Trên bản đồ châu Mỹ, Venezuela và Huê Kỳ xem ra đôi nơi xa xôi cách trở, Huê Kỳ ở phía bắc và Venezuela ở phía nam. Xen giữa hai quốc gia này là một đại dương mênh mông chưa kể lãnh thổ của những quốc gia khác. Xa xôi như thế nhưng dường như chẳng có gì cản trở việc Huê Kỳ gí mũi vào nội bộ Venezuela? 

venezuela1

CIA Political map of North & South Americas

Báo chí (tin giả/ tin thật?) loan báo rằng viên chức Huê Kỳ đã gặp gỡ, bàn thảo với các lãnh tụ phiến quân, những người muốn nổi dậy lật đổ ông Tổng thống Venezuela đương thời, Nicolás Maduro, tới ba lần. Tìm hiểu tình trạng rối loạn của Venezuela là điều thường thấy của các viên chức ngoại giao, tìm hiểu hầu tiên liệu cách xử sự hợp thời, hợp lúc với các câu hỏi như chính quyền đương nhiệm đứng vững được bao lâu? Nếu sụp đổ thì chính quyền mới sẽ như thế nào? Các chính khách “mới” có tử tế, hiểu biết không? Ta sẽ giữ mối bang giao hay cuốn cờ về nước?… Nhưng câu chuyện xem ra rối rắm hơn nhiều. Các viên chức Huê Kỳ gặp gỡ bàn thảo với những người bàn bạc chuyện đảo chánh tại Venezuela đến ba lần và câu chuyện không còn âm thầm nữa. Gặp gỡ rồi bàn luận những gì thì chưa mấy ai biết rõ nhưng kết quả là chính phủ Huê Kỳ quyết định không “chống lưng”, không giúp đỡ những người muốn đảo chánh dù Venezuela đang ve vãn Nga Sô để vay tiền. Ðọc bản tin ngắn mà Dế Mèn thở ra nhẹ nhõm. Ôi chao là mừng, quyết định sáng suốt! Nhưng đọc thêm các chi tiết của bản tin về Venezuela, phe ta lại… băn khoăn. Người Huê Kỳ không ủng hộ quân đảo chánh chẳng phải vì chính sách ngoại giao “đứng ngoài” cần thiết mà do một nguyên nhân khác. Vì không tin tưởng vào khả năng của nhóm phiến quân nghĩa là cuộc đảo chánh không mấy chắc ăn, ăn chắc là thành công nên Huê Kỳ lắc đầu, chỉ đứng ngoài nhìn ngó!

Ông Maduro là một nhà lãnh đạo tệ hại, đã đưa đất nước ấy từ nghèo khó đến… khốn quẫn, kiệt quệ về kinh tế, tài chánh.  Ðói kém nên loạn lạc, và bá tánh kéo nhau di tản, đi tìm đất lành để sinh sống. Tất nhiên, một vị tổng thống kém cỏi, thiếu tài đức như thế cần chấm dứt việc cầm quyền, nên thoái vị. Nhưng làm thế nào để hạ bệ ông tổng thống kia không phải là việc của người Huê Kỳ, và gí mũi vào nội bộ của quốc gia láng giềng không nên nằm trong chính sách ngoại giao của một quốc gia pháp trị.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Không dính dáng đến nội bộ của quốc gia khác là điều cần thiết và nên làm vì nhiều lý do: Lấy danh nghĩa gì để can thiệp vào nội bộ của quốc gia khác? Vì quyền lợi riêng của đất nước? Vì ‘hòa bình’ thế giới? Vì thế đứng chính trị? Vì…?

venezuela

Tác giả (phải) tại Museo de la Palabra y la Imagen

Chẳng lẽ Huê Kỳ đã quên khuấy hậu quả của việc dấn thân vào A Phú Hãn và rút chân không ra từ vũng lầy Iraq? Phí phạm biết bao nhiêu nhân mạng và tiền của mà cuộc chiến vẫn cù cưa, chưa giải quyết xong. Huê Kỳ chẳng ghi một điểm son nào cho hòa bình thế giới, hai đất nước kể trên tan nát và tiếp tục khói lửa, mất mát trong khi cả ngàn binh sĩ Huê Kỳ kẻ chết, người tàn phế suốt đời!?

Ngày xa xưa, thế kỷ XIX, tài phiệt Huê Kỳ “mua” chính khách tại Trung Mỹ và Nam Mỹ, để làm ăn buôn bán, tài trợ các nhà cầm quyền địa phương bất kể tốt xấu để bảo vệ tài sản đầu tư. Gần đây, bài báo “Trái Chuối Mỹ” trên báo Trẻ (https://baotreonline.com/trai-chuoi-my/) tác giả Sean Bảo đã đề cập đến cách làm ăn của United Fruits, dùng tiền bạc để thao túng thị trường trái cây rộng lớn; vừa nuôi tham nhũng địa phương vừa khuynh đảo chính phủ Huê Kỳ để sử dụng các cơ quan công quyền như CIA vào việc kiếm bạc. Nhiều cuộc đảo chánh được tổ chức tại Nam Mỹ qua các việc làm âm thầm của CIA: đưa những chính khách dễ bảo lên cầm quyền, viện trợ vũ khí tiền bạc cho nhà cầm quyền hầu tiêu diệt các nhóm dân quân [nổi dậy] chống đối. Mấy thập niên sau, khi tài liệu mật được giải mã và bạch hóa, những việc làm khuất tất xưa cũ ấy bị phanh phui trên sách vở báo chí… Người thế giới khó chịu, chán ghét đất nước Hiệp Chủng Quốc và cư dân Huê Kỳ xấu hổ, đau lòng.

Bài báo “Trái Chuối Mỹ” kể trên cũng nhắc cho Dế Mèn nhớ chuyến du khảo năm 2016, tìm hiểu di tích và văn hóa Maya. Năm ấy khi đến thăm di tích Joya de Céren tại El Salvador, phe ta ghé Museo de la Palabra y la Imagen, một phòng triển lãm nhỏ nhỏ trưng bày hình ảnh vật dụng từ những cuộc nổi dậy của người địa phương. Từ cuộc cách mạng trong thế kỷ XIX khi nông dân đồn điền cà phê tranh đấu đòi lương bổng và thực phẩm đến cuộc chiến đấu dai dẳng của dân quân nổi dậy chống nhà cầm quyền tàn bạo, độc tài trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Cuộc nội chiến 20 năm đã thấm đẫm máu của cư dân El Salvador, 75 ngàn thường dân và quân đội chính phủ chưa kể 350 ngàn người khác chịu thương tật, tàn phế.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Chio, một người đàn ông nhỏ thó, kể lại cuộc đời ông ấy khiến những người trong phòng nín thở lắng nghe mà rớt nước mắt. Theo phiến quân năm 12 tuổi vì đứa trẻ chứng kiến cảnh bắn giết của quân đội chính phủ; người cha và người anh bị bằm nát bằng lưỡi lê sau khi người mẹ và người chị bị hãm hiếp rồi bắn chết. Ông ta nói rằng cả thôn làng đều bị tàn sát thảm thiết như thế. Ðứa trẻ núp trên cây nhìn rõ cảnh tang thương ấy rồi trốn theo phiến quân hầu tự vệ. Khi Dế Mèn hỏi về chủ thuyết cộng sản, người đàn ông lắc đầu quầy quậy… Tôi không biết cộng sản là gì, tôi chỉ biết rằng phải tự vệ kẻo bị tàn sát như mọi người trong gia đình. Khi cuộc chiến chấm dứt qua một hòa ước buông súng năm 1992, tôi trốn qua Mexico đánh giày, lái taxi… sinh sống vì không muốn nhìn mặt những kẻ đã giết thân nhân. Tôi không thù hận hay oán ghét ai cả, chỉ muốn quên chuyện cũ riêng mình và kể lại chuyện tương tàn năm xưa hầu các đứa trẻ hôm nay tránh được vết xe đổ của phụ huynh… Dù khác biệt thế nào đi nữa, người Salvador không thể cầm súng bắn giết nhau…

venezuela2

Bất ổn, bạo lực và khủng hoảng đã khiến 1.5 triệu người dân Venezuela rời khỏi nước từ năm 2014. Nguồn ảnh: Al Jazeera

Sách vở đặc biệt là cuốn sách “La Terquedad del Izote” kể lại câu chuyện nổi dậy phản kháng của dân xứ  El Salvador trong khung cảnh chính trị thế giới. Thủa ấy khi cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Xô Viết đang hồi nóng bỏng, và người Hoa Kỳ dưới thời Reagan cứ gí mũi vào chính trường của các quốc gia lân cận. Có lẽ vì sợ Nga phát triển mạnh mẽ [ảnh hưởng cộng sản] đến châu Mỹ chăng? Nga cung cấp vũ khí cho phiến quân, Hoa Kỳ giúp đỡ quân đội chính phủ tàn bạo, và ở giữa, dân El Salvador chết như rạ.

Trong cuộc nội chiến, quân đội chính phủ El Salvador và lính viễn chinh Mỹ mặc quân phục màu xanh ô liu, từ đó danh xưng “greengo” xuất hiện (đúng ra là “green go!”) dùng để xua đuổi những người mặc quần áo xanh ô liu và về sau biến thành “Gringo” để chỉ người Huê Kỳ! “Gringo” thường đi kèm với tiếng la hét, chửi rủa, nắm đấm và những cái xua tay.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Không chỉ El Salvador, Huê Kỳ còn khuynh đảo chính trường nhiều quốc gia láng giềng khác trong vùng châu Mỹ La Tinh cũng qua phương cách đặt ra những chính quyền quân đội, ủng hộ các chính khách con rối chuyên dùng súng đạn và tiền viện trợ để đàn áp, bắt ép dân chúng phải tuân phục. Một chính sách ngoại giao được mô tả trên sách vở ngày nay là “Gunboat diplomacy”.

Tiêu xài bao nhiêu tiền bạc xương máu mà sao đi đến đâu cũng bị xua đuổi, chửi bới thì chính sách đối ngoại của Huê Kỳ đáng được phân tích và bàn luận? Ðây là điều Dế Mèn tò mò vô cùng!

Lịch sử rõ ràng, hiển hiện trước mắt như thế mà bá tánh ngày nay dường như đã quên?! Venezuela đang rối loạn vì nhà cầm quyền tham nhũng dốt nát, dân tình đói kém nên rủ nhau bỏ xứ ra đi. Bá tánh bỏ phiếu bằng chân. Làn sóng di dân tạo ra những vấn nạn xã hội cho các vùng đất lân cận. Di dân nhập cảnh “lậu” dễ dàng trở thành nạn nhân của các tay buôn người. An ninh biên giới trở nên mối bận tâm hàng đầu của các quốc gia láng giềng. Làm thế nào để trợ giúp cấp kỳ mấy chục ngàn người lang thang đói khát? Làm thế nào để nhanh chóng thanh lọc các di dân? Họ là những dân lành đi tìm đất sống hay tội phạm trốn chạy pháp luật, sẵn sàng cướp của giết người, buôn bán ma túy trên đất tạm dung? Ðiều dễ hiểu là chính phủ nào cũng muốn kiểm soát biên giới, muốn biết rõ về những người nhập cư…

Tổ Chức OAS/OEA, một liên minh các quốc gia châu Mỹ, đã bắt đầu trợ giúp các quốc gia láng giềng, tài trợ các chương trình tái định cư của di dân Venezuela. Theo tổ chức này, trên một triệu người Venezuela đã đến Colombia, và khoảng 820 ngàn di dân này đã được hợp thức hóa. Liên Hiệp Quốc cũng công bố rằng từ năm 2015, đã có trên 2.3 triệu người Venezuela bỏ nước ra đi lánh nạn.

Thay vì xía vào nội bộ Venezuela, thay vì tặng [bán rẻ] súng đạn vũ khí, chính phủ Huê Kỳ có thể dùng tiền bạc vào các chương trình nhân đạo, có tính cách xã hội như cứu giúp các trại tạm cư trong vùng?  Có phải là điều nên làm?

TLL

Orlando, FL