Bộ phim mới của hãng Disney cuối cùng cũng ra mắt công chúng sau khi bị đình trệ nhiều tháng bởi đại dịch Cô Vi. So với phim ‘Mulan’ hoạt hoạ của Disney năm 1998 thì ‘Mulan’ do người thật đóng này không hay bằng.

Lưu Diệc Phi trong vai Mulan, 2020. Nguồn: Disney    

Ðiều đầu tiên khán giả cần biết là phim này — trong bài sẽ gọi là ‘Mulan 20’ để phân biệt với phim hoạt hoạ ‘Mulan 98’, không chiếu ngoài rạp mà chỉ stream trên Disney+. Muốn xem phải ghi danh mướn Disney+ ($6.99/tháng hoặc $69.99/năm). Kế đến phải bỏ thêm $29.99 mua “vé”; thoạt nghe có vẻ mắc, nhưng so với tiền dẫn một gia đình bốn người đi coi xi-nê ở rạp thì vẫn tương đối rẻ, chưa tính tiền bắp rang, hot dog, nước ngọt v.v. Dĩ nhiên coi ở nhà không sao bằng xem trên màn ảnh lớn với âm thanh nổi, nhưng ngược lại ta có thể coi đi coi lại nhiều lần (nếu phim hay) và mở phụ đề tiếng Anh lên nếu nghe không rõ.

Những ai đã từng xem qua ‘Mulan 98’ đều biết nó thuộc thể loại nhạc kịch hài hước, với Eddie Murphy trong vai con rồng Mushu được nhiều khán giả yêu thích, và Ming-Na Wen người Mỹ gốc Hồng Kông thủ vai chính. Có thể nói ‘Mulan 98’ là một trong những bộ phim kinh điển nhất trong loạt phim hoạt hình của Disney. Phụ huynh nào có con nhỏ có lẽ đều đã được xem qua phim này. Thấy ăn khách, năm 2004 Disney tung ra phim hoạt hoạ ‘Mulan II’ chỉ bán trên DVD để vớt thêm mớ bạc. Nhưng ‘Mulan II’ không những không bằng ‘Mulan 98’ mà còn … dở như hạch!

Sang thập niên 2010 Disney chuyển sang làm phim hành động nhiều hơn. Ðầu tiên công ty bỏ ra $4 tỉ mua lại toàn bộ chuỗi phim Marvel Comic Universe (MCU) với các siêu nhân như Iron Man, Spider Man, Hulk… Năm 2012 Disney mua luôn bản quyền Star Wars, cũng với giá $4 tỉ. Tiếp theo là hàng loạt phim live-action có người đóng, chuyển thể từ các bộ phim hoạt hoạ Disney kinh điển như ‘Jungle Book’ (2016), ‘Aladdin’ (2019), ‘Dumbo’ (2019) v.v.

Hình bìa cho phim hoạt hoạ Mulan, 1998. Nguồn: Disney

Dự án ‘Mulan 20’, khởi sự năm 2015, cũng nằm trong chiến lược vơ vét và bành trướng vô cùng tốn kém này. Nhưng khác với các bộ phim kia, ‘Mulan 20’ đã vấp phải nhiều “trục trặc chánh trị” ngay từ trong trứng nước. Trước tiên, để nhắm vào thị trường Trung Hoa béo bở, Disney đã hợp tác với các nhà đầu tư bên Tàu cũng như có một số thoả thuận với chính quyền Trung Quốc mà có thể lúc đó họ không tiên liệu sẽ gây rắc rối về sau (hoặc giả vì quá cần tiền nên họ bất chấp rủi ro?)

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Rắc rối thứ nhất liên quan đến địa lý. Hoa Mộc Lan là một nhân vật mang tính cách huyền sử hơn lịch sử. Không ai biết chắc bà ta có thật hay không. Huyền thoại về bà đến từ một bài thơ truyền khẩu được ghi chép lại vào đời Ðường. Theo đó thì bà sống ở nước Bắc Nguỵ — Northern Wei (元魏) phía Ðông Bắc Trung Hoa, vào khoảng thế kỷ thứ 5.

Nhưng không hiểu vì sao, Disney lại đưa phim đoàn sang tận Tân Cương ở phía Tây để quay một số cảnh mà trong màn mở đầu của phim được cho là nằm trên Con Ðường Tơ Lụa. Tân Cương, như nhiều người biết, là vùng đất của dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) đang bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp, nơi người Hồi giáo đang bị dồn vào các trại tập trung khổng lồ, nơi một cuộc Hán hoá quy mô đang được thực hiện trước sự phẫn nộ của thế giới tự do. Trong phần credit cuối phim, Disney không quên cảm tạ cả chục cơ quan nhà nước ở Tân Cương, kể cả Bộ Công An, đã tận tình giúp đỡ trong quá trình quay phim tại đây. Ta không biết phim đoàn có được nhìn thấy các trại tập trung hay tiếp xúc trực tiếp với người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay không, nhưng trên bề mặt thì đây vẫn là một nước cờ cao của Trung Cộng, một chiếc bẫy tinh vi mà Disney đã vô tình hoặc cố ý bước vào.

Bản đồ Châu Á khoảng năm 500 AD, “Northern Wei” quê hương của Mulan nằm ở phía Đông Bắc. Nguồn: Wikipedia

Về mặt kịch bản, một số chi tiết lịch sử đã được ngầm thay đổi để phù hợp với tình hình chính trị ngày nay. Chẳng hạn như vua nước Nguỵ, một vương quốc nhỏ thời bấy giờ, trong phim được biến thành một vị đại hoàng đế đầy uy quyền chẳng thua gì Tập Cận Bình. Ðã vậy “Con đường tơ lụa” được nhắc đến ngay từ màn mở đầu, khiến ta không khỏi liên tưởng đến “một vòng đai, một con đường” mà Bắc Kinh đang bỏ ra hàng trăm tỉ đô la để thực hiện. Chủ nghĩa dân tộc của người Hán cũng được lồng vào các lời thoại một cách lộ liễu hơn so với ‘Mulan 98’ trước đây.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Với kinh phí $200 triệu, ‘Mulan 20’ được dàn dựng hết sức công phu. Ða phần được quay ở New Zealand, hình ảnh và màu sắc không chỗ nào chê. Nữ đạo diễn Niki Caro người Tân Tây Lan đã gom được một ê kíp diễn viên hùng hậu. Ngoài Lưu Diệc Phi thủ vai chính, còn có Chân Tử Ðan trong vai tể tướng và Lý Liên Kiệt vai hoàng đế. Khác với ‘Mulan 98’, ‘Mulan 20’ không có các màn ca nhạc mà gần với thể loại võ hiệp hơn. Và đó cũng là điểm yếu của phim. Bởi vì so với phim chiến tranh như ‘Xích Bích’ hay phim võ của Tàu thì ‘Mulan 20’ thua xa. Cũng dễ hiểu, vì đạo diễn Niki Caro không phải người Tàu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là các diễn viên Tàu lại đóng không thuyết phục. Thêm vào đó các lời thoại Tàu không ra Tàu, Anh không ra Anh nghe không hay. Phần nhạc đệm cũng không có gì ấn tượng, nếu không nói là quá xoàng so với ‘Mulan 98’.

Nếu các bạn muốn xem phim hay về Hoa Mộc Lan, đề nghị lên Youtube lục tìm “Mulan: Rise of a Warrior” (2009) [1]. Ðây là một bộ phim chiến tranh thật sự với một cốt truyện đặc sắc, nhiều tình tiết éo le, diễn xuất có hồn nhưng không lên gân, không cổ xuý tinh thần dân tộc một cách quá lố. Phim được đề cử cho nhiều giải ở Á Châu, và nữ diễn viên chính Triệu Vy đã đoạt Best Actress tại nhiều nơi, kể cả Việt Nam. Lưu Diệc Phi cũng có thử vai cho phim này nhưng không được đạo diễn Mã Sở Thành chọn.

Triệu Vy nhập vai “Mộc Lan” (2009). Nguồn: The Urban Wire

Còn nếu bạn muốn du hành ngược thời gian, trở về với thể loại phim Hồng Kông của thập niên ‘60, thì có thể tìm xem bộ “Lady General Hua Mulan” (Nữ tướng Hoa Mộc Lan) của Shaw Brothers, sản xuất năm 1963, cũng có trên Youtube [2]. Khác hẳn những phim Mulan kia, đây là một tuồng Hồ Quảng cổ điển. Thay vì các màn múa hát kiểu Mỹ thì ta có các màn múa kiếm giống như hát bội. Cũng là một cách để thư giãn tinh thần trong mùa ôn dịch này. Cả hai phim vừa nói đều có thể xem free trên Youtube.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Trở lại với bộ phim mới ra lò của Disney, ‘Mulan 20’ chưa ra mắt khán giả là đã có phong trào tẩy chay. Ngoài các lý do “địa lý chính trị” như đã nói ở trên, Disney còn bị tố bởi câu phát biểu hơi … thiếu thông minh của Lưu Diệc Phi hồi năm ngoái, khi cô ủng hộ cảnh sát Hồng Kông trong việc đàn áp người dân xuống đường biểu tình. Hoàng Chí Phong cùng các thành phần đấu tranh ở Hồng Kông đã tung ra hashtag #BoycottMulan và được đông đảo người ủng hộ. Chưa hết, cách đây mấy hôm chính quyền Trung Quốc bỗng ra lệnh không cho quảng bá ‘Mulan 20’ trên các kênh truyền thông cũng như mạng xã hội trong nước, chỉ vài ngày trước khi phim được trình chiếu tại Trung Quốc. Ðùng một cái, doanh thu dự kiến tại thị trường lớn nhất cho Mulan của Disney tự dưng bị đe doạ. Như ông bà mình nói, “chơi dao có ngày đứt tay!”

Chấm điểm: C

Lý Dàn Dàn trong phim câm “Mulan Đi Lính”, phim đầu tiên về Mulan, phát hành năm 1927 tại Thượng Hải. Nguồn: Tianyi Films

PA

[1] https://youtu.be/8j1aWcQpAOA

[2] https://youtu.be/Tglm3anmue8