Ngày xưa gần đến Tết là đám con nít tụi tôi lại háo hức vì không những sắp có áo mới, tiền lì xì, mà còn được Ba Mẹ hay anh chị dắt đi coi xi-nê. Tết nhất là dịp các rạp hát ở Sài Gòn chiếu những phim tươi vui, thích hợp cho mọi lứa tuổi. Các rạp cải lương hay sân khấu kịch cũng tăng suất diễn dịp Tết.

James Corden, Taylor Swift, Jennifer Hudson, Ian McKellen sẽ đóng trong phim “Cats”, dựa trên vở nhạc kịch Broadway, nguồn: internet     

Sang Mỹ dĩ nhiên chúng tôi không còn những dịp như vậy nữa. Nhưng người Mỹ giống như ta, cũng có tục lệ dẫn con cháu đi coi xi nê khi gia đình tụ tập vào mùa lễ Giáng Sinh. Bởi vậy nên vào thời điểm này các hãng phim luôn tung ra một số phim nhắm vào đối tượng gia đình có con nhỏ hoặc tuổi teen. Nếu mùa Hè là mùa của phim action blockbuster thì Noel là mùa của phim gia đình. Sau đây là vài bộ phim theo thiển ý đáng xem trong mùa Giáng Sinh này.

Frozen II

Thể loại: Disney nhạc kịch, hoạt hình. Rated G.

Nhiều bậc cha mẹ có lẽ vẫn còn nhớ (và ngán tận cổ) bản nhạc “Let It Go” của phim Frozen (2013) mà có một thời trẻ em tiểu học hầu như đứa nào cũng ê a cả ngày. Lần này toàn bộ ê-kíp cũ của Frozen I vẫn được giữ nguyên – từ đạo diễn cho tới kịch bản viên, và luôn cả nhà soạn nhạc. Các diễn viên lồng tiếng cho những vai chính cũng trở lại, như Kristin Bell vai công chúa Anna, Jonathan Groff (Kristoff, bạn trai của Anna), Idina Menzel vai hoàng hậu Elsa (chị của Anna) người có phép màu điều khiển được băng tuyết…

Cốt truyện xoay quanh chuyến du thám của Elsa ra ngoài vương quốc Arendelle, đến một vùng đất lạ đầy hiểm nguy để truy lùng nguồn gốc quyền phép của mình. Cùng đi với Elsa có Anna, Kristoff và Olaf, một người tuyết do Anna tạo nên.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Ra mắt khán giả cuối tháng 11, Frozen II đã thu vào hơn $1 tỉ đô la từ vé bán, đạt kỷ lục doanh thu cao nhất thế giới đêm đầu tiên cho thể loại phim hoạt hình. Các nhà phê bình, dù có ngán phim Disney cách mấy, cũng đã chấm điểm Frozen II khá cao, dựa vào những yếu tố như  kỹ thuật tạo hình điêu luyện, âm nhạc hay, các giọng ca tốt, cốt truyện và đối thoại thông minh.

Ðây là một bộ phim cho con nít đúng nghĩa, nhưng đồng thời người lớn cũng sẽ xem được vì lồng trong đó là một số yếu tố xã hội hiện đại mà những ai tinh mắt để ý sẽ nhận ra.

Bích chương phim Frozen 2. nguồn: internet

Star Wars: The Rise of Skywalker

Thể loại: Khoa học giả tưởng. Phim hành động, gay cấn. Thích hợp cho tuổi pre-teen trở lên.

Năm 2012 Disney mua toàn bộ bản quyền sản phẩm Star Wars từ George Lucas với giá 4 tỉ đô la. Sau đó Disney cho ra bộ phim thứ nhất, “The Force Awakens” (2014), đạt vô số kỷ lục doanh thu trong tất cả các phim Star Wars từ trước tới giờ, và đứng hạng tư doanh thu trong lịch sử phim ảnh nói chung.

Kế đến là phim “The Last Jedi” (2017) với sự hiện diện của hai nữ tài tử Việt là Ngô Thanh Vân (một vai phụ bị hy sinh sớm) và Kelly Marie Trần, vai nữ anh hùng Rose. Ngoài ra còn có sự có mặt của hai nhân vật kỳ cựu của Star Wars thế hệ thứ nhất là Mark Hamill (vai Luke Skywalker) và Carrie Fisher (công nương kiêm đại tướng Leia). Carrie Fisher qua đời cuối năm 2016, do đó phim này được xem như bộ phim cuối cùng có sự góp mặt của cô. Có lẽ nhờ vậy mà “Last Jedi” cũng đạt doanh thu khá cao, 1.3 tỉ đô la, đứng hạng 9 trong lịch sử điện ảnh.

Poster phim “Rise of Skywalker”. nguồn: internet

Nhưng theo một số nhà phê bình chuyên nghiệp, từ khi George Lucas bán Star Wars cho Disney, cốt truyện của phim đã bị các kịch tác gia của Disney rẽ sang những hướng đi mới, không nhất thiết hay hơn cái cũ. Sự xuất hiện của một số nhân vật không phải là người da trắng, tuy được xem như một nỗ lực để đa dạng hoá bằng cách mang nhiều thành phần chủng tộc hay giới tính hơn vào phim, đã bị nhiều fans lâu năm của Star Wars chỉ trích vì nó mang nặng tính “trang trí” hơn là một sự thay đổi thật sự cần phải có trong cách điều hành của Hollywood.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Nhưng dù gì đi nữa thì “Rise of Skywalker” có lẽ vẫn sẽ được khán giả chiếu cố, vì đây là cuốn phim cuối cùng trong bộ phim Star Wars. Nó là dấu chấm hết của một pho trường thiên tiểu thuyết được bắt đầu từ năm 1977. Từ đó đến nay nước Mỹ đã trải qua 7 đời tổng thống; bao nhiêu thế hệ trẻ con đã lớn lên với các nhân vật Luke, Leia, Chewbacca, R2-D2…  Giờ đây những người ấy đã trở thành cha mẹ, ông bà. Họ sẽ dẫn con dẫn cháu đi xem “Rise of Skywalker”. Ðây có thể là phim Star Wars đầu tiên nhiều đứa bé được xem trên màn ảnh lớn, đồng thời là phim cuối cùng cho những người dẫn chúng đến rạp.

Carrie Fisher trong vai Princess Leia. nguồn: internet

Cats

Thể loại: Phim nhạc kịch. Cho mọi lứa tuổi.

Cách đây không lâu trên báo Trẻ có đăng một bài về nhạc kịch Cats, tựa là “Mèo Của Nhà Thơ”. Nó kể sơ về lịch sử hình thành vở nhạc kịch “Cats” từng đứng đầu Broadway gần 20 năm trời, dựa trên một tập thơ về mèo của nhà thơ người Mỹ lừng danh T.S. Eliot.

Cats không đơn thuần là một vở nhạc kịch mà còn là một hiện tượng văn hoá độc đáo, ai chưa xem bao giờ nên coi cho biết. Không những mảng âm nhạc rất hay mà cốt truyện cũng hấp dẫn – nói theo kiểu cải lương là “có hậu”.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Bộ lạc mèo mang tên Jellicle Cats hàng năm tựu về một lần để xem ai sẽ được già làng Deuteronomy chọn cho thăng thiên lên thiên đường mèo (Heaviside Layer) để đầu thai vào kiếp Jellicle kế tiếp. Mỗi con mèo là một nhân vật có cá tính riêng biệt, được thủ vai bởi các ca sĩ hoặc diễn viên gạo cội như Taylor Swift, Jennifer Hudson, Ian McKellen, Judi Dench, James Corden…

Poster phim “Cats”. nguồn: internet

Nghe nói ngoài những bản nhạc bất hủ của Andrew Lloyd Webber, phần âm nhạc còn có sự đóng góp của Taylor Swift (vai Bombalurina). Ca sĩ Jennifer Hudson, trong vai chị mèo già bị hắt hủi Grizabella, sẽ hát bản “Memory” mà hầu như ai nghe qua một lần đều khoái dầu có thích nhạc kịch hay không.

Thay vì phải hoá trang bằng những bộ quần áo và vẽ mặt giống mèo như trên sân khấu, các diễn viên phim được “miêu hoá” bằng kỹ thuật computer graphics hiện đại trông rất thật. Nhiều người cho rằng những con người đội lốt mèo này trông thật đến nỗi có thể làm trẻ con sợ hãi. Nhưng nhà làm phim đã có lời trấn an rằng đây không phải là bộ phim để nhát ma con nít, quý vị phụ huynh chớ lo xa.

Xưa nay có rất nhiều nhạc kịch được chuyển thành phim rất thành công, chẳng hạn như “West Side Story” (1961), “Mama Mia” (2008, 2018), “Les Miserables” (2012)… Một số đã trở thành kinh điển trong mùa Giáng Sinh, như “The Sound of Music” (1965) từng được chiếu ở miền Nam vào dịp Tết khoảng đầu thập niên 1970. Chưa biết rồi đây “Cats” sẽ chiếm vị trí nào trong danh sách ấy, nhưng chỉ xem qua trailer thôi là người viết đã rất hồi hộp, hào hứng, háo hức… chẳng khác nào con nít chờ mở quà đêm Giáng Sinh.

Taylor Swift thủ vai Bombalurina trong phim “Cats”. nguồn: youtube

PA

Dallas