Mỗi sáng, cứ giật mình tỉnh giấc là tôi lại cất giọng than thở:

– Không biết sao mà đau mình quá chừng.

Một câu nói quen thuộc lại vang lên:

– Sao em không đến lớp cô Tố Phương tập Càn Khôn Thập Linh đi.

Vậy là “than” biến mất chỉ còn lại “thở”, mà thở đôi khi còn vướng chút gập ghềnh chứ không êm ả. Tôi đã từng tìm hiểu về môn Càn Khôn Thập Linh và cũng biết tập Càn Khôn Thập Linh sẽ được nhiều điều ích lợi, chẳng hạn đầu óc được minh mẫn, thân thể được khỏe mạnh, tâm được tu dưỡng. Biết là một chuyện – và chuyện này thì ai cũng biết – nhưng có đủ siêng năng để tập tành mỗi ngày hay không lại là chuyện khác.

Nghĩa, cô em Gia Long của tôi đã chia sẻ:

– Càng lớn tuổi hơi thở càng ngắn, sau khi tập em thấy hơi thở của mình khá hơn nhiều. Các thế tập giúp cơ thể dẻo dai và giữ thăng bằng tốt hơn. Ngoài ra còn có thêm niềm vui tinh thần qua những buổi gặp gỡ, ăn uống chung và thăm viếng nhau những lúc bệnh hoạn …

Một buổi sáng đẹp trời, với tâm trạng hân hoan tôi đã đến “tham quan” lớp tập dưỡng sinh của “cô giáo” Tố Phương – theo cách gọi của các học viên- tại thành phố Plano (số 14th Street, Plano, TX 75074).

HLV Tố Phương đang hướng dẫn các học viên tập luyện   

Tôi bước vào khi lớp đang giờ tập. Sau màn chào đón vui vẻ mọi người trở lại vị trí của mình và tiếp tục tập luyện theo “khẩu lệnh” chuyển thế của cô Phương-huấn luyện viên. Những cánh tay giơ lên, nghiêng người về phía trước, 2 tay chắp lại nghiêng bên phải, bên trái … những động tác diễn ra chầm chậm và nhịp nhàng, phù hợp cho các học viên đa số là những người lớn tuổi.

Giờ tập chấm dứt sau khi các học viên cùng đọc khẩu quyết

“Tôi khai mở

Để tiếp đón và chấp nhận

Thương tha thứ và bao dung

Sống với chân lý tối cao

Để yên vạn sự và buông xả vạn duyên”.

Mọi người lăng xăng thu dọn chỗ của mình rồi cùng nhau dùng bữa  trưa với thực đơn toàn là những món chay do các học viên tự nấu và mang vào, góp lại thành một bàn tiệc thịnh soạn.

Xem thêm:   "Bảo bối"

Vừa ngồi xuống với đĩa thức ăn trên tay, một chị bước đến bên tôi, bằng giọng thân mật chị nói:

– Lớp này gọi là lớp cao đẳng đó chị.

Ái chà! chắc toàn là cao thủ võ lâm. Tôi tròn mắt, chưa kịp cất tiếng khen chị đã tiếp với giọng khôi hài:

– Cao đẳng là cẳng đau đó mà.

Thức ăn do học viên đóng góp

Tôi cười thích thú. Phòng tập trở nên nhộn nhịp với tiếng chuyện trò rôm rả hòa lẫn trong tiếng cười giòn tan tạo nên bầu không khí ấm áp, thân tình hẳn đã mang niềm vui không nhỏ đến cho các học viên trong giây phút gặp gỡ, sinh hoạt chung này. Tôi tin rằng niềm vui ấy sẽ khiến tâm trạng của họ trở nên hân hoan, phấn khởi hơn trong thời gian chờ buổi học kế tiếp. Đây là thứ hành trang quý báu và cần thiết cho cuộc sống của con người, nhất là những người đang bước vào tuổi hoàng hôn.

Một chuyên gia sức khỏe đã từng nói “Có sức khỏe tốt là một điều hạnh phúc, nhất là những vị lớn tuổi. Nếu quý vị muốn đạt được điều hạnh phúc thì hãy cố gắng tập luyện, vì khi cơ thể khỏe mạnh bạn sẽ thấy yêu đời, lạc quan hơn và trí óc cũng sẽ sáng suốt, suy nghĩ tích cực hơn”.

Vậy thì còn chần chờ gì! Xin mời quý vị cùng người viết tìm hiểu thêm đôi điều về một nơi chốn đang giúp mọi người trở thành người hạnh phúc như lời khuyên trên qua “cô giáo” Tố Phương, người phụ nữ độc thân vui tính, lúc nào cũng sẵn sàng xăn tay áo để giúp đỡ mọi người.

Ngân Bình (NB): Chào chị Tố Phương. Xin chị giải thích sơ qua về môn Càn Khôn Thập Linh và những lợi ích cho sức khỏe?

Tố Phương (TP): Thầy Hằng Trường chủ trương “Thân Khỏe Tâm An”. Muốn học đạo hay và ngồi thiền giỏi cần có thân thể khỏe mạnh nên Thầy sáng lập môn Càn Khôn Thập Linh. Càn Khôn thập Linh gồm có 10 thế. Càn là trời, là thế đầu. Khôn là đất, là thế cuối. Ở giữa có 8 thế mang tên các linh vật như Cóc, Trâu, Hạc, Rồng, Phụng, Cọp, Bướm, Rùa. Mỗi thế Càn Khôn Thập Linh đều có liên quan đến 7 luân xa. Sau khi tập hết 10 thế, sẽ có 15 phút nằm “giả chết”. Giai đoạn “giả chết” cũng quan trọng như giai đoạn tập vì lúc này năng lượng được giữ lại trong cơ thể, nhờ vậy mà người tập cảm thấy khỏe khoắn.

Xem thêm:   "Bảo bối"

Sau phần “giả chết” là phần cảm kích, tức là ngồi im lặng mở 2 lòng bàn tay ra, nhớ đến những điều tốt đẹp đã làm trong mấy ngày qua, xong áp tay trái rồi tay phải lên ngực để đem điều tốt gửi vào trong thân, mở tay ra gửi những điều tốt đẹp này đến cho những người thân quen, xong chắp tay lại và với lòng cảm kích biết ơn, cúi đầu xuống lạy.

Tập Càn Khôn Thập Linh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn, khí huyết lưu thông, đầu óc minh mẫn hơn và hỗ trợ sự chuyển hóa về tâm linh.

Cùng nhau dùng bữa trưa

NB: Xin chị cho biết lớp học bắt đầu từ bao giờ? Và cơ duyên nào để chị trở thành huấn luyện viên?

TP: Lớp bắt đầu khoảng năm 2009. Thoạt đầu, tôi chỉ đi tham dự khóa để học cách tập luyện cho sức khỏe tốt hơn, nhưng khi xong khóa thì Thầy Hằng Trường gợi ý rằng, không phải chỉ tập luyện cho mình mà nên phổ biến rộng rãi để đem sức khỏe đến cho người khác. Vì thế, tôi và một số học viên ở những tiểu bang khác đã về nơi mình đang sinh sống mở lớp dạy.

NB: Để có thể trở thành huấn luyện viên, chị có phải theo khóa học nào không và có phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng không?

TP: Dạ, ai muốn trở thành huấn luyện viên đều phải tham gia khóa đào tạo. Chương trình học gồm có 2 phần: thứ nhất là cách luyện tập các thế cho đúng và cách dạy, thứ 2 là lý thuyết về ý nghĩa các thế và cách dạy. Sau đó phải vượt qua được một kỳ thi. Ngoài ra, mọi huấn luyện viên đều phải học thiền để tập cách ngồi an định và lắng tâm. 1 hoặc 2 năm một lần sẽ có một khóa học bổ túc.

NB: Với một cơ sở rộng rãi và khang trang như thế này thì ngân khoản dành để trang trải các chi phí từ đâu mà có trong khi lớp học hoàn toàn miễn phí?

TP: Khi lớp mới mở chúng tôi thường tập ở nhà của chị Thu Trang cũng là huấn luyện viên. Sau đó, nha sĩ Bích Vân đã cho chúng tôi dùng phòng khám răng đã bỏ trống miễn phí. Tôi và các học viên, mỗi người một ít cùng đóng góp để sửa sang, tu bổ căn phòng này để có được một chỗ tập tươm tất.

Xem thêm:   "Bảo bối"

Được miễn phí nên chỉ phải trả tiền điện nước, tiền thuế. Các phần này là do học viên đóng góp tùy hỉ. Nơi phòng tập có đặt một cái thùng, nếu ai muốn giúp thì bỏ tiền vào đó. Trường hợp thiếu thì chúng tôi sẽ bù vào nhưng thường đủ để trang trải các chi phí nói trên.

NB: Ngoài địa điểm này của chị, còn có địa điểm nào khác trong vùng Dallas-Fort Worth không?

TP: Ngoài địa điểm này có thêm một địa điểm ở trung tâm Vamas do chị Thu Trang đảm trách và một lớp khác do chị Thiên Trang phụ trách. Ngoài ra, còn có lớp online dạy trên Zoom của chị Mai Thu.

Các thế tập của Càn Khôn Thập Linh

NB: Đa số những học viên là người lớn tuổi không thể lái xe, nếu ai gặp trở ngại trong vấn đề di chuyển thì sẽ giải quyết bằng cách nào?

TP: Thông thường, những người lái xe được đều vui vẻ tình nguyện chia nhau giúp đỡ các vị không có phương tiện hoặc vì con cháu họ bận đi làm không thể đưa đón được.

NB: Với lớp học này, điều gì mang đến niềm vui cho chị?

TP: Đó là tình thân ái, hòa hợp như người trong một gia đình của các học viên, bất phân tuổi tác. Nhìn sức khỏe của các bác ngày càng tiến bộ tôi rất vui. Có một bác trước kia phải đi “walker” nhưng sau khi tập vài tuần bác có thể tự đi mà không cần “walker” nữa. Đó là điều tôi rất sung sướng và một điều cũng đáng trân trọng là tình cảm của các học viên dành cho nhau thật gắn bó. Nếu ai có gặp khó khăn hoặc có chuyện gì cần chia sẻ thì cả khối có ý kiến đóng góp, an ủi. Điểm đặc biệt của lớp học chúng tôi là luôn có bữa cơm trưa và tất cả mọi người đều rất hoan hỉ.

NB: Chân thành cám ơn chị Tố Phương và các học viên trong lớp học. Hy vọng bài tường thuật này có thể giúp độc giả Trẻ, những ai đang tìm hiểu môn dưỡng sinh Càn Khôn Thập Linh sẽ thêm động lực tham gia các lớp tập để tăng tiến sức khỏe.

NB