Rất khó xác định câu nói cửa miệng này có đúng với cuộc đời của bà Yingluck Shinawatra, cựu Thủ tướng Thái Lan hay không. Về nhan sắc, bà đúng là “hồng nhan”; không những đẹp mà còn… trẻ nữa! Về số phận, hiện giờ rất… khó nói. Bà sinh ra trong một gia đình phú quý, có bà nội là quận chúa và cha là nghị sĩ quốc hội. Bà có anh trai từng là thủ tướng và chị gái là vợ của một thủ tướng khác của Thái Lan. Bà từng du học ở Mỹ và lấy được bằng cao học về hành chánh quản trị. Bà thuộc loại phụ nữ “chịu chơi”, lấy chồng không cần… giá thú. Hiện giờ bà vẫn sống với ông này và hai người có với nhau một con trai. Gia sản của bà, khai ở tòa án cách đây 2 năm, tổng giá trị hơn 17 triệu Mỹ kim trong đó hơn 1 triệu đô la tiền mặt trong nhà băng. Bà bị phế truất chức thủ tướng và đang chờ phán quyết của tòa về tội tham ô lạm dụng chức quyền. Bà bị truy tố vì dùng ngân sách nhà nước mua gạo của nông dân với giá cao gây tác hại cho nền kinh tế quốc gia (nhưng được lòng các cử tri vùng nông thôn). Nếu bị kết tội, bà có thể phải ở tù 10 năm và không được tham gia chính trường cho đến hết cuộc đời. Nếu được trắng án, uy tín chính trị của bà lại lên… vù vù và có cơ hội làm thủ tướng một lần nữa. Nếu ở tù 10 năm, chẳng biết sau đó bà có còn “hồng nhan” nữa không?

hong-nhan-bac-phan3

Bà Yingluck Shinawatra lúc mới lên làm Thủ tướng.

hong-nhan-bac-phan1

Bà Dilma Rousseff, cựu Tổng thống Brazil, bị phế truất năm 2016 và cấm tham dự chính trường trong 8 năm.

hong-nhan-bac-phan2

Bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Nam Hàn, đã bị phế truất đầu năm nay và đang thọ án tù.

hong-nhan-bac-phan

Bà Benazir Bhutto, cố Thủ tướng Pakistan.

Những nữ chính trị gia phận bạc

Thời nay, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia chính trường, và nhất là trở thành tổng thống hay thủ tướng. Đồng thời, trong số họ cũng có không ít bị truất phế (như cựu Tổng thống Dilma Rousseff của Brazil) và thậm chí phải ở tù như bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Nam Hàn. Có người lại bị ám sát như cố Thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan. Cái giỏi của bà Bhutto là được người dân trong một nước Hồi giáo bầu làm Thủ tướng khi bà mới 35 tuổi. Bà được bầu làm Thủ tướng hai lần và cuối cùng bị ám sát năm 2007.

Cháu ngoan của bác

Có lẽ bây giờ không còn mấy ai nhớ đến cậu bé Elian Gonzalez người Cuba đến Mỹ đúng ngày Lễ Tạ Ơn năm 1999. Năm đó mới 6 tuổi, cậu được mẹ dẫn theo đi vượt biên qua Mỹ. Không may, mẹ của cậu bị chết đuối còn cậu được lính biên phòng Mỹ cứu. Chủ tịch Cuba lúc đó là Fidel Castro đòi Mỹ phải trả Elian về lại. Phía Mỹ, thực sự là gia đình người chú ruột của Elian ở Florida, cố giữ cậu lại với lý do cậu sẽ bị tẩy não và chính quyền Cộng sản Cuba lợi dụng để tuyên truyền chính trị. Cha của Elian đang còn “kẹt” lại ở Cuba cũng “đòi” chính quyền Mỹ trả lại con cho mình. Rốt cuộc Mỹ quyết định trả cậu về Cuba trước sự phản đối của gia đình người chú. Mới đây, đài CNN cho người sang Cuba phỏng vấn cậu. Elian cho biết cậu được Chủ tịch Fidel đối đãi như con cưng “muốn gì được nấy”. Cậu muốn trở thành vận động viên thể thao hay nghệ sĩ gì đó, “bác Fidel” đều chiều hết! Cậu được vào học trường Võ bị Quốc gia và tốt nghiệp với bằng kỹ sư công nghiệp. Từ khi trở về Cuba tới giờ, ăn rồi cậu được lên… ti-vi hoài. Ngay hôm sinh nhật lần thứ 7, cậu được “bác Fidel” tới dự và được truyền hình trực tiếp cho đồng bào cả nước xem. Trên ti-vi, cậu luôn ca ngợi Fidel giống như Thượng Ðế của cậu. Hôm đám tang của Fidel, cậu cũng lên ti-vi với giọng nức nở: “Bác giống như một người cha đối với cháu. Cháu muốn chứng tỏ những sự thành đạt của cháu để bác được tự hào!” Cậu cũng nói với phóng viên CNN rằng mẹ của cậu và nhiều người Cuba khác đi vượt biên bị chết trên biển là do Mỹ cấm vận Cuba (làm người dân khốn khổ phải tìm đường qua Mỹ). Năm nay cậu tròn 23 tuổi.

chau-ngoan-cua-bac1

Elian Gonzalez ngày ấy và bây giờ

chau-ngoan-cua-bac

Cảnh sát Mỹ xông vào nhà người chú ruột ở Florida để bắt trả Elian về Cuba.

Quốc tang cho một nữ tu

Pakistan là một nước Hồi giáo nhưng mới đây làm lễ quốc tang cho một nữ tu Thiên Chúa Giáo. Ðó là bà Ruth Katherina Martha Pfau, được xem như “Mẹ Teresa của Pakistan”. Bà ra đời ở Ðức năm 1929 và đến Pakistan năm 1960. Kể từ đó cho đến khi qua đời hôm 10 Tháng Tám, bà ở lại đây chăm sóc những người nghèo bệnh tật như Mẹ Teresa đã từng làm bên Ấn Ðộ. Lễ tang của bà được quân đội Pakistan bắn 21 phát súng.

quoc-tang-cho-mot-nu-tu1

Bà Ruth Pfau đang đi thăm một ngôi làng mới bị lụt năm 2010.

quoc-tang-cho-mot-nu-tu

Bà Ruth Pfau luôn được trẻ em và dân nghèo Pakistan chào đón.