Breslau (Wroclaw), thành phố lớn thứ tư của Ba Lan được mệnh danh là “Bông hoa của Châu Âu”, một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của đất nước. Ở đây có rất nhiều nhà thờ, nhiều ngôi nhà trong khu phố cổ độc đáo, nhất là Quảng trường chính, Breslau, với diện tích gần 3.8 héc-ta, đích đến hấp dẫn chờ khách du lịch khắp nơi khám phá…

Buổi sáng đầu tuần trên ‘phố đi bộ’ của Quảng trường chính      

Từ thị trấn về thành phố…

Một ngày cuối tháng 9/2023,  chúng tôi rời Berlin, sau một năm, nay trở lại Cộng hòa Ba Lan. Với chúng tôi, đây là một đất nước hiền hòa, tươi đẹp, đầy nét cổ kính. Nay là một quốc gia có nền kinh tế phát triển, một cường quốc trong khu vực Trung Âu. Sau đoạn đường dài hơn 200 cây số, chúng tôi ghé đến thị trấn Jelenia Góra, tỉnh Dolnoslaskie phía Tây Nam Ba Lan. Thị trấn quá yên bình, trời đang chớm thu, se lạnh. Chúng tôi đi dạo trên các con đường xanh cây lá quanh khách sạn… Quản lý, nhân viên khách sạn Palac Na Wodzie Emotion & Thermal SPA rất vui vẻ, thân thiện. Khách du lịch từ Đức, Séc đến khá đông. Hèn chi ngày 30/9, khách sạn đã không còn phòng trống! Có thể đây là điểm dừng chân của du khách trên hành trình đến với Breslau.

Một trung tâm thương mại về đêm ở thành phố Breslau

Điểm nổi bật của thành phố là Quảng trường chính, khu vực dành cho người đi bộ. Chung quanh Quảng trường là những tòa nhà cổ san sát, nhiều màu sắc. Và hàng trăm nhà hàng, quán bar, quán nước thu hút đông đảo khách không chỉ vào ngày cuối tuần mà hình như hầu hết các ngày trong tuần. Chúng tôi thường đến ăn uống, đi dạo quanh trong khu vực Quảng trường, phố đi bộ trong 3 ngày đầu tháng 10. Khách lũ lượt từ 9 giờ sáng kéo dài đến tận đêm khuya. Trước quán bán bánh mì nóng, một dòng dài du khách xếp hàng. Quán ăn Nhật cũng vậy…Quán thì nhỏ mà nhân viên đông, đến cả chục người. Số thì chế biến mì, số chế biến nước uống, số phục vụ cho khách mua mang đi, cho shipper… Món chính ở đây là mì sợi (bát mì có thịt bò băm nhỏ, bát mì có 2 con tôm to phết bột…). Tên quán Nhật mà không thấy người Nhật đâu. Hay đã nhượng quyền thương hiệu nên tất cả nhân viên, đứng bếp, quản lý đều là người Ba Lan … Điểm đặc biệt của quán là có mấy cô nhân viên … xinh đẹp thôi rồi luôn! Riêng có món ăn thì hơi mặn. Hôm trước đến một quán có tên Phở Việt cũng vậy, ăn không cần nêm xì dầu hoặc nước mắm. Giá cả các món ăn, thức uống ở Ba Lan là rất mềm so với giá bên Đức!

Tác giả trước Bảo tàng Quốc gia Breslau

Tôi như bị cuốn vào các tượng đồng đặt dưới đường. Trong và ngoài thành phố rải rác là các tượng đồng người lùn nhỏ nhắn, có kích thước chừng 20cm đến 30cm, xuất hiện rất nhiều trên phố đi bộ, trước các ngôi nhà, công viên và khá nhiều ở Quảng trường từ đầu năm 2000. Tượng người lùn với nhiều động tác, tư thế khác nhau bởi do nhiều nghệ sĩ sáng tác. Tượng người lùn chụp ảnh, đứng trên ống khói, khiêu vũ, đánh máy vi tính… Hầu như du khách nào trông thấy tượng cũng ngồi thụp xuống chụp ảnh bằng điện thoại. Nhìn khá vui mắt. Nghe đâu cả thành phố có đến 300 tượng đồng người lùn. Riêng tôi, chỉ “thu hoạch” đâu được vài chục bức ảnh tượng đồng người lùn từ công viên, trước khách sạn thẳng đường đến Quảng trường, phố đi bộ.

Xem thêm:   van Manen Anaïs Ca Dao

Năm 2001, kỷ niệm phong trào “Thay màu da cam”(một phong trào chống cộng Ba Lan) xuất hiện một tượng đồng lớn tên Papa. Sau đó xuất hiện tượng đồng người lùn ở nhiều nơi. Từng có đề nghị tạo ra một người lùn như là biểu tượng của thành phố. Hằng năm, vào tháng 9, ở đây có lễ hội Người lùn.

Tượng đồng người lùn ở Quảng trường chính

Bất ngờ di tích

Chúng tôi đi dạo sớm, dọc theo đường một công viên rộng uốn cong, cạnh dòng sông Oder đến Bảo tàng Quốc gia Breslau, Muzeum Narodowe. Độc đáo là lá cây xanh leo phủ gần kín chung quanh tòa nhà Bảo tàng, chỉ chừa lại các ô cửa sổ. Bảo tàng được thành lập ngày 28/3/1947. Ở đây lưu giữ những bộ sưu tập nghệ thuật từ thời Trung Cổ đến nghệ thuật đương đại lớn nhất Ba Lan. Chúng gồm gần 200 bức tranh, nghệ thuật điêu khắc, hội họa… Con rể của tôi, người Đức, là giáo viên dạy kinh tế – chính trị, tỏ ý không vui khi không vào được Bảo tàng. Lý do chúng tôi đến vào lúc Bảo tàng chưa mở cửa! Tuy nhiên, chếch một đoạn, đối diện với Bảo tàng, phía công viên Juliusz Slowacki, là một đài tưởng niệm, theo tôi lại rất “ấn tượng”, một cảm tưởng sâu sắc và  quý giá…bởi nó cho mình thêm sự hiểu biết! Đài tưởng niệm vụ thảm sát gần 22 nghìn binh sĩ Ba Lan tại khu rừng Katyn, vào năm 1940, trên lãnh thổ Liên Xô. Có rất nhiều đài tưởng niệm vụ thảm sát đã được dựng lên ở Anh, Nam Phi, Hoa Kỳ, Ukraine…

Tượng người lùn Papa

Tượng đài được làm bằng các khối đá granit màu xám. Trên bệ chính có tượng “Thiên thần chết chóc đen” dang rộng đôi cánh, hai tay chống một thanh kiếm có ngôi sao NKVD (chữ viết tắt của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, đơn vị trực tiếp thi hành quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô trong lĩnh vực an ninh, tình báo) trên chuôi kiếm. Dưới có tấm bảng ghi: “Mùa xuân năm 1940, theo lệnh của Stalin, 22 nghìn sĩ quan, cảnh sát Ba Lan và các tù nhân khác từ các trại Kozielsk, Ostaszkow và Starobielsk đã bị sát hại bằng một phát đạn vào sau đầu ở Katyn, Miednoye, Kharkov và ở những nơi không xác định của Liên Xô cũ. Để tưởng nhớ những người bị sát hại, tượng đài này được đồng bào thành lập theo sáng kiến của Hiệp hội “Gia đình Katyn Hạ Silesian”. Wroclaw, năm 1999”. Phía trước thiên thần, ở phía dưới, chính giữa là tượng bằng đồng “Katyn Pieta-Mẹ Tổ quốc”, với ánh mắt đau khổ tột cùng của bà trước thi thể đứa con trai hai tay bị trói ngoặt ra sau, bị bắn vào sau đầu.

Tượng đài xe lửa ở Breslau

Ngày 22/9/2000 Lễ khánh thành Đài tưởng niệm được tổ chức trước sự chứng kiến của gia đình những người bị sát hại và chính quyền Berslau, đại diện quân đội, cảnh sát, các cựu chiến binh Ba Lan. “Vụ thảm sát này là một bi kịch lớn nhất của dân tộc Ba Lan và Châu Âu trong thế kỷ XX, được thực hiện có kế hoạch theo chỉ đạo của Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô hồi tháng Ba năm đó” (Theo BBC). Tháng 11/2010, Quốc hội Nga đã chính thức thông qua một tuyên bố quy kết trách nhiệm cho Stalin và các viên chức Liên Xô khác đã đích thân ra lệnh cho vụ xử bắn. Trước đó, tháng 4/2010, Thủ tướng Nga Putin tuyên bố rằng vụ thảm sát Katyn là một “tội lỗi không thể biện minh bằng bất cứ cách nào”. Ông Putin cho rằng Stalin đã ra lệnh xử bắn như một cách để “trả thù cho 32 nghìn tù binh Hồng quân đã chết” đói khát, dịch bệnh trong những trại giam của Ba Lan trong cuộc chiến năm 1919-1921 (Theo Wikipedia).

Xem thêm:   Hạnh Châu

Với tôi, trở lại Ba Lan lần này lại có dịp hiểu thêm về một đất nước đang trên đường phát triển. Quốc gia đã trải qua nhiều biến cố đau thương trong Thế chiến thứ II và cuối những năm 1980, trước khi trở thành nước Cộng hòa Ba Lan. Chỉ với một thành phố như Breslau sôi động đã trở nên nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch, thật sự là một điểm đến thú vị.

Tượng đài tưởng niệm Katyn ở Breslau

LKD