Như đã hẹn, tôi đến thăm tiệm Lee’s Sandwiches, tọa lạc tại 3212 N Jupiter Rd. Ste 101, Garland, trong Sài Gòn Mall, một khu thương mại Việt Nam khá nhộn nhịp. Chủ nhân là ông Trần Kỳ Minh và hiền thê là bà Trần Kimberly đã ân cần tiếp đón và chúng tôi bắt đầu buổi mạn đàm trong bầu không khí cởi mở, thân mật.

Ông bà Minh-Kim tại cửa tiệm ở Garland.  

Sinh Đặng (SĐ): Thưa anh, Lee’s Sandwiches là tiệm bánh mì của anh theo hệ thống “franchise” (nhượng quyền thương mại). Xin anh cho biết, muốn mở tiệm thì phải có điều kiện gì? Có khó không? Có đòi hỏi phải có kinh nghiệm trong nghề hay  điều kiện gì đặc biệt không?

Trần Kỳ Minh (MT): Dạ, điều kiện khó nhất là địa điểm và nguồn vốn đầu tư khá lớn, để xây cất cơ sở theo đúng tiêu chuẩn của hệ thống tiệm, từ bề mặt bên ngoài cũng như nội thất máy móc bên trong. Khi đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở, thỏa thuận ký hợp đồng xong, họ sẽ huấn luyện cho mình, không cần phải có kinh nghiệm.

SĐ: Riêng anh chị đã có kinh nghiệm gì về tiệm bánh mì không? Thời gian huấn luyện bao lâu và ở đâu?

MT: Chúng tôi không có kinh nghiệm làm bánh mì, nhưng trước đây có nhà hàng Nhật tên là STEEL ở Dallas và Atlanta. Khi bắt đầu khai trương, công ty Lee’s Sandwiches gửi một toán nhân viên đến làm việc tại đây suốt thời gian, cho đến khi chúng tôi biết việc và tự điều hành. Ðó cũng là điều may mắn, vì không phải đi học nghề nơi khác.

Bà Kim gửi tặng khẩu trang trong mùa dịch.

SĐ: Anh mở tiệm nầy năm nào? Có khó khăn gì đáng kể trong việc kinh doanh không?

MT: Tôi mở tiệm năm 2013. Tính ra, hơn 8 năm rồi. Lúc đầu rất bận rộn và phải tốn nhiều công sức, nhưng sau khi guồng máy chạy suôn sẻ, thì không có gì nhiều phải lo.

SĐ: Khi kinh doanh tiệm bánh trong hệ thống “Franchise”, anh phải theo những phương thức, kỹ thuật của công ty. Xin anh cho biết có những lợi điểm nào và nhược điểm nào?

MT: Dạ, nhược điểm là có nhiều hạn chế những sáng kiến so với một cửa hàng riêng. Nhưng ngược lại có nhiều lợi điểm. Trước hết, theo kinh nghiệm thương trường, làm theo hệ thống “franchise” đến tám mươi phần trăm thành công. Làm tiệm riêng, đôi khi chỉ có hai mươi phần trăm thành công. Sự thành công tương đối dễ như vậy là vì mình bán những sản phẩm đã được khách hàng yêu chuộng với thương hiệu rồi, người ta đã biết qua, đã nghe tiếng, không phải mất thời gian thử nghiệm như mở một tiệm riêng.

Bảng tưởng thưởng nhân viên học giỏi.

SĐ: Những thức ăn trong tiệm do công ty cung cấp khi đã chế biến thành phẩm hay tiệm ở địa phương chế biến?

Xem thêm:   Hàng "Tàu" giá rẻ

MT: Công ty cung cấp một số đã thành phẩm, một số phải chế biến tại tiệm theo đúng quy cách, công thức của công ty. Như bánh mì kẹp thịt phải làm tại đây, với rau cải, thịt tươi ngon, nấu tại tiệm.

SĐ: Thí dụ công ty có một trăm món hàng, họ có đòi hỏi tiệm địa phương phải bán tất cả các hàng đó không? Và tiệm có thể bán thêm những món ăn riêng do mình chế biến không?

MT: Theo hợp đồng thì hãng muốn tiệm có nhiều món hàng càng nhiều càng tốt, nhất là những món ăn người Việt thích nhất. Ngoài ra, tùy địa phương, tiệm có thể tự chế biến để thêm vào. Những món không phải của hãng thì phải xin phép bằng giấy tờ chính thức và tiệm phải cho hãng biết công thức chế biến gồm những thứ gì, có đúng tiêu chuẩn an toàn không. Thường thì họ đồng ý.

Đại diện Lee’s Sanwiches tặng gạo cứu trợ người nghèo lúc Sài Gòn bị phong tỏa

SĐ: Nhân tiện nói về an toàn thực phẩm và phẩm chất của món ăn Lee’s Sandwiches, xin anh cho biết tiệm có chịu sự kiểm tra của Health Department và hãng không? Năm trước, xuất hiện nhiều bản tin Lee’s Sandwiches bị phạt, vì thịt không đủ tiêu chuẩn an toàn, điều đó có đúng không? Và tiệm của anh chị có bị ảnh hưởng không?

MT: Theo định kỳ, cứ 6 tháng hoặc một năm Health Department và hãng sẽ đến kiểm tra định kỳ. Ðôi khi cũng có những lần kiểm tra bất ngờ. Hãng sẽ kiểm tra phẩm chất thực phẩm, cách phục vụ của nhân viên và cả cơ sở trong ngoài, nếu có gì cần tân trang thì họ sẽ giúp. Về việc bản tin và lời đồn về thực phẩm Lee’s Sandwiches có chất độc, tiệm bị đóng cửa, bị phạt nặng có rất nhiều phần sai. Joshua Robbins, luật sư của công ty, cho biết: “Ðó một vi phạm quy định kỹ thuật xảy ra hơn 6 năm trước và không liên quan đến bất kỳ vấn đề an toàn thực phẩm trên thực tế nào, tuy nhiên nó đã vi phạm yêu cầu kiểm tra quy định. Sự việc là công ty LQNN, Inc., có trụ sở tại San Jose, trung tâm phân phối, một chi nhánh của Lee’s Sandwiches, đã vi phạm về kỹ thuật khi phân chia nhỏ các gói thịt đã được USDA kiểm tra, thành những gói nhỏ hơn gửi đi đến các nhà hàng, gói nhỏ nầy không có mang dấu kiểm tra của USDA”. Không có tiệm Lee’s Sandwiches nào vi phạm bị thu hồi thức ăn và đóng cửa như tin đồn.

Xem thêm:   Họ đã đến! Welcome to the U.S.A.

Xin nói thêm, Lee‘s Sandwiches Garland được phát triển mạnh cũng nhờ Tổng công ty với hơn 60 cửa hàng trên toàn nước Mỹ và 2 tiệm ở Ðài Loan, luôn cung cấp vật dụng ngon, tốt, phù hợp với yêu cầu về an toàn thực phẩm của liên bang, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng và ông Trần Hiếu (chủ nhân của Cali Saigon mall) đã làm cho một trung tâm Á Ðông, khởi sắc và phồn thịnh hơn.

Ông Bà Minh và các con

SĐ: Chào chị Kimberly Trần, muốn hỏi thêm chị vài câu. Xin chị cho biết tiệm nầy có bao nhiêu nhân công? Họ có gắn bó với công việc không? Quyền lợi công nhân có được đầy đủ như tiệm của người bản xứ không?

Chị Kimberly Trần (KT): Tiệm chúng tôi có 20 nhân viên, trong số đó 13 em là học sinh và sinh viên bán thời gian. Chúng tôi luôn luôn quan tâm đến quyền lợi các em, và tạo không gian làm việc ở tiệm thân mật như một gia đình. Hầu hết, các em đều là sinh viên đại học, chúng tôi khuyến khích bằng cách thưởng tiền, nếu trong “Semester” đạt được số điểm 3.8 trở lên. Có 3 em làm việc ở đây, nay đã là dược sĩ, nhưng khi tôi cần các em đều sốt sắng đến giúp.

SĐ: Trong thời gian đại dịch hoành hành, anh chị có phải đóng cửa tiệm không?

KT: Dạ, tiệm phải đóng cửa 3 tuần. Trong lúc đóng cửa tiệm, chúng tôi liên lạc với các viên chức Thành phố Garland, trình bày ý nguyện muốn giúp thức ăn cho những người đang ở tuyến đầu chống đại dịch. Và tiệm chúng tôi đã cung cấp thức ăn cho 13 trạm chữa lửa ở Garland. Ngoài ra, chúng tôi mua 3,000 khẩu trang, gửi giúp những chỗ cần. Lúc bão tuyết, nhiều khu vực thành phố bị cúp điện, chúng tôi cũng làm khoảng 100 phần ăn, mua bao tay, khẩu trang, nhờ các sĩ quan cảnh sát đem tặng những người vô gia cư.

Bảo trợ giải túc cầu đội Dallas.

SĐ: Được biết mấy năm trước đây, tiệm có xin đồng hương yểm trợ chương trình “Food bank” (ngân hàng lương thực). Xin chị cho biết lý do và chương trình nầy có kết quả ra sao? Hiện nay có còn tiếp tục không?

Xem thêm:   Về nơi nước chảy chia hai

KT: “Food bank” là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, phân phối thực phẩm cho những người gặp khó khăn. Ðặc biệt trong mùa Lễ cuối năm, để bày tỏ lòng biết ơn đất nước và con người đã cưu mang chúng ta trong dòng tỵ nạn, chúng tôi đã kêu gọi đồng hương đóng góp, hỗ trợ chương trình nầy từ năm 2015. Nhất là năm 2018, thời gian Chính phủ liên bang đóng cửa, vì tranh chấp ngân sách, nhiều công chức bị nghỉ không lương, họ rất cần “Food Bank” trợ giúp. Tiệm đã thu nhận một số lượng thực phẩm rất lớn để gửi đến “Food bank”. North Texas Food Bank đã nhận được 8,500 pounds thực phẩm. Họ rất cảm kích trước việc làm của cộng đồng Việt Nam. Nhân tiện, xin cám ơn cộng đồng đã yêu thương, tin tưởng và đồng hành với chúng tôi, bày tỏ lòng tri ân nước Mỹ qua việc làm cụ thể là biểu lộ tình tương thân, tương ái đáng quý nầy. Từ năm rồi, vì ảnh hưởng tình hình đại dịch, tiệm không thể tiếp tục chương trình nầy. Trong năm nay, khi biết tin dân nghèo Sài Gòn khốn khổ vì thành phố bị phong tỏa để chống dịch, chúng tôi đã gửi tiền cho tổ chức từ thiện của các linh mục, để giúp cung cấp thực phẩm, gạo… cho bà con nghèo.

SĐ: Xin cảm ơn anh chị đã chia sẻ những hiểu biết căn bản về kinh doanh theo hệ thống  “Franchise”. Đặc biệt là tấm lòng quảng đại, tương trợ giúp người khó khăn trong nước Mỹ và người nghèo khốn khổ tại quê nhà.