Hỏi

Thưa bác sĩ, tôi nghe nói cho trẻ em chơi games thì không tốt. Vậy, sao chính phủ không cấm và các nhà sản xuất vẫn cho ra các games đều đều, Tôi nghĩ, chơi games cũng có phần ích lợi nào đó. Xin bác sĩ nói rõ thêm về điều này. Cám ơn bác sĩ. (T.H)

Trả lời

Ðúng như ông nghĩ, chơi games vẫn có những ích lợi cho trẻ như:

– Games tạo ra không khí lôi cuốn, thú vị, sôi nổi có tác dụng kích thích các hoạt động tinh thần và thể chất của trẻ.

– Khi chơi, trẻ phải có phản ứng, xét đoán nhanh nhẹn nhờ đó tạo được thói quen nhanh chóng đối phó với tình thế ngoài đời.

– Chơi games, ai cũng muốn thắng. Vì thế, trẻ phải tập trung ý chí, nghĩ ra phương thức tốt, bám sát trò chơi. Lâu ngày thành quen, sẽ tăng lòng tự tin, cố gắng.

– Ðối với trẻ khả năng phát triển trí tuệ kém, không phản ứng được với sự việc xảy ra xung quanh, thì chơi games có thể giúp giác quan của trẻ mở rộng và trở nên nhanh nhẹn khôn ngoan hơn, sau một thời gian chơi những game có nội dung giáo dục, khoa học.

– Chơi games chung với bạn bè, hòa nhập với nhau, tạo cho trẻ tinh thần thi đua đồng đội, công bằng, hợp tác.

– Với các games kích thích óc tò mò về các sinh hoạt thể chất và tinh thần, tạo cho trẻ có thói quen học hỏi.

Trẻ thường bốc đồng, hấp tấp và muốn được mọi người chú ý. Nhưng chơi games với người khác, trẻ phải chờ đợi tới lượt, dần dần tạo được tính kiên nhẫn, tôn trọng quy luật, đợi tới kết thúc để biết kết quả cuộc chơi.

– Trong khi chơi với bạn, trẻ phải đối thoại, hành động qua lại thương lượng với nhau, phải suy nghĩ tìm giải đáp. Nhờ đó luyện được khả năng nghe và nói tốt hơn đồng thời cũng tăng sự gần gũi, thân mật.

– Chơi games phải nhanh mắt nhanh tay đối phó kịp thời, tạo cho trẻ thói quen phối hợp các động tác này.

Ngoài ra, games cũng được áp dụng trong y học, như:

-Cho bệnh nhân tập trung vào games để làm giảm sự chú ý của bệnh nhân vào một rối loạn nào đó như cơn đau, nôn ói khi đang hóa trị ung thư…

– Bệnh nhân tai biến, giảm khả năng cử động, nói năng khó khăn thì chơi games sẽ tập phục hồi phần nào các chức năng này.

Trong tạp chí y khoa British Medical Journal tháng 6 năm 2005, Giáo sư Mark Griffiths nêu ra kết quả nghiên cứu của nhiều khoa học gia áp dụng video games như một vật lý trị liệu (physiotherapy) hoặc lao động trị liệu để phục hồi chức năng, trị nhiều bệnh trẻ em như học hỏi kém, phát ngôn khó khăn, tự kỷ ám thị, quá năng động, liệt hạ chi vì tổn thương cột sống.

Khi chơi games, các bệnh nhân này có thể tập để lấy lại chức năng co duỗi cơ bắp, xương khớp. Ông cũng nêu ra trường hợp em bé bị bệnh thiếu máu sickle cell đang nhận hóa trị nhờ chơi games mà bớt cảm giác đau đớn, nôn ói; một bé khác bị bệnh ngoài da, luôn tay cấu vào môi, bác sĩ cho cháu chơi games và cháu bỏ được thói quen làm tổn thương da.

Giáo sư tâm lý Douglas Gentile, Ðại học Iowa, nêu ra trường hợp các bác sĩ phẫu thuật laparoscopy mổ nhanh hơn tới 27% và ít phạm lỗi tới 37% so với bác sĩ không chơi games. Nhờ chơi games, đôi bàn tay họ trở nên nhanh nhẹn và trí óc sáng suốt.

Tuy nhiên, việc cho trẻ chơi games cần chú ý đến thời lượng, nội dung games phù hợp với sinh tâm lý, độ tuổi của trẻ mới đạt được những ích lợi. Nếu không, sẽ dẫn đến những tác hại cho trẻ.

Bảo Huân

NYD