Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

1

Mang tên của một loài chim nhỏ, có giọng hót trong trẻo, nhưng Kim Oanh – người mà xưa nay tôi gọi bằng “Chị Vấn”- lại có giọng lào khào, khi nói cũng như khi cười. Tôi thích cái lào khào rất riêng của chị. Có chút hồn nhiên, có chút dí dỏm, nhất là những lúc chị nhìn theo anh Vấn vừa đi ngang qua chỗ hai chị em đang đứng, thầm thì chuyện “tào lao của phụ nữ” nói câu gì đó. Mắt chị liếc xéo,  nhỏ giọng trách “Ổng cứ thích trêu ghẹo em”. Câu trách không có chút hờn, mà có chút yêu. Dễ thương như tiếng cười  khàn khàn của chị sau câu nói ấy.

Cùng xuất thân từ trường đại học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt. Là bạn bè từ thuở đôi mươi, nên khi gặp lại trên quê hương thứ hai này, hai gia đình nhanh chóng trở nên thân thiết. Nhất là từ khi tạp chí Ca Dao ra đời và anh Vấn trở thành một cây bút chủ lực của tờ bán nguyệt san đầu tay mà cũng là cuối cùng của vợ chồng tôi trong suốt chín năm.

Thỉnh thoảng, chúng tôi vượt đường xa đến thăm anh chị ở Wichita, gần bảy tiếng lái xe và những năm gần đây ở Houston, hơn bốn tiếng. Thời gian ngắn ngủi đôi ngày, nhưng lúc nào cũng được ở trong căn phòng giường gối tươm tất, phảng phất mùi thơm nhẹ nhàng, sảng khoái và chị Vấn luôn chu đáo trong từng món ăn đãi khách. Chỉ có hai cặp mà lần nào cũng chuyện trò đến khuya, nhất là khi anh chị dọn về căn nhà mới ở Houston. Căn nhà không to, nhưng rất ấm áp, xinh xắn qua sự trang trí đơn sơ nhưng rất mỹ thuật của chị  -là nơi vợ chồng tôi luôn nghĩ đến khi muốn tìm chỗ để giảm “stress”.

Xem thêm:   Xàm xịa

Nhớ nhất là lần ăn tối với món phở gà và mì xào giòn độc đáo của chị. Những sợi mì giòn tan trong lưỡi với tôm, thịt, nấm, củ năng… hương vị đậm đà, thơm ngon, ăn một lần mà nhớ mãi. Hôm ấy, anh Vấn có mời anh Bình -khóa đàn em- người có giọng ca trầm ấm, điêu luyện, đã khiến chúng tôi ngẩn ngơ thả hồn theo bài hát “Tóc Xưa” của Ngô Thụy Miên với tiếng đàn guitar réo rắt.

Hôm ấy, tôi cứ xuýt xoa theo từng lời thơ mượt mà được phổ thành nhạc. Nhưng lúc tham dự thánh lễ an táng ở nhà thờ, tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe anh Vấn đọc lời vĩnh biệt và nhớ lại “Tóc xưa” với nỗi xót xa, nhói buốt trong lòng. Hai tuần trước, chúng tôi đã đến thăm khi được tin bệnh chị trở nặng.  Khuôn mặt chị hôm ấy sáng và đẹp hơn lúc nào hết nhưng ánh mắt da diết buồn. Nỗi buồn của một người biết mình đang đi dần vào cõi chết. Ðau đớn và kinh hoàng biết dường nào. Từ phòng ngủ,  anh Vấn đưa chị ra phòng khách bằng những bước chân chập chững. Không còn nữa “Kim Oanh” với nụ cười tươi, giọng lào khào chào đón thân mật. Chị không nói được, chỉ có tiếng khóc thống thiết bật lên trong âm thanh tức tưởi. Tôi ôm chị thật chặt giữa những dòng nước mắt tuôn trào. Tay run nhẹ, chị viết trên tấm bảng nhỏ dòng chữ nguệch ngoạc “Bác sĩ chê rồi”. Cố cười, cố vui để an ủi, động viên chị, nhưng chính tôi lại rơi vào nỗi bàng hoàng khi đọc câu viết sau cùng của chị “Em muốn áo dài trắng để mặc khi liệm”.

Nguyễn Thị Kim Oanh và Trương văn Vấn – nguồn T-van.net

Trở về nhà lúc 10 giờ đêm, tôi hỏi Sinh khi đọc kinh tối “Mình cầu nguyện sao cho chị Vấn đây anh?”. Anh cúi đầu một lúc rồi lâm râm khấn nguyện “Nếu như đã đến ngày chị Vấn về với Chúa, xin Chúa cho chị ra đi nhẹ nhàng, êm ái”.  Và chị đã được ơn như lời cầu xin, qua đoạn chia sẻ của Ý Vy trên facebook “Hơn một tháng qua, khối u não khiến mẹ tôi ngày càng khó nuốt và cuối cùng, vào ngày sau đám cưới của tôi, khối u đã cướp đi khả năng nói của mẹ. Tôi chứng kiến mẹ tôi ngày càng yếu đi  -chết đói và khao khát được uống một cốc nước… bất cứ thứ gì. … và mẹ tôi đã qua đời một cách thanh thản, khi tất cả chúng tôi cùng nằm trên giường với mẹ…”.

Tôi không kềm được nước mắt, dù biết rằng sẽ có phút giây đau lòng này. Kể từ hôm nay, chúng tôi sẽ mất đi một người bạn dễ mến, gia đình Chiến Tranh Chính Trị sẽ mất đi một “Nàng Dâu Nguyễn Trãi” luôn vui vẻ, nhiệt tình với bạn bè. Bên tai tôi như văng vẳng giọng hát của anh Bình buổi tối nào, nhưng sao quá xót xa, ngậm ngùi.

Xem thêm:   Sức khỏe & niềm vui

… Tóc nào đen óng hôm qua

Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày

Sợi nào là sợi tóc mai

Loà xoà bên trán làm ai phải lòng

Ðể mà sáng đợi chiều trông

Sợi kề bên má, sợi hôn môi người

Sợi nào từ thuở đôi mươi

Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau

Sợi nhìn ngày tháng qua mau

Tóc xanh hôm trước, bạc màu hôm nay

Tóc xưa giờ đã xa bay

Sợi buồn ở lại… ngắn dài xót xa (*)

Cuộc sống rồi sẽ quạnh hiu, trống vắng với bao nhớ thương, nuối tiếc cho anh… NGƯỜI Ở LẠI.

Xin được chia sẻ cùng anh Vấn và Ý Vy, Ý Vân nỗi đau buồn về sự mất mát lớn lao này.

2

Bây giờ là mùa thu. Mùa thu ẩm ướt với những cơn mưa lất phất trong tiết trời  âm u, buồn man mác. Thế nhưng chúng tôi, những người ở xa đang háo hức đếm từng giờ khắc trôi qua, để đến nơi tham dự đám cưới của cô cháu nhỏ Ý Vy, con gái của người bạn thiết đã qua đời cách đây mười một tháng vào một ngày mùa đông.

Cả ngày thứ Bảy mưa tầm tã từng cơn, khiến chúng tôi không ngừng lo lắng và liên lỉ cầu nguyện. Nhưng thật bất ngờ, cơn mưa đã thật sự chấm dứt vào lúc bốn giờ chiều để tiệc cưới được bắt đầu lúc năm giờ như đã định.

Tiệc cưới đã diễn ra thật ấm áp trong tiết trời lạnh lẽo. Cái ấm áp từ tình yêu thương của đông đảo khách tham dự, dù họ đang co ro trong tấm áo dày cộm, quanh những chiếc bàn đặt dưới khung lều vải và phía sau là những máy sưởi bập bùng ánh sáng. Và tôi. Trong nỗi xúc động, tôi đứng lặng yên nhìn mãi màu áo xanh rêu nổi bật -“chiếc áo mà lúc còn sống mẹ con rất thích”, như lời chia sẻ của Vy-  đặt giữa chiếc khay hình chữ nhật được viền kín bằng những đóa hoa hồng trắng cùng một vài tấm ảnh, mà dễ thương nhất là tấm ảnh của Vy khoảng bốn tuổi đang ôm cổ mẹ.  Tất cả được đặt trên một bệ đá đơn sơ, cạnh bậc tam cấp, nơi người người đi qua đều ghé lại để chiêm ngưỡng với tất cả nỗi xúc động, bởi lòng nhớ thương thấm đẫm tình mẫu tử mà cô dâu trong tiệc cưới hôm nay trang trọng dành cho người mẹ yêu dấu của mình đã ra đi vĩnh viễn.

Xem thêm:   Chê

Khi biết chị Vấn không vượt qua được căn bệnh nan y và có thể ra đi bất cứ lúc nào, lễ cưới đã được tổ chức gấp rút cho đôi trẻ tại nhà thờ theo nghi thức công giáo với sự hiện diện của người thân hai bên gia đình chỉ khoảng hai mươi người. Tuy biết rằng, chỉ cần phép hôn phối được cử hành là đã đầy đủ cho một đám cưới của người có đạo, nhưng với tấm lòng người mẹ, với sự thấu hiểu ước mơ lớn nhất trong đời của một người con gái, chị đã dặn dò Vy, sau khi mẹ qua đời, con phải  tổ chức tiệc cưới để mời họ hàng, bạn bè của ba mẹ và của con đến chúc mừng hạnh phúc cho con.

Nhìn cô dâu xinh xắn trong chiếc áo cưới màu trắng tinh khôi, trong thoáng chốc tôi chợt nghĩ… biết đâu…  chị Vấn đang rảo bước quanh đây với nụ cười thỏa nguyện vì con gái đã hoàn thành lời trăng trối của mình. Ðưa tay lau nhanh dòng lệ chan chứa niềm vui lẫn nỗi buồn, tôi lại nhớ những dòng tâm sự đáng yêu của Vy dành cho mẹ “Mẹ ơi, xin hãy dõi theo chúng con và nhẹ nhàng hướng dẫn chúng con khi chúng con học cách xây dựng một ngôi nhà thân thương và đẹp đẽ như ngôi nhà của mẹ đã dành cho chúng con”.

NB

(*) Nhạc phẩm Tóc Xưa- Thơ Dương văn Thiệt- nhạc Ngô Thụy Miên