Tuần gồm 7 ngày là sự sắp đặt thời gian theo dương lịch, được đặt tên theo các thiên thể hoặc sự tích thần thoại (như trong tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha…). Trước kia, khi người Việt chưa biết đến dương lịch mà chỉ dùng âm lịch thì “tuần” – có nghĩa là 10 ngày – trong một tháng 30 ngày chia ra “thượng tuần”, “trung tuần”, “hạ tuần”.

Vào đầu thế kỷ 17, khi các tu sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong để truyền đạo Công giáo, thì người Việt mới biết đến dương lịch của phương Tây. Suốt thời kỳ đầu truyền giáo, đa số các tu sĩ là người Bồ Đào Nha, một số ít là người Ý đều thuộc Dòng Tên. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến tu sĩ Francisco de Pina, người khởi tạo nên hệ thống ký âm tiếng Việt dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha. Vì chữ Bồ có gốc từ hệ thống văn tự biểu âm Latinh, nên chúng ta quen nói chữ Việt dựa trên bộ chữ cái Latinh.

Sau đây là tên gọi các ngày của tuần lễ trong tiếng Bồ: domigo (Chủ Nhật, được coi là ngày đầu tuần), segunda feira (phiên chợ thứ hai), terca feira (phiên chợ thứ ba), quarta feira (phiên chợ thứ tư), quinta feira (phiên chợ thứ năm), sexta feira (phiên chợ thứ sáu), và sabado (thứ bảy – đúng nghĩa gốc là ngày sabbath).

Những tên gọi đó của tiếng Bồ bắt nguồn từ những tên gọi sau đây trong tiếng Latinh: dies dominica (ngày của Chúa), secunda feria, tertia feria, quarta feria, quinta feria, sexta feria và sabbatum. Trong tiếng Latinh feria nghĩa là lễ, tiếng Bồ tương ứng lẽ ra phải là féria, có nghĩa là ngày. Nhưng dân gian đã biến féria thành feira, có nghĩa là chợ phiên, phiên chợ.

Xem thêm:   Đau nhức - Đau đầu gối (kỳ 3)

Một giả thuyết khác là các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu có tên này vì chúng được gọi theo phiên chợ (feira) đã từng diễn ra trong ngày đó từ xa xưa. “Feira” là một dãy lều dựng trên đường phố, nơi có thể mua rau, trái cây và các loại thực phẩm khác.

Tiếng Bồ Đào Nha có lẽ là ngôn ngữ duy nhứt ở phương Tây gọi tên ngày trong tuần theo số thứ tự, không đặt tên theo các thiên thể hoặc thần thoại.

Các giáo sĩ Dòng Tên, với sự cộng tác của những tín hữu Công giáo người Việt, vào thế kỷ 17, đã dịch nghĩa từ tiếng Bồ sang tiếng Việt mà gọi các ngày trong tuần cũng theo số thứ tự: thứ Hai (segunda), thứ Ba (terca), thứ Tư (quarta), thứ Năm (quinta), thứ Sáu (sexta), thứ Bảy (septima).

Riêng thứ Bảy, ngoài chữ “septima” thì người Bồ còn dùng chữ “sábado” nghĩa là ngày sabbath, ngày thứ bảy theo lối nói của người Do Thái.

Ghi chú

Người Tàu cũng dùng số thứ tự để đặt tên ngày trong tuần, nhưng khác về cách thức đếm số: đầu tuần làm việc được gọi là “tinh kỳ nhứt” (ngày thứ nhứt), trong khi tiếng Việt và tiếng Bồ là “thứ Hai” (segunda); ngày cuối tuần gọi là “tinh kỳ lục” (ngày thứ sáu) trong khi tiếng Việt là “thứ Bảy”.