Mấy tuần qua, cả thế giới xôn xao vì trận hỏa hoạn đã tàn phá một phần nhà thờ Notre Dame de Paris. Đây là một Vương cung thánh đường, đồng thời cũng là nhà thờ chính tòa của giáo phận Paris. Hai danh hiệu này có những gì khác biệt?

Nhà thờ chính tòa (tiếng Anh: cathedral; tiếng Pháp: cathédrale, xuất xứ từ tiếng Hy Lạp cathedra, có nghĩa là ngai, tòa. “Tòa” là biến thể của “tọa” = ngồi) là nhà thờ có ngai hoặc tòa của Giám mục giáo phận. Ngai hay tòa là một trong những biểu tượng quan trọng của Giám mục, nên nhà thờ có đặt ngai tòa được gọi là nhà thờ chính tòa, nhà thờ “mẹ”, nhà thờ số một trong giáo phận. Tuy quan trọng, nhưng nhà thờ chính tòa chưa hẳn là nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất. Chẳng hạn, giáo đường Gioan Latêranô là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, nhưng không nguy nga hùng vĩ bằng Đền thờ Thánh Phêrô, tuy cả hai đều toạ lạc tại Roma.

nha-tho-chinh-toa-va-vuong-cung-thanh-duong

Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn

Vương cung thánh đường (basilica, do tiếng Hy Lạp basilikè có nghĩa cổng vương cung, nơi người xưa gặp nhau bàn bạc công việc) là một danh hiệu mà Giáo hoàng ban cho một số nhà thờ đặc biệt. Có 2 loại vương cung thánh đường:

Đại vương cung thánh đường (major basilica): chỉ có 4 và đều tọa lạc tại Roma. Đó là nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, nhà thờ Thánh Phêrô ở Vatican, nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành và nhà thờ Đức Bà Cả.

Tiểu vương cung thánh đường (minor basilica) thì nhiều (khoảng 1,575 ngôi) và có ở nhiều nơi. Riêng ở Việt Nam, có 4 tiểu vương cung thánh đường (số để trong ngoặc là năm được sắc phong):

  1. Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn (1960)
  2. Vương cung thánh đường La Vang (Quảng Trị – 1961)
  3. Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Phú Nhai (Nam Định – 2008)
  4. Vương cung thánh đường Sở Kiện (Hà Nam – 2010)
nha-tho-chinh-toa-va-vuong-cung-thanh-duong1

Nhà thờ chính tòa Phát Diệm