Người Việt trong nước chưa được phép tổ chức những cuộc biểu tình vì Luật biểu tình chưa được ban hành sau bao nhiêu ngày hoãn tới hoãn lui. Nhưng những cuộc mít- tinh thì vẫn được tổ chức rầm rộ khắp nơi vào những dịp lễ lớn. Vậy mít-tinh và biểu tình khác nhau ra sao?

Theo Đại từ điển tiếng Việt (1998) thì biểu tình là tụ họp với nhau lại hoặc diễn hành trên đường phố để biểu thị ý chí nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng, thường nhằm mục đích gây sức ép gì đó (như biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, biểu tình chống khủng bố). Còn mít-tinh là cuộc tụ họp quần chúng đông đảo biểu thị thái độ chính trị đối với những vấn đề quan trọng.

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932) định nghĩa biểu tình là dân chúng tụ họp nhau để biểu thị ẩn tình và ý nguyện (meeting). Wikipedia (phần Hán văn) không có các chữ biểu tình, mà có   (thị uy).

Tự điển Việt Nam của Thanh Nghị (1952) nói biểu tình là cuộc hội họp để biểu lộ và biểu quyết những ý muốn có tính cách chính trị, xã hội (manifestation, meeting).

Theo những định nghĩa nói trên thì biểu tình và mít-tinh gần như đồng nghĩa với nhau, có tác giả còn ghi rõ cả chữ meeting trong định nghĩa biểu tình.

Theo Wikipedia, biểu tình có thể dưới nhiều hình thức:

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Tuần hành (March): một đoàn người đi từ địa điểm này sang địa điểm khác.

Tụ tập (Rally): một số người tụ lại để lắng nghe diễn giả hoặc nghe nhạc.

Biểu tình đứng (Picketing): một số người tụ tập bên ngoài nơi làm việc, hoặc một địa điểm, nơi một sự kiện diễn ra, để ngăn sự kiện này, hoặc gây chú ý.

Biểu tình ngồi (Sit-ins): người biểu tình chiếm cứ một khu đất, chỉ rời đi khi cảm thấy vấn đề được giải quyết.

Biểu tình khỏa thân (Nudity): người biểu tình cởi bỏ quần áo để gây sự chú ý.

Theo cung cách biểu lộ, thì các cuộc mít-tinh ở Việt Nam gần nghĩa với “Rally” (tụ tập)” nói trên: đông đảo người được điều động tới một địa điểm để nghe đọc diễn văn, để hoan hô và vỗ tay… chứ không phải để biểu thị thái độ chính trị, bày tỏ nguyện vọng, đòi hỏi cải cách, nói lên quan điểm hoặc ủng hộ hoặc phản đối một vấn đề công cộng, nhất là về một vụ bất công xã hội; tất cả những biểu thị đó mới là mục đích của các cuộc biểu tình.