Tại Thế Vận Hội Tokyo 2020, đội banh rổ 3×3 nữ với bộ huy chương vàng Olympic đầu tiên là một điểm sáng cho Team USA, nhất là trong cảnh Hoa Kỳ để mất nhiều huy chương vàng hơn thường lệ.

Trận chung kết Olympic Tokyo 2020, nữ Hoa Kỳ (áo xám) hạ nữ ROC 18-15. Ảnh www.popsugar.com 

Ðội bơi lội nữ lần này bị sẩy tay hơi nhiều, tuy đoạt 17 huy chương, nhưng phần lớn là bạc và đồng. Thể dục nghệ thuật nữ cũng bị sẩy tay, sau khi ngôi sao Simone Biles rút lui, đội US Women Gymnastics chỉ kịp lấy huy chương bạc. Ngược lại, hôm Thứ Tư 28/7/2021, trên sân Aomi Urban Sports Park ở Tokyo, trong trận chung kết đội banh rổ 3×3, đội nữ Hoa Kỳ hạ đẹp nữ ROC 18-15 (một cách chánh thức, nước Nga bị cấm dự tranh TVH vì án phạt lạm dụng chất kích thích, “ROC” là viết tắt của “Russian Olympic Committee”, và tại Nhật cũng chỉ được đọc tắt là “ROC” để các chữ  nước Nga hay người Nga “Russia” hay “Russian” không được nghe thấy).

Nữ Hoa Kỳ hạ nữ Pháp 18-16 bán kết Olympic Tokyo 2020. Ảnh AP/Jeff Roberson

Môn banh rổ 3×3 đánh từ 24/7 tới 28/7. Sau phần đánh vòng tròn một lượt, nữ Hoa Kỳ đứng đầu, được vào thẳng bán kết, lúc các tay ném Team USA hạ các cô gái Pháp 18-16. Thủ lãnh của nữ HK là tay ném Kelsey Plum #5, 26 tuổi, ghi nhiều điểm nhất kỳ Olympic Tokyo 2020 (55 điểm). Mấy năm trước, thời còn là sinh viên, Kelsey Plum đánh cho đội banh rổ nữ Washington Huskies của Ðại Học University of Washington. Năm 2017, cô được chiêu mộ chơi banh rổ nhà nghề nữ giới WNBA với phiếu chọn lựa đầu tiên “#1-Overall-Pick” về đội Las Vegas Aces đeo áo #10. Còn vị thuyền trưởng dẫn dắt đội nữ HK lần này là HLV Kara Lawson, 40 tuổi, đương kim HLV trưởng đội banh rổ nữ sinh viên Duke Blue Devils thuộc Ðại Học Duke University. Chính cô Kara Lawson cũng từng là một tay ném cừ khôi, thành viên của Team USA đoạt huy chương vàng banh rổ Olympic Beijing 2008.

Tay ném Kelsey Plum #5. Ảnh guncelkal.net

Trò chơi banh rổ 3×3 Basketball (trong Anh ngữ đọc là “Three-ex-Three”). Ðội thắng cuộc là bên ghi đủ 21 điểm, hoặc ghi nhiều điểm hơn sau 10 phút tranh hùng. Nếu điểm vẫn còn hòa sau 10 phút thì đánh sang giờ phụ trội, với bên nào gác trước 2 điểm cách biệt thì giành phần thắng. Khác với các trận banh rổ truyền thống (với mỗi bên có năm đấu thủ trên sân), môn 3×3 Basketball mỗi bên chỉ có 3 tay ném và một dự bị. Trái banh rổ 3×3 nhỏ hơn, chỉ chơi trên nửa phần sân, và cả hai bên chỉ nhắm ném banh vào một chiếc lưới. Một khác biệt nữa là các HLV banh rổ 3×3 không được có mặt, hò hét bên lề sân, nên các tay ném phải tự điều chỉnh chiến thuật. Banh rổ 3×3 cũng có thể gọi là “banh rổ tốc độ” vì nó rất nhanh. Các đấu thủ phải liên tục chuyển từ phòng ngự sang tấn công, hoặc ngược lại, trong nháy mắt. Bên có banh tấn công thì chỉ có 12 giây để tìm cách ném banh lọt lưới.

Đội banh rổ 3×3 nữ Hoa Kỳ đoạt huy chương vàng TVH Tokyo 2020, từ trái sang phải, Kelsey Plum, Jacquelyn Young, Stefanie Dolson và Allisha Gray. Ảnh Jeff Roberson | AP

Banh rổ truyền thống (5 chống 5) đã góp mặt trong chương trình tranh tài chánh thức của Thế Vận Hội từ Olympic Berlin 1936 (nam giới) và Olympic Montreal 1976 (nữ giới). Hoa Kỳ là mãnh lực tuyệt đối cả bên nam lẫn nữ. Tuy nhiên, đối với banh rổ 3×3 thì đội nam HK thậm chí không qua nổi vòng loại Olympic kỳ này. Trò chơi này vào năm 2007 được liên đoàn banh rổ quốc tế (International Basketball Federation hay FIBA) chánh thức công nhận và thiết lập luật lệ. Lần đầu tiên banh rổ 3×3 ra mắt tranh tài là tại TVH Thanh Niên Youth Olympic Games 2010 do Singapore tổ chức. Tới năm 2017, banh rổ 3×3 mới được Ủy Ban Olympic Quốc Tế – IOC – quyết định đưa vào chương trình tranh tài chánh thức kể từ TVH Tokyo 2020.

HLV Kara Lawson (trái) và các thành viên đội banh rổ 3×3 nữ Hoa Kỳ. Ảnh www.facebook.com/KaraLawsonBarling

Màn ra mắt của banh rổ 3×3, cùng với các môn tranh tài mới như lướt ván “Skateboarding”, lướt sóng “Surfing”, leo núi “Sport Climbing”, cũng nằm trong chiến lược của IOC nhằm thu hút giới trẻ (cả người chơi lẫn người xem). Trò chơi Basketball 3×3 gọn nhẹ, không đòi hỏi sân bãi quy củ, chỉ cần một cột lưới, cũng không cần đủ mỗi bên 5 tay ném, mà có thể chỉ 1 chống 1, 2 chống 2… Vì vậy các trận banh rổ “bỏ túi” kiểu này rất phổ biến, tiện lợi, mang tính giải trí cao, rất được giới trẻ ưa chuộng. Thực tế nhiều năm qua banh rổ 3×3 đã được chơi khắp thế giới một cách bán chánh thức. Ngay từ thập niên 1970 vào thế kỷ trước, tại Hoa Kỳ đã thấy xuất hiện các cuộc tranh tài banh rổ 3×3 mang tên “Gus Macker 3-on-3 Basketball Tournament”. Cuộc thi này vẫn còn cho tới ngày nay, tranh tài hằng năm với gần 80 thành phố, thu hút trên 200,000 tay ném. Trên thế giới, ước lượng có chừng nửa triệu người chơi banh rổ 3×3 tại hơn 180 quốc gia.

Ảnh Evan Abell / Yakima Harald-Republic

Banh rổ Gus Macker 3-on-3. Ảnh en.wikipedia.org

TTD