1975-2025, năm mươi năm, đủ để băn khoăn khi lẩm nhẩm Bùi Giáng:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Thế hệ thứ nhất rời bỏ Việt Nam liệu ai cũng đều có cùng rung cảm với thi sĩ họ Bùi? Thế hệ 1.5, 2, rồi 3,… thì sao?
Trong hành trình đi tìm lời đáp, Hai Quê vui mừng gặp một người bạn trẻ thuộc thế hệ thứ ba, cô van Manen Anaïs Ca Dao. Không những sẵn lòng trả lời mà cô còn trả lời rất hồn nhiên, rất thật.
Phỏng vấn thực hiện qua e-mail, bằng Anh ngữ vì tuy nói và đọc tiếng Việt rất tốt, Anaïs Ca Dao thoải mái với tiếng Anh hơn. Bản dịch Việt ngữ đã được cô đọc lại trước khi gửi đăng.

Anaïs Ca Dao-Photo by Matbet-SG-03.2025
Hỏi: van Manen Anaïs Ca Dao, đây là một cái tên khá đặc biệt…
Đáp: Tên tôi chẳng giống ai nhưng tôi rất hãnh diện được mang đầy đủ tên họ này. Họ van Manen (chữ van không viết hoa) vì bà nội tôi là người Việt gốc Hoà Lan. Bố tôi mang họ mẹ vì ông bà nội tôi nghĩ rằng sinh con ở Việt Nam thời chiến, mang họ ngoại quốc dễ sống hơn. Anaïs là do khi mang thai, mẹ tôi xem phim Henry & June, phỏng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Anaïs Nin và đâm mê nhà văn Mỹ gốc nửa Pháp nửa Cuba này. Lúc bé, tôi khoái chí vì biết tên mình được lấy cảm hứng từ tên một nữ văn hào. Lớn lên, đọc Nin rồi tự hỏi không biết mẹ có đọc hết các sách của bà này chưa mà lại lấy tên bà để gọi con gái! Nin thuộc típ phụ nữ dám sống và dám viết. Toét toèn toẹt, toàn chuyện cấm trẻ con dưới 18 tuổi! Còn Ca Dao là vì ấu thời, mẹ tôi được bà nội, tức là bà cố của tôi dùng ca dao ru ngủ và dạy dỗ khiến mẹ lớn lên thuộc nhiều và yêu ca dao như yêu thương bà nội của mình.
Hỏi: Cô chào đời ở Pháp, năm lên ba theo cha mẹ trở về Việt Nam sinh sống, được gửi vào trường Colette học chương trình Tây, lấy tú tài xong lần lượt qua Singapore và trở qua Pháp theo học các ngành thiết kế đồ họa và nấu ăn. Ra trường, cô đi khắp nơi làm việc như một cố vấn ẩm thực, từ Paris đến London, Brussels, Bogota, Melbourne… cô có nhớ Việt Nam không?
Đáp: Lớn lên ở Việt Nam khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, tôi đã rất hiếu kỳ muốn hiểu biết thế giới bên ngoài. Thế là đi… để rồi nhớ. Năm 2023, tôi trở về với ý muốn ở lại lâu dài chứ không chỉ đi đi về về kiểu nghỉ hè như trước. Có một câu ca dao tôi rất thích: «Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.» Đi bao nhiêu dặm đường rồi tôi mới hiểu gần gũi gia đình là điều cần thiết và về Việt Nam được sống bên mẹ nên lòng tôi vui. Năng lượng nơi này thật không thể nào tưởng tượng được!

Kem ngò & sô-cô-la của Anaïs Ca Dao – Photo by Opla & Instagram A.C
Hỏi: Cố vấn ẩm thực. Nghề này có thể hơi xa lạ với một số độc giả. Xin cô giải thích một chút.
Đáp: Trước khi mở một nhà hàng thì việc nghĩ ra hướng đi và thiết kế thực đơn rất quan trọng. Tôi tìm kiếm concept, lên thực đơn sao cho phù hợp với địa phương, thực khách, giá cả, và phong cách mà người chủ nhà hàng mong muốn. Tôi nghĩ rằng một thực đơn hấp dẫn cần có hồn, các món ăn phải kể được một câu chuyện liền lạc và phong phú. Thực đơn phải có giá cả hợp tình hợp lý, khả thi so với không gian nhà bếp và ê-kíp đứng bếp nữa. Tôi rất thích suy nghĩ về những điều này cho các khách hàng của tôi. Và trong tương lai, tôi muốn trở thành chính khách hàng của mình.
Hỏi: Cô từng được tạp chí Elle ở Anh quốc vinh danh là Tài Năng Mới cho Elle List 2020. Họ dựa vào những điều gì để bình chọn?
Đáp: Chịu thua! Tôi là một người bị mắc hội chứng Imposter syndrome. Lúc nào cũng cảm thấy mình có được một thành tựu nào đó là nhờ may mắn mà thôi, mặc dù tôi làm việc không ngưng nghỉ.
Hỏi: Michelin hiện đã có mặt ở Việt Nam (từ tháng 12/2022). Cô nghĩ gì về điều này?
Đáp: Cách trao giải gây nhiều tranh cãi lắm. Tôi thấy họ chưa vào sâu mà hiện chỉ phơ phất trên bề mặt. Dù sao, tôi cũng chưa ở đây đủ lâu để có một nhận định chính xác về điều này.

Trứng dẻo trân châu ngâm tương -Canh bánh trôi – Photo by Opla & Instagram A.C
Hỏi: Trên trang Instagram lẫn website của mình, cô đăng ảnh các món ngon khắp nơi và nhiều công thức nấu ăn được viết bằng tiếng Anh nhưng người đọc thấy được tình yêu cô dành cho món ăn Việt Nam rất nồng nàn. Đôi khi không chỉ là một công thức mà là một rung động, một cảm nghĩ, một kỷ niệm được kể lại. Được nuôi lớn bằng cơm Việt Nam, đào tạo bài bản ở Pháp, xứ đứng nhất nhì thế giới về ẩm thực, làm việc ở những thành phố lớn của Châu Âu, từng sống ở Singapore, học hỏi bếp Trung Hoa, vốn cũng là một nền ẩm thực nặng ký, từng làm việc ở Colombia, tiếp xúc với ẩm thực Nam Mỹ, cô thích nhất nền ẩm thực nào?
Đáp: Thật khó chọn. Chúng ta sống trong một thời đại mà đầu óc liên tục bị thông tin và các mạng xã hội quay mòng mòng khiến tâm trí lúc nào cũng lo lắng, cảm thấy mình chưa biết đủ, chưa sống đủ… Thực tình mà nói, thức ăn mà tôi thích nhất là loại thức ăn khiến tôi ăn vào thấy thoải mái. Không cần phải gây ấn tượng. Chỉ cần nguyên liệu tươi ngon và kỹ thuật nấu nướng tốt. Một món ăn đẹp mắt không quan trọng bằng ngon miệng. Tôi thích Taberna ở Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha, nó giống kiểu la cà hàng quán ở Việt Nam. Tôi cũng thích ẩm thực Hàn quốc, có lẽ do mê phim Hàn…
Hỏi: Cũng trên trang Instagram của cô, người đọc bắt gặp những công thức rất lạ, ví dụ như cà lem rau răm, rau câu chanh xanh, …
Đáp: À, đó là vì tôi mê hột vịt lộn. Từng phần trứng khác biệt chấm vào muối tiêu chanh và rau răm sao mà ngon đến thế! Từ đó tôi chế ra kem rau răm để ăn kèm. Còn rau câu chanh xanh là để ăn với đồ biển cho… vui.
Hỏi: Ngoài các món ăn ngon, Việt Nam còn điều gì lôi cuốn cô?
Đáp: Nhiều lắm. Con người ở đây thật đặc biệt! Đầy sinh khí, bền bỉ, giỏi xoay sở. Ai cũng cố gắng làm ăn buôn bán cái gì đó để kiếm tiền. Một đất nước trẻ trung, nghe nói có tới 50% dân số dưới 30 tuổi! Không biết có đúng không…
Hỏi: Năm ngoái, cô được mời làm giám khảo cho cuộc thi Siêu Bánh ở Việt Nam, cô thích không?
Đáp: Vui lắm. Đem những show như vậy về Việt Nam thật tuyệt, nó kích thích học hỏi, giúp giới trẻ hiểu biết nhiều hơn về bếp núc và bánh trái.
Hỏi: Một kế hoạch cụ thể, một mơ ước cho chuyến về “tắm ao ta” này ?
Đáp: Tôi đang hoàn tất cuốn sách về ẩm thực Việt Nam. Trong ấy, tôi trình bày gần 500 món ăn và cả cách ăn của khắp các vùng miền. Tôi hy vọng độc giả hiểu thêm văn hóa và lịch sử Việt Nam thông qua các món ăn này. Thuở bé, tuy sống ở Việt Nam, tôi được bố mẹ gửi vào học trường Tây, chỉ chơi với bạn Tây nên cách suy nghĩ và ứng xử y như một trái chuối: mang thân xác da vàng mà đầu óc suy nghĩ như người da trắng. Khi về nhà thì lại ăn cơm Việt. Vì vậy tôi rất gắn bó với bếp Việt. Tôi nghĩ nhiều bạn đồng trang lứa, sống ở nước ngoài cũng là «trái chuối» giống tôi nên tôi viết cho những độc giả này. Việt Nam có tới 54 dân tộc thiểu số! Tất cả đều có những câu chuyện đáng được lưu giữ và chia sẻ. Tôi mày mò tìm hiểu, thám hiểm, thu thập… Mong muốn thắp sáng những nét đẹp này.
Kết: Cảm ơn Anaïs Ca Dao. Trả lời phỏng vấn tạp chí Whitelies Magazine về Identity, cô nói dù sinh trưởng ở Việt Nam, học tập ở Singapore và Pháp, làm việc ở Nam Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ…, cô không cảm thấy mình thuộc vào cộng đồng nào cả. Hy vọng lần trở về “ao nhà” này sẽ cho cô thật nhiều gắn bó để chúng ta có một câu trả lời khác.
HQ