Tình trạng thời tiết khô bất thường và hạn hán nghiêm trọng xảy ra tại khắp các khu vực thuộc Bắc Bán Cầu – kéo dài từ các nông trại ở California cho tới các con sông ở Châu Âu và Trung Quốc – gây thêm khó khăn cho chuỗi cung ứng và làm tăng giá thực phẩm và năng lượng, tạo thêm áp lực cho hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã căng thẳng kể từ khi bắt đầu trận đại dịch.

nguồn Earth.com 

Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia của Trung Quốc, nhiều khu vực ở đại lục đang phải trải qua với những đợt nắng nóng kéo dài lâu nhất kể từ khi các dữ liệu về khí hậu bắt đầu được lưu giữ vào năm 1961, đưa đến tình trạng là nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa do nguồn thuỷ điện cung cấp không đủ. Hạn hán cũng làm ảnh hưởng tới Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Pháp và Ý và có khả năng trở thành đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua.

Theo một nghiên cứu của Ðại học California Los Angeles, tại khu vực miền Tây nước Mỹ, tình trạng hạn hán bắt đầu từ hai thập niên trước, và nếu kéo dài thêm một thời gian có thể sẽ là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 1,200 năm.

Các nhà nghiên cứu so sánh mức độ hạn hán bằng cách đo sự phát triển hàng năm của các vòng tròn trên thân cây để biết được lượng nước mưa và nhiệt độ từ năm này sang năm khác ở một số khu vực nhất định nào đó. Các nhà khoa học về khí hậu cho biết thời tiết khô năm nay một phần do hiện tượng La Niña, là dòng nước lạnh xuất hiện theo chu kỳ ở khu vực phía đông Thái Bình Dương đẩy dòng tia (jet stream) trong bầu khí quyển về phía bắc, khiến các khu vực của Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á có ít mưa hơn. Liên Hiệp Quốc cho biết tình trạng hạn hán toàn thế giới đã tăng 29% kể từ năm 2000 do suy thoái đất và biến đổi khí hậu.

Xem thêm:   Chó...

Ðối với một số quốc gia có nền kỹ nghệ mạnh nhất thế giới, nạn hạn hán của mùa hè năm nay đang làm thiệt hại đến các ngành kỹ nghệ trong đó có điện lực, nông nghiệp, sản xuất và du lịch. Tình trạng hạn hán trên làm tăng thêm khó khăn cho các vấn đề hiện đang có như tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và áp lực tăng giá năng lượng và lương thực do hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraine.

Ngành nông nghiệp của California đang bị thiếu nước – nguồn Getty Images

Tại Hoa Kỳ, các nhà dự báo của ngành nông nghiệp tiên đoán năm nay nông dân sẽ mất hơn 40% sản lượng bông vải, trong khi tại Châu Âu, vụ thu hoạch dầu ô liu của Tây Ban Nha dự kiến sẽ giảm một phần ba do tình trạng thời tiết khô nóng.

Nhiều con sông ở Châu Âu như sông Rhine và sông Po của Ý đóng vai trò huyết mạch cho thương mại đang có mực nước ở mức thấp nhất trong lịch sử, buộc các nhà máy sản xuất phải cắt giảm lượng hàng gửi đi. Mực nước sông quá thấp cũng làm sụt giảm lượng sản xuất thuỷ điện trên khắp lục địa, ảnh hưởng đến nguồn năng lượng chính thay thế cho khí đốt trong khi nguồn năng lượng này đang thiếu hụt do bị Nga cắt giảm.

Các đợt nắng nóng đã buộc nước Pháp phải giảm thấp mức sản xuất tại nhiều nhà máy điện hạt nhân do nước sông để làm nguội máy đang quá ấm. Và nước Ðức, quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt của Nga nhất ở Châu Âu, dự định sẽ cho khởi động lại các nhà máy điện chạy than thay vì khí đốt để sản xuất điện, nhưng mực nước sông Rhine cũng đang bị thấp khiến các tàu chở than bị chậm lại.

Tuyết rơi ít hơn ở đầu nguồn con sông trong rặng núi Alps phía Thụy Sĩ và lượng mưa giảm ở hạ lưu đã làm giảm lưu lượng nước ở đồng bằng sông Rhine thuộc lãnh thổ Hoà Lan. Ðiều này đã khiến cho nước biển xâm nhập vào dòng chảy bị chậm lại của sông và ngấm dần vào các hồ chứa nước cho người dân dùng trong sinh hoạt hằng ngày và cho nông nghiệp. Hạn hán cũng đang làm khô và làm suy yếu các con đê được đắp bằng đất bảo vệ cho các khu vực trũng của Hoà Lan tránh bị nước biển từ Bắc Hải tràn vào.

Sông Rhine có mực nước ở mức thấp nhất trong lịch sử – nguồn bloomberg.com

Tại Hoa Kỳ, các lớp băng tuyết mỏng hơn ở vùng núi Sierra Nevada của California đã làm giảm mạnh nguồn cung cấp nước trong khu vực, nơi có ngành kỹ nghệ nông nghiệp lớn nhất tại Hoa Kỳ. Các giới chức điều hành của hệ thống phân phối nước Westlands Water District tại Central Valley, khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của tiểu bang, cho biết có khoảng một phần ba diện tích của 600,000 mẫu đất nông nghiệp đã phải để trống không trồng trọt trong năm nay vì thiếu nước.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Mực nước của con sông Colorado đã giảm xuống quá thấp khiến cơ quan quản lý nước liên bang (USBR) đã phải tuyên bố tình trạng thiếu nước năm thứ hai trong hai năm liên tiếp, đưa đến lệnh bắt buộc cắt giảm sử dụng nước đối với hai tiểu bang Arizona, Nevada và Mexico.

Tại quận Yuma, Arizona – nơi sản xuất chính của các loại rau diếp, rau xanh và nhiều loại rau khác – nông dân dự đoán ngành kỹ nghệ trị giá $3.4 tỷ mỗi năm của họ có thể bị thất thu lên đến 10%.

Tại khu vực trung phần và tây nam Trung Quốc, giới chức chính quyền đã phải tuyên bố tình trạng hạn hán tại sáu khu vực pháp lý cấp tỉnh, tính chung toàn khu vực này chiếm tới một phần tư sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc vào năm ngoái.

Hạn hán tại một đoạn sông Dương Tử chảy ngang qua Vũ Hán – nguồn Bloomberg

Tỉnh Tứ Xuyên thuộc vùng tây nam bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tình trạng thiếu mưa, do tỉnh này lệ thuộc rất nhiều vào hệ thống thuỷ điện. Nhiệt độ tăng quá cao khiến nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí cũng tăng cao, đe doạ tới hệ thống lưới điện có thể bị quá tải. Cũng tại tỉnh này, giới chức chính quyền đã ra lệnh cho các nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm bớt giờ làm việc trong suốt gần hai tuần lễ của tháng 8 để dành điện cho dân chúng sử dụng.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Lệnh hạn chế sử dụng điện đã ảnh hưởng đến một số công ty sản xuất toàn cầu như Foxconn Technology (sản xuất thiết bị điện thoại cho Apple), Volkswagen và Toyota, cũng như một số công ty sản xuất muối lithium, phân hoá học và thiết bị quang điện có nhà máy đặt tại Tứ Xuyên. Công ty Tesla đã yêu cầu chính quyền Thượng Hải giúp bảo đảm các nhà máy cung cấp thiết bị của họ có đủ điện để sản xuất mặc dù trong bối cảnh là Trung Quốc đang trong tình trạng bị thiếu điện khá trầm trọng. Tesla cho biết 16 trong số các nhà máy cung cấp thiết bị của họ không thể sản xuất hết công suất.

Mực nước dọc theo một số đoạn của sông Dương Tử – con sông dài nhất và là nguồn thuỷ điện, vận chuyển và nước tưới quan trọng của Trung Quốc – đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu lưu giữ hồ sơ về thời tiết. Tại một đoạn ở thị trấn Hán Khẩu (Hankou) thuộc thành phố Vũ Hán, mực nước sông vào thời điểm cuối tháng 8 chỉ ở mức gần 5 mét, thấp hơn một nửa so với mức trung bình.

Các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu của Mỹ và Châu Âu cho biết tình trạng ấm nóng toàn cầu đã làm tăng mức độ nghiêm trọng của hiệu ứng La Niña. Bầu khí quyển ấm hơn sẽ hút nhiều hơi ẩm từ đất hơn khiến cho nguy cơ hạn hán lại tăng cao hơn.

Chu kỳ của hiện tượng La Niña thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng, nhưng chu kỳ lần này đã kéo dài qua năm thứ hai và được dự kiến sẽ còn kéo dài ít nhất cho tới tháng 2 năm 2023. Nếu nói vậy thì thời tiết cho mùa hè năm tới có thể sẽ khá hơn, nghĩa là sẽ bớt nóng hơn năm nay, và tình trạng hạn hán bớt trầm trọng hơn. Hy vọng dự đoán trên là đúng và chúng ta chỉ mong như vậy.

VH