Khi bài báo này đến tay bạn, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn về vấn đề vũ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn đang hay vừa diễn ra tại Hà Nội. Kết quả thực sự không chỉ dựa vào những thông cáo báo chí giữa hai bên, cho thấy diễn tiến của cuộc nghị hội được cho là thành công, mà còn đòi hỏi thời gian để chứng minh sự thực tâm của Bắc Hàn trong quá trình thực hiện các cam kết trong các năm tới. Tiếp tục câu chuyện thời sự, chuyên mục xin tổng lược một vài xã luận từ một số tờ báo chính cùng một số tổ chức tại vài quốc gia đồng minh vùng Châu Á-Thái Bình Dương nhận định về Hội nghị thượng đỉnh này.

Hoa Kỳ cần gì?
Mục tiêu của Hoa Kỳ là giải giáp vũ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên. Điều này có nghĩa là loại trừ chương trình thử nghiệm và chế tạo các vũ khí hủy diệt hàng loạt cùng các phi đạn xuyên lục địa mà Bắc Hàn đang và muốn chế tạo. Việc thương thảo tại hội nghị lần này nhằm thuyết phục Bắc Hàn đi theo lộ trình này sau khi cuộc họp kết thúc. Hoa Kỳ có thể từng bước thay đổi các chính sách, giảm đi sự đối đầu, mở văn phòng đại diện để nhắm đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong tương lai một khi Bắc Hàn đáp ứng được các yêu cầu đưa ra.
Bắc Hàn muốn gì?
Bắc Hàn đã công khai kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc hủy bỏ lịnh cấm vận kinh tế nhưng Bắc Hàn có thể muốn Hoa Kỳ cũng giải bỏ chương trình hạch tâm tại Nam Hàn. Nam Hàn cùng một số giới chức Hoa Kỳ cũng e rằng Bắc Hàn đòi Hoa Kỳ thay đổi cả binh sĩ Hoa Kỳ đang đồn trú trên đất Nam Hàn tuy nhiên Tổng Thống Donald Trump cho biết vấn đề này được thỏa thuận không nhắc tới trên bàn họp. Bắc Hàn muốn có được sự đáp trả “thoả đáng” về kinh tế và ngoại giao để tiến đến việc giải giáp vũ khí.

H2
– The Korea Herald (Nam Hàn)
“Việc chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh có sự liên quan giữa Bắc Hàn, Việt Nam và cả Nam Hàn với Hoa Kỳ. Đầu tiên là cả Bắc Hàn và Việt Nam đều có cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ. Đội quân hùng mạnh nhất thế giới từng chiến thắng hai cuộc đại chiến thế giới và đã thất bại tại Việt Nam và kết thúc chiến tranh Triều Tiên bằng cuộc đình chiến. Cả Bắc Hàn và Nam Hàn đều tham dự chiến tranh Việt Nam. Bắc Hàn gởi 87 phi công sang Việt Nam và 14 phi công bị Mỹ bắn hạ. Nam Hàn gởi 300 ngàn quân và 5,000 quân tử trận. Nói cách khác thì Việt Nam là nơi để cả ba bên là Nam-Bắc Hàn và Hoa Kỳ từng liên can trong cuộc chiến tranh lạnh khác tại Châu Á cùng giáp mặt. Việt Nam đã đi theo con đường nối lại quan hệ ngoại giao với hai cựu thù và cải tổ kinh tế từ sau chiến tranh và không quá khó khăn để thấy Hoa Kỳ cũng hy vọng Bắc Hàn có thể đi theo con đường Việt Nam …”.
Asia Times (Hồng Kông)
“Ngay cả cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhì mang lại ít kết quả theo mong đợi, miễn là các cuộc thử nghiệm phi đạn hạch tâm của Bắc Hàn tạm hoãn thì chừng đó cũng đáng dành thời gian cho cuộc đàm phán. Chừng nào các cuộc thương thuyết còn tiếp diễn thì thái độ thù nghịch hay khiêu khích của Bắc Hàn cũng giảm đi rất nhiều…”


H3
– Japan Times
(Nhật Bản)
“Chiến lược của Bắc Hàn là phải giữ chương trình và vũ khí hạch tâm và để các quốc gia khác xem mình như một quốc gia có vũ khí hạch tâm. Thế giới đừng để bị lừa. Bắc Hàn không xem như một quốc gia hạch tâm và cần phải tiếp tục bị cấm vận cho đến khi triệt bỏ hoàn toàn các vũ khí hạch tâm. Từ sau cuộc họp thượng đỉnh lần đầu, TT Trump đã khăng khăng rằng Kim Jong-un đã bỏ vũ khí hạch tâm nhưng chứng cứ về điều này rất là nhỏ. Cần đích thân Kim Jong-un cam kết với thế giới thay vì chỉ cam kết riêng với TT Trump …”
– Hankyoreh (NamHàn)
“Việc Hoa Kỳ nêu ý định chỉ muốn Bắc Hàn ngưng thử vũ khí cho thấy có thể Hoa Kỳ đã bỏ ý định buộc Bắc Hàn hủy bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạch tâm. Chính phủ Hoa Kỳ rõ ràng đưa ra những tuyên bố với truyền thông để có kết quả cụ thể nào đó từ cuộc họp thượng đỉnh này. Vấn đề là cuộc thương thảo giữa hai bên thì việc chỉ một bên tuyên bố là không đủ. Trừ khi Hoa Kỳ chu cấp cho Bắc Hàn một mức thỏa đáng nào đó, còn không thì việc giải giáp toàn bộ sẽ khó lòng xảy ra…”
– The Nation (Thái Lan)
“Cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore là sự thành công trên sân khấu ngoại giao, bị xem là không có nhiều kết quả về thực chất. Ngay cả Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cũng cho rằng các bản tuyên bố giữa hai bên là “mơ hồ”. Kết quả là cuộc họp thượng đỉnh tuần này thì cả TT Donald Trump và Chủ Tịch Kim Jong-un sẽ phải đối diện với những câu hỏi hóc búa hơn”.
– Straight Times (Singapore)
“Sự hoài nghi về kết quả của cuộc họp thượng đỉnh lần hai này là có thể hiểu được khi có khoảng cách rất lớn giữa hai bên về việc thế nào là “giải giáp vũ khí hạch tâm” và làm sao để đạt được điều này. Tại Singapore, Bắc Hàn cam kết là “sẽ thực hiện việc phi hạch tâm hóa trên bán đảo Triều Tiên” và Thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn hồi tháng 12 đã giải thích điều này có nghĩa là “bỏ hết các chương trình và vũ khí hạch tâm ở cả hai miền Nam-Bắc cũng như trên các lãnh thổ lân cận mà bán đảo Triều Tiên có thể bị bắn tới…”

H4
– Australian Institute of International Affairs (Úc)
“Hoa Kỳ cho rằng chỉ cần Bắc Hàn ngưng thử nghiệm các vũ khí hạch tâm là một bước quan trọng để tiến đến việc phi hạch tâm hóa thì việc ngưng như vậy càng làm phức tạp mối quan hệ với các quốc gia đồng minh như Nam Hàn và Nhật Bản, khi họ vẫn còn lo âu trước nguy cơ vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn. Khi chỉ thoả thuận mang tính cách đổi chác chứ không loại trừ hẳn thì đối phương vẫn còn khả năng tái chế tạo vũ khí hạch tâm, kiểu như với Iran…”
– Human Rights Watch (Tổ Chức Nhân Quyền Thế Giới)
“Vấn đề nhân quyền thường được nêu ra trong các cuộc thương thuyết ngoại giao quan trọng. TT Ronald Reagan đã đưa ra những lời lẽ cương quyết với Liên Bang Sô Viết trong cuộc thương thảo về vũ khí hạch tâm. Phái đoàn của TT Bill Clinton cũng chẳng ngần ngại đặt vấn đề nhân quyền với Milosevic trong cuộc thương thảo về hòa bình cho bán đảo Balkan. Thật vậy, trong rất nhiều các cuộc thương thảo thì không chỉ giới hạn một vấn đề riêng biệt mà cần đưa nhiều vấn đề lên bàn nghị hội, đặc biệt khi chúng có liên quan. Các nguồn tin cho thấy Bắc Hàn đã cưỡng bách lao động trong việc xây dựng và chế tạo các vũ khí hạch tâm…”
ĐYT
Dallas TX