Hỏi

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ nói về xơ vữa động mạch, cơn đau thắt ngực và dấu hiệu của đau tim. Cảm ơn bác sĩ. Vũ Minh S.

Đáp

Thưa ông S,

Vữa xơ động mạch được xác định bằng kỹ thuật chụp tim thông X-Quang (cardiac catheterization). Ðây là một kỹ thuật rất hữu ích và khá chính xác để biết tình trạng tốt xấu của hệ thống tuần hoàn.

Chụp X-Quang mạch máu được áp dụng trong các trường hợp sau:

– Khi có dấu hiệu đau động mạch tim như là cơn đau trước ngực;

– Ðau không biết nguyên nhân ở ngực, cằm, cổ, cánh tay mà các thử nghiệm khác đều không xác định được tại sao;

– Khi có cơn đau mới xảy ra ở ngực;

– Không có triệu chứng gì nhưng qua vài thử nghiệm khác cho thấy có thể bị bệnh tim mạch;

-Khi sẽ có phẫu thuật không liên hệ tới tim mạch nhưng có thể gây bệnh tim trong khi giải phẫu;

– Khi sẽ có giải phẫu về van tim;

– Khi đã có bệnh tim bẩm sinh;

– Khi đang bị suy tim;

– Khi có chấn thương ngực hoặc một bệnh tim nào đó.

Cơn đau thắt ngực (Angina Pectoris)

Cơn đau thắt ngực xảy ra khi tim không được cung cấp đầy đủ dưỡng khí.

Ðau co thắt phần ngực sau xương ức, lan lên cổ, hàm, má, bả vai, cánh tay. Bệnh nhân cũng bị buồn nôn, ói, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, da nhợt nhạt.

Ðau thắt ngực thường xảy ra khi ta leo lên một ngọn đồi hoặc đi cầu thang lên lầu, khi đi trong gió lạnh, mang vật nặng, cào lá, làm vườn… Ðôi khi xảy ra trong lúc giao hợp hoặc khi thịnh nộ, lo âu. Cũng có trường hợp đang ngủ, cơn đau xuất hiện đánh thức nạn nhân dậy ôm ngực, nhăn nhó.

Cơn đau kéo dài không quá 10 phút và hầu như chấm dứt khi ta ngưng hoạt động gây ra đau hoặc đặt dưới lưỡi một viên nitroglycerin.

Nếu cơn đau xảy ra lần đầu, nên cho bác sĩ hay ngay để được hướng dẫn theo dõi, điều trị. Nếu cơn đau liên tiếp xảy ra thì phải kêu xe cấp cứu.

Dấu hiệu báo trước cơn đau tim (Heart attack)

– Cảm giác đau rất khó chịu như có vật nặng đè ép trên ngực, kéo dài mấy phút rồi hết, nhưng có thể đau lại.

– Ðau từ ngực chạy lên vai, cổ hoặc lan ra cánh tay; đầu ngón tay cảm thấy tê tê.

– Choáng váng, muốn xỉu, đổ mồ hôi, buồn nôn, khó thở.

– Lo sợ, nóng nảy, bồn chồn.

– Da xanh nhợt.

– Nhịp tim nhanh, không đều.

Nếu cảm thấy một trong những dấu hiệu trên thì phải cho bác sĩ hay hoặc tới bệnh viện để được khám  bệnh hoặc cấp cứu ngay. Nhiều người trì hoãn vì cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của ăn khó tiêu, ợ chua, nên khi tới bệnh viện thì đôi khi đã quá trễ.

Bảo Huân

Nữ hộ sinh

Hỏi

Xin bác sĩ cho biết công việc của nữ hộ sinh. Cám ơn bác sĩ. Lê thị P,

Đáp

Thưa bà,

Theo chúng tôi biết thì hơn ba phần tư cháu bé sinh mỗi năm ở trên thế giới đều do nữ hộ sinh thực hiện. Ở Bắc Mỹ, nhiều y tá có học vị cử nhân về nữ hộ sinh.

Vì nữ hộ sinh không phải bác sĩ, nên họ không thể mổ cesareans hoặc dùng kẹp forceps. Nhưng họ được hướng dẫn đầy đủ để thực hiện việc sinh đẻ bình thường và đỡ đẻ cũng như rạch cửa âm hộ. Họ được huấn luyện để biết khi nào gặp khó khăn và khi nào bệnh nhân cần được gởi tới bệnh viện.