Trên đoạn đường BeltLine, từ Khu Sài Gòn Mall đi về hướng East , quý đồng hương sẽ nhìn thấy Nhà Thuốc Tây St.Paul trong dãy phố gần trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas. Chúng tôi có đến thăm và được biết, đây là tiệm thuốc của Dược sĩ Phạm Huy Hòa, từ Lavon dời về khu Garland từ tháng 7 năm 2021, nhằm phục vụ đồng hương thuận tiện hơn. Nhân dịp trò chuyện, Dược Sĩ Hòa đã chia sẻ những điều bệnh nhân cần biết, nhưng có thể chưa có dịp để biết về một vài vấn đề khá quan trọng trong lãnh vực y tế.
Sinh Đặng (SĐ): Dược sĩ đến Mỹ năm nào, định cư ở đâu và bắt đầu cuộc sống ra sao?
Ds. Phạm Huy Hòa (Ds.H): Tôi đến Mỹ năm 2002, theo diện bố mẹ bảo lãnh, định cư ở thành phố Albuquerque, New Mexico. Lúc mới sang cũng hơi bị sốc, vì ở VN đã tốt nghiệp và làm việc cho hai công ty, Hàn quốc và Nhật Bản, cuộc sống tương đối ổn định nay phải bắt đầu làm lại.
Tôi đi học ở Hawaii ngay năm đầu tiên. Sau đó, sang Las Vegas học Dược. Sau khi tốt nghiệp trường Dược, tôi về Tiểu bang New Mexico làm việc hai năm. Lúc ấy, cũng có nghĩ đến việc mở nhà thuốc tây, nhưng có người thân làm việc bên này, nên tôi quyết định chuyển về đây.
S.Đ: Được biết, Dược sĩ tốt nghiệp ngành kế toán từ VN, nhưng khi quyết định chuyển sang ngành dược là do ý thích hay do nhu cầu đời sống?
Ds.H: Có thể do duyên số đưa đẩy. Mới đầu, định đi học kế toán để lấy bằng CPA, nhưng nghĩ lại thấy khó khăn vì gặp trở ngại về vấn đề ngôn ngữ, khó xâm nhập vào thị trường Mỹ, trong khi cộng đồng VN ở tiểu bang New Mexico ít có người Việt.
SĐ: Khi quyết định mở nhà thuốc tây thì thủ tục, phép tắc về chuyên môn có khó khăn không? Và điều kiện tài chính thì sao, có cần nhiều tiền không?
Ds.H: Vấn đề thủ tục ở Mỹ rất rõ ràng. Nếu hội đủ điều kiện thì được chấp thuận. Với những người chưa từng mở, thì ai cũng nghĩ sẽ không dễ dàng, nhưng thật sự không khó lắm. Vấn đề tài chính cũng không đòi hỏi nhiều.
SĐ: Thông thường, mở nhà thuốc tây có đòi hỏi hợp đồng với nhiều hãng thuốc không?
Ds.H: Dạ, phải qua nhà phân phối, chứ không thể mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Ở Mỹ, có khoảng 4 nhà phân phối lớn, và cũng có những nhà phân phối thứ cấp, tức là nhà phân phối nhỏ, nhưng giá cạnh tranh tốt hơn. Ðặc biệt loại thuốc generic, thì Ấn Ðộ là quốc gia sản xuất nhiều nhất. Gần đây có Israel, Hàn quốc nhưng không nhiều. Hiện tại, nhiều thuốc generic được sản xuất từ Trung quốc. Riêng nhà thuốc Saint Paul của tôi, bảo đảm không có thuốc sản xuất từ Trung Quốc.
SĐ: Trước đây, Dược sĩ có mở nhà thuốc Evercare ở khu chợ Trường Nguyên rất đông khách, vì sao đóng cửa và bây giờ mở nhà thuốc St.Paul nầy?
Ds.H: Vì lúc ấy, các con còn nhỏ và tôi muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Tôi sang cho Albertson năm 2016, và làm việc cho Albertson được hai năm. Trong thời gian này, có những điều tôi muốn làm cho đồng hương nhưng không làm được, chẳng hạn như việc ứng thuốc trước cho bệnh nhân đi về Việt Nam. Nếu nhà thuốc của tôi, tôi sẽ làm được. Chính vì thế, hai năm sau tôi quyết định mở lại nhà thuốc tên St.Paul. Nhưng vì còn hợp đồng với Albertson, tôi phải mở ở xa và tháng 7 năm 2021, tôi đã dời về đây để phục vụ đồng hương.
SĐ: Xin Dược sĩ cho biết, các loại thuốc trị cùng một chứng bệnh, mà sản xuất từ Ấn Độ, Đại Hàn, Trung Quốc, có bắt buộc phải có tiêu chuẩn gì để được nhập vào Mỹ không? Công dụng của thuốc có giống nhau không?
Ds.H: Dĩ nhiên là giống nhau và đạt được tiêu chuẩn sản xuất của FDA đưa ra, Hoa Kỳ mới cho nhập vô. Nhưng vì những năm gần đây, có vài loại thuốc sản xuất từ Trung Quốc bị nhiễm chất có thể gây ung thư, làm cho khách hàng không an tâm.
SĐ: Thưa Dược sĩ, làm sao để biết được thuốc sản xuất ở đâu?
Ds.H: Mỗi thuốc có một mã số. Trên dãy số đó có 11 chỉ số, nó xác định được thuốc đó của nhà sản xuất nào, thuốc gì và biết nguồn gốc ở đâu, chứ nhìn vào tên thuốc thì không thể biết.
SĐ: Thị trường thuốc quá lớn, bệnh nhân nhiều, mỗi ngày có thêm nhiều loại thuốc mới, thì làm thế nào đáp ứng được nhu cầu. Nếu bác sĩ cho các loại mà nhà thuốc không có sẵn, trong lúc bệnh nhân cần lấy thuốc ngay, thì phải giải quyết cách nào?
Ds.H: Dựa theo quá trình làm việc, tôi biết được những thuốc nào bác sĩ ghi toa nhiều nhất và sẽ giữ loại thuốc đó nhiều. Riêng thuốc đắt tiền, thì giữ số lượng tối thiểu, vì số tiền để mua các loại thuốc đó có khi lên tới mấy ngàn. Nếu thuốc cần gấp mà không có, thì tôi phải liên lạc các nhà thuốc khác và chuyển toa sang bên đó, rồi báo cho bệnh nhân biết để họ đến lấy. Còn thuốc nào có thể đợi, thì tôi “order”, và ngày hôm sau sẽ có thuốc cho bệnh nhân. Trong trường hợp “order” rơi vào ngày Thứ Sáu thì phải chờ đến Thứ Hai mới có thuốc.
SĐ: Vậy là nhà thuốc không cần thiết phải dự trữ tất cả các loại thuốc?
DsH: Dạ không, ngoại trừ thuốc trụ sinh. Dù không có toa nhiều, nhưng phải giữ, để luôn luôn có ngay cho bệnh nhân.
SĐ: Còn vấn đề giảm giá thì thế nào?
Ds.H: Ðối với loại thuốc “brand name”, nhà sản xuất muốn bán nhiều, nên họ cho “coupon” giảm giá. Nhưng trước khi giảm giá thì bảo hiểm của bệnh nhân phải trả trước, còn bao nhiêu họ hỗ trợ. Nhưng phải là bảo hiểm thương mại, chứ bảo hiểm chính phủ như Medicare, Medicaid thì không dùng được “coupon”.
SĐ: Có trường hợp bác sĩ cho bệnh nhân loại thuốc mà bảo hiểm không trả, hoặc ‘copay’ rất cao, thì nhà thuốc có cách gì giúp cho bệnh nhân mua được thuốc với giá rẻ không?
Ds.H: Nếu bảo hiểm không trả, tôi sẽ báo cho bác sĩ cho biết để đổi thuốc khác. Trường hợp bác sĩ không đồng ý thì một là bệnh nhân tự trả, hai là tôi sẽ làm việc với bảo hiểm, để bảo hiểm trả tiền thuốc cho bệnh nhân hoặc tìm cách giúp trả ‘copay’ theo từng trường hợp mỗi người.
SĐ: Dược sĩ có quyền thay đổi loại thuốc mà không cần qua bác sĩ không?
Ds.H: Dược sĩ không có quyền thay đổi thuốc. Trong trường hợp bác sĩ ghi tên thuốc “brand name”, nhưng có loại “generic” tương đương, mà bảo hiểm không chịu trả tiền cho “brand name”, lúc đó nhà thuốc có quyền đổi qua “generic”, nhưng thành phần thuốc phải giống nhau, chỉ khác thương hiệu thôi.
SĐ: Có những loại thuốc bệnh nhân uống thường xuyên, đến ngày nhà thuốc ‘refill’ sẵn, báo cho bệnh nhân, nhưng họ không đến lấy, thuốc đó có bị tính vào Medicare hay bảo hiểm không?
Ds.H: Sau 14 ngày, thuốc không được bệnh nhân ký nhận thì không được tính tiền và phải hoàn trả tiền lại cho bảo hiểm.
SĐ: Nhiệm vụ của một dược sĩ trong nhà thuốc là gì, thưa Dược sĩ?
Ds.H: Dạ, khi nhận được toa của bác sĩ, dược sĩ phải kiểm xem thuốc có đúng tên, liều lượng có đúng không, và thuốc đó bệnh nhân có nên uống hay không. Nhà thuốc có phụ tá để “fill” thuốc. Mỗi thuốc có cái “code” và dược sĩ phải nhìn xem cái “code” đó và số lượng thuốc có đúng không. Hoặc khi họ uống hai thứ thuốc, mà hai thứ đó kỵ nhau thì dược sĩ phải dừng lại nói chuyện với bác sĩ. Nếu bác sĩ nói không sao thì mình phải viết vào hồ sơ bệnh nhân ‘bác sĩ cho phép uống’. Nhưng dược sĩ nói hai thứ thuốc đó không thể uống thì bác sĩ phải đổi thuốc.
SĐ: Thí dụ, bác sĩ viết cho bệnh nhân một cái toa có nhiều thứ thuốc. Bệnh nhân có thể mua mỗi thứ ở những tiệm thuốc khác nhau không?
Ds.H: Bệnh nhân có thể mua bất cứ nhà thuốc nào họ muốn, miễn nhà thuốc đó nhận bảo hiểm của họ. Nhưng bệnh nhân nên lấy thuốc một chỗ, để dược sĩ biết bệnh nhân đang uống thuốc gì và những thuốc đó có kỵ nhau không.
SĐ: Cùng một loại thuốc bán trên quầy, nhưng có hai hãng, thành phần giống nhau, nhưng một hãng giá rẻ hơn. Thực tế công hiệu nó có giống nhau không, trong khi giá cả khác nhau.
Ds.H: Thương hiệu của mỗi hãng tức là “private label”. Thành phần chính của thuốc giống nhau, chỉ có thành phần phụ là khác nhau một chút, và thương hiệu khác nhau, nhưng công dụng thì cũng như nhau.
SD: Thưa Dược sĩ, có nên uống một lúc nhiều loại thuốc không? Và khi bệnh nhân có thắc mắc về thuốc, Dược sĩ có sẵn sàng giúp đỡ, dù biết rằng họ không mua thuốc ở nhà thuốc của mình không?
Ds.H: Có những loại thuốc có thể uống chung với nhau, nhưng có những thuốc không nên uống chung, vì sẽ ảnh hưởng tới số lượng thuốc được hấp thụ trong cơ thể. Hiện nay, trên “face book” hay các mạng truyền thông, có rất nhiều quảng cáo sai lệch về thuốc, như thực phẩm chức năng hay dược thảo và người mình thường tự định bệnh rồi mua theo quảng cáo. Nhưng bệnh nhân cũng nên biết, loại thuốc nầy có thể chữa cho người kia, nhưng không thể chữa cho mình, vì cơ thể mỗi người khác nhau. Nếu bệnh nhân cần, có thể gọi cho tôi bất cứ lúc nào và tôi sẵn sàng giúp mà không quan tâm là họ mua thuốc ở đâu.
SD: Nhà thuốc St. Paul có nhận tất cả bảo hiểm không?
Ds.H: Chúng tôi nhận tất cả các loại bảo hiểm. Có một số nhà thuốc, không nhận bảo hiểm Blue Cross- Blue Shield, vì họ trả tiền kém, đa số bị lỗ. Nhưng với tôi, khi đã phục vụ thì dù cái tốt, cái xấu, mình đều phải nhận. Vì thế, chúng tôi nhận tất cả các loại bảo hiểm, không loại trừ hãng nào.
SD: Dược sĩ có điều gì muốn nhắn nhủ cùng đồng hương không?
Ds.H: Trước tiên, xin cám ơn đồng hương đã ủng hộ tôi từ buổi đầu tiên ở nhà thuốc Evercare. Tôi luôn mong muốn phục vụ đồng hương, nên khi có gì thắc mắc, xin cứ gọi điện thoại cho tôi, dù quý vị có mua thuốc ở đây hay không, tôi vẫn rất vui và sẵn sàng giúp đỡ. Nếu tôi bận không thể bắt máy, xin quý vị để lại số điện thoại và tên họ, tôi sẽ gọi lại.
Nhân đây, xin thông báo: Nhà thuốc St.Paul có dành 300 liều thuốc chích ngừa cúm miễn phí cho các đồng hương không có bảo hiểm, kể từ hôm nay cho đến ngày 30 tháng 11, 2021, tại địa chỉ: 3307 Beltline Rd. Garland, TX 75044 (gần trụ sở Cộng đồng Người Việt Quốc gia, Dallas). Ðiện thoại: 469-304-0062.
SĐ