Nói đến môn bóng bàn chúng ta liên tưởng ngay đến Trung Quốc. Trong mấy thập niên qua, họ là quốc gia chi phối môn thể thao này tại tất cả các cuộc tranh tài quốc tế.

Trung Quốc từ lâu đã thống trị môn bóng bàn Olympic. Ảnh: Felix Wong    

Ðể có thể hình dung được mức độ bao trùm của Trung Quốc lên bóng bàn thì ta chỉ cần nhìn lại Thế vận hội Rio 2016, với tổng số 70 tay vợt thi đấu thì có tới 44 tay vợt là gốc Trung Quốc, mặc dù trong số đó chỉ có 6 tay vợt là chơi dưới danh nghĩa của đội tuyển Trung Quốc. Hầu hết những tay vợt kia là di dân tới những quốc gia khác để có cơ hội thi đấu trên khán đài quốc tế cho quốc gia mới của họ. Nếu ở lại Trung Quốc, rất có thể họ sẽ không bao giờ có cơ hội đó.

Thế nên, trong giới truyền thông chuyên về thể thao có câu nói đùa: “Lọt được vào đội tuyển bóng bàn của Trung Quốc còn khó hơn thi đấu tại các giải quốc tế.”

Ðó là chưa kể thành quả họ đạt được tại Thế vận hội. Kể từ khi bóng bàn bắt đầu được chấp nhận cho thi đấu tại Thế vận hội Nam Hàn năm 1988, các tay vợt Trung Quốc đã thắng 28 trong tổng số 32 huy chương vàng.

Vậy, yếu tố nào đã giúp Trung Quốc có thể đào tạo được nhiều tay vợt ngoại hạng đến thế?

Môn bóng bàn được phát minh bởi người Anh vào cuối thế kỷ 19, và vào thời gian đầu, môn này hầu hết chỉ được chơi giới hạn trong giới trí thức và quý tộc châu Âu. Sau đó, nó lan dần ra khắp thế giới và được du nhập vào Trung Quốc trong khoảng thời gian khi họ bị các cường quốc châu Âu chia năm xẻ bảy làm thuộc địa. Nhưng vào đầu thập niên 1950, sau khi Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế (ITTF) công nhận chính quyền Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh thay vì chính phủ lưu vong Dân quốc tại Ðài Loan, Mao Trạch Ðông đã ra lệnh thúc đẩy môn bóng bàn trở thành môn thể thao quốc gia, và đầu tư rất nhiều vào việc phát triển và đào tạo các tay vợt trong nước.

Một trận đấu của giải vô địch bóng bàn thế giới – nguồn ettu.org

Bóng bàn là môn thể thao thích hợp với tạng người nhỏ, không cần nhiều sức lực, và hơn nữa, lại không đòi hỏi phải cần những dụng cụ tập luyện quá mắc tiền: chỉ cần một tấm ván lớn kê trên những chồng gạch là người ta có thể chơi được. Thế nên, một môn thể thao đơn giản, không quá tốn kém dễ dàng trở thành môn thể thao được ưa chuộng đối với người dân Trung Quốc lúc đó còn rất nghèo, và lời kêu gọi của Mao đã được nhiều người hưởng ứng. Một phúc trình cho biết có khoảng 10 triệu người Trung Quốc chơi và tham gia các cuộc thi bóng bàn thường xuyên, và khoảng chừng 300 triệu người thỉnh thoảng có chơi môn này để giải trí. Ðây là những con số mà không quốc gia nào có thể sánh kịp.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất đưa tới thành công là do chương trình đào tạo của họ cực kỳ khắc nghiệt. Có những đứa bé mới 5 tuổi nhưng tỏ ra có tiềm năng liền được đưa vào trường đào tạo đặc biệt, cách ly với gia đình. Các tay vợt trong chương trình huấn luyện bắt buộc phải tập ít nhất mỗi ngày bảy tiếng. Những tay vợt hàng đầu phải tập với những bạn đồng đội chuyên biệt và đôi khi thậm chí phải đấu với hai người cùng một lúc – là điều không thấy có ở hầu hết những đội tuyển khác.

Năm 1959, lần đầu tiên Trung Quốc giành được chức vô địch thế giới sau khi đánh bại Nhật Bản tại một cuộc tranh tài quốc tế. Và sự thành công lên đến tuyệt đỉnh của họ là tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 sau khi đội tuyển Trung Quốc đoạt tất cả huy chương vàng, bạc và đồng tại các cuộc thi đấu đơn nam, đơn nữ, cũng như vàng và bạc cho đôi nam và đôi nữ.

Lần đầu tiên Trung Quốc giành được chức vô địch thế giới sau khi đánh bại Nhật Bản năm 1959 – nguồn http://english.cctv.com/

Mặc dù cho đến nay Trung Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu của môn bóng bàn, nhưng dường như đã có một vài dấu hiệu cho thấy sự suy vi trong mấy năm gần đây và môn thể thao này rất có thể đang dần không còn là độc quyền của họ.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Theo nhận định của Ryu Seung-min, huy chương vàng Thế vận hội của Nam Hàn, từng đánh bại tay vợt thượng thừa Wang Hao của Trung Quốc tại trận chung kết đơn nam Thế vận hội Athens 2004 – thì với sự trỗi dậy của Nhật Bản trong mấy năm gần đây, sự thống trị môn bóng bàn của Trung Quốc có thể chấm dứt tại Thế vận hội Tokyo. Và giải đơn nam sẽ là cuộc tranh tài gay cấn với tay vợt số 4 thế giới Tomokazu Harimoto của Nhật được coi là thử thách lớn nhất của Trung Quốc sau khi anh này trở thành tay vợt trẻ nhất từ trước tới nay giành chức vô địch World Tour của Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế vào Tháng 12 năm 2018 ở tuổi 15.

Nhưng không chỉ riêng ở Nhật mà tại nhiều quốc gia khác, một lớp thế hệ những tay vợt trẻ đang vươn lên và có những bước tiến bộ rất nhanh.

Ryu tin rằng Harimoto có thể mang chiếc huy chương vàng đầu tiên về cho Nhật ở giải đơn nam nếu tay vợt trẻ này tiếp tục tiến bộ và đồng thời biết khai thác sự ủng hộ của khán giả nhà để tạo lợi thế cho anh trong lần đầu xuất hiện tại Thế vận hội vào năm tới.

Tay vợt trẻ Nhật Bản Tomokazu Harimoto – nguồn SPSSports

Thực ra không phải chờ đến khi Ryu Seung-min đưa ra nhận định trên thì thế giới mới nhìn thấy sự suy vi của bóng bàn Trung Quốc mà những vết rạn nứt đã có từ năm 2017 sau khi Trung Quốc thất bại nặng nề tại giải World Cup Bóng bàn Nam và cuộc tranh tài đơn nam tại giải German Open: là hai sự kiện thể thao liên tiếp mà họ không có mặt trong trận chung kết. Ðây cũng là lần đầu tiên mà các tay vợt Trung Quốc tỏ ra yếu kém và mệt mỏi. Giới truyền thông Trung Quốc đã gọi những thất bại này là “mùa Ðông ảm đạm của bóng bàn nam.”

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Tuy nhiên, những thất bại trên không hẳn đã khiến cho các giới chức bóng bàn Trung Quốc lo ngại bằng tình trạng hiện nay ở trong nước là thế hệ trẻ Trung Quốc lớn lên sau này đã không còn thiết tha tới môn bóng bàn như lớp thế hệ cha anh họ.

Môn bóng bàn tại Trung Quốc từng được ca tụng như là “môn thể thao của toàn dân”, thì nay ngày càng bị xem như môn thể thao bên lề và là một sinh hoạt giải trí cho người già. Tại các công viên, những nhóm người hưu trí đang vợt qua vợt lại trái banh bàn trong khi con cháu họ tụ tập trên những sân tráng xi măng gần đó quần thảo nhau một môn chơi được nhiều người trẻ xem như môn thể thao quốc gia mới: bóng rổ.

Trên bình diện quốc gia, những biểu tượng thể thao của Trung Quốc nay phải kể đến như ngôi sao bóng rổ Yao Ming và lực sĩ nhảy rào Liu Xiang. Tại Thế vận hội London 2012, những tay bơi như Sun Yang và Ye Shiwen lập được một vài thành tích kỷ lục thì liền được tung hô đón mừng tại Bắc Kinh, trong khi những chiến thắng của môn bóng bàn chỉ được chú ý một cách thờ ơ.

Với sự vươn lên ngày càng mạnh của những môn như bóng rổ và bóng đá, bóng bàn nay mai rất có thể phải nhường vị trí trung tâm của thể thao Trung Quốc mà nó nắm giữ từ bao lâu nay để lùi về phía sau hậu trường.

Mặc dù nói rằng bóng bàn Trung Quốc đang suy vi thì đó chỉ là ở khía cạnh bóng bàn nam thôi, riêng với bóng bàn nữ Trung Quốc thì họ vẫn tiếp tục tung hoành tại các cuộc tranh tài quốc tế.

Hiện nay bóng bàn tại Trung Quốc là một sinh hoạt giải trí của người già – nguồn Reuter

VT