MRI cũng tương tự như CT scan, vì cả hai đều là kỹ thuật chụp những  hình ảnh rất chi tiết bên trong cơ thể, tạo ra một loạt những hình ảnh rõ nét để bác sĩ dễ dàng định bệnh.

MRI (Magnetic resonance imaging) là kỹ thuật dùng từ trường (magnetic field) mạnh kết hợp với sóng vô tuyến để cho computer có thể tái tạo được hình ảnh bên trong cơ thể một người. Hình ảnh MRI được dùng để tìm xem có những gì bất thường nơi

– các cơ quan ở ngực và bụng (tim, phổi, gan, bao tử, tụy tạng…)

– các cơ quan ở khung chậu (thận, túi mật, tử cung…)

– mạch máu

– hạch bạch huyết…

CT (computerized tomography) scan dùng một chuỗi các tia X để chụp hình nhiều góc cạnh một bộ phận của cơ thể, rồi kết hợp lại để bác sĩ thấy được những nơi ông không thể nhìn được bằng mắt thường, chủ yếu là tìm ra được các vết thương bên trong làm hư hại xương, mạch máu hoặc các tế bào khác trong cơ thể. Những vết thương này có thể do chấn thương vì hoạt động thể thao, tai nạn xe… Bằng CT scan, bác sĩ có thể thấy hầu như bất cứ bộ phận nào bên trong cơ thể để định bệnh. Các trường hợp thường dùng CT scan để phát hiện gồm:

– bắp thịt và xương (gãy xương, khối u…)

– cục máu đông

– hướng dẫn các thủ tục (giải phẫu, sinh thiết, xạ trị…)

– phát hiện và theo dõi bệnh (ung thư, tim, phổi…)

– phát hiện chấn thương bên trong, như xuất huyết.