Tôi không biết gì nhiều hơn về cô gái ấy, ngoài cái tên Hạnh Châu và một ít chi tiết mơ hồ khác.
Cuối năm bảy mươi lăm, Ngọc và Hải, hai người bạn dạy cùng trường rủ tôi ra đi bằng đường biển. Không chần chờ do dự, tôi nhận lời ngay. Tôi đã chán ngấy cái gọi là «chế độ mới» qua những ngày «học tập cải tạo tại chỗ», những cuộc thảo luận, buổi kiểm điểm… Tên cán bộ miền Bắc với mớ kiến thức về cuộc sống Sài Gòn trước kia – theo tôi nghĩ – có lẽ chỉ bằng cái nắm tay, cứ thao thao bất tuyệt hết ngày này qua ngày khác. Hắn gọi chúng tôi là những kẻ phục vụ cho «chế độ Mỹ-Ngụy», đã nhồi nhét vào đầu óc trong trắng của bao thế hệ học trò những nọc độc của «chủ nghĩa thực dân mới», đã thế này, đã thế nọ… Vậy sao? Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau. Họ buộc tội chúng tôi những gì chúng tôi đã bỏ biết bao tâm huyết, biết bao khó nhọc để suy nghĩ, tìm tòi, tra cứu. Họ xem chúng tôi là những kẻ phản quốc, và tất cả những bài viết, bài soạn mà chúng tôi đã đem hết tấm lòng ra giảng giải cho lũ học trò, bỗng chốc bị xếp ngang hàng với một mớ giấy lộn chứa đựng toàn những điều dối trá. Vậy sao? Luôn cả những khuôn vàng thước ngọc của bao bậc thày cô kính yêu mà chúng tôi đã ghi tạc từ tấm bé, tất cả, tất cả đều bị phủ nhận hay sao? Rồi những bản tự kiểm đầy dẫy bao chuyện bịa đặt mà chúng tôi phải nặn óc nghĩ ra để tự buộc tội mình, để khi đọc lên trước tổ, nhiều bạn nữ đồng nghiệp đã phải bật khóc… Chúng tôi phải tự hiểu rằng, để tiếp tục đứng trên bục giảng dưới «chế độ mới», không ít thì nhiều, chúng tôi bắt buộc phải nói dối, phải bóp méo, phải xuyên tạc; và không có gì đau lòng hơn khi các em học sinh ngây thơ vẫn tin tưởng đó chính là sự thật cần phải nghe theo và ghi nhớ nằm lòng… Không thể được! Tôi phải ra đi!
Ba chúng tôi rời Sài Gòn vào một buổi chiều thứ Bảy cuối tháng Mười Một. Chúng tôi được biết địa điểm tập trung là một bãi vắng tỉnh Bà Rịa, và chuyến đi sẽ gồm toàn giáo sư các trường trung học. Tất cả mọi chi tiết đều được tính toán kỹ lưỡng. Nhưng, chỉ do một sơ suất nhỏ của nhóm tổ chức, chúng tôi bị phát hiện và bị tóm gọn.
Ngọc và Hải ngồi cạnh tôi, im lặng. Cả phòng giam chật ních người, ngột ngạt cái không khí lo sợ. Không một lời trao đổi, không một tiếng thì thào. Mưa đập sàn sạt vào lớp mái tôn trên đầu. Chiếc va-li xách theo đã bị lấy mất, tôi ngồi co ro, ướt ngấm nhưng không còn hơi sức đâu để nghĩ đến việc cởi bỏ chiếc áo mưa sũng nước đang khoác trên người. Chúng sẽ làm gì tôi đây? Những hình ảnh kinh hoàng của cố đô Huế Tết Mậu Thân, những câu chuyện được nghe kể lại từ miệng đoàn người tản cư từ miền Trung vào, những tài liệu đọc được về cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, tất cả trộn lộn lại và diễn qua trí óc tôi như một đám tàn quân đang hoảng loạn chạy trốn…
– Anh này, và anh này nữa, đi theo tôi! Nhanh lên!

Bảo Huân
Tôi giật thót mình nhìn lên. Tên bộ đội trẻ, một tay lăm lăm súng, một tay cầm chiếc đèn pin, mình khoác tấm ni-lông sũng nước mưa đứng trước mặt tôi không biết từ bao giờ. Anh bạn kế bên miễn cưỡng nhỏm dậy. Hắn gọi tôi? Tôi quay tìm Ngọc và Hải cầu cứu. Những đôi mắt lúc này nói được bao nhiêu điều mà không một thứ ngôn từ nào có thể diễn tả nổi. Vĩnh biệt tụi mày nghe! Tao không ngờ đời tao lại ngắn ngủi đến thế! Nhưng khi đã liều mạng tham gia trò chơi thì cũng phải chấp nhận tất cả mọi kết cuộc, dù đó là cái kết cuộc tồi tệ nhất: cái chết! Và tao chẳng dám nguyền rủa, nhưng biết đâu, sau tao sẽ đến lượt tụi mày, và chính những kẻ chịu hình phạt cuối cùng lại là những người chịu thiệt thòi nhất, đón nhận sự trừng phạt với nỗi sợ hãi nhân lên gấp hai, gấp ba lần. Còn nếu tụi mày sống sót và trở về được Sài Gòn, nhớ tạt ngang nhà báo tin cho ba mẹ và lũ em tao một tiếng, và nếu…
– Anh kia! Có đứng lên không thì bảo!
Tiếng nói lạnh lẽo của thần chết đẩy tôi ra cửa. Chúng tôi lầm lũi bước tới trong cơn mưa. Tên bộ đội đi sau soi đèn pin chỉ hướng. Trong ánh đèn vàng vọt, từng giọt mưa lấp lánh phản chiếu như những hạt kim cương vô giá, nhưng chỉ được vài giây rồi vội vỡ tan vào lớp bùn đất lép nhép dưới chân. Tôi đoán đây có lẽ là một cái đồn cũ. Những hàng rào dây thép gai giăng kín hai bên lối đi. Thỉnh thoảng, một vỏ đạn đồng lóe lên dưới ánh đèn dẫn lối. Tôi không nhớ đã đổi hướng đi mấy lần. Nhớ để làm gì khi hướng nào cuối cùng cũng sẽ đưa tôi đến cái chết. Ánh đèn pin dừng lại trên một đống đồ vật vứt ngổn ngang.
– Ðứng lại! Mỗi anh chọn lấy một cái xẻng, nhanh lên!
Trời ơi! Hắn bắt chúng tôi phải đào huyệt tự chôn mình hay sao? Cái chết có thể ê chề, tàn khốc đến thế sao? Tôi vừa thất thểu đi vừa cầu nguyện, quên mất mình không theo đạo Thiên Chúa và cũng chưa hề một lần đặt chân vào chốn Phật đường. Tôi vội vã cầu cứu hai đấng tế nhân độ thế đó. Tôi thực sự lo sợ. Tôi hãi! Một ý nghĩ chợt loé lên: hai đứa tôi, mỗi đứa một xẻng, tại sao… Tôi liếc mắt nhìn về phía sau, tên bộ đội đứng xa chúng tôi đến gần ba thước, họng súng chĩa lăm lăm. Không kịp! Thôi thì đành nhắm mắt đưa chân! Chúng tôi lại tiếp tục bước đi, những bước chân mộng du trong mưa nhưng lại nặng chình chịch như đá tảng treo chân. Bỗng tên bộ đội ra hiệu cho chúng tôi dừng lại trước một dãy nhà ngang.
– Ở đây có một người vừa chết. Các anh vào đem xác cô ta đi chôn.
Vậy ra cái chết vừa đến với một kẻ khác, không phải tôi! Cái phần hồn ích kỷ trong tôi nhảy cỡn lên mừng rỡ như chưa từng bao giờ được hạnh phúc đến như thế! Thằng đốn mạt! Mày chưa chết, mày còn được sống, ít nhất là đến hết đêm nay.
Chúng tôi bước vào. Cũng chật người. Có thể đây là những người nữ đồng hành mà lẽ ra tôi đã quen biết, nếu như giờ này đang lênh đênh giữa biển. Trong góc phòng có tiếng gào khóc. Một người đàn bà đầu tóc rũ rượi ôm lấy xác một người đàn bà khác nức nở:
– Hạnh Châu ơi, sao em dại dột bỏ chị mà đi! Rồi đây chị biết ăn làm sao, nói làm sao với hai bác đây, Hạnh Châu ơi…
Một tấm khăn tay to phủ lên mặt xác chết. Tôi nhìn thấy mấy chữ thêu nổi N.T.H.C., Nguyễn Thị Hạnh Châu hay Ngô Trần Hạnh Châu? Nhưng, có còn ý nghĩa gì nữa hay không, khi cái tên ấy vừa bị xoá đi trên sổ bộ đời bằng một lằn gạch dài khắc nghiệt?
– Hai anh đưa xẻng đây cho tôi rồi khênh xác chết đi. Yêu cầu mọi người tránh chỗ cho chúng tôi thi hành nhiệm vụ!
Chúng tôi loay hoay với xác chết. Anh bạn tôi nắm hai tay, tôi nâng hai chân đã cứng và lạnh của cô gái lên. Người đàn bà bíu lấy tay tôi, gào to hơn. Vài tiếng thút thít quanh phòng phụ hoạ. Dẫu sao cũng là một kiếp người. Và khi người chết nằm xuống, xuôi tay nhắm mắt, đóng tất cả những ngoặc đơn ngoặc kép của cuộc đời mình lại bằng một dấu chấm to tướng, có lẽ chỉ còn những người sống, những kẻ ở lại ray rứt nhớ thương…
Chúng tôi dừng lại trước một cồn cát, sau khi đã bỏ lại sau lưng những hàng rào kẽm gai cuối cùng. Chiếc khăn tay bay mất từ lúc nào, nhưng ánh đèn pin yếu ớt không đủ để tôi thấy rõ mặt cô gái, mà tôi đoán hình như chưa quá ba mươi.Trải vội chiếc áo mưa đang khoác trên người xuống nền cát ẩm, tôi và anh bạn đặt xác cô gái lên rồi quấn lại gọn ghẽ. Chúng tôi bắt đầu công việc. Có lẽ suốt đời, tôi không thể nào quên được những cảm xúc hỗn độn và khó tả đã đến với tôi lúc ấy. Dầm mình trong mưa đêm để đào huyệt chôn người, một công việc mà nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có thể làm nổi! Cát ẩm nước nên chúng tôi không vất vả lâu. Cái lỗ huyệt méo mó, không đúng kích thước nhưng cũng đủ làm chiếc giường cuối cùng cho cô gái yên nghỉ. Chúng tôi đặt nhẹ cái xác bọc áo mưa ấy xuống huyệt rồi từ từ lấp cát. Thôi nhé Hạnh Châu, người bạn chưa có dịp quen biết, xin chào cô lần cuối cùng. Có lẽ khi còn sống, không khi nào cô nghĩ đến ngày cuộc đời mình sẽ kết thúc bằng một đám tang buồn thảm như thế này, không gia đình, người thân đưa tiễn, không kèn trống, không nhạc tây nhạc ta, không nến đèn hoa điếu, và không có cả đến chiếc áo quan! Nhưng thực ra, những thứ đó cần cho người sống hay cho người chết nhiều hơn?
Hơn một tháng bị giam, bị «học tập», chúng tôi được trả tự do sau khi nghe đầy hai tai những lời hăm doạ. Thời gian đó, «ủy ban quân quản» còn nhiều chuyện phải đối phó quá nên quên mất số phận của một đám người «liếm gót giày đế quốc, đất nước đã tự do thống nhất rồi mà còn có ý định bỏ trốn, lén lút ra đi», nên chúng tôi không bị kêu án tù lâu ngày như những năm sau này. Bình, tên bộ đội trẻ, vẫn tiếp tục canh gác chúng tôi. Qua một vài mẩu chuyện ngắn ngủi, tôi được biết hắn đã từng là sinh viên Hà Nội. Cuối năm bảy mươi tư, để có thật nhiều quân áp dụng cho chiến thuật biển người trong chiến dịch Hồ Chí Minh, một hôm, trong giờ học, bộ đội công an chặn hết các lối ra vào và lùa tất cả nam sinh viên có mặt hôm ấy ra thẳng quân trường, ấn cho họ một khẩu AK cùng vài kỹ thuật quân sự tối thiểu, rồi ném vội họ vào lò lửa chiến tranh. À, thì ra «bộ đội cụ Hồ» cũng đâu phải thuần những anh hùng yêu nước, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì lý tưởng, vì cách mạng cả đâu!
Trước ngày rời trại, tôi xin Bình ra thăm mộ Hạnh Châu. Hắn ngần ngừ một chút rồi đồng ý. Sau lớp vỏ bọc xanh rêu kia, may mắn vẫn còn một mảnh tim người!
Cũng như tôi, có lẽ Bình đã nghe loáng thoáng đâu đó những mẩu tin vụn vặt về Hạnh Châu lọt được từ trại giam nữ qua. Cô gái, trước kia từng là giáo sư trường nữ trung học Trưng Vương, không hiểu vì lý do gì, đã tự kết liễu đời mình bằng mấy viên thuốc độc khi vừa bị bắt giam. Tông tích của người con gái yểu mệnh – mà tôi cũng chưa biết đủ cả họ tên – thật mơ hồ và cũng thật giản dị… Mãi tôi mới tìm được mộ. Ðống cát chúng tôi vun cao làm dấu đã bị mưa gió đánh bạt thành một mô đất nhỏ nằm trơ trọi giữa trời nắng cháy.
Nhìn quanh, tôi tìm được một tấm ván cũ và một lô đá to nhỏ đủ cỡ. Tôi xếp đá quanh mộ để giữ cát, lấy miếng mảnh chai khắc bốn ký tự N.T.H.C. lên tấm ván rồi cắm xuống ngôi mộ mà tôi cũng không còn nhớ đâu là đầu, đâu là chân. Tôi biết chuyện của mình làm thật vô ích trước sức tàn phá của thiên nhiên, nhưng lương tâm có những lý lẽ riêng của nó. Nếu một ngày nào đó, thân nhân của Hạnh Châu may mắn tìm được nơi này trước khi mọi dấu tích biến mất, ít ra công của tôi cũng không phải là công cốc. Ở dưới mấy thước cát, lúc này thân xác cô có lẽ đã rữa nát cùng với sự huỷ hoại của sâu bọ, nước rút và ánh nắng mặt trời. Những chiếc áo quan kiên cố kia còn bất lực, huống hồ gì một tấm áo mưa cũ kỹ.
Sau khi xong việc, tôi đứng lặng hồi lâu, như cố thu vào trí nhớ khung cảnh trước mắt. Biển rì rào ngoài xa, xanh biếc. Gió cát lồng lộng nghiêng ngả vài ba cây phi lao gầy. Ở dưới kia, Hạnh Châu, hay những phần còn lại của cô gái có tên Hạnh Châu, vùi sâu trong cát. Tôi đứng trên này, với tâm trạng hoang mang trước một tương lai vô định. Ðằng xa là Bình, kẻ thù, người anh em, người dưng, đồng bào, kẻ chiến thắng, hay cũng như Hạnh Châu, như tôi, là nạn nhân của một thời nhiễu nhương điên đảo?
Trở về Sài Gòn, tôi không được tiếp tục đi dạy vì một lý do rất chính đáng: không đủ tư cách để đứng trên bục giảng xã hội chủ nghĩa. Tôi lang thang hơn một tháng trời, cuối cùng quyết định thuê một chiếc xích-lô đạp. Hoàn cảnh gia đình không cho phép tôi thực hiện ý định ra đi của mình thêm một lần nữa. Còn phải lo cho tương lai của các em. Số vốn liếng ba mẹ bỏ ra cho tôi ăn học và đóng góp vào lần đi trước đã quá nhiều rồi, tôi không được quyền đòi hỏi hơn nữa. Ngọc, Hải và tôi đành chia tay nhau ở ngã ba đường. Mỗi đứa rồi rẽ theo một hướng. Ngọc bỏ Sài Gòn, về dưới quê Cần Thơ, bẵng một thời gian, nghe phong thanh nó đã qua tới Mỹ. Hải lận đận ra tù vào khám mấy lần, và chuyến tàu cuối cùng của Hải được ghi nhận mất tích. Cái tên cũng là định mệnh, và mỗi đứa đã được vạch cho sẵn một số phận riêng. Tôi có bi quan, triết lý vụn quá không?
Ngày đầu tiên trong nghề đạp xích-lô, mẹ tôi khóc muốn hết nước mắt khi thấy thằng con trai lớn về nhà mệt nhoài, đen nhẻm bụi bặm. Nhưng rồi những khó khăn ban đầu cũng qua đi, tôi lại đâm yêu cái nghề mới, cũng còn là có chút ít tự do giữa một cuộc sống càng lúc càng nhiều bó buộc, cấm đoán. Sài Gòn trước kia, đối với tôi chỉ là căn nhà, ngôi trường và những con đường nối liền hai cái mốc điểm đó. Xa hơn một chút là nhà mấy thằng bạn, vài quán cà-phê, vài rạp ciné quen thuộc… Bây giờ Sài Gòn mở rộng hơn nhiều, nghề nghiệp bắt tôi phải thuộc nằm lòng từng con đường một chiều, từng bồn binh ba ngã năm ngã, tên những cơ quan, công sở, chùa chiền, nhà thờ, rạp hát… Và những khi đạp xe qua một nơi nào đó, tôi lại vận dụng trò chơi trí óc để thử tìm xem nơi ấy hôm nay đã có những điểm nào khác hơn so với hôm qua, tuần trước, tháng trước. Những con người tôi quen biết cũng nhiều thêm, và thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi: một chị bán cơm tấm, một anh hạ sĩ quan «đổi đời» ngồi vá bánh xe đầu đường, một bà cụ đi lễ chùa hàng tuần, mấy em bé đi học xe tháng… Thỉnh thoảng, tôi có gặp lại mấy đứa học trò cũ, thày trò nhìn nhau cảm động đôi khi muốn nghẹn lời. “Thời đã thế, thế thời phải thế”, các em có hiểu không? Học trò của tôi, có đứa còn tiếp tục đi học, có đứa nghỉ ở nhà buôn bán làm ăn, mánh mung chợ trời, có đứa vượt biển đến nơi, có đứa bị hải tặc hãm hiếp rồi đâm ra lẩn thẩn.
Nếu không có cái ngày ba mươi tháng Tư khốn nạn ấy, có lẽ số phận thày trò chúng tôi đâu đến nỗi trôi giạt, lận đận như vầy. Nhưng người Pháp có câu “Với chữ NẾU, người ta có thể bỏ cả Ba Lê vào một cái chai” kia mà! Bị cuốn vào cơn lốc lịch sử, những con người bình thường, nhỏ bé như chúng tôi đành phải chấp nhận làm chứng nhân của lịch sử vậy!
Qua khách đi xe, tôi biết được đủ thứ chuyện trên trời dưới biển mà mấy tờ báo Tin Sáng hay Sài Gòn Giải Phóng không khi nào đăng tải. Quả là trường đời cũng dạy cho tôi biết khôn hơn một chút, khi gặp một tên công an giao thông, hay khi người khách đang ngồi chễm chệ trước mắt tôi là một vị «nón cối». Nhưng, với gần như bất cứ một người khách nào có khuôn mặt và bộ dạng Sài Gòn, trong câu chuyện bông lơn từ nơi đi tới điểm đến, tôi không quên gợi hỏi về Hạnh Châu.
Không biết từ khi nào, tôi đã tự đặt cho mình cái trách nhiệm phải tìm cho ra thân nhân của Hạnh Châu để báo tin và chỉ rõ nơi chôn cất, dù hiểu rằng mình là người đem tin dữ. Ðôi lần, tôi gặp một vài cô học trò mang phù hiệu Trưng Vương đi xe, hỏi thăm thì có cô trả lời ngay là không biết hoặc chỉ nghe tên mà chưa có dịp học, có cô e dè nhìn tôi rồi không tiếp tục câu chuyện còn đang bỏ dở. Tôi cũng hiểu và dừng ở đó. Xã hội này, ai cũng phải lo thủ lấy thân, “tai vách mạch rừng”mà! Tin đồn về những vụ bắt bớ phản động này nọ cứ truyền miệng từ hết người này qua người khác, có tin vịt, có thổi phồng, bóp méo, nhưng cũng có những vụ gây chấn động dư luận, như vụ nhà thờ thánh Vinh Sơn chẳng hạn, mà ngay cả báo chí, TV, radio cũng phải đề cập đến. Tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng cùng nhiều thứ tự do khác chỉ là một thứ đồ trang sức cho chế độ, đánh lên nghe kêu boong boong nhưng thật sự lại rỗng ruột. Riết rồi tôi cũng mắc tính ngại hỏi, ngại nói.
Ðôi khi, cái tên Hạnh Châu chợt bật ra trong óc, tôi lại kiếm cớ để dò hỏi khách đi xe, để rồi lại nhận được một cái lắc đầu dứt khoát hay miễn cưỡng. Nhưng tôi vẫn tin tưởng việc mình làm rồi sẽ có kết quả. Tôi vẫn hy vọng. Tôi không thể nào quên được câu nói của thày Nhân dạy giảng văn năm tôi học đệ tam, mà tôi đã lấy làm câu tâm niệm của đời mình: «Các anh các chị còn sống là phải còn hy vọng, người sống mà mất hy vọng chẳng khác nào một xác chết biết đi». Vâng, thưa thày, con còn sống, còn chờ, và còn hy vọng…

Bảo Huân
o O o
Tôi đợi mãi tin tức của Hạnh Châu.
Hơn bốn năm qua, kể từ ngày em tôi ra đi, không một bức thư, không một tấm ảnh hay một chi tiết rõ ràng nào chứng tỏ em tôi còn sống, nhưng cũng chưa có một dấu hiệu nào cho thấy em tôi đã chết cả. Ðã mấy lần tôi gạn hỏi chị Bảo, người đi cùng với em tôi chuyến đó, thì đều được trả lời là ra đến bãi, súng nổ, mọi người chạy tán loạn, chị em lạc nhau, rồi đến khi vào tù thì không thấy Hạnh Châu đâu nữa. Chị Bảo đoán em tôi đã trốn được và sau đó lẻn ra tàu lớn ra đi. Nhưng sao không có tin gì cả? Mấy người bạn thân của Hạnh Châu cũng chẳng biết gì hơn tôi, còn hai ông anh ở ngoại quốc cứ viết thư về mập mờ, đại khái Hạnh Châu vẫn khoẻ, nhưng không tiện liên lạc về nhà… Thầy tôi lo buồn, mợ tôi mỗi tối tụng kinh đều cầu xin Trời Phật phù hộ độ trì cho cô con gái út. Riêng tôi cứ đặt hết giả thuyết này đến giả thuyết khác về sự «biến mất» kỳ lạ của Hạnh Châu. Có thể em tôi bị đạn lạc hay sa chân ngã xuống biển. Cũng có thể em tôi dạt vào một đảo hoang rồi chết dần chết mòn ở đó, hay, vốn dĩ yếu chịu cảm xúc mạnh, em tôi đã mất trí… Toàn là tai hoạ! Tôi cũng nghĩ đến chuyện Hạnh Châu sợ gia đình bị liên lụy, nhưng có thiếu gì cách để nhắn tin, một chữ ký thêm vào cuối bức thư của các anh tôi, một bức điện tín với vài tiếng lóng mà chị em tôi vẫn dùng để trêu chọc nhau lúc bé, chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho tôi yên tâm về sự hiện hữu của Hạnh Châu, đằng này…
Chồng tôi đã được trả tự do sau hơn hai năm lao lực trong trại «học tập cải tạo», một cái tên gọi khá thanh tao dành cho các trại giam tù chính trị, đảng phái, binh sĩ chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Là bác sĩ quân y, chồng tôi được thả sớm, được lưu dụng vì bác sĩ ngoài Bắc vào, trong rừng ra kiến thức kém, gây nhiều tai tiếng quá! Và không riêng gì giới y sĩ, những người được gọi là «khoa học kỹ thuật» cũng được nhà nước miễn cưỡng trả tự do để vắt cho kiệt chút chất xám còn lại vào công cuộc «xây dựng chủ nghĩa xã hội». Chồng tôi gầy và đen hơn trước nhiều, tóc lại bạc quá nửa dù chỉ mới ngoài bốn mươi. Mỗi ngày anh phải dùng xe đạp đi về hơn ba mươi cây số để đến làm việc ở một trạm xá ngoài ngoại ô. Anh ít nói, ít cười hơn xưa, khuôn mặt thường đăm chiêu, tư lự, nhưng tôi biết, dưới cái bề ngoài nhẫn nhục chịu đựng ấy, lúc nào cũng âm ỷ những dòng dung nham nóng bỏng… Các con tôi vẫn tiếp tục học hành, và như bao trẻ nhỏ khác, chúng cũng vào đội thiếu niên tiền phong, quàng khăn đỏ, được chọn là «thiếu niên tiên tiến», «cháu ngoan Bác Hồ». Chúng tôi không cấm đoán, cũng không khuyến khích, cố không gây cho chúng một mặc cảm hay một thiên kiến nào. Chỉ vài năm nữa thôi, khi đã đủ lớn khôn để nhận rõ bản chất của chế độ, chúng sẽ tự chọn hướng đi riêng, và mong sao sẽ không phải là con đường một chiều chật hẹp mà người ta đang nhử chúng vào.
Tôi có chân trong một tổ hợp đan len, công việc phù hợp với thói quen thích tỉ mỉ vốn có và cũng cho phép tôi có thì giờ lo công việc nhà, lo cho chồng, cho con. Lương tháng của hai vợ chồng cộng lại không đủ tiền chợ ba tuần lễ, dù chúng tôi đã chắt bóp, tiết kiệm đủ đường. Những thứ chúng tôi sắm được xưa kia cứ theo nhau lần lượt ra đi. Ðầu tiên là chiếc xe hơi, rồi đến máy giặt, tủ lạnh, ti-vi, cát-xét, cuối cùng là lũ chén đĩa kiểu, ly tách pha lê. Căn nhà trống rỗng và cuộc sống cũng mất dần ý nghĩa… Thầy mợ tôi, trái lại, vẫn yên hưởng tuổi già bên mảnh vườn nhỏ ở ngoại ô. Các anh tôi thỉnh thoảng gửi tiền về để hai cụ tiêu pha. Phần gia đình tôi, đôi khi cũng nhận được chút «viện trợ». Các ông ấy ở xa, không thể nào hiểu nổi chuyện lương tháng của công nhân viên là ba ngàn, trong khi một ký gạo giá ba chục. Có lẽ các ông ấy nghĩ chúng tôi lười, chỉ biết ngửa tay há miệng chờ tiền kẻ khác, nên những món tiền năm thì mười thuở ấy càng lúc càng thưa, càng lúc càng ít đi. Tôi cũng chẳng mong đợi gì nhiều hơn, có thêm chút nào thì ơn các anh tôi chút ấy, không có thì đành cố mà thắt lưng buộc bụng vậy.
Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi qua. Nhưng sự bặt tin của Hạnh Châu lúc nào cũng ám ảnh tâm trí tôi. Thỉnh thoảng tôi mơ gặp lại Hạnh Châu, hai chị em vẫn tíu tít như xưa, như không hề có sự ra đi của Hạnh Châu. Và, không lần nào tôi nhớ để hỏi trong mơ những câu hỏi mà đôi lúc rảnh rỗi, chúng lại quẩn quanh hiện ra trong trí. Giữa những giấc mơ, Hạnh Châu vẫn là hình ảnh cũ, đẹp và hồn nhiên với tiếng cười trong vắt. Em gái tôi một thời đã là đầu đề cho biết bao bài thơ của các cô nữ sinh Trưng Vương thích mơ mộng, thế mà Hạnh Châu vẫn chưa yêu ai cả. Tôi còn nhớ một lần, em tôi vừa về đến nhà là oà khóc. Một tên cán bộ nào đó đã sỉ nhục em tôi. Hắn theo ve vãn Hạnh Châu trong giờ thảo luận, bị từ chối khéo, hắn đốp thẳng:
– Lúc trước cô ngủ với cả chục thằng Mỹ, bây giờ còn ra dáng, làm bộ làm tịch!
Một tháng sau, Hạnh Châu thu xếp ít quần áo, chào thầy mợ, ôm tôi nghẹn ngào rồi lặng lẽ ra đi. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng được ôm đứa em gái xinh đẹp vào lòng, được dỗ dành an ủi và được vuốt khẽ mái tóc dài lúc nào cũng thơm sạch. Em tôi biến khỏi cuộc đời này tựa một làn khói mỏng tan nhanh trong trời gió…
Một tuần nay, có đến hai sự kiện liên quan đến Hạnh Châu khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Sáng Chủ Nhật lên thăm thầy mợ, nói chuyện chỉ mới qua loa được vài câu, mợ vội kéo tôi ra vườn. Mợ kể, mới hôm rằm, một bà bạn ở chùa vô tình thuật với mọi người câu chuyện nghe kể lại trên xe buýt về một ngôi mộ hoang trên bãi biển Bà Rịa nổi tiếng linh thiêng, nghe đồn là của một cô gái chết oan. Không ai biết tên họ cô ta cả, chỉ thấy có tấm ván mục khắc bốn chữ tắt N.T.H.C. cắm trên mộ mà thôi. Mới đầu mợ tôi chỉ nghe để mà nghe, như đã từng nghe nhiều câu chuyện đầu cua tai nheo mà những bà già đi chùa lượm lặt được ở khắp nơi, nhưng về đến nhà, không hiểu sao câu chuyện vặt ấy cứ ám lấy cụ. Phải rồi, N.T.H.C., sao giống hệt tên em tôi, Nguyễn Trần Hạnh Châu… Mợ tôi chợt lặng đi. Tôi biết cụ đang khóc. Lúc Hạnh Châu xin ra đi, mợ tôi cố ngăn cản, nhưng thầy tôi, yêu con một cách khác, quyết định:
– Con đã muốn, bà cứ để cho nó đi. Con nó lớn rồi, đủ ý thức được chuyện nó làm, vả lại, nó đi cùng gia đình chị Bảo, như chỗ người nhà, bà còn phải lo lắng làm gì nữa!
Nhưng mợ tôi làm sao mà không lo cho được. Thầy tôi nói cứng như thế, nhưng từ khi bặt tin con, tôi thấy thầy thở dài nhiều hơn, và đôi lúc ngồi trầm ngâm cả tiếng đồng hồ bên tách trà nguội lạnh… Dẫu chỉ là một tin đồn nghe được, và bốn chữ tắt N.T.H.C. đâu phải chỉ mỗi em tôi mới có, nhưng sao tôi cứ bồn chồn trong dạ. Tôi chạy vội lên chị Bảo kể lại câu chuyện thì chị ngập ngừng rồi nói cũng đã nghe qua, nhưng thấy thiếu chính xác nên không dám báo cho gia đình tôi biết, chỉ sợ các cụ thêm buồn phiền, đâm ra đau yếu.
Hôm qua, tình cờ tôi trông thấy Minh Thu ngoài chợ Bến Thành. Lâu ngày không gặp, hai chị em mừng rỡ kéo nhau vào một quán chè bên hông chợ, vừa thưởng thức ly đậu đỏ bánh lọt vừa trò chuyện. Minh Thu trước kia dạy cùng trường, cùng bộ môn Sử-Ðịa với Hạnh Châu, và còn tiếp tục dạy cho đến cuối năm ngoái, khi gia đình có giấy xuất cảnh. Bố Minh Thu làm việc trong bộ ngoại giao, kẹt lại Pháp khi Sài Gòn mất, đứng ra làm đơn bảo lãnh cho gia đình. Từ khi có xuất cảnh, Minh Thu bị buộc phải thôi việc, cậu em trai cũng không được quyền thi đại học, nhưng hai chị em không lấy thế làm buồn phiền, trái lại, tận dụng thì giờ trong khi chờ đợi để học ngoại ngữ và một số nghề tay trái khác như làm bánh, may thêu, kế toán và điện tử. Nhìn Minh Thu cười nói huyên thuyên, tôi vừa mừng cho Thu, vừa thương cho số phần long đong của em mình… Rồi như chợt nhớ ra điều gì, Minh Thu lay khẽ tay tôi:
– Chị ơi, chút xíu nữa là em quên mất tiêu! Em có chuyện này ngộ lắm. Cách đây chừng hơn một tháng, có một con bé học trò tới nhà thăm. Nó kể, có lần gặp anh chàng đạp xích-lô hỏi thăm nó về Hạnh Châu, nhưng ớn anh chàng kia là công an chìm nên nó đành giả tảng không biết chi hết. Em cũng lấy làm lạ, vì thân với Châu bao nhiêu năm, có bao giờ nghe nó nói có bồ hay bạn trai gì đâu. Chị có đoán chừng là ai không?
Tôi ngẩn ra. Ai vậy kìa? Ai mà lại muốn gặp Hạnh Châu? Hay là một người quen biết Hạnh Châu đang tìm cách liên lạc với gia đình tôi để báo tin. Tin lành? Tin dữ? Nhưng mà… ai? Tôi chịu, đầu óc cứ rối lên. Trước khi chia tay, tôi cũng kể sơ cho Minh Thu nghe câu chuyện về ngôi mộ vô danh với bốn chữ viết tắt, và không quên dặn, hễ có tin tức nào mới về Hạnh Châu, phải lập tức cho tôi biết ngay. Minh Thu hứa liên hồi và liến thoắng gửi lời thăm gia đình tôi. Cô ta bao giờ cũng thế, chuyện gì cũng nhanh nhẩu nhận lời, nhưng lại có tật mau quên. Nhưng dù sao, qua Minh Thu, tôi cũng biết được rằng ở cái đất Sài Gòn này, hiện đang có một người – không biết lạ hay quen – đang đi tìm Hạnh Châu. Nhưng làm sao tôi có thể gặp được người đó? Sài Gòn này có vô khối thanh niên đạp xích-lô, và tôi lại năm thì mười hoạ mới có dịp gọi xích-lô để chở một bao gạo hay mấy thứ cồng kềnh, lỉnh kỉnh khác lên nhà thầy mợ. Nhưng tôi nghĩ, mình ăn hiền ở lành, thành tâm chí nguyện, thế nào cũng có ngày gặp được người ơn. Và từ nay, tôi sẽ cố để tâm chỉ gọi những thanh niên trai tráng đạp xích-lô, biết đâu sẽ có ngày gặp được người tôi đang tìm kiếm.
Tôi phải biết cho kỳ được số phận của Hạnh Châu.
CN