Thể thao không chỉ có tận lực hơn thua mà còn hấp dẫn nhờ tinh thần thượng võ. Không ít cuộc tranh tài hiếm người còn nhớ kết quả, nhưng các hành xử mã thượng, hay nỗ lực phi thường vẫn là những hình ảnh đẹp còn lưu lại rất lâu trong lòng khán giả.

Kerri Strug. Ảnh Getty Images 

OLYMPIC 1996

Năm 19 tuổi, cô Kerri Strug là một thành viên của đội thể dục nghệ thuật Hoa Kỳ mệnh danh là “The Magnificent Seven” tranh tài Thế Vận Hội Atlanta 1996. Ngay từ màn biểu diễn đầu tiên, trên xà thăng bằng, Strug chẳng may bị thương cổ chân. Nhiều khán giả ái mộ còn nhớ cảnh Strug nhăn mặt, nén đau, tiếp tục thi tài, không bỏ cuộc. Tới vòng biểu diễn chung cuộc, cú nhảy thứ nhất, Strug bị mất thăng bằng, lảo đảo suýt ngã, bước đi khập khiễng quanh sàn đấu. Nhưng sang cú nhảy thứ hai, như có phép lạ, Kerri Strug đáp xuống nhẹ nhàng chỉ trên một chân còn lại. Nỗ lực phi thường của Kerry Strug lần đó đã giúp đội nữ Hoa Kỳ “US Women Gymnastics Team” lần đầu tiên trong lịch sử giật huy chương vàng đồng đội Olympic.

OLYMPIC 2016

Kỳ Thế Vận Hội gần đây nhất tại thành phố Rio de Janeiro xứ Brazil Nam Mỹ Châu La Tinh. Trên đường chạy 5,000m nữ giới, mới quá nửa hành trình, hai tay đua Nikki Hamblin, người New Zealand, và Abbey D’Agostino của Hoa Kỳ vô tình chạy đụng nhau, té lăn trên sân. Cô D’Agostino đứng lên trước liền tìm cách giúp Hamblin, nhưng lập tức quỵ ngã vì chân bị thương. Lúc đó, tới phiên Hamblin dìu đối thủ người Hoa Kỳ. Cả hai cùng chạy gần 2,000m đường còn lại, rồi chung vui trên mức đến–cảnh tượng khiến hằng triệu khán giả xúc động.

Nikki Hamblin (trái) nâng Abbey D’Agostino. Ảnh Ian Walton/Getty Images

OLYMPIC 1992

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tay đua người Anh Derek Redmond thời đó bá chủ đường chạy 400m nam giới, nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới lẫn Âu Châu. Vào chung kết chạy 400m Olympic, ai cũng dự báo Redmond dễ dàng đoạt huy chương vàng. Anh xuất phát tốt, nhưng mới quá bán đường đua không may bị tét gân kheo. Redmond khựng bước chạy, nhưng rồi lại đứng thẳng lên, cố hết sức lê từng bước chân khập khiễng. Thình lình, từ trên khán đài, có bóng người thoắt chạy xuống sân. Ðó là người cha Jim Redmond, không chịu nổi cảnh con trai mình đau đớn, đã vượt qua một rừng an ninh cảnh vệ, dìu Derek… cà nhắc về đích trong ràn rụa nước mắt. Ngày nay, hầu như ai cũng đã quên kẻ thắng cuộc đua ngày hôm đó, nhưng rất nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh Derek Redmond hoàn tất bài thi trong cảnh tất cả khán giả đều đứng dậy trong tràng vỗ tay chừng như không muốn dứt. Về sau, cả BBC và Time đều chọn cảnh Derek Redmond trên mức đến là hình ảnh quan trọng bậc nhất trong lịch sử tranh hùng Olympic.

Cha con nhà Redmond. Ảnh twitter.com/espn

OLYMPIC 1936

Kỳ Thế Vận Hội tổ chức tại thủ đô Berlin là cơ hội cho nhà độc tài Adolf Hitler trình diễn trước thế giới nòi giống Ðức thượng đẳng thời Chủ Nghĩa Phát Xít. Rủi thay cuồng vọng “Aryan” sụp đổ tan tành dưới bước chạy đà giậm nhảy của một lực sĩ người Mỹ da đen: Jesse Owens. Ðáng nói là, tay nhảy xa Luz Long của Ðức dễ dàng vượt qua vòng loại với  cú nhảy đi thẳng vô sách kỷ lục TVH. Trong khi đó, Jesse Owens suýt bị loại sau hai lần giậm nhảy đều mắc lỗi. Trước cú nhảy chót, chính đấu thủ người Ðức, Luz Long, vấn kế cho Owens cách tránh phạm quy. Nhờ vậy, Owens chẳng những được đi tiếp, vào tranh chung kết, mà cuối cùng giật luôn huy chương vàng, trong khi Long chỉ được huy chương bạc. Cảm phục nghĩa cử, Owens bầu bạn với Long cho tới khi bạn mất mạng trong Thế Chiến Hai, rồi tiếp tục qua lại với gia đình của Luz Long nhiều năm sau nữa.

Jesse Owens. Ảnh getty/images

ĐIỀN KINH TÀI TỬ 2012

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Trước một cuộc thi chạy đua 3,000m năm 2012 ở vùng Navarre, tay đua người Tây Ban Nha chủ nhà, Ivan Fernandez Anaya, 24 tuổi, còn là một gương mặt xa lạ. Bất ngờ dị thường khi Anaya có cơ hội đả bại tay đua Kenya lừng danh, Abel Mutai, người từng giật huy chương đồng Olympic. Trong cuộc thi này, Abel Mutai dễ dàng dẫn đầu, nhưng khi chỉ còn vài thước trước mức đến, Mutai đột ngột lơi bước chân, chạy chậm lại vì… tưởng đã vượt mức đến rồi. Từ phía sau, Fernandez Anaya lẳng lặng vọt lên, nhưng thay vì qua mặt đối phương, Anaya lại… hối thúc Abel Mutai tiếp tục chạy, nhờ vậy Mutai vẫn kịp đứng hạng nhì chung cuộc. Cử chỉ của Anaya được cộng đồng dân mạng khen ngợi rất nhiều.

AUSTRALIAN OPEN 2009

Cuối trận chung kết tennis nảy lửa trên sân Melbourne Park, kéo dài gần 4.5 tiếng, kết thúc sau nửa đêm, đấu thủ người Tây Ban Nha, Rafael Nadal, khuất phục cao thủ người Thụy Sĩ, Roger Federer, với tỉ số 7-5, 3-6, 7-6, 3-6, 6-2. Ðôi bên hầu như kiệt sức, tới mức Federer bật khóc lúc nhận giải nhì. Người thắng cuộc Nadal chứng tỏ tinh thần thượng võ, bước tới cạnh, choàng tay lên vai, an ủi kẻ bại trận. Khi nhận cúp quán quân, Rafael Nadal mở lời với câu “Sorry about today, Roger!” bày tỏ niềm kính trọng đối phương. Chẳng những để lại hình ảnh đẹp, đây còn là một trận banh nỉ hay bậc nhất xưa nay trên đấu trường Grand Slam banh nỉ Australian Open.

Xem thêm:   2 người thợ săn

GRAND PRIX 1973

Một trong những tai nạn xe đua thảm khốc nhất xảy ra trên đường đua Dutch Grand Prix 1973. Sang vòng thứ 8, xe của tay đua Roger Williamson, người Anh, bị bể bánh, đâm dội rào cản, lộn ngược, bình xăng phát hỏa. Một tay đua Formula 1 kỳ cựu thời thập niên 1970, cũng người Anh, tên David Purley, lập tức dừng xe, hối hả chạy tới giúp  tay đua trẻ thiếu kinh nghiệm bị mắc kẹt, đang gào thét kêu cứu. Purley tìm cách lật chiếc xe nhưng bất khả, bình xịt chữa lửa cũng vô vọng  trong biển lửa ngùn ngụt. Ðáng nói là các xe đua khác vẫn nhấn hết ga chạy ào ạt, cuộc đua cứ tiếp tục, và đây là lý do phải mất mấy phút sau xe chữa lửa mới tới nơi, dù đậu cách đó không bao xa. Lúc đó, tay đua xấu số Roger Williamson đã chết ngộp rồi. Dù sao, sự quả cảm của David Purley nhận rất nhiều cảm kích, được Hoàng Gia Anh Quốc ân thưởng huy chương George Medal.

David Purley – Tranh Niall McCarthy

TTD