Trong mấy năm qua chúng ta đã nghe nói nhiều về cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng ít ai chú ý bên trong cuộc chiến ấy còn một trận chiến khác tuy ở quy mô nhỏ hơn nhưng cũng gay cấn và quyết liệt không kém: trận chiến kỹ thuật – mà tâm điểm của nó chính là Huawei, công ty viễn thông của Trung Quốc.

Trận chiến kỹ thuật – nguồn Nikkei Asian Review  

Kể từ khi lên cầm quyền, chính quyền của TT. Donald Trump đã liên tiếp áp đặt một loạt những biện pháp hạn chế lên công ty Huawei. Ðó là chưa kể hiện nay Hoa Kỳ vẫn đang đòi chính phủ Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chánh của Huawei và cũng là con gái ruột nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, về Mỹ để ra hầu toà với cáo buộc bà này đã bất chấp lệnh cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ đối với Iran và vẫn âm thầm làm ăn với quốc gia này.

Tháng Năm vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đi thêm bước nữa, siết chặt thêm biện pháp hạn chế qua việc cắt đứt nguồn cung cấp chíp điện tử cho Huawei.

Một số phân tích gia cho rằng quyết định này của Hoa Kỳ có thể là “hồi chuông báo tử” cho tham vọng xây dựng mạng lưới viễn thông 5G toàn thế giới của Huawei, là vì cho đến nay Huawei vẫn chưa đủ khả năng để tự thiết kế những thiết bị bán dẫn cho hệ thống 5G của họ mà phẩm chất có thể sánh tương đương với những thiết bị họ mua từ những công ty sản xuất chíp tại Ðài Loan và Nam Hàn.

Quy định mới của Bộ Thương mại sẽ khiến cho Huawei phải đi tìm mua từ những các nhà sản xuất chíp Trung Quốc mà kỹ thuật của họ còn đi sau nhiều công ty sản xuất chíp khác trên toàn cầu tới một thập niên. Ở vào thời đại mà kỹ thuật phát triển được tính từng ngày thì sự thua kém này là một khoảng cách rất xa.

Phải chăng vì nhìn thấy trước những nỗi khó khăn đó, trong kỳ đại hội thường niên vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố về một kế hoạch trị giá $1 ngàn tỷ trong vòng năm năm tới để nghiên cứu và phát triển kỹ thuật trong những lãnh vực như viễn thông di động, trung tâm dữ liệu và nhiều dự án khác, trong đó không thể không có lãnh vực chế tạo chíp điện tử. Kế hoạch này sẽ là ưu tiên số một trong các chính sách kinh tế tương lai của Trung Quốc.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Có thể nói công ty Huawei là con cưng của chế độ cộng sản Trung Quốc. Sau khi công ty này được thành lập họ đã được hưởng rất nhiều ưu đãi cũng như sự bảo vệ từ chính quyền. Ðó là một trong những lý do vì sao Huawei phát triển rất nhanh và nay trở thành công ty kỹ thuật viễn thông lớn nhất thế giới.

Huawei – Tâm điểm của trận chiến kỹ thuật – nguồn YouTube

Huawei sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng và các loại máy móc cho hệ thống 5G, chẳng hạn những thiết bị được gắn trên các cột tháp cao để truyền tải dữ liệu và tin nhắn từ nơi này tới nơi khác trên một khoảng cách rất xa. Chính phủ Hoa Kỳ xem Huawei như một đe doạ an ninh quốc gia, trong khi Huawei biện minh rằng họ đứng độc lập với chính quyền Trung Quốc, nhưng đây là thứ độc lập thực ra không thể có trong chế độ cộng sản. Bắc Kinh đã từng tuyên bố một cách rõ ràng về chính sách “hợp nhất quân sự–dân sự” của họ, nghĩa là các công ty tư nhân bắt buộc phải phụ thuộc vào các mục tiêu quân sự của quốc gia. Một trong những dự án lớn đầu tiên của Huawei là xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho quân đội giải phóng nhân dân.

Chính phủ Hoa Kỳ nói rằng có những lối cửa sau trong các thiết bị của Huawei có thể cho phép Bắc Kinh tiếp cận những dữ liệu và thông tin cá nhân, mặc dù cáo buộc này chưa có chứng cớ rõ ràng. Nhưng có lẽ nỗi lo ngại nhiều hơn hết là nếu như Hoa Kỳ và đồng minh bị lệ thuộc vào kỹ thuật của Trung Quốc trong những lúc có khủng hoảng thì sự lệ thuộc này có thể cho phép đảng cộng sản Trung Quốc gây ra gián đoạn hay làm tê liệt một phần nền kinh tế của những quốc gia trên – hoặc sử dụng như một sự hăm doạ để mặc cả chính trị có lợi cho họ. Năm 2016, Bắc Kinh đã từng đánh đòn kinh tế với Mông Cổ sau khi quốc gia này đón tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, và gần đây nhất đã thực hiện các cuộc trả thù thương mại đối với Úc vì chính phủ nước này lên tiếng ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của vi khuẩn corona.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Trong thời gian qua, chính quyền Trump đã cố gắng thuyết phục các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những đồng minh của Hoa Kỳ, đừng mua hàng Huawei trong khi các quốc gia này đang chuẩn bị xây dựng mạng lưới viễn thông thế hệ mới cho họ. Quả thật là máy móc của Huawei giá rẻ hơn những công ty khác, một phần là do họ được sự trợ cấp của chính quyền Bắc Kinh nên lợi thế cạnh tranh nghiêng về phía họ. Có lẽ vì ham rẻ mà ngay cả một số quốc gia đồng minh như Vương quốc Anh chẳng hạn vẫn chấp nhận cho Huawei tham gia thiết lập một phần hệ thống viễn thông 5G của họ (mặc dù chính quyền Downing Street nói rằng họ đang xem xét lại dự án này kể từ khi dịch bệnh vi khuẩn corona hoành hành).

Nay thì chính quyền Trump đã cho thay đổi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với nỗ lực tích cực sử dụng sức mạnh kinh tế để tạo áp lực. Hoa Kỳ đang cố gắng làm suy yếu Huawei bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp vật liệu quan trọng của họ – đó là những con chíp điện toán rất cần cho phần cương liệu của hệ thống vô tuyến 5G – sản phẩm quan trọng và có giá nhất của họ. Năm ngoái, chính quyền Trump đã ngăn không cho xuất cảng những con chíp làm ở Mỹ để bán cho Huawei. Nay, họ đi xa hơn nữa, tuyên bố thậm chí những con chíp được sản xuất bằng những máy móc và kỹ thuật của Mỹ – ở bất cứ đâu trên thế giới – cũng không thể được phép bán cho Huawei.

Tháp 5G viễn thông – nguồn ABC News

Quyết định này có thể gây ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng chíp điện tử. Phần nhu liệu và máy móc của Mỹ rất cần thiết cho việc chế tạo những loại chíp tối tân nhất, và kỹ thuật này được nhiều công ty sản xuất chíp hoàn cầu sử dụng. Quy định mới này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, có thể vẫn còn cần một số sửa đổi, nhưng có nghĩa là nếu một công ty ngoại quốc bán cho Huawei những con chíp được sản xuất bằng kỹ thuật của Hoa Kỳ, thì công ty đó sẽ vi phạm luật của Mỹ và chắc chắn là sẽ bị trừng phạt.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Câu hỏi được đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thể thực thi lệnh cấm bán này trong một nền kỹ nghệ đầy phức tạp trải rộng ra khắp thế giới hay không. Với sự thành công trong chính sách cấm vận Iran của Hoa Kỳ trong mấy năm qua, câu trả lời là Washington có dư khả năng trong việc giám sát các giao dịch toàn cầu nếu đó là những giao dịch được xếp vào loại ưu tiên cao.

Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia đi đầu trong lãnh vực bán dẫn, luật pháp Hoa Kỳ vẫn là người gác cổng cho kỹ thuật vi mạch điện tử tinh vi nhất, và Washington vẫn còn đủ thì giờ và khả năng ngăn chặn để không cho Trung Quốc đạt được sự ngang bằng về mặt kỹ thuật với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chính phủ Hoa Kỳ cũng cần phải đưa ra chính sách kinh tế thuận lợi để các công ty tư nhân có thể chế tạo được những hệ thống 5G rẻ hơn để các quốc gia khác có thể nói không với Huawei.

Ngay vào lúc này, trận chiến kỹ thuật với biện pháp siết chặt thêm đối với các công ty Trung Quốc như Huawei có thể sẽ gây thiệt hại kinh tế cho một số công ty Mỹ và đồng minh, nhưng đây có thể coi là hậu quả từ những dự đoán sai lầm hai ba thập niên trước khi Hoa Kỳ và đồng minh hy vọng là với sự phát triển kinh tế sẽ biến Trung Quốc thành một quốc gia có trách nhiệm trong một thế giới ổn định và trật tự. Nhưng Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình ngày càng trở nên độc đoán và hung hăng, và biện pháp kinh tế cứng rắn là điều cần thiết để ngăn không cho Trung Quốc tiếp tục tạo thêm sức mạnh và lợi thế cho họ, và chờ cơ hội để bắt chẹt thế giới tự do.

VH