Hàng triệu người dân Đài Loan đi bầu vào hôm Thứ Bảy 11/1 trong một cuộc tổng tuyển cử hết sức đặc biệt: họ không chỉ bầu chọn vị lãnh đạo trong bốn năm tới mà còn bày tỏ sự ủng hộ cho nền dân chủ của đảo quốc cũng như thái độ của họ đối với chính quyền Bắc Kinh.

Trong nhiều cuộc thăm dò ý kiến cử tri trong mấy ngày trước bầu cử đều cho thấy đương kim Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của đảng Dân Tiến, là đảng có chính sách ủng hộ nền độc lập của Ðài Loan cũng như sự hợp tác gần gũi hơn với Hoa Kỳ, dẫn trước khá xa đối thủ chính là ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), thị trưởng thành phố Cao Hùng (Kaohsiung) và thuộc Quốc Dân Ðảng, là người được cho là có thái độ thân thiện với Bắc Kinh.

Ðến tối hôm Thứ Bảy sau khi các phòng phiếu đóng cửa và kết quả đếm phiếu bắt đầu được gửi về trung ương, Tổng thống Thái Anh Văn đã xuất hiện trước đám đông và tuyên bố thắng cử, và với kết quả của cuộc bầu cử lần này được nhiều người xem như thái độ phản đối của người dân Ðài Loan đối với những nỗ lực của Bắc Kinh trong mưu đồ giành quyền kiểm soát nền dân chủ của đảo quốc.

Kết quả cho thấy bà Thái đã nhận được hơn 8 triệu phiếu để tiếp tục tại vị trong bốn năm tới, đây là tổng số phiếu bầu cao nhất cho một ứng cử viên tổng thống kể từ khi Ðài Loan lần đầu tiên tổ chức bầu chọn tổng thống của họ qua thể thức phổ thông đầu phiếu vào năm 1996.

Kỷ lục trước đây là khoảng 7.66 triệu phiếu trong cuộc bầu cử năm 2008, trong khi bà Thái thắng cuộc bầu cử năm 2016 với 6.9 triệu phiếu.

Cuộc bầu cử thu hút được số người đi bỏ phiếu kỷ lục, trong đó có nhiều ngàn cử tri ở ngoại quốc đã bay về để có thể đi bầu. Những hàng người đi bầu rồng rắn xuyên qua các khuôn viên trường học và những nơi công cộng khác. Như anh Willie Yu, 23 tuổi, đi bỏ phiếu tại trường Trung học Jinhua trong khu vực Ðài Bắc, đã cho biết anh bay về để đi bầu lần này là vì “hy vọng Ðài Loan có thể bảo toàn được nền dân chủ và tự do của mình”.

Ứng cử viên đối lập là Hàn Quốc Du đã chính thức chấp nhận thua cuộc sau khi uỷ ban bầu cử Ðài Loan chỉ cho thấy là ông đang bị bà Thái dẫn trước hơn 2.5 triệu phiếu trong những kết quả sơ khởi.

Xem thêm:   Con bò Uno

Ðối với đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc, kết quả cuộc bầu cử là một tuyên bố hùng hồn về sức mạnh của phong trào biểu tình chống chính phủ của người dân Hồng Kông đã gây ảnh hưởng đến thái độ đối với đại lục của người dân ở các khu vực khác trong vùng mà đảng Cộng sản Trung Quốc coi là quan trọng đối với lợi ích của họ.

Lãnh tụ Tập Cận Bình của Trung Quốc đã từng cảnh cáo Ðài Loan là việc thống nhất giữa hai bên là điều không thể tránh khỏi. Ðảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã tìm cách chiêu dụ người dân Ðài Loan và cho họ nhiều cơ hội tốt để làm việc ở đại lục trong khi cô lập chính phủ của bà Thái và đe doạ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực nếu cần để ngăn cản nếu như đảo quốc này có những bước kế tiếp để tiến tới việc chính thức tuyên bố độc lập.

Kết quả của cuộc bầu cử là một sự đảo ngược ngoạn mục đối với vận mệnh chính trị của bà Thái Anh Văn và cũng cho thấy chính sách gây áp lực của Bắc Kinh đã bị phản tác dụng. Chỉ một năm trước, các cuộc thăm dò đều cho thấy mức ủng hộ của cử tri đối với bà Thái ở mức rất thấp và bà hầu như không có cơ hội để tái đắc cử.

Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2018, đảng của bà Thái thua nặng nề và buộc bà phải từ chức chủ tịch đảng. Nhưng rồi phong trào biểu tình tại Hồng Kông nổ ra và những cuộc đàn áp người biểu tình bằng bạo lực do giới chức an ninh Hồng Kông thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh đã làm cho sự ủng hộ của cử tri đối với bà Thái tăng trở lại, là vì người dân Ðài Loan đã nhìn thấy từ bài học Hồng Kông và họ nghi ngờ rằng một khi thống nhất được Ðài Loan, Trung Quốc sẽ không tôn trọng lời hứa để cho Ðài Loan được quyền tự trị dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ” giống y như những gì đang xảy ra tại Hồng Kông hiện nay.

Giành lấy quyền kiểm soát Ðài Loan với dân số gần 24 triệu là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh – được cho là một nhiệm vụ chưa hoàn thành kể từ khi đảng Cộng sản chiếm được quyền lực trên đại lục từ bảy thập niên trước và buộc chính phủ Dân quốc phải rút lui ra đảo.

Xem thêm:   Một ngày của tổng thống

Ðài Loan trở thành nước Trung Hoa Dân quốc từ năm 1949. Ðảo quốc này chưa từng bao giờ là một phần của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và kể từ khi chuyển sang thể chế dân chủ sau nhiều thập niên được cai trị bằng thiết quân luật thì Ðài Loan đã tự tạo cho mình một bản sắc riêng biệt khiến cho những mưu toan thống nhất với Trung Quốc ngày càng khó trở thành hiện thực hơn – bất chấp những nỗ lực của Tập Cận Bình đã nhiều lần lên tiếng khuyến khích Ðài Loan đi theo con đường thống nhất.

Hoa Kỳ chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan năm 1979 sau khi bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Ðài Loan và giúp thúc đẩy nền kinh tế xuất cảng của đảo quốc. Ðầu thập niên 1990, Hoa Kỳ đã mua gần một phần ba lượng hàng xuất cảng của Ðài Loan. Lúc đó việc giao thương giữa Ðài Loan và Trung Quốc trên thực tế hầu như là con số không.

Nhưng rồi sau khi kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh, Bắc Kinh đã tìm cách đưa Ðài Loan vào thế bí. Giới đầu tư Ðài Loan đổ xô đến đại lục để tìm những nguồn cung cấp lao động rẻ mạt cho các mặt hàng sản xuất của họ, từ những thiết bị điện tử đến máy móc, trong khi Trung Quốc ngày càng mua thêm nhiều mặt hàng xuất cảng của Ðài Loan như trái cây và tôm cá.

Ðến đầu thập niên 2000, Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Ðài Loan. Trung Quốc đại lục cùng với Hồng Kông đã thu mua gần 40% lượng hàng xuất cảng của Ðài Loan năm 2018.

Bắc Kinh cũng hoan hỷ đón tiếp các doanh nghiệp, công nhân và sinh viên Ðài Loan đến đại lục. Khi Ðài Bắc thực hiện các chính sách giao dịch thân thiện, thương mại và khách du lịch Trung Quốc đã được tự do đổ vào Ðài Loan. Khi các nhà lãnh đạo Ðài Loan bị coi là có chính sách thiên về độc lập, Bắc Kinh đã siết chặt nguồn tài chánh Trung Quốc chảy vào đảo quốc và đe dọa giải pháp quân sự.

Xem thêm:   Hệ thống phòng thủ Golden Dome

Ðã có lúc chính sách từ từ sáp nhập trên tỏ ra có hiệu quả. Và trong khi kinh tế Ðài Loan ngày càng bị lệ thuộc vào Trung Quốc, nhiều người dân Ðài Loan hoặc là chịu chấp nhận một sự thật rằng một nền độc lập toàn diện cho Ðài Loan là một giấc mơ xa vời hoặc là họ phải tạm bỏ ý tưởng độc lập đó qua một bên.

Nhưng rồi thái độ của họ bắt đầu thay đổi sau khi Tập Cận Bình đọc một bài diễn văn vào năm ngoái đưa ra tín hiệu cấp bách trong kế hoạch giành lấy quyền kiểm soát Ðài Loan, dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc sử dụng để cai trị Hồng Kông và Macau như những khu vực bán tự trị. Nhiều người dân Ðài Loan từ lâu đã chống lại ý tưởng này. Trong khi Tập cũng nói rõ là ông ta không loại trừ việc sử dụng vũ lực, và gọi nền độc lập của Ðài Loan như là “con đường cùng”.

Trong bài diễn văn đắc cử, bà Thái Anh Văn đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết trong khi tuyên hứa là sẽ ra sức bảo vệ chủ quyền và cải thiện nền kinh tế cho đảo quốc.

Chiến thắng của bà Thái có thể khiến Bắc Kinh siết chặt hơn nữa nguồn tài chánh Trung Quốc vào Ðài Loan và gia tăng việc cô lập đảo quốc này với quốc tế. Hiện nay chỉ còn 15 quốc gia là tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Ðài Loan sau khi Bắc Kinh thuyết phục được thêm bảy quốc gia cắt đứt ngoại giao với Ðài Bắc sau chiến thắng bầu cử của bà Thái năm 2016. Nửa thế kỷ trước, Ðài Loan có quan hệ ngoại giao với khoảng 70 quốc gia.

Trung Quốc cũng có thể leo thang đe dọa quân sự, và điều này sẽ tạo thêm căng thẳng cho khu vực và làm trầm trọng thêm sự đối đầu mang tính chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington. Trong một đạo luật được thông qua trước đây, Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải bảo đảm và hỗ trợ quân sự để Ðài Loan có thể bảo vệ được chủ quyền của họ nếu như có sự đe dọa từ Trung Quốc.

VH

Arlington, TX