Có lần tham dự buổi tiệc gây quỹ giúp trẻ mồ côi, tôi ngồi cùng bàn với Phượng, con của bác Thủy mà  tôi được quen biết trong sinh hoạt cộng đồng trước đây. Ðến phần ban tổ chức kêu gọi lòng hảo tâm của quan khách qua sự đóng góp hiện kim, cô nói với tôi:

– Anh có thể đưa giúp cái “check” này cho ban tổ chức không? Em ngại đi lên đó quá.

Tôi vui vẻ đứng lên, đi về phía sân khấu, với một chút ngạc nhiên khi nhìn thấy con số một ngàn trên ngân phiếu.

– Em là một đứa bé mồ côi, nên rất muốn giúp các chương trình nầy.

Phượng tâm sự với nụ cười buồn.

– Vậy… Bác Thủy là mẹ nuôi của Phượng?

– Dạ, ba mẹ xin em từ cô nhi viện VN. Em sang Mỹ khi được bốn tuổi. Lúc nhỏ, em rất ngoan và nói tiếng Việt rất giỏi. Vào tuổi mới lớn, em bắt đầu theo bạn bè và bắt chước chúng đủ thứ xấu. Với mặc cảm ngoại hình không đẹp như các bạn Mỹ trắng, em nhuộm tóc vàng, ăn diện theo thời trang lập dị. Em hay trốn học đi chơi, nên ba mẹ thường bị mời đến trường để nói chuyện về việc bỏ học của em. Em bắt đầu bị la rầy, kiểm soát. Có lần đi tiệc sinh nhật ở nhà bạn, đã về trễ lại còn uống rượu, mẹ đón em ở cửa, bà nổi giận quát tháo, em cũng lớn tiếng phản đối “Con mười bảy tuổi rồi. Ba mẹ không có quyền kiểm soát con như con nít”. Mẹ giận quá, tát em một cái xiểng niểng. Từ đó, em bất mãn và có ý tưởng bỏ nhà đi hoang.

Một hôm, tình cờ em nghe ba mẹ cãi nhau trong phòng ngủ mà nguyên nhân chỉ vì sự hư đốn, bướng bỉnh của em. Và câu nói của mẹ đã làm em sửng người trong nỗi bàng hoàng.

– Anh đừng trách em sao quá nghiêm khắc. Không nghiêm khắc làm sao con nên người. Dầu em không rứt ruột đẻ nó, nhưng lúc nào em cũng thương yêu, chứ có bao giờ em xem nó là con nuôi đâu.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Từ đó, cứ mỗi lần bị rầy em lại tủi thân, tự nhủ mình là con nuôi nên bị đối xử bạc bẽo. Sống với ba mẹ mà em có cảm tưởng như ở tù với kỷ luật khe khắt, nào là không được đi chơi khuya, không được có bạn trai, không được ăn mặc theo thời trang. Ðã thế, lúc nào cũng nghe giảng thuyết phải ngoan ngoãn, phải lo học hành và nhiều cái phải khác làm em muốn nổi điên. Em mang mối hận trong lòng, nhất định khi xong trung học sẽ thoát ly để sống tự lập.

Thế là em quyết định cùng với bạn trai trốn khỏi nhà ngay sau lễ tốt nghiệp. Chúng em đến San Jose tìm việc làm và sống với nhau thật hạnh phúc, vui vẻ.  Hai năm sau, khi em sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc bạn trai em bắt đầu theo bạn bè chơi bời lêu lổng, chẳng ngó ngàng gì đến vợ con. Lúc con trai được một tuổi thì anh ấy bỏ rơi mẹ con em để sống với người phụ nữ khác. Cuộc đời em bắt đầu những chuỗi ngày đen tối, khổ sở. Quen được chìu chuộng, chu cấp phủ phê khi còn ở với ba mẹ, nên em không biết làm gì để sinh sống.Tiền trợ cấp xã hội eo hẹp không đủ, em phải xin làm thêm ở một tiệm phở để lãnh tiền mặt. Vừa vất vả, vừa buồn tủi vì bị đối xử tệ bạc, lúc đó, em mới nhận ra rằng, chỉ có ba mẹ mới thật lòng thương yêu mình. Em vô cùng hối hận khi nghĩ đến công lao nuôi dưỡng của ba mẹ, nhưng xấu hổ không dám trở về nhà. Sống một mình, một thân với bao khốn khổ đeo riết, đã có lúc em đã nghĩ đến cái chết, nhưng nhìn con lại không đành.

Hai năm sau, ba của đứa bé tìm về. Anh tỏ lòng ân hận và van xin em cho anh chuộc lỗi. Vì muốn con mình có cha, nên em chấp nhận trở lại. Cuộc sống vừa bắt đầu êm ả thì anh ấy bị tai nạn qua đời. Mang niềm đau quá lớn, em bỗng thèm một nơi nương tựa, một an ủi ân cần, nên thu hết can đảm gọi điện thoại cho ba mẹ để xin lỗi. Ðược tin em, ông bà mừng lắm, tức tốc đến San Jose và mang mẹ con em trở về. Mới sáu năm không gặp mà ba mẹ già thấy rõ. Sau đó, em được những người bạn của ba mẹ cho biết, suốt thời gian em bỏ nhà ra đi, ba mẹ không ngừng tìm kiếm em qua người thân, qua những dòng nhắn tin tha thiết trên báo. Em hối hận vô cùng, quyết chí làm lại cuộc đời để phụng dưỡng ba mẹ khi về già.  Nhưng một năm sau, ba em qua đời sau cơn bạo bệnh. Có lẽ, một phần cũng vì sự bất hiếu của em trước đây đã làm cho ba lo buồn khiến sức khỏe bị suy sụp. Niềm hối hận nầy lúc nào cũng đè nặng trong lòng em…

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bảo Huân

Bạn thân mến,

Con nuôi một vấn đề rất tế nhị và phức tạp, dễ tạo nên chấn động tâm trong lòng những đứa trẻ ở vào hoàn cảnh đó. Khi người ta chưa từng trải qua những khổ đau của cuộc đời, chưa biết giá trị của sự hy sinh, thì chỉ cần một tình huống không thuận lợi cũng có thể tạo thành cơn sốc và gây ra biết bao điều đáng tiếc.  

Thử nghĩ, nếu ở vào hoàn cảnh có con nuôi, chúng ta có nên nói cho đứa bé biết hay không? Nói vào lúc nào?  Hay không bao giờ nói? Câu hỏi nầy chắc chắn sẽ khó có một giải đáp hoàn toàn đúng cho mỗi gia đình, vì có nhiều tình lý khác nhau.

Nếu cho đứa bé biết từ nhỏ, thì mỗi khi nó phạm lỗi, cha mẹ rày la, sửa dạy, với mục đích uốn nắn nó trở thành người tốt, đôi khi gây tác dụng ngược như trường hợp của Phượng. Nếu đợi đến khi trưởng thành mới nói, có thể đứa bé sẽ hờn trách cha mẹ không thành thật, không tôn trọng nó vì đã che giấu sự thật trong một thời gian quá dài. Nếu quyết định chôn vùi tất cả, lỡ sau này người con biết được, sẽ oán giận cha mẹ nuôi ích kỷ, gian dối, vì bất cứ ai cũng đều muốn biết rõ thân thế của mình.

Xin kể chuyện một người bạn Mỹ của tôi. Ông có người con nuôi xin từ Ðại Hàn. Sau khi nghiên cứu các bài viết về tâm, ông bà biết chắc rằng đứa bé sẽ sớm thắc mắc về thân thế của mình, nên khi đứa bé bắt đầu biết nhận thức, ông bà thường cho nó xem những đoạn phim nói về cảnh nghèo khổ của những đứa bé mồ côi, nghèo đói, lang thang ở các nước Á Châu. Mục đích là muốn lòng thương người được nảy sinh trong tâm hồn đứa bé, và cũng là cách chuẩn bị tinh thần để đứa bé có thể chấp nhận một cách tự nhiên, thoải mái khi biết rằng nó chỉ là đứa con nuôi và nhờ ông bà đem về nuôi dưỡng mà nó thoát khỏi đời sống đen tối, bất hạnh. Khi đứa bé được mười hai tuổi, ông bà đã kể rõ về thân thế của nó. Ðứa bé có ngỡ ngàng, có buồn bã, nhưng trong chỉ một thời gian ngắn. Sau đó, nó tiếp tục sống bình thường, vì hiểu rằng, nhờ tình yêu thương và sự che chở của cha mẹ nuôi, nó mới có được một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Bây giờ, dù đã tốt nghiệp kỹ sư,người con nuôi vẫn còn ở chung với ông bà và là một đứa con hiếu thảo, ngoan ngoãn.

Nhìn quanh, có lẽ chúng ta cũng thấy, không phải tất cả những người có cha mẹ ruột đều được hạnh phúc, và không phải đứa con ruột nào cũng thảo hiếu. Tôi nghĩ rằng, con nuôi hay con ruột không phải là vấn đề, mà chính tình yêu bao la của cha mẹ mới là môi trường nuôi dưỡng, vun trồng cho hạnh phúc được nẩy mầm và phát triển trong mái ấm gia đình.