Đi xe ôm buổi sáng đầu tiên

1

Tôi có hai buổi sáng đi xe ôm ở Kuta – Bali. Háo hức nơi đất lạ, tôi thức dậy từ rất sớm, bắt chiếc xe ôm, khám phá nơi mình vừa đến.

Chương trình của chúng tôi qua ba nơi là Kuta, Ubud và đảo Nusa Penida. Nhìn trên bản đồ, những nơi tôi qua chỉ là một phần nhỏ của đảo có diện tích 5,780 km2, một trong số hơn 17,000 hòn đảo trong quần đảo Indonesia. Nơi cư ngụ của đa số người theo Hindu giáo tại Indonesia.

Sáng đầu tiên chỉ là những “bước dọ dẫm”. Tôi mới đến đây chiều tối hôm trước, mọi thứ vẫn còn là ẩn số.

Tôi đã có kinh nghiệm đi xe ôm ở vài nước Ðông Nam Á, an tâm nhất nhờ nhân viên khách sạn giới thiệu cho mình một tài xế xe ôm, biết tiếng Anh, tin tưởng họ sẽ giới thiệu một “bác tài” có uy tín. Tài xế xe ôm cũng hiểu trách nhiệm của họ vì là chỗ làm ăn với nhau. Thêm nữa, cần dặn nhân viên lễ tân là mình đi đâu, thuộc đoàn nào, những thông tin cần thiết tối thiểu, lấy cái danh thiếp của khách sạn bỏ vào túi…

Bán hoa cúng

Sudeo là tên của cậu xe ôm, tôi hỏi sau khi chào xã giao. Cảm nhận đầu tiên cái mũ bảo hiểm cậu đưa cho tôi là loại an toàn, phẩm chất tốt. Không như ở Việt Nam, những chiếc mũ bảo hiểm mà tài xế xe ôm đưa cho khách thường là loại kém phẩm chất, kiểu đội cho có, không phải để bảo vệ cái đầu mà là đối phó với công an thì đúng hơn. Cảm nhận thứ hai là đường phố ở đây sạch sẽ, hầu như không thấy rác. Xe máy luôn dừng đèn đỏ trong vạch quy định, ngay hàng thẳng lối. Một điều căn bản của luật giao thông nhưng ở các thành phố của Việt Nam, xe máy dừng chờ đèn đỏ thường không đúng quy định, so le, không trật tự.

Câu chuyện giữa chúng tôi khá vui vẻ vì thái độ mến khách của Sudeo. Biết tâm lý khách muốn chụp hình kỷ niệm, thỉnh thoảng sắp đến hay ngang qua một điểm nào đó đẹp, đặc biệt, Sudeo hỏi tôi có muốn dừng lại chụp hình không, cậu ta sẽ chụp cho tôi vài tấm.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

Với yêu cầu đi một vòng Kuta, Sudeo đưa tôi khắp các con đường, dừng lại nơi nào đó khi tôi ngỏ ý muốn chụp hình, và dừng hơi lâu ở biển cho tôi ngắm cảnh. Hôm ấy có hoạt động gì đó của một đoàn thanh niên trên biển trông nhộn nhịp, vui mắt.

Chợ cá

Trước mỗi nhà đều có dựng cây nêu (tiếng bản ngữ là penjor) làm từ thân tre đổ ngọn cong cũng là điều gây ấn tượng cho khách.

Vẻ chờ khách của Sudeo trông nhàn nhã khiến tôi thấy thoải mái. Quan trọng là giá không mắc so với nếu tôi đi xe ôm ở Việt Nam vì đây còn là địa điểm du lịch nổi tiếng.

Sáng ngày thứ hai, tôi thuê xe ôm với yêu cầu đến một làng chài và ghé lại chợ nào đó cho tôi mua trái sầu riêng. Cậu xe ôm tên là Ipung, 26 tuổi. Ipung tìm trên Google một loạt làng chài và hỏi tôi muốn đến đâu. Tôi chọn Kedonganan là nơi gần nhất, cách khách sạn tôi ở khoảng 6.5km. Ipung thuộc tuýp người khéo gợi chuyện nên thật thú vị khi nghe cậu giới thiệu những nơi đã đi qua, gợi ý tôi chụp hình cảnh nào…

Cảnh dừng xe chờ đèn đỏ thường thấy ở Việt Nam

Làng chài nằm cạnh phi trường Ngurah Rai. Ở đây có một chợ hải sản lớn trong nhà và một chợ cá ngoài trời.

Cũng như mọi làng chài tôi từng đi qua. Lúc tôi đến, bến cá vắng hoe vì cá đã đưa vào chợ hết rồi. Ipung chỉ mấy người phụ nữ đội thau cá thu (hay cá ngừ, bò gì đó) cho tôi chụp hình. Rồi cậu đưa tay hướng về phía xa, lờ mờ trong sương mù, có một cái tượng nổi trên nền trời và nói là tượng Garuda Wisnu Kancara, kiểu như một landmark của Bali.

Tôi đi ra cầu cảng dừng lại nói chuyện với một người câu cá. Anh ta hỏi tôi từ đâu tới, tôi nói từ Việt Nam. “Nơi nào ở Việt Nam?”, anh ta hỏi tiếp. Tôi trả lời cho qua chuyện và thật ngạc nhiên khi anh ta bảo đã nghe tên Sài Gòn từ trước năm 1975. Sau đó anh ta khoe là đã đi gần như khắp Việt Nam rồi: Nha Trang, Huế, Hội An, Hạ Long…

Đội thau cá vào chợ

Một vài chiếc ghe vào bến, trong bờ xôn xao. Cảnh tượng quá quen thuộc với tôi khi có “thâm niên” nhiều năm lang thang các làng chài. Người gánh nước, những khuôn mặt không buồn không vui nhìn ra biển… Hình như đang mùa cá nục, tôi thấy bán nhiều ở chợ cá bên ngoài. Cảnh mua bán, trả giá, chọn lựa không khác gì chợ cá ở Việt Nam.

Xem thêm:   Dubai

Chợ hải sản Kedonganan khá lớn, nằm phía bên trong. Kiểu như chợ đầu mối. Tôi bước vào và thấy đầy đủ các sản vật của biển: tôm, cua, mực, các loại cá lớn… Người mua kẻ bán bận rộn. Hình ảnh tương phản khi bên cạnh những nhộn nhịp bán mua là khách du lịch thong thả dạo bến cá.

Có một chi tiết khá dễ thương là khi về khách sạn, tôi hỏi xin cậu lễ tân một chai nước. Cậu điện thoại cho một người mang ra và cậu đưa cho tôi bằng hai tay cùng nụ cười thật tươi. Cách làm du lịch của họ khiến du khách thấy thật dễ chịu.

Garuda Wisnu Kancara

2

Ðang mùa sầu riêng các nước khu vực Ðông Nam Á, tôi đọc một bản tin trên báo như thế. Quyết tâm của chúng tôi phải ăn cho bằng được sầu riêng Bali. Bạn  tôi ở Indonesia kể chuyện trên Facebook rằng, cô và chồng đi Bali trước đó, thuê xe máy giong ruổi khắp các nẻo đường và thấy sầu riêng bán khắp nơi. Người ta bán trái chứ không bán ký. Một trái khoảng 50 ngàn Rupiah. Cô thích quá, có mấy ngày ăn sầu riêng thay cơm trưa.

Sầu riêng đầy chợ. Có hàng bán sầu riêng chung với quần áo. Tôi mua một trái giá 40 ngàn Rupiah sau khi nghe thách 50 ngàn và trả giá từ 30 rồi 35, cậu bán hàng dứt khoát phải 40 (khoảng gần 70 ngàn đồng Việt Nam). Với ý nghĩ là sẽ mang trái sầu riêng theo xe (chương trình hôm đó chúng tôi sẽ đi Bali Swing và Tegalalang), trưa dừng lại ăn cơm nơi nào đó, khui trái sầu riêng. Ðến lúc lên xe, tài xế dứt khoát không cho chúng tôi đem sầu riêng lên. Cuối cùng một người trong nhóm mang trái sầu riêng vào khách sạn, đặt trước cửa phòng của tôi.

Cây nêu trước một ngôi đền

Chiều về không thấy trái sầu riêng, tôi mới xuống lễ tân hỏi một cậu: “Sáng nay bạn cô mang một trái sầu riêng để trước cửa phòng, bây giờ không thấy, cô nghĩ có lẽ phục vụ cất nó đi rồi”.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Cậu lễ tân ngớ ra một chút rồi nói: “Ðể cháu hỏi rồi báo lại cô sau”.

Sau đó, đi ăn tối, lên phòng, tôi quên bẵng trái sầu riêng. Rồi có điện thoại, cậu lễ tân nói với tôi: “Trước hết cháu xin lỗi cô vì quy định khách sạn không cho mang sầu riêng vào, sau nữa, người phục vụ đã cất nó vào trong kho bên ngoài khách sạn, khi nào cô lấy, cháu sẽ báo với kho”.

Tôi nói: “Cô cũng xin lỗi cháu vì không biết quy định này. Khi nào cần lấy, cô nói trước”.

Trái sầu riêng không ngon bằng sầu riêng cơm vàng, hạt lép của Việt Nam nhưng tôi tin chắc chắn là sầu riêng sạch, không có thuốc thúc trái chín nhanh.

Phi trường quốc tế Ngurah Ra sát biển

Ghe ở Bali

3

Khi về đến Sài Gòn, tôi mang con mắt vừa từ Bali để so sánh tại sao đường phố xứ mình không sạch thì thấy ngay lý do chính là lá cây, bịch nylon, ly nhựa… tùm lum trên đường. Ở Bali không thấy bóng dáng nylon. Họ gói thức ăn bằng lá hay giấy. Dễ dàng gặp trên đường phố ở Bali những đồ cúng đặt dưới đất mà hoa để trong khay giấy, thức ăn trong miếng lá chuối…

Xứ mình đã đánh mất giá trị xưa bao nhiêu năm rồi? Cái thời xôi được gói bằng lá bàng hay lá chuối, lá sen…nắm hành ngò, ớt tỏi, con cá, mớ rau, tất thảy đều gói bằng lá chuối hay bằng giấy.

Bao giờ trở lại thói quen xưa?

Sầu riêng bán chung với quần áo

 

ĐTTT