Kể từ tháng 11 năm ngoái sau khi công ty OpenAI tung ra sản phẩm ChatGPT thì ngay lập tức châm ngòi cho một cuộc chạy đua toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). ChatGPT tỏ ra quá thông minh và chứng tỏ cho thấy một sự tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật này làm dấy lên hai luồng ý kiến trái ngược nhau: lo sợ và phấn khởi.

Trong một lá thư ngỏ của viện nghiên cứu Future of Life Institute gửi đi vào tháng 3 vừa qua đã đặt ra những câu hỏi khá nghiêm trọng: “Chúng ta có nên tự động hóa tất cả các công việc làm, kể cả những công việc đòi hỏi kiến thức? Liệu chúng ta có nên phát triển những bộ óc phi phàm không phải người mà cuối cùng có thể đông hơn, thông minh hơn… và thay thế chúng ta? Chúng ta có nên mạo hiểm để đánh mất kiểm soát nền văn minh của chúng ta hay không?” Thư ngỏ kêu gọi hãy “tạm ngưng” sáu tháng trong việc tạo ra các dạng sản phẩm trí tuệ nhân tạo tân tiến nhất và được nhiều nhân vật nổi tiếng trong các ngành kỹ thuật ký tên, trong đó có tỷ phú Elon Musk. Ðây là ví dụ nổi bật nhất về sự tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đã làm dấy lên mối lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của kỹ thuật mới này.

Phấn khởi và lo sợ

Nhưng nói gì thì nói, trong tương lai, AI sẽ tác động và làm thay đổi mối quan hệ của con người với máy điện toán, với kiến thức và thậm chí với chính con người. Những người ủng hộ phát triển AI lập luận rằng AI có nhiều tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại bằng cách phát minh ra các loại thuốc mới hoặc thiết kế các vật liệu mới để giúp chống biến đổi khí hậu. Ðối với những người chống lại, điều thực tế là khả năng của AI đã vượt xa sự hiểu biết của chính những người đã tạo ra chúng và có nguy cơ đưa đến kịch bản của một thảm họa khoa học viễn tưởng về một cỗ máy thông minh hơn người phát minh ra nó, với những hậu quả thảm khốc.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Với hai luồng ý kiến trái chiều giữa sự phấn khởi và nỗi lo sợ của kỹ thuật mới này khiến cho việc cân nhắc chọn lựa giữa đâu là cơ hội và rủi ro trong việc phát triển AI càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể rút ra được những bài học từ các ngành kỹ nghệ khác và từ những thay đổi kỹ thuật trong quá khứ.

Khả năng vô biên

Khoảng một thập niên trước, một số hệ thống AI hiện đại lần đầu tiên xuất hiện và hoạt động. Sau khi được tiếp xúc với một số lượng dữ liệu vừa đủ qua sự lựa lọc cẩn thận, sau đó những hệ thống AI này có thể tự học để làm một số công việc như nhận dạng hình ảnh hoặc phiên âm lời nói, như chúng ta thấy đã được áp dụng trên các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh. Các hệ thống AI hiện nay tiến bộ hơn, không đòi hỏi dữ liệu cần phải lựa lọc trước và kết quả là chúng có thể tự học bằng cách sử dụng các nguồn dữ liệu lớn hơn nhiều từ trực tuyến. Trên thực tế, thuật toán của AI hiện nay có thể tự học dựa trên dữ liệu của toàn bộ hệ thống internet toàn cầu – điều này cho thấy về khả năng vô biên của AI, tốt cũng như xấu, lợi cũng như hại.

Khả năng vô biên đó lại được thấy rõ ràng hơn với việc công chúng được tiếp cận và sử dụng rộng rãi sau khi ChatGPT được tung ra vào tháng 11. Một triệu người đã sử dụng ChatGPT trong vòng một tuần; 100 triệu trong vòng hai tháng. Không lâu sau đó, ChatGPT được sử dụng để viết các bài luận văn ở trường học và các bài phát biểu trong đám cưới. Sự phổ biến của ChatGPT, và việc công ty Microsoft quyết định kết hợp sản phẩm này vào trong công cụ tìm kiếm Bing của họ, đã khiến các công ty đối thủ không thể chờ đợi và đã tung ra các sản phẩm chatbot tương tự.

Sản phẩm ChatGPT châm ngòi cho cuộc chạy đua AI toàn cầu – Reuters

Khiếm khuyết của AI hiện nay

Có điều khá tức cười là những chatbot này một đôi khi đưa ra những câu trả lời có vẻ kỳ quặc. Như công cụ Bing Chat đã từng đề nghị một nhà báo nên bỏ vợ của ông này. ChatGPT bị cáo buộc tội phỉ báng bởi một giáo sư luật. Thuật số của AI hiện nay có khả năng đưa ra những câu trả lời có một phần sự thật, nhưng thường là có nhiều điểm sai sót hoặc bịa đặt hoàn toàn. Mặc dù vậy, Microsoft, Google và một số công ty kỹ thuật khác đã bắt đầu kết hợp kỹ thuật AI hiện đại vào trong các sản phẩm của họ để giúp người sử dụng soạn và viết văn bản cũng như làm một số công việc trí tuệ khác.

Xem thêm:   Ham & hố

Với sức mạnh và tiềm năng tương lai của các hệ thống AI được biết tới trong thời gian gần đây, cũng như sự nhận thức ngày càng rõ hơn về khả năng và khiếm khuyết của chúng, đã làm dấy lên nỗi lo ngại rằng kỹ thuật mới này hiện đang phát triển quá nhanh đến mức không thể kiểm soát được mức độ an toàn. Do đó, lời kêu gọi hãy tạm dừng lại và mối lo ngại ngày càng tăng rằng AI có thể đe dọa không chỉ đến công việc làm, đến độ chính xác của sự thật, mà còn có thể đến cả sự tồn vong của chính nhân loại.

Tranh luận về AI

Nỗi lo sợ máy sẽ lấy mất đi việc làm của con người đã có từ nhiều thế kỷ qua. Nhưng cho tới nay, kỹ thuật mới tiếp tục tạo ra những việc làm mới để thay thế cho những việc làm mà nó huỷ diệt.

Tuy nhiên, mức độ rủi ro hiện hữu do AI gây ra là đề tài được tranh luận rất sôi nổi. Các chuyên gia cũng đưa ra những quan điểm dị biệt. Trong một cuộc khảo sát với các nhà nghiên cứu AI được thực hiện vào năm 2022, 48% cho rằng có ít nhất 10% khả năng tác động của AI sẽ là “cực kỳ tồi tệ (ví dụ: sự tuyệt chủng của loài người)”. Nhưng có khoảng 25% cho rằng rủi ro là 0%; tính ra trung bình các nhà nghiên cứu đặt sự rủi ro ở mức 5%. Ðiều lo lắng chung của các nhà nghiên cứu là AI trong tương lai có thể có những mục tiêu không phù hợp với mục tiêu của những người đã tạo ra chúng.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Quả thật nỗi lo lắng đó cần phải được xem xét lại chứ không nên loại bỏ ngay. Có điều những lo lắng trên chỉ là dựa trên phỏng đoán và sự phát triển quá nhanh của ngành kỹ thuật mới này. Có người còn tưởng tượng ra rằng một ngày nào đó chẳng may bị một nhóm AI bất hảo truy cập và kiểm soát những hệ thống quan trọng như năng lượng, tiền bạc và máy điện toán thì hậu quả sẽ như thế nào.

AI được áp dụng vào trong cuộc sống -techvidvan.com

Cần luật lệ kiểm soát

Luật lệ để kiểm soát AI là điều cần thiết, nhưng là vì những lý do thực tế hơn là huyễn hoặc. Các hệ thống AI hiện tại đang làm dấy lên mối lo ngại thực sự về quyền riêng tư và quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi kỹ thuật AI tiếp tục phát triển, các vấn đề khác có thể trở nên rõ ràng hơn. Ðiều quan trọng là phải biết cân bằng giữa những hứa hẹn tương lai mà AI mang lại với việc đánh giá đúng mức độ rủi ro của nó, và sự sẵn sàng để thích ứng.

Thả lỏng để cho AI tự do phát triển là điều không nên. Nếu xem AI là một kỹ thuật quan trọng cũng như xe hơi, máy bay và y học – và có lý do chính đáng để tin rằng điều đó đúng – thì cũng giống như những thứ nói trên, AI cần các quy định và luật lệ mới để kiểm soát.

Theo thời gian, nếu cần, thì những quy định mới sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp. Khi đó, một cơ quan quản lý quốc tế, hoặc một hiệp ước liên chính phủ, tương tự như hiệp ước kiểm soát vũ khí nguyên tử, cần phải có để giải quyết và ngăn chặn hậu quả nếu xuất hiện những bằng chứng xác thực về những rủi ro AI có thể tạo ra.

Kỹ thuật AI có khả năng đưa đến những rủi ro mới nhưng đồng thời cũng mang lại những cơ hội to lớn, mở ra một kỷ nguyên mới về kỹ thuật, tương tự như kỷ nguyên internet bắt đầu từ mấy thập niên trước đã làm thay đổi thế giới.

VH