Với chiều hướng số người nhiễm bệnh và tử vong gia tăng quá nhanh hiện nay, dịch bệnh vi khuẩn corona đang có nguy cơ trở thành đại dịch. Cho đến tối hôm Thứ Bảy 8/2, số người tử vong đã lên đến con số 805 và số người nhiễm bệnh vượt quá 35,000 – cả hai con số trên đã chính thức qua mặt dịch bệnh SARS xảy ra năm 2003 cũng tại Trung Quốc, làm thiệt mạng 774 người và 8,096 trường hợp nhiễm bệnh.

Từ khủng hoảng y tế đến khủng hoảng chính trị – nguồn The Economist  

Theo tin từ Toà Ðại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, một công dân Hoa Kỳ 60 tuổi cũng đã bị thiệt mạng hai ngày trước đó, và là công dân ngoại quốc đầu tiên bị thiệt mạng do nhiễm vi khuẩn corona. Trong khi đó, một người đàn ông Nhật Bản cũng trong độ tuổi 60 được xác nhận vào hôm Thứ Bảy là đã qua đời tại Vũ Hán do viêm phổi và nghi ngờ rất có thể cũng đã bị nhiễm vi khuẩn corona.

Tuy nhiên, trong số những người bị thiệt mạng do dịch bệnh Vũ Hán trong tuần qua, nổi bật nhất là cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đã gây nên sự xúc động, thương tiếc, và làn sóng phẫn nộ của nhiều triệu người dân Trung Quốc vì sự bất lực của các giới chức chính quyền từ trung ương đến địa phương. Bác sĩ Lý là người đầu tiên đã thổi tiếng còi báo động về dịch vi khuẩn corona hồi đầu Tháng 12, nhưng ngay sau đó ông đã bị giới chức chính quyền Vũ Hán tìm cách bịt miệng và vu cáo là đã phao tin đồn thất thiệt.

Ðể đối phó với sự lan tràn của vi khuẩn corona, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã huy động cả một guồng máy nhà nước rộng lớn – phát động kế hoạch cách ly toàn bộ các thành phố nằm trong tỉnh Hồ Bắc, hoàn tất hai bệnh viện dã chiến chỉ trong ít ngày, và đưa nhiều ngàn bác sĩ quân đội và đảng viên cộng sản lên tuyến đầu – trong một nỗ lực được Tập so sánh giống như một chiến dịch quân sự vào thời chiến.

Nhưng những việc làm này vẫn không thể làm giảm bớt được sự phẫn nộ và thất vọng của người dân đối với chính quyền trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, và những nỗi xúc động trên lại càng tăng cao hơn nữa vào hôm Thứ Sáu sau cái chết của bác sĩ Lý.

Xem thêm:   Chó...

Tại tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh, các bệnh viện không còn đủ chỗ cho bệnh nhân, nhiều người không có ghế ngồi và phải đứng trong khi đang được truyền nước biển. Một số xác chết nằm trong bao nhựa được đặt ngay trên hành lang và thậm chí trong khu vực phòng đợi. Các nguồn cung cấp thuốc men và thực phẩm cho bệnh viện thì cạn kiệt, và khoảng 60 triệu người dân đang bị đặt trong một kế hoạch cách ly và phong toả lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhiều chuyên gia y tế nước ngoài cho biết chiến dịch cách ly quy mô như vậy khó mà có hiệu quả và thay vào đó lại gây ra những khó khăn không cần thiết đối với cuộc sống của những người dân khác không bị nhiễm bệnh.

Trong khi phần lớn nỗi tức giận của người dân nhắm trực tiếp vào các giới chức địa phương, cáo buộc họ là đã tìm cách che đậy vụ dịch bệnh khi mới bắt đầu lây lan, nhiều người dân khác thì đổ lỗi này là hậu quả của hệ thống kiểm duyệt và sự cứng nhắc của một chính quyền tập trung quyền lực mà Tập đã tạo dựng lên trong suốt bảy năm qua từ khi lên cầm quyền.

Trong thời gian qua, Tập đã gặp phải nhiều sự chỉ trích từ những nhân vật thượng tầng trong giới kinh doanh và chính trị Trung Quốc trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tình trạng trì trệ kinh tế quốc gia, cuộc thương chiến với Hoa Kỳ và phong trào biểu tình dân chủ tại Hồng Kông. Qua những sự chỉ trích này, thường thì Tập đổ lỗi là do các thế lực thù địch nước ngoài phá hoại và tìm cách tập hợp sự ủng hộ của công chúng để củng cố địa vị.

Người dân thổi còi trong buổi lễ tưởng niệm bác sỹ Lý Văn Lượng, người đã thổi tiếng còi báo động đầu tiên về dịch bệnh – nguồn Reuters

Nhưng trường hợp dịch bệnh vi khuẩn corona thì khác. Nhiều người dân Trung Quốc có cảm tưởng là cuộc sống họ đang bị đe doạ trực tiếp, và điều này đang gây nên cuộc khủng hoảng đánh vào ngay cốt lõi của chính sách cai trị độc đoán mà Tập biện hộ cho đó là đường lối lãnh đạo vững mạnh cần thiết để duy trì sự ổn định đất nước. Có điều khôi hài là đã có một số chế độ độc tài trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã bắt chước theo và coi đó như một mô hình lý tưởng để duy trì quyền lực.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Hệ thống kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc được thiết lập là để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Nếu như nạn dịch bệnh sớm kết thúc thì cuộc khủng hoảng chính trị sẽ bớt nghiêm trọng. Nhưng nếu sự lây lan của dịch bệnh còn tiếp tục lâu nữa, nó có thể đe dọa đến tham vọng của Tập là được cai trị Trung Quốc vô thời hạn và có thể khiến cho đảng cộng sản Trung Quốc bị mất đi sự ủng hộ của quần chúng vì người ta không còn tin vào sự tuyên truyền của nhà nước lâu nay và hậu quả là có thể làm lung lay chế độ.

Cho đến nay, chiến dịch huy động để ngăn chặn dịch bệnh hầu như không làm giảm bớt sự lo lắng của nhiều người dân Trung Quốc. Và trong mấy ngày qua, nhiều người dân Vũ Hán còn nêu thắc mắc là tại sao không thấy Tập Cận Bình đến để tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng y tế này. Thay vào đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật số hai trong hệ thống lãnh đạo đảng, đã được chỉ định là người cầm đầu chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh. Lý đến Vũ Hán ngày 27 Tháng 1, viếng thăm các bệnh viện cùng với khẩu trang và bộ đồ bảo vệ trùm từ đầu tới chân.

Ngày hôm sau, truyền hình nhà nước phát đi hình ảnh của Tập từ Bắc Kinh trong cuộc gặp gỡ tổng thư ký của Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng chính cá nhân ông ta đang trực tiếp điều hành chiến dịch ngăn chặn.

Nhưng rồi sau đó, trong gần một tuần lễ, Tập đã không xuất hiện thêm lần nào trên các chương trình tin tức buổi tối trên đài truyền hình nhà nước cũng như trên trang đầu của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc. Trong sự vắng mặt khó hiểu này lại càng gây thêm sự hoang mang và tức giận của người dân.

Một số dư luận tại Trung Quốc nghi ngờ rằng sự vắng mặt của Tập có thể là một mưu đồ có tính toán rằng nếu như chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh thành công thì ông ta sẽ giành lấy công, bằng không nếu thất bại thì đổ lỗi cho người khác. Nhân vật nằm trong tầm ngắm đó lần này chính là Lý Khắc Cường.

Quang cảnh một con phố không người tại Vũ Hán. nguồn Getty Images

Theo nhận định của Jude Blanchette, chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở chính tại Washington, nói rằng: “Từ dịch bệnh vi khuẩn corona đến vụ Hồng Kông rồi đến cuộc thương chiến Mỹ-Hoa, Tập thường sử dụng bình phong để giải quyết những vấn đề trên, và cho ông ta có cớ để đổ lỗi cho người khác khi những vấn đề trên trở thành di căn bất trị.”

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trong một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội tại Trung Quốc quay lại cảnh Lý Khắc Cường trong lúc thăm Vũ Hán đã hỏi đám đông đang tụ tập rằng họ đã quen với cuộc sống bị cô lập chưa. Một người trong đám đã lên tiếng bằng một giọng thách thức khác thường nhắm vào nhân vật lãnh đạo số hai của chính quyền Trung Quốc, “Vậy là chúng tôi phải làm quen với tình trạng này mãi à?”

Sự việc này cho thấy người dân đã không còn kiên nhẫn và sẵn sàng nói thẳng vào mặt giới lãnh đạo rằng họ đã mất tin tưởng.

Hiện tại, không ai nghĩ rằng dịch bệnh vi khuẩn corona sẽ làm sụp đổ chính quyền Bắc Kinh, nhưng sự lây lan của nó đang phơi bày ra những yếu kém trong chính sách cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc. Dịch bệnh lần này cũng có thể thay đổi về cơ bản hình ảnh của một Trung Quốc trước con mắt của người dân trên thế giới rằng Trung Quốc vẫn chưa thể là một cường quốc theo đúng nghĩa của nó, chính quyền của họ vẫn hành động giấu diếm, bưng bít, và khi thất bại thì giới lãnh đạo tìm cách đổ lỗi cho nhau.

Nhiều người vẫn tin tưởng rằng rồi đây khoa học rốt cuộc cũng sẽ chế ngự được con vi khuẩn corona. Tuy nhiên tác động lớn của dịch bệnh lần này là nó đang làm thay đổi cách suy nghĩ của thế giới về Trung Quốc. Ở trong nước, nó gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân đối với chính quyền về sự thiếu chuẩn bị và minh bạch cũng như họ bắt đầu coi thường về khả năng điều hành đất nước của đảng cộng sản Trung Quốc. Ở ngoài nước, nó làm tăng thêm sự hoang mang của người dân trên thế giới về sự an toàn để sống, học tập hay làm việc tại Trung Quốc trong tương lai.

VH

Arlington, TX