Từ OK xuất hiện lần đầu cách đây 175 năm, trên một tờ báo ở Boston. Từ đó phổ biến khắp thế giới, với những cách viết như okay, O.K., ok và Ok. Tại Việt Nam, OK theo bước chân người Mỹ đi khắp hang cùng ngõ hẹp, len cả vào chữ nghĩa (bạn còn nhớ tác phẩm “Giặc OK” của nhà văn Duyên Anh không?

Tùy theo loại từ mà OK biểu thị những ý nghĩa khác nhau:

Tính từ (adjective): có nghĩa “thích hợp”, chấp nhận được, phản nghĩa của “bad”:  The boss approved this, so it is OK to send out (Sếp đã chấp thuận cái này, vậy gởi đi được). Hoặc có nghĩa “tầm thường” phản nghĩa của “good”: The french fries were great, but the burger was just OK (French fries ngon, còn burger chỉ tàm tạm).

Trạng từ (adverb): cũng có nghĩa như tính từ: Wow, you did OK for your first time skiing!  (Chà, mới trượt tuyết lần đầu mà bạn làm được đấy).

Thán từ (interjection): chỉ bằng lòng, ưng thuận, làm đúng theo, phục tùng: OK, I will do that (Vâng, tôi sẽ làm việc đó) hoặc: OK, that is fine (Được, khá đấy).

Động từ (verb) hoặc danh từ (noun): chỉ sự đồng ý, tán thành, phê chuẩn:  The boss gave her the OK to the purchase (Sếp phê chuẩn cho bà ấy mua); The boss OKed the purchase (Sếp đã đồng ý cho mua).

Ở thể nghi vấn hoặc khi lên giọng, nó chỉ một sự hoài nghi hay muốn được xác nhận: OK?, Is that OK? (Được chứ? Được không?)

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt (kỳ 2)

Thay cho yes?

– Không thể dùng ok thay cho yes/no cho câu hỏi hàm ý xác định đúng hay không. Ví dụ: Are you a student? (Em là học sinh phải không?).

– Có thể dùng ok hoặc yes để trả lời một câu hỏi yêu cầu sự ưng thuận: Ví dụ: Do you want to go to the shop with me? (Đi đến tiệm với tôi được không?)

Người Việt ở Mỹ có khuynh hướng dùng OK trong mọi lúc và với mọi người. Có người dùng như một tiếng đệm ở cuối câu, câu nào cũng quen miệng lên giọng “ok?, ok?” nghe rất phản cảm, có vẻ dạy đời, tuy người nói không có ý đó. Nhiều người lớn tuổi vì quen với lối giáo dục “gọi dạ, bảo vâng” nên không thích tiếng ok ở miệng thanh thiếu niên vì cho là “hỗn xược”, khinh thường bậc cha chú. Tùy theo từng gia đình, nhưng thiết tưởng cũng nên dạy các em từ nhỏ biết xưng hô lễ phép với người lớn, người lạ, dùng yes thay vì ok để tỏ sự tôn trọng.