm bồng đi phố. Chó ị mà chủ không dọn sẽ bị phạt nặng. Bên Ðức người ta hạn chế bóp còi xe thì chó dường như cũng… hạn chế sủa! Rất hiếm khi nghe được tiếng chó sủa, tiếng gà gáy với tiếng còi xe hơi.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Khổ như chó Ta

Chị Dậu, nhân vật trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, phải rứt ruột bán con và đàn chó mới đẻ cho vợ chồng lão Nghị Quế để lấy hai đồng nộp sưu; Cậu Vàng, một con chó, thành viên trong gia đình lão Hạc (Truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao). Lão phải bán cậu Vàng bị cái sự nghèo khổ dồn đến bước đường cùng. Số phận của những con chó Ta trong văn chương ra đến đời thường không lẽ nó…khổ tận cam lai?

Nuôi chó mà làm phiền hàng xóm là chuyện không hiếm! Cứ mỗi sáng sớm thả chó ra cho nó…đi vệ sinh. Bạ đâu gài “mìn” đó rồi chạy về nhà. Có người ráng nhịn dọn xúc nhưng lâu ngày đổ bực rồi lời qua tiếng lại. Thậm chí có người đặt bả, dùng cây đánh chó…cho chừa cái tội…ị bậy. Mắc lòng nhau, mất đoàn kết cũng vì…chó! Thả chó ị trong xóm sợ… phiền bèn dắt chó ra đường… cho thông thoáng. Ðợi nó gài “mìn” xong là đuổi về! Gốc cây xanh, chân cột điện là…nhà vệ sinh công cộng cho chó. Môi trường phố phường vì thế mà ô nhiễm. Chưa hết, nhiều người còn dắt chó đến công viên. Không phải dắt chó dạo chơi mà xem công viên như… nơi chứa chất thải của…chó cưng!

Tôi ở gần Công viên 29/3, quận Thanh Khê, TP. Ðà Nẵng. Mỗi sáng sớm đi bộ tập thể dục thường thấy nhiều người dắt chó theo luôn thể cho nó…đi vệ sinh! Phải chi hốt phân của chó mình vừa thải ra như bên Tây còn đỡ. Họ chỉ có …đánh bài lơ! Người ta kêu quá, ban quản lý công viên phải dựng bảng cấm chó!

Nước uống cho chó khi chủ vào siêu thị

Thỉnh thoảng trên đường quốc lộ ta bắt gặp những người chạy xe máy, phía sau yên xe cột cái lồng sắt…thu mua chó! Có cả xe tải hạng nặng chở chó xuôi ngược, cung cấp cho thị trường tiêu thụ ở các tỉnh, thành. Cộng thêm nguồn thịt cung ứng cho các quán “cờ tây” do những “cẩu tặc” chuyên đi bắt chó bằng các hình thức đánh bả, chích điện…

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Chó thả rông, không được rọ mõm, thè lưỡi chạy đầy kiệt hẻm, đường làng, ngõ xóm gây tai nạn giao thông cho người lái xe… Xe bắt chó chạy rông ngoài đường chỉ có ở đâu chớ thành phố nơi tôi ở không thấy. Nước VN có 7 triệu con chó nhưng mới chỉ có 40% con được tiêm phòng. Người bị chó cắn chủ quan cũng không tiêm vaccine phòng. Trong 10 năm qua, mỗi năm có từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Nay nói nuôi chó giữ nhà, phòng, chống trộm “xưa rồi Diễm”! Trong kiệt, hẻm từ nông thôn đến thành thị camera an ninh rải đều. Nay người ta chuộng nuôi chó cảnh, chó cưng, nhân giống chó bán bạc triệu. Cửa hàng bán thức ăn, đồ dùng cho chó cưng cũng nhiều, cả trên các mạng xã hội. Chó cảnh, chó cưng dạo này có giá, có người chăm sóc, bồng ẵm, mặc áo, thắt nơ cho chó! Thỉnh thoảng trên đường phố, nhiều cô cậu sang chảnh chở chó cưng trên xe hơi, xe máy dạo phố; có dịch vụ cho thuê chó cảnh để khách du lịch được chụp ảnh chung…

Trước đây người ăn thịt chó rất nhiều, nay cũng có giảm bớt. Sài Gòn, Hà Nội…kêu gọi không ăn thịt chó nhưng kết quả…thì chưa như mong đợi!

Mong sao chó Ta đổi đời để đừng phải than: đời chó… đen như mõm chó!

Bảng cấm chó vào công viên

Bài & hình LKD

Đính chánh

Trong đoạn cuối bài “Phố Tàu” Đà Nẵng của tác giả Lê Kung Diễm, đã đăng: “Đà Nẵng đang tiêu điều, xơ xác nên…chưa biết nó sẽ đi đâu, về đâu!”

Xin đính chánh: “Cảnh tượng các khách sạn, nhà hàng ở “Phố Tàu” của Đà Nẵng đang tiêu điều, xơ xác nên… chưa biết nó sẽ đi đâu, về đâu!”

Xin cáo lỗi cùng quý độc giả và anh Lê Kung Diễm về sự sơ sót này.