Anh tài xế Grab taxi chở chúng tôi từ Terengganu đến biên giới Sungai Golok (giữa bang Kelantan của Malaysia và tỉnh Narathiwat, Thái Lan), thật dễ thương. 121 km, với giá 257 RM tương đương 60 đô Mỹ. Chúng tôi đưa 300 RM (Ringgit Malaysia) và nói không phải trả lại tiền thừa. Tôi khó diễn tả gương mặt với vẻ bất ngờ và bối rối, lúng túng của anh chàng. Sau đó chúng tôi cùng cười vui. Chụp tấm hình kỷ niệm. Những người Mã Lai mà chúng tôi gặp từ Kuala Lumpur đến Kelantan đều dễ thương, vui vẻ, tử tế.

Biên giới bên phía Mã Lai       

Con sông Golok là biên giới tự nhiên giữa hai nước. Cây cầu Sungai Golok do chính phủ hai nước hợp tác xây dựng năm 1973.

Chúng tôi mất hơn một giờ cho việc nhập cảnh. Nhóm bốn người Việt Nam, hai người sổ thông hành Ðan Mạch và Mỹ, hai người sổ thông hành Việt Nam.

Ðầu tiên là điền vào tờ khai. Ðến lượt tôi và cô bạn đồng hành với sổ thông hành Việt Nam được mời tách ra, vào một phòng làm việc khu vực bên trong, có hai anh nhân viên đang ngồi.

Tôi hơi bị bất ngờ trong tình huống này khi hai người sổ thông hành Ðan Mạch và Mỹ đi qua một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, vài giây trấn tĩnh lại tôi cảm thấy thú vị, để xem sao. Nghịch cảnh luôn là chất liệu quý trong cuộc đời cũng như biến cố luôn là đòn bẩy vậy!

Anh nhân viên sau khi coi tờ khai, sổ thông hành hỏi tôi sẽ ở đâu tại Bangkok và trả lại tôi tờ khai bảo điền địa chỉ ở Bangkok.

Tôi trả lời là tôi chưa đặt khách sạn vì còn qua mấy tỉnh nữa của Thái Lan, tùy thích ở lâu hay đi mau, khi gần đến Bangkok tôi mới đặt khách sạn.

Cảnh trên đường

Anh ta bảo nếu không có địa chỉ nơi đến tại Bangkok, tôi không được “entry” (tôi dùng lại từ này của anh ta).

Anh ta nói thêm, tôi có thể điền bất cứ địa chỉ khách sạn nào mà tôi biết. Tôi hỏi lại lần nữa cho chắc ăn. Mở ứng dụng Traveloka, tôi chọn một khách sạn và điền vào.

Sau đó là quét vân tay và cộp cái dấu. Thở phào!

Ðến phiên cô bạn đồng hành được anh ta hỏi nhiều câu rất bâng quơ:

– Vào Thái Lan mấy lần?

– Bốn lần.

Cầu biên giới

– Tại sao từ HCM vào Bangkok gần vậy mà đi lối này cho xa xôi?

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

– Ði du lịch xem đường này có gì vui không?

– Vậy thấy vui không?

– Quá vui.

….

Nghe kể lại, tôi kết luận: “Chắc thấy em xinh nên anh ta hỏi nhiều”. Hãy cứ nghĩ vậy cho nhẹ nhàng chuyến đi, dù trong bụng có nhiều câu hỏi tại sao.

Biên giới nắng rát da, chói mắt.

Khu vực nhập cảnh. Chúng tôi được mời vào bên trong

Tôi hỏi thăm chỗ đổi tiền. Anh chàng ngồi trực chỉ vòng vo, phải đi xe ôm ra cổng khoảng  cây số, đến đèn giao thông, rẽ trái, rồi rẽ phải có chỗ đổi tiền.

Loằng ngoằng quá, cuối cùng chúng tôi được một cô nhân viên hướng dẫn rõ ràng hơn là ngay tại cửa khẩu không có taxi, chỉ có xe máy chở khách. Muốn đi đổi tiền phải bắt xe ôm.

Chúng tôi nhờ cô ấy có thể tìm giúp một chiếc xe đến thành phố Songkhla. Cô ấy gợi ý chúng tôi nên đến Hat Yai vui hơn, lớn hơn thành phố Songkhla, cũng tương đương quãng đường (khoảng 260km) với giá 4300 Baht. Chúng tôi đồng ý ngay tắp lự vì khi ấy quá ngán việc phải thuê xe máy, hành lý lích kích ra bên ngoài nắng nóng mới có taxi.

Chào tạm biệt, cô nhân viên mang ra cho chúng tôi mỗi người một chai nước. Ðang khát, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Thật cám ơn.

Trước khi đi, chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần là vùng miền Nam Thái Lan đã từng có những bất ổn trong quá khứ gần. Cụm ba tỉnh miền này là Pattani, Yala và Narathiwat ít có tuyến đường du lịch.

“Nhiều vụ bạo động, bom nổ, giết người gây nên thảm họa cho ngành du lịch ở đây. Nhiều nước phương Tây có yêu cầu công dân của họ không nên đến phía Nam này” – Một thông tin trên Internet.

Nhiều những nhà thờ Hồi Giáo như thế này

Và cũng thật dễ dàng tìm đọc những tin tức về bạo loạn miền Nam Thái Lan trong quá khứ. “Vùng bạo loạn là nơi đa số cư dân lại là thiểu số Hồi giáo trên đất nước Phật giáo. Người Hồi giáo nơi đây vẫn thường than phiền là bị chính phủ trung ương kỳ thị… Khu vực ba tỉnh này từng là một tiểu vương quốc Hồi giáo cho đến khi bị chính phủ Thái Lan sáp nhập vào đầu thế kỷ 20. Sự hiện diện đông đảo của lực lượng an ninh không ngăn chận được tình trạng bạo động gây tổn thất sinh mạng cho cả phía người theo Phật giáo lẫn Hồi giáo.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Trong tháng Giêng 2004, tình hình khu vực miền Nam Thái Lan căng thẳng hẳn lên sau một loạt những vụ tấn công vào các cơ sở là biểu tượng của chính quyền Trung ương như trường công, đồn bót cảnh sát, thậm chí cả doanh trại quân đội. Trong bối cảnh đó, các sự kiện liên tiếp nhắm vào tu sĩ Phật giáo tại vùng đông dân Hồi Giáo này đã khiến giới quan sát lo ngại là tinh thần hận thù tôn giáo có thể bị kích động thêm khiến cho tình hình tại miền Nam Thái Lan thêm bất ổn định…”

Gần nhất, một bản tin ngày 22/11/2022:

“Trước đó vào ngày 17.8, tờ Bangkok Post đưa tin các vụ đánh bom và đốt phá xảy ra tại ít nhất 17 địa điểm ở miền Nam Thái Lan khiến ít nhất 7 người bị thương, dường như là những vụ tấn công hàng loạt có sự phối hợp. Các vụ tấn công đó nhằm vào những cửa hàng tiện ích và trạm xăng bắt đầu vào tối 16.8 và tiếp diễn đến rạng sáng hôm sau tại 3 tỉnh Yala, Narathiwat và Pattani, gây thiệt hại đáng kể.”

Đường từ biên giới đến Hat Yai

Thế nhưng, trái ngược với những lo lắng khi đọc các thông tin trên, đoạn đường từ biên giới về Hat Yai khá bình yên.

Những đền thờ Hồi giáo lớn, đẹp ở hai bên đường đang vào giờ lễ đông đúc người và xe, phụ nữ với trang phục Hồi giáo truyền thống, những khu chợ… mang dáng dấp một vùng đất của cư dân Hồi giáo rất rõ nét.

Hy vọng sự nỗ lực hợp tác giữa hai chính phủ sẽ đưa đến ổn định trong vùng, phát triển du lịch. Và tôi thật sự  thú vị khi nhìn những tấm bảng chỉ đường đi về các địa điểm gọi là “nóng” trong quá khứ như Pattani, Yala, Narathiwat…

Chỉ hiềm một nỗi, tay tài xế chở chúng tôi hôm đó không nói được tiếng Anh.

Anh ta trông rất hiền lành và tử tế. “Ông nói gà, bà nói vịt”, tôi cảm nhận rất rõ vẻ áy náy của anh ta vì không chia sẻ được cho khách những địa phương vừa đi qua có những đặc điểm gì, những cảnh quan đặc biệt gặp trên đường…

Có lẽ để bù lại thiếu sót này, thấy tôi ngồi phía trước, chốc chốc lại giơ máy hình lên và bấm; thỉnh thoảng anh ta lại cho phun nước, quay cần gạt rửa kính xe để tôi chụp hình. Tôi quay sang giơ ngón tay cái. Cả hai chúng tôi cười vang  khiến nhóm ngồi sau tò mò không hiểu tôi giao tiếp với anh ta bằng ngôn ngữ gì mà trông tâm đầu ý hợp thế.

Những địa danh nóng

Còn nữa, hôm ở đảo Pulau Bidong, tôi bị một loại côn trùng đốt, vết sưng đỏ nổi lên đầy hai chân và cả tay, ngứa và đau. Lúc ở trạm dừng, tôi ra hiệu cho anh tài xế là tôi cần một loại thuốc bôi vào vết thương. Anh này khá thông minh, hiểu ngay và nói: “Pharmacy”. Tôi mừng rỡ gật đầu. Anh ta đưa tôi đến một tiệm cho tôi mua thuốc. Thấy chúng tôi trở lại với vẻ khá tâm đắc, nhóm đi cùng càng ngạc nhiên, giữa hai người không hề có ngôn ngữ giao tiếp chung lại có điều gì thú vị đến vậy!

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Hoàng hôn quá đẹp. Ðặc biệt cây thốt nốt trồng khá nhiều hai bên đường, trên dải phân cách, thật ấn tượng. Mặt trời xuống dần sau những hàng cây dừa, cây thốt nốt đẹp mê hồn. Tôi đã từng ngắm hoàng hôn Hạ Lào với những sắc màu óng ánh, bí ẩn, liêu trai khi hai bên đường là rừng thông xanh, tương phản với màu bông lau trắng nhuộm ánh hoàng hôn thành một màu bàng bạc, sau đó mọi thứ chìm dần vào bóng đêm khiến cảm giác như đang di chuyển trong một hành lang hẹp… Thì nơi đây, một hoàng hôn khá nhẹ nhàng, man mác, bảng lảng chiều hôm dễ khiến liên tưởng đến cảnh sắc dịu dàng, bình yên của vùng An Giang, Việt Nam.

“Chính vì vậy, khi đến cực nam Thái Lan, du khách sẽ không bắt gặp không khí bảo thủ và nghiêm cẩn ở Indonesia hay một số vùng ở Malaysia, thay vào đó là thái độ sống vui tươi, màu sắc, nhưng vẫn đậm nét riêng” – Tôi chép lại một thông tin trên mạng, quả đúng như vậy!

Chúng tôi đến Hat Yai sau hơn 3 giờ trên xe. Cảm giác rất quen thuộc không chỉ múi giờ trùng với Việt Nam mà còn ở những con đường, sinh hoạt đêm, cảnh mua bán…

Nhận phòng khách sạn xong chúng tôi đặt xe Grab đến chợ đêm ở trung tâm Hat Yai. Rất nhiều những món ăn quen thuộc với người Việt, khu phố người Hoa nhộn nhịp, cửa tiệm quần áo, các dịch vụ du lịch, tiếng mời chào…

Hẹn bài sau, tôi sẽ kể về Hat Yai, một thành phố nhỏ, phố sạch sẽ; trái cây, quán xá, thức ăn đường phố… rất gần với người Việt Nam và những điểm check – in khá thú vị ở thành phố Songkhla.

Cây thốt nốt trên dải phân cách

ĐTTT