Phong trào biểu tình ở Hồng Kông đã bước sang tuần lễ thứ 13. Nhiều cuộc xuống đường diễn ra vào hôm Thứ Bảy 31/8 mặc dù không có giấy phép từ cơ quan cảnh sát và một số nơi đã xảy ra bạo động với người biểu tình đối đầu với vòi xịt nước và khói cay phóng ra từ phía cảnh sát.

Người biểu tình bất chấp lệnh cấm sẵn sàng đối đầu với nước xịt và lựu đạn cay – nguồn insider.com   

Một bầu không khí căng thẳng và nhiều tin đồn đãi lan truyền trong suốt một tuần trước đó, một phần vì hôm Thứ Bảy vừa qua đánh dấu đúng 5 năm của cái ngày mà chính quyền Bắc Kinh cho công bố một quyết định dành cho Hồng Kông một số quyền dân chủ rất giới hạn. Quyết định này, tên chính thức của nó là Bát Tam Nhất Quyết định (8/31 Decision), đã làm nhiều người dân Hồng Kông nổi giận và châm ngòi cho những cuộc biểu tình chống đối rộng lớn vào năm 2014.

Những cuộc biểu tình trên, được cả thế giới biết đến với tên gọi Phong trào Dù vàng, do sinh viên học sinh tổ chức đã chiếm đóng khu trung tâm hành chánh trong 79 ngày. Phong trào biểu tình này xem ra hiền hoà hơn nhiều nếu so sánh với những cuộc xuống đường trong suốt mùa Hè năm nay tại Hồng Kông, trong đó có nhiều vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình cùng với khói cay mù mịt trên một số đường phố.

Cảnh sát đã cấm không cho tổ chức cuộc tuần hành được dự định vào hôm Thứ Bảy để đánh dấu 5 năm sự kiện Bát Tam Nhất Quyết định. Cuộc diễn hành này nếu được cho phép dự trù sẽ có đông đảo người tham dự trong tinh thần ôn hoà và được tổ chức bởi nhóm Mặt trận Nhân quyền Dân sự (Civil Human Rights Front).

Hai tuần trước đó, một cuộc tuần hành khác cũng được tổ chức bởi nhóm này và mặc dù không có giấy phép của cảnh sát, vẫn quy tụ được 1.7 triệu người bất chấp lệnh cấm, đã xuống đường trong ôn hoà và hoàn toàn không có một vụ bạo động nào xảy ra. Nhóm tổ chức lúc đó cho biết ý nghĩa của cuộc tuần hành là để tiếp tục biểu dương ý chí của những người biểu tình đã tham gia vào một cuộc tuần hành lớn và quy mô tương tự vào đầu Tháng 6. Cuộc tuần hành ôn hoà trên cho thấy một điều là những vụ bạo động chỉ xảy ra do từ phía cảnh sát phát động. Nếu cảnh sát không tìm cách giải tán đám đông bằng vòi xịt nước, dùi cui và khói cay thì sẽ không có những vụ xô xát đáng tiếc giữa cảnh sát và người biểu tình.

Xem thêm:   Hang gấu

Trong mấy tuần qua, đã có một số người biểu tình đã ném gạch đá, bom xăng và một số vật cứng khác về phía cảnh sát; trong khi đó, tính cho đến giữa Tháng 8, phía cảnh sát đã bắn ra hơn 1,800 lựu đạn cay và nhiều đạn cao su để giải tán đám đông. Những hành động này của cảnh sát đã bị nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới lên án, cho là quá mạnh tay không cần thiết khi phía người biểu tình đã tỏ ra cố gắng duy trì trật tự.

Hôm Thứ Sáu 30/8, do đến phút cuối vẫn không nhận được giấy phép từ phía cảnh sát, nhóm Mặt trận Nhân quyền Dân sự đã quyết định huỷ bỏ cuộc tuần hành vì lo ngại về sự an toàn của người biểu tình. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, nhiều người biểu tình cho biết họ vẫn xuống đường cho dù có giấy phép của cảnh sát hay không. Và điều gì đến đã đến: bạo động xảy ra ở mức độ tệ hại nhất kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu vào đầu Tháng 6.

Những người biểu tình ôn hoà tuần hành dưới cơn mưa nhẹ hôm Thứ Bảy 31/8 – nguồn UPI.com

Bạo động bắt đầu bùng phát vào khoảng quá trưa Thứ Bảy sau khi đám đông biểu tình tràn ra các con đường chính để làm thành một cuộc tuần hành kéo dài nhiều dặm quanh thành phố. Tại nhiều khu vực, người tuần hành ở đủ mọi lứa tuổi đã cầm dù đi dưới cơn mưa và đồng thanh hô to khẩu hiệu kêu đòi tự do.

Tới khoảng 5:30 chiều, cảnh sát đã cho bắn nhiều loạt lựu đạn cay để giải tán đám đông đang quy tụ phía bên ngoài trụ sở chính của chính quyền, sau khi đã cho xịt nước có pha phẩm xanh để cố tình làm dơ quần áo của người biểu tình. Dường như đây là một phát minh mới của cảnh sát Hồng Kông. Trong khi phía biểu tình, nhiều người mặc trang phục đen phủ từ đầu tới chân, cùng với mũ an toàn, mặt nạ hơi ngạt và khiên chống, đã phản ứng bằng cách ném trả lại lựu đạn cay và bắn đèn laser về phía cảnh sát. Một số người biểu tình đã ném lựu đạn cay vào trong toà nhà nơi đặt trụ sở chính của đơn vị thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hiện đang trú đóng tại Hồng Kông. Số khác thì ném bom xăng về phía toà nhà văn phòng chính quyền Hồng Kông nằm cạnh đó.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Cuộc biểu tình hôm Thứ Bảy diễn ra chỉ một ngày sau khi cảnh sát Hồng Kông, được nhiều người cho là nhận lệnh từ Bắc Kinh, đã cho bắt giữ một số nhân vật có liên quan đến các cuộc tranh đấu tự do dân chủ tại Hồng Kông trong nỗ lực nhằm dập tắt phong trào chống đối đã gây nhiều bối rối cho chính quyền Hồng Kông và làm nhức đầu không ít cho giới lãnh đạo Bắc Kinh trong khi họ đang phải đối đầu với Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại và nền kinh tế nội địa đang bị chậm lại.

Trong số những người bị bắt có ba nhà lập pháp do dân bầu là Jeremy Tam, Au Nok-hin và Cheng Chung-tai – là những tiếng nói chỉ trích chính quyền Bắc Kinh mạnh nhất tại Hội đồng lập pháp – và hai nhà tranh đấu trẻ là Joshua Wong và Agnes Chow – thành viên của nhóm tranh đấu dân chủ Demosisto. Một nhân vật khác là Andy Chan, sáng lập viên của Ðảng Quốc gia Hồng Kông, bị bắt từ hôm Thứ Năm và bị buộc tội gây bạo loạn. Ngoài ra, kể từ Tháng 6, cảnh sát Hồng Kông cũng đã bắt giữ khoảng 1,000 người vì đã tham gia vào các cuộc biểu tình.

Theo một số nhà quan sát, cuộc biểu tình hôm Thứ Bảy được phân chia ra thành hai nhóm rõ rệt: Số đông người biểu tình xuống đường tuần hành trong ôn hoà, hô vang các thỉnh nguyện và đồng thời chấp nhận rủi ro có thể bị cảnh sát bắt giữ để chỉ muốn nói lên chính kiến của họ; và một nhóm nhỏ hơn thì chọn những phương pháp biểu tình cực đoan.

Bạo động xảy ra trong cuộc biểu tình – nguồn AP

Kể từ đầu Tháng 6, thuộc địa cũ này của Vương quốc Anh đã rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị sau khi người dân tại đây đã biểu lộ sự bất mãn về một dự luật cho phép chính quyền Hồng Kông dẫn độ người bị bắt giữ sang Trung Quốc và do đó đã khơi mào thành phong trào tranh đấu xã hội rộng lớn đến nay đang bước sang tháng thứ tư.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Ðúng 5 năm trước, Uỷ ban Thường vụ của quốc hội bù nhìn Trung Quốc đã đưa ra đề nghị của cái gọi là Bát Tam Nhất Quyết định cho phép chức vụ hành chính trưởng quan của thành phố (hiện nay là bà Carrie Lam) được bầu chọn qua phổ thông đầu phiếu – tuy nhiên cử tri Hồng Kông chỉ được chọn từ những ứng cử viên đã được lựa lọc kỹ càng bởi một uỷ ban tuyển chọn gồm 1,200 thành viên hầu hết thân Bắc Kinh. Ðề nghị này đã bị người dân Hồng Kông bác bỏ vì cho rằng nó không có chút giá trị dân chủ thực sự nào. Cách thức bầu cử này cũng không khác gì hình thức đảng cử dân bầu như tại các quốc gia cộng sản trước đây và trong hiện tại vậy.

Trong khoảng thời gian hơn hai tuần qua, người ta nhận thấy những vụ chống biểu tình của cảnh sát Hồng Kông ngày càng mạnh tay và leo thang làm nhiều người lo ngại có thể chính quyền Bắc Kinh đang chuẩn bị sẵn sàng dập tắt phong trào chống đối tại đây. Theo ý kiến của một số phân tích gia, chính sách đàn áp được xem như một ván bài, nó có thể làm cho người dân khuất phục, nhưng nó cũng có thể châm ngòi thành những cuộc biểu tình chống đối mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra Bắc Kinh còn đưa lực lượng cảnh sát vũ trang tới đóng tại một vận động trường thuộc thành phố Thẩm Quyến, nằm sát biên giới Hồng Kông, mà nhiều người cho đây là một hành động hù doạ người biểu tình.

Theo nhận định của luật sư Martin Lee, một nhà vận động dân chủ lâu năm và cũng là sáng lập viên của Ðảng Dân chủ Hồng Kông, Bắc Kinh không muốn bất kỳ điều gì có thể làm hỏng ngày trọng đại mùng 1 Tháng 10 tới đây vì họ sẽ cho tổ chức kỷ niệm rầm rộ 70 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Bắc Kinh sẽ không để cho một vụ đổ máu xảy ra tại Hồng Kông trước ngày này – nhưng sau đó, bắt đầu từ ngày 2 Tháng 10 thì không ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Nếu như có đàn áp và đổ máu xảy ra tại Hồng Kông lần này thì thế giới tự do có ngoảnh mặt làm ngơ như họ đã từng làm qua vụ Thiên An Môn cách đây 30 năm?

VH

Arlington, TX