Sau khi làn gió cách mạng thổi qua một loạt các quốc gia Ả Rập năm 2011 khơi mào cho các cuộc nổi dậy, và riêng tại Syria, cuộc nổi dậy sau đó đã biến thành nội chiến kéo dài cho tới nay đã hơn tám năm. Nhiều nhóm vũ trang phản kháng đã nhanh chóng chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ của xứ này, đe doạ đến quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria nơi xảy ra những cuộc giao tranh – nguồn Esquire.com  

Ðối diện với tình trạng nổi dậy ở khắp nơi, chế độ al-Assad đã đi tới quyết định mang tính chiến lược, đưa một số lực lượng đang đóng ở những khu vực với đa số dân cư là người gốc Kurds – một sắc tộc với khoảng 30 triệu người sống rải rác tại khắp vùng biên giới giữa Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran – để tập trung hoả lực đối phó với những nhóm nổi dậy tại những khu vực khác trong nước.

Sau khi quân đội Syria rút lui, một chính phủ lâm thời của người Kurds tự thành lập và cộng tác với một lực lượng dân quân Syria có vũ trang được gọi là Ðơn vị Tự vệ Nhân dân, viết tắt là YPG.

Nhóm YPG được xem là một lực lượng tách rời của Ðảng Công nhân người Kurds (PKK), mà cả Hoa Kỳ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều coi như là một nhóm khủng bố. Nhóm này đặt một số căn cứ trong lãnh thổ Iraq và thực hiện nhiều cuộc tấn công vào bên trong biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong nhiều thập niên qua, chính phủ Thổ đã phải đương đầu với một cuộc chiến lâu dài với nhóm PKK trong khu vực phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ nơi đa số dân là người Kurds, coi họ là kẻ thù không đội trời chung và đó chính là nguồn xung khắc sâu đậm giữa chính quyền Ankara và các lực lượng người Kurds.

Trong nhiều năm qua, với những cuộc dội bom bừa bãi bởi chế độ al-Assad và Nga đã tàn phá và làm suy yếu các nhóm dân quân nổi dậy tại Syria, mở đường cho sự trỗi dậy của một số nhóm khủng bố cực đoan, trong đó có lực lượng Nhà nước Hồi giáo (ISIS).

Năm 2014, Hoa Kỳ thành lập một liên minh quốc tế để chống lại ISIS và hợp tác với các lực lượng người Kurds tại Syria để tái chiếm một phần lãnh thổ bị bỏ không sau khi một số lực lượng dân quân nổi dậy người Syria rút đi hay phải giải tán.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Các lực lượng liên minh dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đã cho thực hiện hàng ngàn cuộc không kích và gửi một số đơn vị đặc biệt tới yểm trợ cho các lực lượng địa phương tại Iraq và Syria. Cho đến năm 2018, Hoa Kỳ đã đưa khoảng 2,000 quân tới Syria để hỗ trợ cho các nhóm dân quân người Kurds.

Tháng Ba năm 2019, các lực lượng quân sự do Hoa Kỳ yểm trợ rốt cuộc đã chiếm được căn cứ cuối cùng của ISIS, và cho tới thời điểm này, các nhóm dân quân người Kurds đã kiểm soát được khoảng một phần ba lãnh thổ của Syria.

Khu vực biên giới nơi khoảng 30 triệu người sắc tộc Kurds sinh sống – nguồn BBC

Quân đội Hoa Kỳ sau đó tiếp tục đóng quân tại những vùng đất vừa tái chiếm, mở ra những cuộc hành quân nhằm tiêu diệt tận gốc các nhóm tàn dư còn lại của ISIS và đồng thời duy trì tình trạng an ninh rất mong manh tại đây để ngăn ngừa Thổ Nhĩ Kỳ và chế độ al-Assad có thể thực hiện bất kỳ cuộc tấn công quy mô nào vào các khu vực do người Kurds đang chiếm giữ.

Ðầu Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Donald Trump bất ngờ ra lệnh rút phần lớn quân đội Mỹ ra khỏi Syria, mở đường cho chiến dịch hành quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tấn công các nhóm dân quân dưới quyền lãnh đạo của người Kurds, là lực lượng đã giúp Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại ISIS.

Quyết định này là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc khủng hoảng tại Syria kéo dài gần chín năm, chấm dứt thời kỳ mà trong đó binh lính và không quân Hoa Kỳ đã ra sức bảo vệ vùng đất rộng gần một phần ba của xứ Syria đang trong tay của người Kurds.

Người dân Kurds coi việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria như một hành động bỏ rơi của đồng minh.

Ngay sau khi phần lớn lực lượng của Mỹ rút đi, Thổ Nhĩ Kỳ đã không bỏ lỡ cơ hội cho mở cuộc hành quân cùng với một vài nhóm nổi dậy người Syria liên minh với họ từ trước, nhằm đẩy lui những nhóm dân quân người Kurds ra khỏi các thị trấn nằm dọc theo biên giới.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiến dịch hành quân là nhằm mục đích loại bỏ lực lượng dân quân người Kurds và thiết lập một “vùng trái độn an toàn” dọc theo biên giới. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xem sự hiện diện của lực lượng dân quân là cơ sở hoạt động cho các nhóm khủng bố và là mối đe dọa đối với an ninh của Thổ.

Tuy nhiên, chiến dịch hành quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã dấy lên sự nghi ngại và nó không chỉ ngăn cản kế hoạch rút phần lực lượng còn lại của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực đông bắc Syria, mà ngược lại, Hoa Kỳ đã phải đem chiến xa và một số binh lính trở lại với lý do là để bảo vệ các giếng dầu tại đây. Trong khi đó, lực lượng quân đội Nga đã di chuyển đến để lấp vào khoảng trống ở một số nơi do quân đội Hoa Kỳ bỏ lại trong cuộc rút quân ít ngày trước đó.

Các cuộc giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurds trong mấy tuần qua đã làm thiệt mạng hơn 400 người và gần 180,000 dân Kurds mất nhà mất cửa. Sự hỗ loạn trong khu vực cũng đã tạo ra những khía cạnh mới của cuộc xung đột ở Syria, làm gián đoạn các hoạt động do Hoa Kỳ hỗ trợ để chống lại ISIS và mở rộng thêm ảnh hưởng của Nga và chế độ al-Assad.

Việc rút quân của Hoa Kỳ cũng gây ra ít nhiều bất ổn cho các đồng minh của Mỹ trên khắp vùng Trung Ðông cũng như thế giới, buộc họ phải suy nghĩ lại vai trò của họ khi liên minh với Hoa Kỳ và cùng lúc phải tìm cách đối phó với một chính sách mới của chính quyền Trump là muốn thu hẹp vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực.

Quyết định rút quân của Tổng thống Trump cũng đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, có người còn cho đây là một “món quà tặng không cho Putin”. Tuy nhiên, theo sự nhận định của tác giả Zev Chafets trên trang mạng Bloomberg.com thì những sự chỉ trích trên là một đánh giá quá thấp về một quyết định có thể coi là một tính toán khôn ngoan của Trump là đã nhả ra một khúc xương khó nuốt cho Nga.

Dân tị nạn Kurds trong cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ – nguồn Getty Images

Khu vực Trung Ðông, đặc biệt là khu vực biên giới giáp với Syria, là một vùng đất được kết hợp vá víu của các bộ lạc và giáo phái ưa xung đột với nhau do từ những mối thù truyền kiếp khó giải thích và những bất đồng không thể hòa giải.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Miếng xương mà Hoa Kỳ bỏ lại là sự bất ổn trong khu vực sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ dứt. Và nếu như trong tương lai, những tổ chức khủng bố như al Qaeda và ISIS có thể trở lại thì với một quân đội của Syria khó có thể một mình đương đầu nổi và Nga bắt buộc phải đem thêm quân để bảo vệ cho chế độ al-Assad và chắc chắn sẽ đưa tới những hao tổn cho Nga.

Cái gọi là “vùng trái độn an toàn” mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ và Tổng thống Vladimir Putin của Nga vừa tạo ra qua một thoả thuận có thể sẽ bị sụp đổ vì al-Assad coi đó như một sự vi phạm chủ quyền của Syria. Putin sẽ phải làm trọng tài hoà giải sự xung đột có tiềm năng xảy ra giữa Thổ và Syria, đẩy Putin vào thế bị kẹt ở giữa và không thể đứng về một phe nào.

Ðó là chưa kể là một siêu cường giữ vai trò kiến tạo hoà bình cho khu vực, Nga sẽ phải gánh chịu trách nhiệm tái thiết cho một Syria bị tàn phá sau gần chín năm chiến tranh. Chi phí cho việc tái thiết tính ra có thể lên tới $400-$500 tỷ, là một món tiền quá lớn Nga không có khả năng để chi mà Hoa Kỳ thì chắc chắn là không chịu trả và các quốc gia thuộc Liên Âu sẽ ngoảnh mặt làm ngơ. Ngày nào Syria chưa được tái thiết và nền kinh tế của quốc gia chưa được vực dậy thì ngày đó bất ổn sẽ vẫn còn.

Ðiều đáng trách là quyết định rút quân của Tổng thống Trump đưa ra quá vội vã hấp tấp và không có sự chuẩn bị về ngoại giao, ít nhất là cho dân Kurds có đủ thời gian để rút ra khỏi khu vực để tránh được những thiệt hại không cần thiết, và gây ra sự mất niềm tin của đồng minh đối với Hoa Kỳ.

VH

Arlington, TX