Khi thấy tôi lúng túng phát âm chữ “fertilizer” và cuối cùng phải viết ra giấy, nhân viên bán hàng hiểu ra, bảo tôi lần sau có thể nói “plant food” cũng được. Ban đầu tôi nghĩ chúng như nhau, nhưng “fertilizer” và “plant food” không hoàn toàn giống nhau.

Thực ra, ta không mua “plant food” (thực phẩm cho cây), vì không thể cho cây ăn, mà cây tự chế lấy thực phẩm qua sự quang hợp (photosynthesis), tức là dùng năng lượng của mặt trời để tạo ra đường bằng carbon dioxide và nước. Vậy có thể nói: ánh nắng là thức ăn của cây.

Để mạnh và tăng trưởng, cây (mọi loại) còn cần 16 khoáng tố (mineral elements) mà nếu thiếu thì cây còi cọc, dễ bệnh.

Ít nhất một số các chất thiết yếu đó cũng có trong đất trồng. Nhưng có lúc đất không có hoặc thiếu, nên cây khó lớn. Vậy là phải cần tới fertilizers (phân bón). Phân bón là chất liệu thêm vào môi trường của cây cỏ để cho có thêm một hoặc nhiều chất thiết yếu.

Trong 16 chất thiết yếu, thì có 3 (carbon, hydrogen và oxygen) được cây lấy từ nước và carbon dioxide, rất dồi dào trong môi trường, Còn 13 chất được rễ cây hút lên từ đất trồng. Và được chia thành 3 nhóm dựa trên nhu cầu của cây:

Nhóm micronutrients: gồm boron, chlorine, copper, iron, manganese, molybdenum và zinc, được tiêu thụ với số lượng rất nhỏ, cây ít khi thiếu.

Nhóm thứ hai: calcium, magnesium và sulfur, được cây dùng nhiều hơn, nhưng thường không bị thiếu.

Nhóm macronutrients: gồm nitrogen, phosphorus và potassium, cây dùng nhiều nhất nên đất dễ bị hụt. Phân bón là để sửa chữa các thiếu sót của đất, chủ yếu gồm ba chất này với tỷ lệ ghi trên bao bì mà khi đi mua phân ta nên để ý.

Những con số trên bao phân bón:

Thành phần phân bón gồm có macronutrients, micronutrients và ballast (chất độn). Một số phân chứa lượng bằng nhau của 3 chất macronutrients, như 10-10-10 hoặc 20-20-20. Số đầu chỉ nitrogen, số kế chỉ phosphorus và số thứ ba chỉ potassium.