Không có công việc nào mà mỗi sáng thức dậy, người bố, người mẹ hôn từ giã con cái, thầm nghĩ rằng đó có thể là cái hôn vĩnh biệt… (Trẻ)
Khi đọc một bản tin trên diễn đàn luật khoa có đoạn như sau: “Chuck Wexler – Giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu dành cho các Chỉ huy Lực lượng Cảnh sát Mỹ (PERF) – đang phát biểu trước một khán phòng, gồm toàn các sếp cảnh sát của nhiều địa phương Mỹ. Khi Chuck hỏi rằng, có ai trong số các sếp nọ, muốn con cái mình theo nghiệp cảnh sát giống họ không, cả khán phòng không có cánh tay nào giơ lên.”
Ðiều nầy cũng dễ hiểu, nhất là thời gian gần đây, theo như bài báo nhận định, thì hình ảnh người cảnh sát đã bị giới truyền thông và các mạng xã hội loan truyền những hình ảnh tiêu cực, chứ không muốn nhắc đến biết bao hy sinh, kể cả mạng sống của lực lượng thực thi pháp luật để bảo vệ đời sống và tài sản của mọi người.
Với người trẻ, còn biết bao nhiêu chọn lựa tốt hơn, an toàn hơn cho họ. Từ công việc nhàn hạ, cho đến thu nhập cao, sao lại chọn một nghề hiểm nguy mà phải chịu sự kiểm tra, soi mói khắt khe của công chúng, và thiên lệch từ giới tuyền thông.
Riêng với cộng đồng người Mỹ gốc Việt chúng ta, có được mấy cha mẹ khuyến khích con cái chọn nghề cảnh sát? Có lẽ, rất hiếm hoi. Thông thường, cha mẹ rất lo lắng và bất an khi con mình muốn trở thành cảnh sát.
Trong phạm vi bài nầy, người viết xin ghi lại nội dung câu chuyện trao đổi với ông bà Hạnh Nguyễn hiện cư ngụ tại Houston, về đứa con trai út, Andy Nguyễn, hiện là sĩ quan cảnh sát đang phục vụ tại thành phố Houston, Texas.
* Khi Andy chọn nghề Cảnh Sát, anh chị có vui không?
Hạnh Nguyễn (HN): Chúng tôi có bốn cháu. Andy là út. Chúng tôi cũng mong muốn con mình chọn ngành nghề ổn định, dễ có việc làm. Khi nghe cháu muốn thi vào Cảnh Sát Houston, tôi không hài lòng lắm, nhưng đã trót hứa sẽ cho cháu theo nghề nào cháu thích, tôi đành phải chấp nhận.
* Hiện tại, anh nghĩ gì về việc làm của Andy? Có lo sợ lắm không?
HN: Lo sợ vấn đề an toàn cho cháu khi thi hành công vụ thì vẫn lo. Tôi nhớ, ngày Andy tốt nghiệp, cả gia đình đã đến tham dự buổi lễ long trọng ấy. Khi thấy Andy trong bộ đồng phục cảnh sát trông thật mạnh mẽ, chúng tôi đã khóc và hãnh diện về con trai của mình. Khi mới đến Houston, chúng tôi đã lập nghiệp bằng nghề “grocery” và tiệm rượu nhiều năm. Ấn tượng sâu sắc và đáng ghi nhớ trong quãng thời gian đó, là hình ảnh quen thuộc của người cảnh sát với sắc phục nghiêm chỉnh, luôn bảo vệ an toàn cho khu phố. Một sự an toàn vô cùng cần thiết cho những người dân lương thiện. Chúng tôi luôn luôn trân trọng và ghi ơn những người mặc bộ đồng phục như con trai tôi ngày tốt nghiệp. Từ cảm xúc đó, chúng tôi hết lòng ủng hộ Andy và luôn luôn cầu nguyện cho cháu và tất cả những người cảnh sát.
* Trước khi Andy gia nhập ngành Cảnh Sát cháu đã làm gì sau khi học xong?
HN: Andy rất thích ngành điều tra và có một thời gian làm phụ tá văn phòng luật sư Lone Star. Sau đó, cháu chuyển sang việc làm mới tại Police department as dispatcher and Jailer. Với việc làm tại nhà tù, cháu thích trở thành cảnh sát và đã ghi danh thi vào Sở cảnh sát Houston. Qua những giai đoạn thử thách như kiểm tra thể lực, thân thế và tiền án tiền sự, sử dụng ma túy, đánh giá tâm lý, kiểm tra nói dối, học vấn… nhờ kinh nghiệm làm việc ở nhà tù, và đặc biệt biết tiếng Việt, là nhu cầu cần thiết của Sở cảnh sát thành phố, cháu được nhận và được gửi đi thụ huấn tại Học viện cảnh sát. Andy tốt nghiệp ngày 2 tháng 10 năm 2017.
* Gần ba năm phục vụ và đặc biệt trong thời gian biến động với những cuộc biểu tình vừa qua, Andy có sợ không?
HN: Ðược làm việc chung với những “partner” đầy kinh nghiệm, cháu cho biết đã học hỏi được nhiều điều và rất vui vì có cơ hội giúp đỡ đồng hương không biết tiếng Anh. Thời gian biến động, cháu đã làm việc 8 tiếng mỗi ngày và ở lại trực chiến 8 tiếng không nghỉ, rất mệt và cũng rất lo sợ mỗi khi lên xe tuần tiễu. Nhờ thành tích tốt, Andy hiện đang được Sở Cảnh sát tài trợ theo học ngành Sociology and Criminal Justice để lấy bằng Master. Cháu hy vọng sẽ chuyển qua ngành điều tra tội phạm như đã từng mơ ước .
Anh Hạnh còn cho biết thêm, nhờ biết nói tiếng Việt nên quyền lợi về lương bổng của Andy cao hơn, và khi có thêm bằng đại học thì mức lương cũng được tăng thêm.
Xin cám ơn ông bà Hạnh Nguyễn và những bậc cha mẹ đã ủng hộ con mình theo ngành cảnh sát.
Thật sự, cảnh sát là những anh hùng lặng lẽ đã giúp biết bao người gặp nguy khốn, trong đó có tôi. Tôi đã được cứu giúp trở về nhà an toàn, khi gặp tai nạn vào một buổi tối, trên xa lộ 30, cách Dallas 60 miles. Hay hành động nhân ái của người sĩ quan cảnh sát Garland tên James Brezik và các bạn đồng đội đã giúp bà Kambia Hart, được Ðài số 5 NBC DFW phổ biến ngày 18, tháng 7 năm 2020, “After Car Accident, Garland Police Help Woman With Groceries, Rent”.
Ðó là người mẹ trẻ da màu, tên Kambia Hart, người Mỹ gốc Phi, cư dân Garland. Bà đang trên đường đi đón con, thì tông vào xe tuần tra của cảnh sát viên James Brezik. Gia đình gặp vận rủi khi bà và chồng mất việc. Hai vợ chồng vốn đã phải vật lộn để trả tiền thuê nhà, tiền trang trải chi phí gia đình, và dự tính thế chấp giấy tờ xe, để vay tiền, nên vụ tai nạn nầy đã nhân lên mối lo của họ. “Tôi đã có một ngày tồi tệ, tôi đang cố gắng trả tiền thuê nhà,” Hart nói. “Tôi bắt đầu hoảng sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Hart cho biết, việc đầu tiên là bà lo lắng mình sẽ vào tù, và không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Biết chuyện, James Brezik đã không viết cho Hart một giấy phạt. Anh ấy nói rằng, Hart và chồng cô ấy đã trình bày hoàn cảnh của họ và anh ấy cảm thấy phải giúp đỡ. Người cảnh sát này đã kể hoàn cảnh hai vợ chồng với các đồng nghiệp và họ đã góp tiền cho Hart trả tiền nhà tháng 7 và một thẻ mua hàng trị giá $450.00.”
Các vị dân biểu, nghị sĩ – Hội đồng thành phố – Thị trưởng… có thể nghỉ ngơi, không làm việc một tuần hay thậm chí một tháng, mọi sinh hoạt người dân vẫn an bình. Nhưng nếu một ngày, một tuần, tất cả cảnh sát không làm việc, chuyện gì sẽ xảy ra? Khu phố sẽ bình an? Ðường phố vẫn an toàn cho dòng đời xuôi êm ả?
Hãy nhìn vào “Khu Tự trị Capitol Hill”, đó là câu trả lời thực tế nhất.
Ðể kết bài viết nầy, tôi xin trích đăng một đoạn trong bài viết “Bức thư gởi con” của ông Nguyễn Tường Tuấn:
“Chúng ta không thể phản bội những cảnh sát viên ngày đêm hy sinh mạng sống cho xã hội bình yên. Trong đêm, khi mọi người yên giấc, trên cả nước có bao nhiêu người cảnh sát âm thầm lái xe đi tuần khắp đường phố, nơi mỗi ngã rẽ, mỗi bóng tối có thể là một ổ phục kích! Khi điện thoại 911 gọi, vài phút sau người cảnh sát đã có mặt, và không ai biết chuyện lành hay dữ sẽ xảy ra? Súng có thể nổ, cảnh sát có thể trở thành nạn nhân, gia đình thân nhân họ mất đi một người con thân yêu! Sẽ không làm gì có đám tang to lớn, sẽ không có chính trị gia nào đọc diễn văn, sẽ không có biểu tình trên đường phố … Ða số anh hùng đều ra đi trong thầm lặng!
Ðêm an lành của triệu triệu gia đình Mỹ, có thể đã phải đổi giá bằng chính mạng sống của những người cảnh sát trừ gian diệt bạo? Sáng nay, anh/chị cảnh sát hôn người thân trong gia đình trước khi đi làm, chiều về, anh/chị đã trở thành tội phạm chỉ vì nhiệm vụ bảo quốc an dân!”
Vâng! đó chính là người Cảnh Sát. Những người mang trên vai một gia đình như chúng ta, mà còn thêm gánh nặng vì nhiệm vụ trên đường phố, mà sự chết chóc lúc nào cũng sẵn sàng đến với họ từ kẻ xấu, sự soi mói của những phần tử vô ơn, vô cảm. Gánh nặng vì những bất công của xã hội do những thành phần dân cử, vì quyền lợi riêng đã đủ tàn nhẫn tước đi những phương tiện an toàn cho họ!
Thật là một niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt chúng ta và chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ khi các người trai trẻ gốc Việt không ngần ngại dấn thân vào nghiệp vụ cao cả: cảnh sát.
ĐHS