Thôi đi bà, làm bà ngoại rồi mà còn nắm tay, nắm chân gì không biết. Bộ bà đi không nổi sao mà đòi tôi dắt?

Ông gạt tay và liếc ngang bà một cái rồi xăm xăm đi vào quán phở. Bà muốn cầm tay ông, tìm chút hơi ấm giữa tiết đông lạnh giá với từng cơn gió rét, nhưng thái độ của ông làm bà cảm thấy hụt hẫng. Lủi thủi bước vào bàn, bà tự tay kéo ghế, nét mặt tiu nghỉu. Hai ông bà chẳng ai nói lời nào.

Ông chọn cho mình một tô phở đặc biệt với nước béo, hành trần. Bà cau mày nhìn ông, đôi mắt đổi sang hình viên đạn, giọng nói chát chúa như lằn đạn thoát khỏi nòng súng:

– Cholesterol cao ngất ngưởng mà không chịu kiêng cữ, lúc nào cũng “nước béo, hành trần”. Bữa nào nghẹt tim mới biết thế nào là béo… béo!

– Muốn ăn gì… chọn lẹ, để thằng cháu nó chờ kìa.

Ông ngước nhìn cậu tiếp viên đang cười tủm tỉm.

– Ði nhà hàng thì phải ăn cho ngon mới đúng điệu phải không cháu?. Ai như bà, vào nhà hàng mà cứ như ăn chay, thà ở nhà ăn cho khỏe cái thân.

– Dạ, không sao đâu, bác gái cứ thong thả chọn, cháu chờ được mà. Thấy hai bác vui tính… giống như bố mẹ cháu, lần nào đi ăn, hai ông bà cũng khích tướng nhau. Bố cháu nói, nhờ vậy mà sống lâu. Ha! ha!!! thôi bác gái cứ xem thực đơn, chút nữa cháu quay lại.

– Bà thấy chưa, cứ cái tật kiểm soát việc ăn uống của tôi, tụi nhỏ mới dám chọc quê mình.

– Thì cũng tại ông, tưởng ra ngoài ăn cho vui, nhưng ông lại làm tôi bực bội. Tối qua, xem phim Hàn quốc, tôi thấy có câu nói rất thích hợp với ông “Trên đời có ba loại đàn ông đáng ghét. Thứ nhất là loại đàn ông không biết “ga lăng” với vợ. Thứ hai là loại đàn ông, trước mặt người khác phải phình ra cho có vẻ oai phong để chứng tỏ với mọi người, tôi không phải là “thằng sợ vợ”. Thứ ba là loại đàn ông khôn vặt, biết thừa nước đục thả câu, biết chọn nơi, chọn lúc không ai ngăn cản được, để ăn cho đã cái răng, không chịu kiêng cữ, dù tim gan, phèo phổi đã rệu hết rồi ”. Ông là loại hàng hiếm, vì một mình ông gom hết cả ba.

– Ừ! tôi là hàng quý hiếm mà. Còn bà thì không biết trân trọng cái gì mình có, tối ngày cứ chờ tôi sơ hở là bắt bẻ. Nói thiệt, bà đừng giận, nhiều khi… tôi thấy bà lãng… xẹt.

Bảo Huân

o O o

– Ông có thấy bà Khuê hôm đám cưới con ông Quan không?

– …

– Ông thấy chiếc áo đầm bà ấy mặc có đẹp không?

– Tôi có để ý đâu mà biết.

– Ừ! thì… mấy đứa nhỏ hay bảo tôi, mẹ mặc áo đầm cho thoải mái, mùa Hè mà mặc quần tây chi cho chật chội, khó chịu. Nghe tụi nó nói cũng đúng, nên tôi định… ông thấy được không?

– Sao lại không? miễn bà thích là được.

– Ừ! ngày mai ăn đám giỗ ở nhà chú Thiện, thế nào cũng có bà Khuê. Ông nhớ nhìn kỹ, rồi bữa nào ông đi với tôi, tìm mua một cái.

Ông nhiệt tình:

– Muốn thì ăn cơm xong tôi chở bà đi.

Cửa tiệm quần áo khá lớn, bà lạng tới, lạng lui bao nhiêu bận, quanh khu bán quần áo, rồi giày dép mà chẳng thấy ông. Một lúc chớm mệt, bà đâm bực bội, nên đứng nép bên phòng thử quần áo, lục bóp, tìm điện thoại thì nghe tiếng ông vang vang bên dãy quần áo phía sau phòng thử.

– Vâng chào chị. Gặp chị sau nhé.

Bà rẽ sang trái, thấy ông đang ngắm bà Khuê với nụ cười tươi tắn trên môi. Bà đến bên cạnh rồi mà đôi mắt ông vẫn còn đeo dính sau lưng bà Khuê. Bà hắng giọng, ông quay lại nhìn, rồi chỉ tay về phía trước, không tiếc lời khen ngợi:

– Bà nhìn xem, bà Khuê mặc chiếc áo trông đẹp quá, phải không?

Bà liếc ông một cái, giọng thật nhỏ nhưng nặng còn hơn búa tạ:

– Phải rồi, bởi vậy ông mới nhìn nhỏ dãi.

– Cái gì?  thì… chính bà bảo tôi nhìn, sao giờ xiên xỏ tôi là sao?

– Hứ… ông sinh tật dê xồm hồi nào vậy? già cúp thùng thiếc rồi nha.

Ông nhìn sững bà. Lời phê phán nặng nề của bà làm cơn giận của ông bừng lên:

– Cái bà này, sao biểu tôi nhìn… giờ lại xỉa xói, móc ngoéo. Hứ! lãng xẹt!

Ông quay lưng đi một mạch ra cửa, lên xe, nhấn mạnh chân ga. Bà vẫn đứng đó, hậm hực chờ ông trở lại mà không ngờ mình đã bị bỏ lại.

o O o

Cô Trâm vừa cười, vừa lắc đầu với chút ngán ngẩm:

– Ðây chỉ là hai câu chuyện tiêu biểu cho hàng chục, hàng trăm lần cãi nhau của bố mẹ em. Mẹ em lúc nào cũng kết thúc cuộc cãi vã bằng câu nói quen thuộc “Sao tôi với ông tối ngày cứ gấu ó nhau vì những chuyện lãng xẹt vậy hè!”. Buồn cười là hai chữ lãng xẹt in trong trí của thằng bé út nhà em. Mỗi lần ông bà cụ bắt đầu to tiếng là thằng nhỏ chạy vào níu áo em, chỉ vào phòng ông bà nói “Mẹ, ông bà lại… lãng xẹt nữa kìa”.


Bạn thân mến,

Trong bữa tiệc mừng kỷ niệm ngày cưới của một cặp đôi, sau khi quan khách nâng ly chúc mừng rất náo nhiệt, “Cô dâu chú rể bốn mươi năm” cười như pháo nổ khi chia sẻ kinh nghiệm về cuộc hôn nhân của mình “Bí quyết để sống đến ngày hôm nay cũng như còn giữ được mái ấm gia đình trong suốt bốn mươi năm nội chiến từng ngày, trên chiến trường chỉ có hai đối thủ, mà cho đến giờ này không người nào chết, là phải chấp nhận sự thay đổi của chữ “lãng” trong ngôn tình của hai người”. Ý anh chị là sao? Người MC thắc mắc hỏi. Với khuôn mặt hớn hở, chú rể nói “Lúc mới yêu, tụi tôi luôn dành cho nhau những gì lãng mạn nhất. Rồi từ từ…  không biết từ bao giờ, sự lãng mạn biến mất với những cuộc tranh cãi vì những chuyện không đâu, nếu không muốn nói là lãng xẹt”. Một tràng pháo tay vang lên biểu hiện sự đồng tình của hầu hết quan khách có mặt ngày hôm đó.

Tiếp lời chú rể, người MC hào hứng kể chuyện tiếp “Có một ông chồng, suốt đời luôn chí thú làm ăn để có tiền lo lắng cho gia đình, con cái. Ông không hề quan tâm đến kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật vợ. Ðến tuổi về hưu, ông có dịp tham dự tiệc tùng của bạn bè vào những dịp lễ đặc biệt ấy, thấy hay hay nên ông ý định sẽ dành cho vợ một ngạc nhiên đặc biệt. Ðúng ngày cưới ba mươi lăm năm về trước, ông mua lẵng hoa lan thật đẹp để tặng cho vợ. Với ý nghĩ sẽ cảm động đến rơi lệ vì món quà bất ngờ này, về đến nhà, ông nhè nhẹ mở cửa bước vào, giấu lẵng hoa sau lưng, đến bên bà đang loay hoay ở bếp, ông kê mặt vào gáy bà thủ thỉ “Hôm nay, để kỷ niệm ngày cưới của tụi mình, anh có món quà tặng em”. Rồi ông hớn hở đưa lẵng hoa lan ra. Không ngờ, bà trừng mắt “Bộ ông trúng gió hả? Tôi dặn ông mua bó rau muống để nấu canh, sao không mua mà mua cái thứ này làm chi. Lãng xẹt hà!”.

Người MC còn “bonus” thêm một câu chuyện, mà theo anh “có thể xếp vào hàng lãng xẹt”. Trong tang lễ ông chồng già, bà vợ vừa khóc, vừa kể lể  “Ông ơi, sao bỏ tôi đi. Từ nay tôi sống một mình, đâu còn ai cãi nhau với tôi nữa”.

Cuộc đời thường là một nghịch lý. Có câu nói “Thứ duy nhất chắc chắn, khôngđiều gì chắc chắn. Thứ duy nhất không thay đổi, là sự thay đổi”.

Hay trong một chuyện vui cười, con bò nói rằng: “Ai cũng bảo mình ngu (ngu như bò), nhưng lại muốn uống sữa mình để được thông minh!”

Vợ chồng già cũng vậy, sẽ đến một ngày nào đó, khi người bạn đường sống bên mình gần hết cuộc đời không còn nữa, ta mới nhận ra rằng, vì thương yêu, muốn thay đổi người chồng/ người vợ điều nầy, điều nọ, cho cuộc sống lứa đôi hạnh phúc hơn, nhưng ý tốt đẹp đó đã sinh ra những va chạm từ biết bao điều nhỏ nhặt, đã không thay đổi được gì, mà chỉ thay đổi từ chỗ lãng mạn của một thời xuân xanh hạnh phúc thành lãng xẹt khi tóc đã thay màu.

để rồi một ngày, sẽ có người thầm thì thương khóc “Lãng xẹt ơi, sao đành bỏ tôi mà đi!”

ĐHS