Ðám cưới tôi tại khách sạn Continental Sài Gòn. Tôi, vợ, má vợ, me tôi đứng ngay cửa vào đón khách.

Me:

– Ðây là dì H., bạn học của me ở Huế hồi nhỏ.

Hai vợ chồng tôi cúi chào.

Má vợ:

– Ðây là chú T., em của ba.

– Dạ chào chú T.

Me:

– Ðây là Trung Tá S., bà con bên ngoại.

– Dạ chào cậu…

Má vợ bước tới một người đàn ông để râu, cao dong dỏng trong bộ vét trắng mới bước vô, bà vui mừng:

– Dạ Cậu Bảy!

Kéo ông tới:

– Vợ chồng tụi nó đây!

Quay qua:

– Cậu Bảy, ở Phan Thiết, bên ngoại.

Ðầu tôi lùng bùng, nói như hụt hơi:

– Dạ! Con chào ông cậu.

Cậu Bảy mỉm cười…

nguồn vnexpress.net 

o O o

Hồi còn học lớp đệ ngũ, tôi đã từng học võ Bình Ðịnh với võ sư Trương Thanh Ðăng tại võ đường Sa Long Cương, Sài Gòn. Sau một năm thì bị đuổi học chỉ vì…

Buổi tập song đấu diễn ra đẹp đẽ nếu tôi không hứng chí quật thằng bạn (cùng học chung Judo) một cú seoi nage (đòn vai phổ thông của Judo) ra trò, nó hụt thở nằm ngay đơ.

– Em, ngừng lại!

Anh huấn luyện viên trưởng chỉ tay (sau này tôi gặp anh tại võ đường Sa Long Cương Montreal, Canada)

– Tới đây! Ra sân, đứng đó!

Thầy Ðăng từ phòng bước ra, ông khoanh tay trước ngực:

– Con biết đã vi phạm nặng nề nội quy của võ đường không?

– …

Vậy là tôi bị đuổi, vì đã sử dụng môn võ khác khi thực tập bài quyền “Phượng Hoàng” của Sa Long Cương.

Và bây giờ, võ sư Trương Thanh Ðăng cao 1 thước 80 là ông cậu vợ, vỗ vai tôi:

– Khi nào có thì giờ, trở lại học đi con.

– Dạ, cám ơn ông cậu.

Võ Tây Sơn, Bình Định. Nguồn. Vietnamnet

Sa Long Cương là võ từ tỉnh Bình Ðịnh. Cả thảy có 11 quận huấn luyện võ, gồm Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Quy Nhơn, Tuy Phước và An Nhơn. 3 làng nổi tiếng là: Thuận Truyền, An Vinh, nằm trong quận Tây Sơn, làng An Thái ở quận An Nhơn.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Võ Bình Ðịnh của Thuận Truyền, An Vinh được coi là võ Tây Sơn, còn gọi là võ cổ truyền Việt Nam, về phía Ðông của An Nhơn là phong cách Bình Ðịnh An Thái, còn được coi là võ Tàu tại Bình Ðịnh.

Có câu tục ngữ ở Bình Ðịnh là “Roi Thuận Truyền, Quyền An Vinh”, nghĩa là Làng Thuận Truyền nổi tiếng về vũ khí, còn làng An Vinh lại nổi tiếng về quyền tay không. Làng An Thái cũng vang danh với võ tay không, cùng với các võ thuật khác nhau du nhập từ Tàu.

Một tục ngữ khác “Trai An Thái, gái An Vinh”, đàn ông nên học võ An Thái, đàn bà nên học võ An Vinh, vì võ An Thái cần nhiều sức mạnh khi đánh, hợp với đàn ông.

Dân Việt Nam thường nhỏ con và phong cách võ Bình Ðịnh An Vinh dạy cho võ sinh tấn công vào đối thủ cao, to (không phải Việt Nam), An Vinh sử dụng quyền với tốc độ nhanh, hợp cho phái nữ hơn.

Nguyễn Ngạc là người sáng lập phong cách An Vinh của võ Bình Ðịnh, ông là hậu duệ của bà Võ Thị Xuân, một võ tướng nổi tiếng của thời Tây Sơn.

Diệp Trường Phát là người đẻ ra phong cách An Thái. Ông gốc Tàu, sinh năm 1896, tại làng An Thái, tỉnh Bình Ðịnh; ba má ông đều là dân Tàu Minh Xiang. Năm 13 tuổi, ông được gia đình gởi về Tàu học võ. Ông đã mang võ thuật này về dạy tại làng An Thái sau bao năm khổ công luyện tập.

Theo nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường thì vị võ sư Trương Thanh Ðăng – người sáng lập phái Bình Ðịnh Sa Long Cương sinh ngày 15/1/1894 tại Phan Thiết, Bình Thuận, tự là Huyết Hùng, thường được gọi là Bảy Ðăng.

Ðầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp cấm dạy võ cho nên cậu nhỏ Bảy Ðăng đã âm thầm học võ Bình Ðịnh với cậu ruột (cậu Tư) tới năm 14 tuổi. Cậu Tư phải dùng thước kẻ để truyền dạy cho ông 24 thế roi chiến. Sau đó, người thiếu niên Trương Thanh Ðăng đã ra Bình Ðịnh, tiếp tục luyện tập võ thuật trong 15 năm.

Ông theo học nhiều bậc thầy nổi tiếng, như học võ Bình Ðịnh với thầy Hai Cụt ở làng Cẩm Mỹ Thượng, học 18 loại binh khí cổ với thầy Trương Trạch (cử nhân võ triều Nguyễn), võ Thiếu Lâm với thầy Vĩnh Phúc, học với một thầy võ người Phúc Kiến về bài quyền Tứ Môn Chương, bài binh khí Cửu Liên Hoàn và môn ám khí phun kim”.

Võ sư Trương Thanh Đăng và các học viên trước năm 1975. Nguồn.voduongsalongcuong.com

Năm 1925, Trương Thanh Ðăng mở trường dạy võ tại Phan Thiết. Năm 1930, ông vào miền Nam lập nghiệp.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ðất Bình Ðịnh xưa có một dòng võ xuất xứ từ nhà chùa, gọi là “Sa môn”. Theo thời gian, lưu truyền cho những học viên ngoài đời. Sau này, các học viên chia thành 4 chi là Long, Hổ, Phong, Vân.

Chi thứ nhất là “Sa Long Cương” của võ sư Trương Thanh Ðăng. Chi thứ hai là “Sa Hổ Môn” cũng từ một nhà chùa ở Sóc Trăng, truyền nhân là võ sư Hổ Bạch Ân. Chi thứ ba ở Châu Ðốc. Chi thứ tư kết hợp Long quyền thành “Sa Vân Long”.

Năm 1964, võ sư Trương Thanh Ðăng gia nhập Tổng Cuộc Quyền Thuật và chính thức dựng bảng võ đường Sa Long Cương tại đường Nguyễn Cư Trinh, quận 2, Sài Gòn (nay thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM), đào tạo rất nhiều môn sinh.

Võ sư Trương Thanh Ðăng cao khoảng 1,80 mét. Với vóc dáng cộng thêm tài ba võ thuật vậy mà trong những ngày đầu mở võ đường ở đường Nguyễn Cư Trinh, gần với khu Cầu Kho không phải êm xuôi.

Võ sư Trương Thanh Ðăng đã bao lần trừng trị bọn côn đồ Cầu Kho đến phá phách võ đường lúc mới mở. Sau khi mấy tên đầu sỏ bị võ sư Trương Thanh Ðăng hạ gục dễ dàng thì võ đường Sa Long Cương của ông mới yên ổn.

Chuyện kể rằng, một lần, võ sư Trương Thanh Ðăng đang dạy võ cho các đệ tử, thì bị một kẻ lạ mặt tự xưng là cao thủ quyền Anh đến để “phá lò», tuyên bố thách đấu bằng những lời lẽ ngạo mạn. Biết rằng không thể chối từ, võ sư Trương Thanh Ðăng đành nhận lời giao đấu. Khi cuộc tỉ thí diễn ra, sau vài động tác né đòn, võ sư Trương Thanh Ðăng bất ngờ tung ra một đường quyền phản kích trúng vào chấn thủy của đối thủ. Kẻ thách đấu gục ngã ngay tức khắc, vài phút mới tỉnh lại.

Võ sư Trương Thanh Đăng và dàn binh khí (Trước 75). Nguồn. Lão Đông Tà

Từ đó tên tuổi của võ sư Trương Thanh Ðăng càng nổi tiếng.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Ðặc trưng của võ phái Bình Ðịnh – Sa Long Cương là hệ thống quyền pháp căn bản và binh khí rất đa dạng như kiếm, đao, côn, roi, siêu, thương.

Nhưng trên hết, các võ sinh luôn được rèn luyện đức tính khiêm nhường và sự tôn trọng đối thủ. Võ học của môn phái là sự linh động trong chiến đấu, dùng nhu chống cương, dùng đoản chống trường.

Các võ sư Việt Nam nói rằng Trương Thanh Ðăng có rất nhiều môn sinh thuộc thành phần trí thức đến học. Nhờ vậy mà ngày nay môn phái Bình Ðịnh Sa Long Cương đã vươn đến các nước Pháp, Mỹ, Ý, Canada…

Với những đóng góp lớn cho làng võ thuật Việt Nam, giới võ lâm người Việt đã đưa võ sư Trương Thanh Ðăng vào danh sách “Tam Nguyệt” của làng võ Việt Nam vào những năm 1940 – 1960, cùng với Vũ Bá Oai (môn phái Hàn Bái Ðường) và Quách Văn Kế (môn phái Lam Sơn Võ Thuật Ðạo).

Võ sư Trương Thanh Ðăng mất Ngày 17/9/1985), thọ 91 tuổi. Người con trai của võ sư, ông Trương Bá Ðương đã chấp chánh quyền Chưởng môn đời thứ hai của hệ phái Bình Ðịnh Sa Long Cương Việt Nam.

Năm 2005, Chưởng môn Trương Bá Ðương được bầu làm chủ tịch của Liên đoàn quốc tế Bình Ðịnh Sa Long Cương. Ông qua đời năm 2010”.

TT

(Nguồn tổng hợp từ: Wikipedia, Tiểu Mã. soha.vn)