Trung bình, một người Mỹ, từ lúc biết ăn cho đến năm 18 tuổi, đã ăn chừng 1,500 cái bánh sandwich có phết bơ đậu phộng (peanut butter) và jelly. Jelly, jam và preserves, có thể tạm dịch là “mứt lỏng”, đều làm từ trái cây hòa trộn với đường và pectin..

Pectin là chất xơ tiêu hóa được, có trong các thành tế bào của trái cây. Jelly, jam, preserves dùng để quết lên đồ ăn (như bánh mì sandwich, bánh quy…) hoặc để làm bánh.

Khác biệt ở ba loại mứt này là do cách thức chế biến trái cây:

Jelly – được làm bằng cách nghiền nát trái cây rồi lọc ra chỉ lấy nước juice thôi. Nước đó được đun sôi, thêm đường và pectin vào. Pectin phản ứng với đường và nhiệt tạo thành một khối đồng nhất và đậm đặc, màu trong và mịn màng.

Jam – Bước đầu để làm jam y hệt như làm jelly, nhưng thay vì lọc để lấy riêng nước trái cây ra, người ta giữ nguyên cả nước và cái (thịt trái cây) thường có khi còn cả hột (nếu nhỏ, như một vài thứ berries). Jam màu thường đậm, không trong.

Preserves – làm từ trái cây cắt thành miếng, ngâm trong một thứ keo (gel) hoặc si-rô. Loại này trong đó có nhiều trái cây hơn jam.

– Một thứ mứt cũng thường gặp là marmalade: đó là loại preserves có chanh hoặc cam.

– Đừng lẫn lộn với Jell-O, vì thứ này hoàn toàn khác biệt. Jell-O làm bằng gelatin tức là một thứ protein lấy từ da và xương thú vật. Jell-O thường có màu và mùi vị nhân tạo, không có trái cây (trừ khi bạn thêm vào lúc chế biến).

Jelly dễ phết đều trên bánh sandwich, trong khi phết jam lên thì có lúc không đều mà lổn nhổn, còn preserves thường để dùng làm bánh vì có mùi vị hơn.