Khi định cư ở Hoa Kỳ, rất ít ai nghĩ đến chuyện sẽ sống ở miền quê, cho dù đã là nông dân nhiều đời lúc ở quê nhà. Nhưng vẫn có một số người, vì hoàn cảnh ban đầu khi mới đến, hay họ có tầm nhìn xa, nên đã chọn nghề làm vườn hay trang trại chăn nuôi. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, đa số họ thành công.

Nhà và trại gà với đàn bò  (Ảnh SĐ) 

Tùy thuộc vào khí hậu của mỗi tiểu bang, cuộc sống miền quê của người Việt có nhiều ngành nghề khác nhau. Chẳng hạn, tiểu bang Floria có nhiều vườn trồng các loại cây ăn trái của người Việt. Còn ở Texas, đa số người Việt ở miền quê, sống bằng nghề nuôi gà công nghiệp và nuôi bò. Vào hai thập niên gần đây, rất nhiều trang trại gà của Người Việt phát triển mạnh, nhất là vùng Texas và vài tiểu bang lân cận, tạo uy tín với 3 hãng gà lớn là Tyson, Pilgrim và Sanderson. Do đó, khi người Việt mua trang trại gà cũ hoặc xây trại mới, rất dễ được hợp đồng từ hãng gà. Chúng tôi có vài lần đến thăm các vùng nông thôn Texas, tìm hiểu về cuộc sống để thử lập kế hoạch về sống nơi đây trong tuổi hưu dưỡng, hợp với mức tiền hưu khiêm nhường và khám phá rất nhiều điều thú vị.

Cách thành phố Dallas khoảng 2 tiếng lái xe, có những “làng Việt Nam”, nơi đó người dân sinh sống bằng nghề nuôi gà. Tuy không đông đúc nhưng họ sống rất vui vẻ, gần gũi, thân thiện với nhau. Giá nhà và sinh hoạt rất rẻ. Vấn đề an ninh cũng rất tốt, có nhà không bao giờ khóa cửa và xe đậu ở trước nhà cũng không khóa, trong khi chìa khóa vẫn để trong xe. Trước đại dịch Covid, chúng tôi đến thăm anh bạn ở thành phố Winnsboro, TX, nghe kể có người quen bán căn “mobile home” tính luôn cả khu đất rộng, ngay bờ hồ, chỉ có 50,000 USD. Nếu ra khỏi khu thị trấn không xa lắm, có thể tìm mua căn nhà trên khu đất chừng một mẫu, với số tiền khoảng 100,000 USD không khó lắm. Ở đó, có đất trồng rau, cây ăn trái, nuôi gà đi bộ, câu cá, đi săn hoặc bẫy heo rừng. Nếu ai nghỉ hưu non hoặc đúng tuổi, sức khỏe còn khá tốt, con cái đã trưởng thành, muốn chọn một cuộc sống gần thiên nhiên và an nhàn, thì về những thị trấn nhỏ, không xa thành phố lớn, là một chọn lựa không tệ. Nhờ mọi chi phí thấp, người ta có thể để dành tiền cho những cuộc du lịch mình yêu thích.

Chỗ nhử heo đến  (Ảnh Thuận Ng.)

Nhân tiện nhắc việc săn heo rừng, chúng tôi cũng tò mò muốn biết việc săn bẫy và làm heo ra sao, nên căn dặn người bạn ở Marquez City, Texas, khi nào có ai bắt được heo rừng về xẻ thịt, xin báo tin để chúng tôi đến tận nơi quan sát và cũng giải đáp thắc mắc cho đám bạn nhậu, rất mê món heo rừng xào lăn, heo rừng nấu rựa mận, đang thập thò muốn làm thợ săn và chính tay mình làm thợ mổ.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Theo chuyên mục Kiến Thức Trẻ của Ðinh Yên Thảo thì “Số lượng heo rừng tại Texas có đến 2.6 triệu con. Các cánh đồng bắp, lúa mì, đậu, khoai tây, cà chua bắp cải …là thức ăn khoái khẩu của chúng. Do đó, chúng gây thiệt hại mùa màng lên đến 500 triệu hằng năm và còn cao hơn nữa”. Vì thế, việc bắt heo rừng bằng cách săn bắn, đặt bẫy, được khuyến khích để diệt bớt chúng. Thợ săn thường bày một khu có đặt nước và thức ăn để dụ heo đến và họ ẩn núp trên một chòi cây cao, dùng súng bắn. Người ở “farm” thì đặt bẫy để bắt sống.

Một ngày giữa tuần, người bạn báo cho biết có heo mắc bẫy và vợ chồng anh chị bạn ở gần đó sẽ xẻ thịt trong ngày. Thế là chúng tôi vội phóng xe đi ngay. Ðến nơi, lần đầu tiên mới thấy tận mắt cái bẫy và con heo khoảng 50 “pounds” đang bị nhốt trong đó. Anh chị T, người đã làm heo rừng nhiều năm chia sẻ:

Bẫy heo rừng là một lồng vuông bằng sắt rất chắc, được đặt ở bìa rừng, cánh cửa mở rộng, bên trong, để thức ăn heo thích như bắp. Khi heo lao vào ăn thì cửa đóng lại. (Ảnh SĐ)

Chị T: Tôi qua Mỹ được 12 năm. Mới đầu sống ở Houston. Hồi ở Việt Nam nhà làm biển, nên giúp con làm biển một thời gian, sau đó lên đây mua trại gà. Vừa chăm lo trại gà, vừa làm heo rừng. Thật ra, tôi chỉ mới bắt đầu làm heo khoảng 3, 4 năm thôi, chứ trước đó, con gái săn được heo, đem về cứ để đó, không biết làm gì.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

SĐ: Chị có học nghề làm thịt heo không? Tôi thấy làm một con heo, cạo lông, xẻ thịt, không phải dễ nếu không có tay nghề. Trước đây, tôi có theo bạn bè đi săn, đem được một con heo về nhà, bốn người đàn ông ráp lại, loay hoay bốn tiếng đồng hồ mới xong. Nhưng nhìn những miếng thị đã xẻ ra lổn ngổn, lụn vụn, chẳng ngon lành gì cả.

Anh T: Chúng tôi chẳng học nghề với ai, nhưng nhà tôi được cái vừa khỏe, vừa nhanh nhẹn, mỗi lần làm cải tiến một chút, làm mãi rồi quen. Có khi nửa ngày làm 20 con heo. Chủ yếu là bà nhà tôi, còn tôi chỉ phụ khiêng, cạo và khò lửa thôi.

SĐ: Chị cạo lông heo vừa nhanh, vừa trắng trơn, sạch sẽ. Thấy rất dễ dàng. Lần trước tôi làm, cũng nhúng nước sôi, không phải một lần mà đến hai lần, vẫn cạo không sạch là tại sao?

Chị T: Lúc nhúng nước để cạo lông, thì chỉ cần nước nóng 117 độ F. Mới đầu chỉ nhúng sơ con heo trong thùng nước cho ấm da, sau đó từ từ xối nước thêm. Làm heo mà nhúng nước đúng độ còn nhanh hơn gà, vì gà có lông tơ, nhổ rất lâu.

Cạo lông heo với nước ấm khoảng 170 độ F. (Ảnh SĐ)

SĐ: Nguồn heo là do anh chị  bẫy được hay có ai cung cấp thêm và giá cả ra sao?

Chị T: Có một người Mỹ tại vùng nầy chuyên nghề săn heo cung cấp. Giá tiền tính theo con tùy lớn hay bé. Mới đầu giá rất rẻ, chỉ $5 hay $10 một con. Nhưng sau này có nhiều chỗ khác đặt hàng, nên ông ta tăng giá.

SĐ: Anh chị có làm heo to cỡ 100 lbs không?

Xem thêm:   Duy Trần - Nhà sản xuất phía sau Chương Trình “Dòng Chuyển của Âm Thanh”

Anh T: Không, chúng tôi chỉ lấy heo khoảng 50lbs trở lại. Heo từ 80 lbs trở lên, thì ông ta bán cho chỗ làm “sausage”, cả heo cái lẫn heo đực.

SĐ: Anh chị làm nhiều heo như vậy rồi tiêu thụ ở đâu?

Anh T: Chúng tôi có hệ thống “Freeze” để giữ cho heo tươi, rồi báo cho mối quen ở California sang lấy. Mỗi tháng hai lần, mỗi lần khoảng 2,500 lbs. Ở Houston, họ mua về bán lẻ, chỉ khoảng 500, 600 lbs. Năm nay, không có heo nhiều.

Khò lửa cho da vàng căng  (Ảnh SĐ)

SĐ: Heo rừng có dữ dằn lắm không?

Anh T: Heo này phá lắm. Cái chuồng phải chắc chắn, không thì nó ủi sập, có khi nó leo lên cả mái nhà để thoát ra. Heo rất khỏe và rất khôn, nó biết lùi lại, lấy thế để ủi. Nếu để tự nhiên, khi nó rượt, mình chạy không kịp. Báo, sư tử,  nếu có một mình thì cũng chỉ bắt được heo con, chứ không bắt được heo lớn. Anh thấy cái chuồng tôi nhốt đó, có lần con heo tông phá muốn sập song sắt và leo lên rồi kẹt ở trên, phải dùng súng bắn chết.

SĐ: Với cuộc sống ở đây, nếu làm heo như vậy, lợi tức có đủ sống không?

Chị T: Nếu có heo đều đều mỗi ngày thì cũng sống được. Nhu cầu sinh hoạt ở đây cũng thấp, chỗ ở rẻ, có gà, có heo rừng, thịt nai, có cá câu, có rau trồng để ăn. Còn chúng tôi thì chỉ là nghề tay trái, vừa làm trại gà, vừa làm thêm heo rừng.

Lột da con nai tơ chỉ trong 10 phút (Ảnh SĐ)

oOo

Cuộc trò chuyện chấm dứt khi nắng chiều sắp tắt và ngay lúc chúng tôi sửa soạn ra về thì có một thanh niên mang đến con nai vừa săn được, nhờ chị T. làm thịt. Chị vui vẻ nhận lời. Chúng tôi lại có dịp xem chị xẻ thịt nai. Không thể ngờ, chưa đầy một tiếng, con nai đã được ra thịt thật nhanh, thật gọn. Người thanh niên trở lại chỉ lấy một cái đùi nhỏ, phần còn lại anh tặng chị để làm khô nai.

Một ngày ở miền quê thật êm ả, không vội vàng, thật đơn sơ, giản dị. Người ta có thể cho nhau một con nai tơ, một con heo rừng, một thùng cá ngon vừa câu được một cách thoải mái, thân tình, rồi khi chiều về, dăm ba cặp vợ chồng ngồi lại nhâm nhi vài lon bia, với cá nướng, khô nai, cùng nhau ôn lại chuyện đời buồn vui. Bình an và thanh thản biết dường nào.

Vườn rau quanh nhà (Ảnh SĐ)

SD