“Trước khi quyết định nộp hồ sơ xin việc vào đây, có nhiều người quen biết, khuyên: “Đừng xin vào đó! Ở đó làm việc nặng lắm và còn phe cánh, bè phái nữa. Chiều thứ 7 rủ nhau đi nhậu, đi thì tốn tiền, không đi thì bị đì…”. Nghe nói, tôi cũng hơi dao động nhưng chẳng lẽ ăn không ngồi rồi! Thôi cứ nhắm mắt đưa chân và biết đâu, đó chỉ là những lời đồn đãi, chắc gì đã chính xác…”. Đó là những lời tâm sự của anh T. (một người xin ẩn danh), đã và đang làm ở Công ty BALON, một hãng chuyên sản xuất valves (van) sử dụng trong ngành dầu khí.

Công nhân Balon chụp hình lưu niệm với cầu thủ của đội bóng rổ Thunder. Photo: LVB/trẻ

Tên đầy đủ là BALON CORPORATION được thành lập từ năm 1965, đến nay đã sắp tròn 55 năm.

Thuở ban đầu, Balon chỉ là một mô hình sản xuất gia đình gồm vợ chồng, con cái tự thiết kế, sản xuất và mang đi chào hàng khắp nơi. Họ đến tận nơi khai thác dầu, gặp trực tiếp người đang sử dụng sản phẩm của mình để lắng nghe những góp ý của các kỹ sư cũng như người vận hành để hoàn thiện sản phẩm.

Theo thời gian, Balon đã chứng minh được rằng, bằng nỗ lực và sự quyết tâm đeo đuổi mục đích của mình, chắc chắn sẽ đạt được thành công. Với phương châm “Phẩm Chất sản phẩm tốt, Số lượng sản phẩm nhiều và An Toàn lao động”, Balon đã phát triển không ngừng.

Cho đến nay, Balon Corporation đã có một cơ ngơi mà ai nhìn vào cũng ao ước: Với 5 building (phân xưởng) sản xuất và gần 1,000 công nhân  (bao gồm người quản lý đến công nhân vận hành máy móc) và hằng năm số lượng van sản xuất ra nhiều nhất Hoa Kỳ.

Ông Phil Scaramucci, đồng chủ tịch công ty. Photo: LVB/trẻ

Từ sản phẩm nho nhỏ ban đầu, đến nay Balon đã làm ra những van dầu có đường kính 12 inch.

Ðiều đáng tự hào là tất cả van đều được sản xuất tại Oklahoma và dù có điều kiện nhưng Balon không hề có ý định xây dựng nhà máy ở nước ngoài để hưởng lợi thế về giá thành.

Nếu thuở ban đầu thị trường nhỏ hẹp thì  đến nay sản phẩm của Balon đã có mặt khắp nước Mỹ và trên thế giới, từ Canada đến Nga, Trung quốc, Trung Ðông và Ðông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.

Về lực lượng lao động, một điều khá đặc biệt là trong số gần 1,000 người làm việc tại Balon hiện nay có hơn 20 quốc tịch và nói chuyện bằng 40 ngôn ngữ khác nhau. Riêng số lượng lao động Việt Nam làm ở văn phòng và các phân xưởng chiếm khoảng 40%.

Ông Jay Scaramucci, đồng chủ tịch công ty. Photo: LVB/trẻ

Rất thú vị khi biết rằng, chỉ sau 9 năm thành lập, năm 1974, đã có người Việt Nam  vào làm việc tại Balon. Và càng thú vị hơn, đó lại là một phụ nữ: bà Liên Scott.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Tôi gặp ông Jay Scaramucci, một trong hai vị đồng chủ tịch công ty (người kia là anh ruột của ông: Phil Scaramucci) hôm đầu tháng 4/2019 tại buổi giao lưu hằng năm của Balon với đội bóng rổ Thunder. Ông vui vẻ cho tôi một cái hẹn vào tuần sau. Thế nhưng, mãi đến 4 tuần sau, ông mới sắp xếp được công việc để dành ra hơn 1 giờ đồng hồ để trò chuyện cùng tôi. Tác phong gần gũi, thân mật và khá vui tính, ông Jay  đã tạo ra một không khí cởi mở cho buổi trao đổi, trò chuyện.

Ông nói: “Balon Corporation phát triển được như hôm nay chính là nhờ sự cố gắng, chăm chỉ làm việc của tất cả mọi người, từ trên văn phòng xuống các phân xưởng; từ người quản lý đến từng công nhân trực tiếp đứng máy. Chúng tôi đánh giá cao và biết ơn những đóng góp đó”.

Khi tôi hỏi ông có nhận xét gì về người Việt Nam đang làm việc tại Balon, ông Jay nói một cách tự nhiên, dường như điều đó đã nằm trong suy nghĩ của ông từ lâu: “Người Việt thông minh, chăm chỉ và cầu tiến. Tôi đã chứng kiến nhiều người Việt Nam bền bỉ, kiên nhẫn tìm những cách thức làm việc tốt nhất cho công việc của mình. Người Việt quý trọng gia đình nên họ chịu khó làm việc để lo cho gia đình và giúp đỡ thân nhân còn ở Việt Nam. Tôi thực sự tôn trọng họ.”.

Một buổi liên hoan tại công ty. Photo: LVB/trẻ

Về những điểm người Việt cần sửa đổi, ông Jay hóm hỉnh nói: “Bà Tám – ông nói bằng tiếng Việt – tôi thật ngạc nhiên khi thấy nhiều người Việt cứ tụ tập vài ba người hoặc đang vận hành máy nhưng có ai đi qua cũng níu lại nói với nhau gì đó không biết nhưng thật hào hứng, rôm rả.

Tôi tìm hiểu mới biết đó là thói quen của không ít người Việt. Trao đổi với nhau về công việc, về cuộc sống thì tốt nhưng bàn tán chuyện người khác thì không nên chút nào!”.

Rồi ông trầm ngâm: “Một điều tôi lấy làm tiếc là người Việt chăm chỉ làm việc, lo cho con cái nhưng lại không kiên nhẫn học tiếng Anh. Họ hiểu việc không biết tiếng Anh là thiệt thòi nhưng lại không chịu học.

Biết tiếng Anh là điều kiện để thăng tiến trong công việc, có cơ hội thể hiện mình và nhất là bảo vệ mình. Tôi rất mong người Việt nói riêng và các dân tộc khác nói chung, một khi đã chọn Hoa Kỳ làm quê hương thứ hai thì nên cố gắng học tiếng Anh, càng giỏi càng tốt”.


Ông Jim Hader, quản lý phân xưởng có tỉ lệ người lao động Việt Nam nhiều nhất ở công ty Balon, nhìn nhận: “Tôi làm việc với công nhân Việt Nam đã được khoảng 40 năm. Điều tôi hài lòng nhất là họ làm việc rất kỷ luật, có nhiều sáng kiến, chăm chỉ và chịu khó tìm tòi, học hỏi.

Xem thêm:   Dubai

Tôi rất ngạc nhiên khi biết được, lúc còn ở Việt Nam, nhiều người đã làm những công việc hoàn toàn khác hẳn ở đây. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn, họ đã nắm vững và làm việc rất thành thạo chẳng khác gì người được đào tạo hẳn hoi. Trong công việc cũng như giao tiếp hằng ngày, người Việt có thói quen tôn trọng người lớn tuổi và người có chức vụ. Họ vẫn thường chào tôi: “Morning sir!”, “Thank you sir!”. Tôi thật sự không thích thế. Tôi muốn họ gọi tôi thân mật bằng tên hơn. Tôi rất vui khi được làm việc với họ.”


Quả thật, từ rất lâu, công ty Balon đã mở nhiều lớp học tiếng Anh, lớp luyện thi quốc tịch sau giờ làm việc; thậm chí, trong giai đoạn ít việc, công ty còn lấy thời gian làm việc để dạy tiếng Anh cho công nhân. Nhưng rất tiếc, số lượng công nhân theo học cứ rơi rụng dần.

Những người lao động ở công ty Balon luôn cảm kích cách chăm lo đời sống công nhân của công ty. Ngay trong thời điểm kinh tế hoàn cầu suy thoái (năm 2009) hay những năm 2015-2016, khai thác dầu bị đình trệ, công ty Balon vẫn giữ công nhân làm việc, thậm chí có người vẫn được làm thêm giờ mỗi tuần để có điều kiện lo cho gia đình. Rõ ràng, người lao động Việt Nam cũng như các dân tộc khác đang làm việc tại công ty Balon đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của công ty.


Hiển Trần, làm việc ở công ty Balon đã sang năm thứ 23, hiện đang làm supervisor, tâm sự: “Suốt thời gian dài làm việc tại đây, tôi cảm nhận được sự tốt bụng của những người chủ công ty. Họ không hề kỳ thị, họ luôn tỏ ra quý mến và tôn trọng công nhân, bất kể công nhân đó người nước nào.

Gia đình công nhân nào gặp chuyện không may, người ta thấy đích thân ông chủ xuống thăm, an ủi, khuyến khích. Đối với người Việt Nam làm việc tại công ty, ở văn phòng hay vận hành máy, các ông chủ luôn dành những tình cảm ưu ái vì người Việt làm việc rất tốt, siêng năng và ham học hỏi.

Ngược lại, người Việt một khi đã vào Balon làm việc thường gắn bó lâu dài với công ty. Nhiều người làm cho đến ngày nghỉ hưu, rất hiếm trường hợp bỏ việc nửa chừng. Balon quả là người đồng hành với người lao động Việt Nam sinh sống ở thành phố Oklahoma…”.


Nhiều gia đình có cả vợ chồng, con cháu đang là công nhân tại công ty. Họ chăm chỉ làm việc để nuôi dạy con cái ăn học, thành đạt và có một cuộc sống thực sự ổn định.

Ngoài tiền lương, hằng năm công ty Balon còn trích từ lợi nhuận của công ty để khen thưởng cho công nhân. Công ty còn có mục khen thưởng những người chuyên cần làm việc, có giá trị đến 3 tuần lương dành cho công nhân có số giờ công cao.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, công ty còn chú ý đến các hoạt động khác như họp mặt thân mật nhân những ngày lễ như Thanksgiving, Merry Christmas, tặng vé xem đội bóng rổ lừng danh Thunder thi đấu…


Chị Nguyễn Thị Kim Loan làm việc tại Balon đã được 15 năm, chị khẳng định: “Từ khi vào đây làm việc cho đến nay, tôi luôn hài lòng với công việc của mình. Từng ngày, từng tháng qua tôi chỉ có một tâm niệm là hãy cố gắng làm việc, sống hòa đồng vui vẻ với mọi người. Lúc mới vào làm, tất nhiên lương còn thấp nhưng theo thời gian, nếu làm tốt, sẽ được tăng lương đều.

Hiện nay thu nhập của tôi khá tốt, cuộc sống của gia đình tôi thoải mái và tôi có điều kiện để giúp đỡ người khác cũng như làm từ thiện. Tôi không phải lo lắng gì. Tôi  cầu mong hãng ngày một phát triển để công nhân như chúng tôi có công ăn việc làm, lo cho gia đình…”.


Có thể nói, công ty Balon là người bạn đồng hành của lao động Việt Nam ở thành phố Oklahoma nói riêng và các dân tộc khác đang sinh sống tại đây.

Trở lại câu chuyện của anh T. ở trên. Anh nói: “Năm nay là năm thứ 5 tôi làm việc ở Balon. Tôi cảm thấy mình đã may mắn và đúng đắn khi quyết định xin vào đây.

Một buổi liên hoan tại công ty. Photo: LVB/trẻ

Trong công việc, tôi nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của những người đi trước. Những lời đồn đãi ấy chẳng qua là do một vài cá nhân nào đó thôi. Trong thực tế, công ty cũng đã sa thải một số người. Việc giải quyết ấy nặng hay nhẹ là tùy cảm nhận của từng người nhưng theo tôi, nếu mình làm việc tích cực, tuân thủ nội quy của công ty thì chẳng bao giờ xảy ra chuyện như thế cả.

Ban điều hành và những người phụ trách nhân sự của công ty vẫn nhắc nhở, nếu thấy có chuyện gì đó không công bằng hoặc bị phân biệt đối xử cứ đến văn phòng báo cáo, sẽ có người giải quyết thoả đáng. Như vậy, chẳng có điều gì phải lo nghĩ cả…”.

Chúng tôi có dịp gặp một cô gái trẻ – Khổng Nguyễn Kim Phụng – mới “đầu quân” vào Balon chưa đầy 2 tháng. Cô khẳng định: “Em mới tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh. Em online hồ sơ và thật bất ngờ, được công ty Balon mời phỏng vấn, nhận vào làm đúng với ngành đã học. Em chưa có kinh nghiệm làm việc nhưng được công ty nhận đã tạo cho em một niềm tin vào khả năng của mình. Em nghĩ, mình sẽ gắn bó lâu dài với công ty…”.

Người Việt Nam sống với đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nên những người đã và đang làm việc tại Balon sẽ không bao giờ quên công ty, nơi đã dang tay đón nhận, cho họ công ăn việc làm để họ có được một cuộc sống ổn định nơi xứ người.

LVB

Chân thành cám ơn Mme Hồng Anh đã tận tình giúp đỡ tôi hoàn thành bài báo này.