Bạn có biết giải thể thao lâu đời và liên tục nhất ở Mỹ là một cuộc đua ngựa mệnh danh “hai phút hào hứng nhất”?

Khán giả cổ võ nước rút của chú ngựa Rich Strike (phải) tại giải Kentucky Derby 2022. Ảnh: Twitter @CoadyPhoto 

Hôm thứ Bảy vừa rồi, trường đua Churchill Downs ở Louisville, Kentucky, đã mở cửa lại cho khán giả đi xem. Hai năm vừa qua, tuy cuộc đua vẫn diễn ra nhưng chỉ có một số ít người hiện diện bởi lý do dịch bệnh. Năm nay, tình hình có vẻ dễ thở hơn nên thiên hạ đi coi đông nghẹt. Mấy bà mấy cô đã lợi dụng dịp này để khoe áo xống – một trong những truyền thống lâu đời mượn từ mẫu quốc Ăng Lê mấy thế kỷ qua nay được Mỹ hoá.

Hai nữ khán giả – có thể là chị em sinh đôi, khoe áo mũ đỏ hồng rực rỡ tại cuộc đua mang tên “Run for the Roses”. Ảnh: Daniel Boczarski

Năm 1872, Đại tá Meriwether Lewis Clark, cháu nội nhà thám hiểm lừng danh William Clark, trong một dịp thăm viếng Âu Châu đã được tham dự một giải đua ngựa lớn ở Anh và làm quen với một hội đua của Pháp. Trở về Mỹ, ông nhất quyết mở một giải đua có tầng cấp như thế ở bổn xứ. Năm 1874 Clark thành lập hội Louisville Jockey Club, bắt chước theo hội French Jockey Club – nhà tổ chức cuộc đua ngựa Grand Prix de Paris lẫy lừng.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Sau một thời gian ngắn vận động và gây quỹ, Clark được hai người cậu là John và Henry Churchill tặng cho một thửa đất lớn ở ngoại ô thành phố Louisville, Kentucky, để xây trường đua. Ngày 17 tháng 5, 1875, trường đua mở cửa và trận Kentucky Derby đầu tiên đã diễn ra với sự tham dự của 15 con ngựa ba tuổi thuần dưỡng. Thuở bấy giờ cuộc đua dài một dặm rưỡi (2.41km). Khoảng 10,000 người đã có mặt để xem chú ngựa Aristides ghi tên mình vào sử sách. Năm 1883, trường đua được đặt tên chính thức là Churchill Downs cho tới bây giờ.

Cánh đàn ông cũng chưng diện không kém. Ảnh: Albert Cesare

Sau nhiều thập niên sóng gió, nhất là qua hai cuộc thế chiến long trời lở đất của thế kỷ 20, Kentucky Derby vẫn không hề bị gián đoạn. Trong hai trận đại dịch 1918 cũng như 2020-2021, cuộc đua vẫn được tổ chức mặc dù không xôm tụ như bình thường. Năm 1896, đường đua được rút ngắn xuống còn 1.25 dặm (2km). Năm đó chú ngựa vô địch Ben Brush được trao tặng một đoá hoa hồng màu đỏ và hồng. Có thể nói Kentucky Derby là một trong những truyền thống thể thao được người Mỹ yêu chuộng và quý trọng nhất.

Đã hai năm rồi người ta mới bắt gặp lại những hình ảnh lộng lẫy như thế này tại Kentucky Derby. Ảnh: Bud Kraft

Năm 1899 một biến cố không vui đã xảy ra: Đại tá Meriwether Clark, người sáng lập giải đua, tự tử. Đại tá Matt Winn Jr. lên thay thế. Vài năm sau trường đua bắt đầu có lời. Năm 1906 hoa hồng trở thành biểu tượng chính thức của Kentucky Derby. Từ đó trở đi, tại các trận đua quý bà quý cô, và cả quý ông thi nhau trang phục với chủ đề hoa hồng và ngựa. Chẳng mấy chốc nó trở thành một cái mốt phổ biến trong giới thượng lưu tại Churchill Downs. Năm 1925, một tay phóng viên cho tờ New York Evening Journal gọi cuộc đua là “Run for the Roses”. Giờ đây thành ngữ này đã trở thành một nhãn hiệu được cầu chứng tại toà.

Có lẽ đây là chiếc nón “thơm nhất” Kentucky Derby 2022. Ảnh: Jordan Prather.

Năm 1925 cũng là lần đầu tiên cuộc đua được tường thuật trực tiếp trên đài radio. Ước lượng 5-6 triệu người đã theo dõi từ khắp nơi trên nước Mỹ. Năm đó một chú ngựa ô mang tên Flying Ebony đã đoạt giải. Năm 1932, trong lúc thế giới đang chao đảo bởi cơn Đại Khủng Hoảng kinh tế, cuộc đua không những vẫn diễn ra mà còn được phát thanh trực tiếp qua đài BBC của Anh quốc. Đó cũng là năm đầu tiên chú ngựa vô địch được khoác lên mình một chiếc khăn bằng hoa hồng, một truyền thống được giữ cho tới bây giờ.

Không hoa hoè hoa sói nhưng đường nét uốn lượn thanh nhã của chiếc nón này gây ấn tượng mãnh liệt. Ảnh: Jordan Prather

Cúp cho nhà vô địch được bắt đầu trao tặng từ năm 1922. Vào năm 1949, kỷ niệm 75 năm của giải, Kentucky Derby được phát hình trên đài TV địa phương. Đến năm 1952 cuộc đua được phát hình khắp nước. Khoảng 10-15 triệu người Mỹ đã được xem trực tiếp lần đầu giải đua này, biến nó từ một sự kiện thể thao thuần tuý thành một dấu ấn văn hoá.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Trước trận đua tuần rồi chỉ một ngày, chú ngựa Rich Strike đã được cho phép nhập trận vì một con ngựa khác phải rút lui vào giờ chót. Vô danh tiểu tốt, từ hạng chót bét anh nài Sonny Leon đã đưa Rich Strike vượt qua 19 con ngựa khác để thắng nước rút vào 75 mét cuối cùng khiến mọi người phải sửng sốt ngạc nhiên. Những tay cá độ nào bắt trúng Rich Strike hôm đó đã thắng hơn 160 trên 1. Thảo nào Kentucky Derby còn được gọi là “hai phút hào hứng nhất của thể thao!”

Chiếc nón của vợ chú nài Sonny Leon tuy đơn sơ nhưng chắc chắn là chiếc nón đắt giá nhất trường đua hôm thứ Bảy! Ảnh: Jamie Squire

BB