Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Ðược, ông khỏi đi, để tôi đi!

Ông nhìn bà một chập rồi cười. Bà giận điên người khi đọc thấy ý nghĩ của ông trong ánh mắt chế giễu và nụ cười mai mỉa “Bà đi đi, cái kiểu nhát như thỏ đế, nghe gió thổi đùng đùng cũng run, nghe mưa rơi lộp độp cũng xanh mặt, tái mày như bà thì chỉ một đêm thôi sẽ vác mền, vác gối, chạy về nhà không kịp”. Trời sinh ra bà là người yếu đuối, nhút nhát, nhưng cái gan của bà to không thua bồ lúa, nên bà chụp lấy chìa khóa, quẩy xách tay lên vai, đi thẳng một mạch ra xe, sau khi đóng cửa cái rầm.

Phải thành thật mà nói, đêm đó một mình trong khách sạn bà sợ hãi đến phát bệnh.  Mấy lượt bà định đi về nhà, nhưng nhớ cái bản mặt đáng ghét của ông chồng, bà “hạ quyết tâm” có chết cũng không về. Bà mở tất cả đèn trong phòng, kể cả đèn trong nhà tắm cũng sáng choang. TV cũng được bật lên với âm thanh chói tai, dù bà không để mắt vào cái màn ảnh đang lung linh đủ màu, đủ sắc. Vậy mà bao nhiêu câu chuyện kinh dị bạn bè kể từ đời thuở nào cứ hiện lên trong đầu làm bà sợ quíu cả chân tay. Nước mắt bà ứa ra, cổ họng tức nghẹn khi nhớ đến nụ cười nửa miệng, khinh khỉnh của ông chồng mà bà đang căm giận như kẻ thù không đội trời chung. Bà nằm xuống, co quắp người lại, kéo mền lên tận cổ. Chợt nghĩ ra một điều, bà ngồi bật dậy, xếp hai chân ngay ngắn, chắp tay thì thầm khấn nguyện như khi xưa đã nhìn thấy mẹ bà làm như thế “Xin các vị khuất mặt, khuất mày lẩn khuất đâu đây phù hộ cho tôi, đừng làm tôi sợ, ngày mai tôi sẽ mua bánh trái cúng dường các vị”. Chẳng bao lâu, bà nghe cơn sợ hãi như tuột xuống dần cho đến một lúc tim bà không còn đánh thình thịch nữa và bà cảm thấy bình thản không ngờ.

Nhưng cũng chính lúc đó là lúc bà nhớ lại mọi việc đã xảy ra trong sự ấm ức. Bà tự hỏi, tại sao ngày xưa bà có thể vì người đàn ông đó mà ngang nhiên chống lại quyết định quan trọng của cha mẹ bằng cách bỏ nhà đi theo ông, ra tận miền Trung xa xôi trước ngày đám cưới với người chồng tương lai do cha mẹ định đoạt, để sống chung với ông mà không cần cưới hỏi, cũng không cần thắc mắc, băn khoăn xem cha mẹ mình phải ăn nói làm sao với đàng trai. Rồi những năm ông đi cải tạo, bà lặn lội khắp nơi, buôn gánh bán bưng, chẳng nề hà cực khổ để vừa nuôi con, vừa thăm nuôi ông không sót một lần nào trong suốt tám năm trời. Sang đến đây, bà cày ngày, cày đêm, gánh vác mọi nặng nhọc, vì không muốn ông làm việc nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vốn đã yếu kém do lao tù gian khổ. Khi con cái khôn lớn, thành đạt, bà tưởng mình sẽ được hưởng phúc an nhàn, nào ngờ cuộc sống chung ngày càng chán ngắt, nặng nề. Tóm lại, cuộc đời bà không có được một phút giây hạnh phúc, sung sướng, nhất là lúc về già như ngày xưa những thầy bói toán đã từng đoan quyết với bà như thế.

Xem thêm:   Khoe

Bà nhớ lại từng chuyện đã xảy ra trong suốt ba mươi lăm năm chung sống rồi thở dài, thầm nghĩ  “cuối cùng, ông ta chẳng được gì, chỉ được cái nước màu mè trước mặt thiên hạ, làm cho mọi người nghĩ ông là một người chồng tử tế, tốt lành”. Chuyện nhà không bao giờ ông nhúng tay vào đỡ đần cho bà dù là chuyện nhỏ. Ông cho rằng, đàn ông mà cứ quanh quẩn ở nhà bếp với vợ thì còn gì là nam nhi chi chí. Còn chuyện lau chùi, dọn dẹp nhà cửa hả? có dơ một chút cũng chẳng chết thằng Tây nào, cần gì phải phí sức, lại thêm hại sức khỏe vì những mùi thuốc tẩy độc hại. Ừ! thì thôi, những chuyện không đáng kể đó bà chịu mệt nhọc thêm một chút cũng không sao. Nhưng còn bao nhiêu chuyện đích thực của đàn ông như cắt cỏ, thay nhớt xe, rửa xe, sơn nhà, đóng lại cái hàng rào bị giông gió xô ngã, ông cũng đẩy sang cho bà. Nếu nặng nề thì bà đem đến tiệm, còn tiếc tiền thì mấy mẹ con ra sức mà làm. Phần ông, ông chỉ đứng trong nhà nhìn ra với lý do thật chính đáng  “tôi bị dị ứng với những cái mùi đó”. Nhưng điều đáng nói là ông lại không bị dị ứng khi làm cho bà hàng xóm hay cô bạn đồng nghiệp. Bởi vậy mà lòng bà không có được một phút nhẹ nhàng, thanh thản vì những bực tức không thể nói thành lời. Và cũng từ đó mà bao nhiêu chuyện lục đục liên tục xảy ra trong gia đình giờ đây chỉ còn lại hai vợ chồng. Là người độc tài, độc đoán nên chẳng bao giờ ông dành ra một phút để nhìn lại mình mà chỉ đổ mọi tội lỗi lên đầu bà. Vợ chồng không êm ấm, hòa thuận cũng là do bà “Nghe vợ người ta ăn nói dịu dàng, ngon ngọt  mà bắt ham. Nhìn lại vợ mình lúc nào cũng nhăn nhó, quạu quọ thấy mặt là muốn đi luôn khỏi về nhà”. Bà đâu thể nhịn nổi cái giọng điệu đốp chát, rẻ rúng đó nên quắc mắt, cao giọng “Ông khỏi đi, để tôi đi”.

Trời ơi! tức chết đi được. Bà úp mặt xuống gối, phen này bà quyết không nhịn nữa. Nhịn là nhục. Bà đã chịu nhục suốt bao nhiêu năm làm vợ của người đàn ông vô tâm, vô tình, vô trách nhiệm này rồi.

Bảo Huân

-oOo-

– Ủa! bộ tính hưởng tuần trăng mật sao mà ra khách sạn ở vậy?

– Thôi đừng hỏi tào lao nữa, tôi đang nổi sùng đây. Như chị đã biết, năm ngón tay tôi bị tê cứng không co lại được để cầm viết, nên tôi nhờ chị cất công đến đây để viết giùm một lá thư. Tôi cám ơn chị nhiều lắm. Nhưng… khoan… khoan,  để tôi nói hết.  Tôi không văn hay chữ tốt như chị, nhưng… tôi đọc sao chị viết vậy, không sửa một câu, không thêm, không bớt một chữ, được không?

– Dạ thưa bà chủ… được!

– Tôi nghĩ sao đọc vậy, không văn chương tao đàn gì hết chị đừng cười.

– Hổng dám đâu!

– Chị bắt đầu viết nha.

Kính gửi cô Tịnh Tâm,

Hồi nào tới giờ tôi rất thích đọc mục gỡ rối tơ lòng của cô. Ðọc để chia sẻ cái khổ đau, cái phước của người khác, nhưng đâu ngờ có một ngày tôi phải viết lên đây để kể lể tâm sự thầm kín của mình.

-Ủa! có gì lạ đâu mà chị nhìn tôi như quái vật vậy? Có nhiều chuyện tôi không biết giải quyết làm sao cho đúng. Biết hỏi ai bây giờ. Hỏi chị, chị sợ mang họa nên cũng đâu dám chỉ vẽ gì cho tôi, tôi đành phải tìm người để gửi gắm tâm sự chứ. Làm ơn khép con mắt tròn vo của chị lại mà nghe tôi đọc tiếp.

Xem thêm:   Nghiện

Năm nay tôi trên sáu mươi tuổi rồi, chồng tôi hơn tôi bốn tuổi. Tính đến nay tụi tôi lấy nhau đã ba mươi lăm năm rồi.

– Con số nghe mắc cười quá hả chị?

Ba mươi lăm năm làm vợ ông ấy, nước mắt tôi đếm không hết, đắng cay tôi nuốt  hoài không trôi. Tôi cực khổ, vất vả từ Việt Nam cho đến Mỹ. Từ khi ông ấy bị giam cầm ở trại cải tạo cho đến khi được qua đây sống tự do, khuây khỏa, no đầy. Tôi hết lòng, hết sức lo cho chồng, cho con. Từ một cô gái xuân xanh, sinh lực tràn đầy, giờ đây tôi trở thành một thiếu phụ yếu đuối, bệnh tật vì đã hao tốn sức lực quá nhiều. Nhưng cô Tịnh Tâm ơi, không người nào biết nghĩ lại mà thương tôi. biết không, thằng chồng mắc dịch của tôi

– Ừa! tôi kêu như vậy đó, nếu “thằng chả”  đàng hoàng, tử tế  thì tôi đã không nói như vậy. Chị đâu phải là tôi, nên chị đâu biết nỗi uất hận của tôi.

“Thằng chả” không nhớ cái thời ở trong trại tù, tôi phải làm lụng vất vả, kiếm từng đồng từng cắc, rồi dành dụm không dám ăn, không dám mặc để mua đồ ăn đi thăm nuôi “thằng chả” nơi rừng thiêng nước độc. Lúc đó, tôi xơ xác, tiêu điều mà gặp mặt là “thằng chả” vuốt tóc tôi, nhìn tôi bằng cặp mắt tha thiết  “Anh nhớ em quá. Em thật xinh đẹp. Ðẹp từ khuôn mặt cho đến tấm lòng. Anh suốt đời yêu thương em và nhớ ơn em”. Con Pà nó!!!!

– Ừa! chị muốn bỏ chữ này thì bỏ, nhưng tôi phải nói vậy mới đã giận chị à!

Bây giờ qua đây “thằng chả”…!

– Sao chị lôi thôi quá. Ừa!  nếu chị muốn thì cứ bỏ bớt chữ “thằng” đi.

Bây giờ qua đây “chả” đi làm hãng xưởng, nhìn thấy mấy “con cái” xinh đẹp, nõn nà rồi bắt đầu lên giọng chê bai tôi. Ở xứ Mỹ này, sáu mươi tuổi đâu phải là già, tôi cũng có quyền ăn diện vậy phải không cô? Vậy mà mỗi lần đi ăn tiệc mà tôi diện áo đầm là “chả” chê tới chê lui, chê thậm chê tệ. Nếu tôi ráng nhịn, làm thinh không cãi cọ thì suốt bữa tiệc đó mặt “chả” chầm dầm như cái nia. Nhưng nếu tôi nổi tam bành cự lại thì “chả” không thèm đi, để tôi một mình lủi thủi trong bữa tiệc như người đàn bà góa chồng, sau khi giáng một câu làm tôi choáng váng mặt mày “Diện làm chi cho mất công. Ðồ ra đồ, người ra người”. Ðó chỉ là chuyện nhỏ, cái đáng nói trong nhà, tôi như con sen phải làm đủ mọi chuyện. Dù tôi bận bịu, múa may quay cuồng với công chuyện nhà cỡ nào “chả” cũng điềm nhiên tọa thị, chưa kể còn phê phán tôi “chậm như rùa”. Rốt cuộc, tôi sống bên cạnh chồng mà lúc nào lòng cũng đầy nỗi uất ức. Bởi vì, tôi có cảm tưởng mình là một con ở đợ, chứ không phải là vợ của “chả”.

Hai ngày nay tôi ra khách sạn ở để nghiền ngẫm lại cuộc đời mình, một cuộc đời quá nhiều bất hạnh. lẽ, đã đến lúc tôi phải sống cho tôi, một cuộc sống êm ả, thảnh thơi, không phải hầu hạ, chiều chuộng ai, để tôi thể ngủ một giấc thoải mái, khỏi phải giật mình xem đồng hồ, rồi vội vã chạy ra bếp pha cà phê, lo thức ăn sáng. Con tôi, dù hai đứa chưa lập gia đình nhưng cũng đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, tôi không còn phải bận tâm đến nó nữa. Vậy thì, ngay bây giờ tôi có nên ly dị để được giải thoát khỏi cuộc sống nặng nề, tẻ nhạt này không?. Tôi muốn để “chả” ở một mình và phải tự lo mọi thứ để nhận ra giá trị của người vợ đã từng phục vụ hầu hạ “chả” mấy mươi năm.

– Cái gì! chị nói coi chừng “chả” về Việt Nam cưới vợ trẻ hả?  Hứ! tôi chấp đó. “Chả” có cưới mười con vợ tôi cũng không ngán. Cam đoan, ngoài tôi ra không ai có thể chịu đựng “chả” được sáu, bảy, bốn mươi tám ngày.

Xem thêm:   Tám chuyện

Xin cô Tịnh Tâm cho tôi một lời khuyên. Sở dĩ tôi còn thắc mắc, băn khoăn vì tôi không biết phản ứng của hai đứa con ra sao? Mà tôi cũng xin nhắc lại, đối với tôi bây giờ ly dị có nghĩa là được giải thoát và tôi rất mong muốn, rất vui mừng nếu thật sự được giải thoát.

Cám ơn cô rất nhiều.

Người đàn bà đau khổ.

Bà đưa chị bạn ra bãi đậu xe. Hai người đi bên cạnh nhau không nói một lời. Hình như bà có hơi ngường ngượng. Hình như chị bạn cũng muốn nói một vài lời nhưng còn ngần ngại. Cuối cùng, sau khi ngồi vào xe, chị bạn quay kính xuống, nhỏ nhẹ:

– Từ từ… nghe chị. Bây giờ chị đang giận. Biết đâu… mai kia, mốt nọ…

Bà nghiêm mặt, giọng cứng rắn:

– Mai kia, mốt nọ con khỉ khô. Tôi mà quyết định rồi thì đừng hòng ai lay chuyển!

Nhìn vẻ hằn học của bà, chị bạn bật cười ra dấu cho bà đến gần, ghé tai nói nhỏ:

– Ðáng lẽ tôi phải giữ bí mật, nhưng đến nước này thì tôi phải bật mí. Ổng có món quà lớn dành cho bà trong dịp Valentine sắp đến đó nhe.

Bà nhíu mày, giọng có chút hồi hộp:
– Quà?… quà gì?

– Một chuyến đi Cruise mà bà hằng ao ước. Kỳ này, đủ bốn cặp đó nhe. Ðừng có…. tự ái mà làm bể chương trình, không có dịp thứ hai đâu đó.

Bà ngẩn người:

– Thiệt…. hông?

Chữ “hông” của bà sao mà nhẹ như hơi thở, khác xa giọng ngang ngang, chua lè khi nãy.

– Sao hổng thiệt? Thôi, tôi đi đây để kịp giờ ghé vô bưu điện bỏ thư nhờ “gỡ rối tơ lòng” giùm cho bà.

– A…A…à.. khoan… để tôi nghĩ lại.

– Nghĩ có nên nhận quà Valentine của ổng không hả?

– Hổng phải… vụ cái thư

Bà quẹt nhẹ vào vai chị bạn, che miệng cười lỏn lẻn. Chiếc xe từ từ chuyển bánh. Bạn bà nhìn vào kính chiếu hậu cười một mình. Chị đâu lạ gì bà bạn “khẩu xà tâm phật” của mình, ào ào một chút rồi chuyện đâu cũng vào đó. Ừ, thì vậy đi, coi như bà đang thực hành chữ “buông” đó mà.

NB