Nhân mùa Vu Lan, nhiều người đến chùa để cầu siêu cho cha mẹ và người thân, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu sơ lược về Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy là hai bộ phái của Phật giáo.

Khoảng 100 hay 200 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, giáo đoàn Phật giáo tranh cãi nhau về một số điều trong giáo lý, và chia rẽ thành hai bộ phái: Phái bảo thủ được gọi là Thượng tọa bộ (Theravada) và phái cách tân được gọi là Đại chúng bộ (Mahasanghika).

Đại chúng bộ về sau phát triển rộng rãi, tư tưởng Đại thừa dần được hình thành, có ưu thế và Phật giáo mang một sắc thái mới; khởi xuất từ 100 năm trước hoặc là sau Tây lịch được gọi là Phật giáo Đại thừa (Mahayana); còn Thượng tọa bộ phát triển thành Phật giáo Nguyên Thủy.

Một so sánh ngắn gọn giúp ta phân biệt Phật giáo Đại thừa với Phật giáo Nguyên thủy:

– Phật giáo Nguyên thủy: Là một hệ thống giáo dục, triết học, ít mang tính tôn giáo; Phát triển chủ yếu về phía Nam và phía Tây (Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia…); Nguyên bản kinh điển được viết bằng Pali ngữ; Nhấn mạnh vào các luật tắc, mang tính bảo thủ; Đòi hỏi sự tu tập tập trung, chuyên môn và sâu; Niết-bàn là mục tiêu tối hậu; A-la-hán là Thánh quả cao nhất; Tập trung vào Thiền định; Trí tuệ là đệ nhất.

– Phật giáo Đại thừa: Vừa là một hệ thống triết học cao vời vừa mang tính tôn giáo; Phát triển chủ yếu về phía Bắc và phía Tây; Kinh điển có nguyên bản được viết bằng tiếng Sanskrit; Nhấn mạnh đến trực giác và thực hành; Mang tính tự do; Quan niệm người cư sĩ trong đời sống thường nhật vẫn đạt được sự chứng đắc cao vời; Mục đích tối hậu không phải là Niết-bàn mà là tự nguyện đưa hết thảy chúng sinh đạt Niết bàn; Từ bi là đức hạnh cao vời nhất; Khuyến khích sự tu tập giữa đời thường, trong cộng đồng.

Sau cùng sự phân biệt Đại thừa (cỗ xe lớn) có thể chở hết thảy chúng sinh đến giải thoát và Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ, Hinayana) chỉ chở số ít người, hiển nhiên là do các nhà Đại thừa tạo nên. Sự đề cao Bồ-tát và đánh giá thấp A-la-hán có lẽ chỉ là một biện pháp nhằm khích lệ việc tu tập từ bi và trí tuệ.