Ngày lễ quốc khánh của một nước thường có lễ duyệt binh và diễn hành. Hiện nay, ở trong nước, người ta sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ các hoạt động đó, như: duyệt binh và diễu binh, diễn hành và diễu hành… Xin tra tự điển xem sao
Một số từ điển xuất bản trước 1975: HVTĐ – Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh, 1932); HVTTĐ – Hán Việt tân từ điển (Hoàng Thúc Trâm, 1950); TĐVN – Tự điển Việt Nam (Thanh Nghị, 1952); VNTĐ – Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, 1970) đã định nghĩa như sau:
Duyệt binh: kiểm điểm quân lính (revue des troupes – ĐDA) – điểm duyệt binh lính, chiến cụ (HTT) – điểm binh, xem xét binh lính (LVĐ) – kiểm điểm binh đội (revue des troupes- TN)
Diễn binh: phô bày lực lượng, binh đội và vũ khí trong một cuộc lễ (LVĐ) – sự dàn bày binh đội trong một cuộc lễ (Prise d’armes; revue militaire- TN).
Không có các từ “diễu binh” trong các từ điển nói trên, chỉ có từ “diệu” trong “diệu võ dương oai”, nhưng được Đại từ điển Tiếng Việt (1996) cho là đồng nghĩa với “diễu võ dương oai” = phô trương thanh thế, uy lực để khoe khoang, đe dọa kẻ khác.
Định nghĩa của Đại từ điển Tiếng Việt (1996) trong nước:
Duyệt binh: Nghi lễ được tổ chức để người chỉ huy cao cấp xem xét tượng trưng các lực lượng vũ trang trong các dịp lễ long trọng của nhà nước.
Diễu hành: (đoàn người) đi qua lễ đài, đường phố với khí thế hào hùng để tỏ rõ sức mạnh.
Diễu binh: (lực lượng vũ trang) tuần tự diễu qua lễ đài hoặc đường phố để biểu dương sức mạnh.
Có thể “diễu binh” đồng nghĩa với các chữ này trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895 chăng? Diễu binh = Trần binh cho thiên hạ coi, cũng là cuộc tập binh.