Cãi cọ có phải bất khả kháng không? Nếu cứ nghĩ rằng lứa đôi phải cãi cọ như sống chung với lũ, như căn bệnh mạn tính – thì cần tìm thuốc chữa để tránh ghiền cãi cọ hơn thua.

Bảo Huân

Ðầu tiên là bớt ngay các giả định vớ vẩn, vì cao trào cảm xúc sục sôi bởi cái thói suy diễn điều tồi tệ, xấu xa về nửa kia. Rồi thì săn tìm đủ chứng cứ củng cố cái giả định mà chẳng thèm ngoái lại chứng minh cái giả định đó sai. “Chắc là ổng lại về trễ vì còn đàn đúm, cha này luôn mờ ám. Hay có hẹn với con nào rồi. Hèn gì sáng ra là lo diện bảnh bao …” Và khi giả định sai lầm, thì những “tuyên bố buộc tội” của bà vợ sẽ ngụy trang thành câu hỏi. Dẹp liền cái giả định là sai để tránh sa đà vào suy diễn, thực tế phần lớn các giả định là kiểu chụp mũ “rất nguy hiểm”.

Cầm nắm, ôm ấp thay vì mở miệng – luôn bắt đầu như vậy. Những cử chỉ thân mật ngăn cản việc nói sai tông giọng, hiểu sai ý nhau với chuyện nhạy cảm dễ đụng chạm. Một cái cầm tay, cái ôm giá trị hơn nhiều lời nói – vì nó thư giãn, tạo ra oxytocin khiến hơi thở chậm lại và bớt căng thẳng. Nó cũng giúp đôi bên gạt cảm xúc tiêu cực khỏi vấn đề tranh luận. Cứ sùng sục xúc động lên là khó đi đến đâu, tiếp tục… ôm cho đến khi hạ hỏa rồi mới vào vấn đề.

Xem thêm:   Tám chuyện

Dùng câu hỏi mở như “Anh hôm nay thế nào?” thay vì “Anh về trễ vì đi đâu phải không?” – đó là lời “tuyên bố buộc tội” được ngụy trang bằng câu hỏi, dễ gây “thù địch” và nửa kia dựng tường phòng vệ liền. Im lặng nghe ông chồng trả lời mà tránh “nhảy vô họng,” im lặng cũng đồng nghĩa là cho nửa kia suy nghĩ, bộc bạch. Nghe được thì cần lặp lại và tiếp tục ân cần hỏi han thêm, cứ vài lần kiên nhẫn lắng nghe “bóc vỏ hành” từ từ, thì ông chồng có cù lần, cáu bẳn mấy cũng dễ bộc lộ hết tâm tư. Tới lúc mà hai bên thấu hiểu cái bức xúc và thông cảm cho nhau.

Lỡ mà một trong hai kín như bưng, “cấm vận giao tiếp”, hay giả vờ mọi thứ đều OK – thì đó là tín hiệu họ không cảm thấy an toàn để trở nên dễ tổn thương. Có thể không muốn tranh cãi trước mặt con cái hay ai đó, hay còn điều gì lấn cấn chưa thoải mái. Cứ kiên nhẫn, cách tốt nhất để nửa kia cảm thấy an toàn là đừng vội phán xét, trách móc, đổ lỗi, buộc tội.

Khi đã thấu hiểu ngọn ngành, hãy đưa ra giải pháp “bù đắp” rồi chờ đợi. Ðiều này rất quan trọng, vì cho nửa kia quyền lựa chọn lắng nghe, đồng ý hay không – chứ đừng xổ ra ào ào. Ví dụ, “OK, mình có thể bỏ qua chuyện này, tối thứ Sáu mình đi ăn sushi bù nhé em?” Hãy đợi nàng đồng ý với cách giải thích và sự bù đắp, không áp đặt kiểu “quên này thì bù nọ” – nó dần mất đi sự tin cậy.

Xem thêm:   Bản án treo

Lắng nghe để thấu hiểu tuy chậm nhưng là cách đúng đắn nhất, đừng phủi mọi rắc rối ngoài tầm mắt bởi nó sẽ cứ âm ỉ cháy. Chàng cũng như nàng thôi, đều muốn tình yêu, sự tôn trọng, sự thỏa mãn, hạnh phúc… nhưng để hiểu thấu thì đòi hỏi công phu “bóc vỏ hành” mỗi bên tới đâu!!!

TH