Ngày 2-7-2025
Khai Tâm
Tôi dị ứng với bột ngọt (người Bắc gọi là mì chính, sau này mới biết là họ phát âm từ tiếng Trung 味精). Dẫu vậy, tôi sử dụng chừng mực chứ không kiêng hẳn. Bà xã tôi thì quyết liệt hơn, nằng nặc không bao giờ dùng đến, khi tôi mua, là bà đem vứt bỏ. Chuyện nhỏ tí nhưng trở thành “chiến tranh”, gay cấn hơn Israel và Iran. Hôm này tôi cho bà xem bài “Bột ngọt, phổ biến, suy tàn và hồi phục” của ông/bà (?) Hoàng Vũ trên báo Trẻ. Bà có chút phân vân nhưng vẫn tiếp tục bảo thủ, hôm đó có đứa cháu là bác sĩ ghé thăm. Nó cũng xác nhận là bột ngọt an toàn, đừng lạm dụng là OK. Tôi kể chuyện bị dị ứng bột ngọt hồi ở Việt Nam, đứa cháu bảo thực phẩm trong nước phần lớn không “chính hãng”. Lúc này vợ chồng tôi đầm ấm lắm. Xin cảm ơn ông/bà (?) Hoàng Vũ….
Ngày 29-6-2025
Xà Bích Bửu
Phải nói báo Trẻ có nhiều bài về Huế nhất, chắc chỉ ít hơn tờ báo “Tiếng Sông Hương”:) Nhiều bài rất hay, nhưng rất tiếc lần thăm Huế của tôi trước đây lại không mấy hoàn hảo. Tôi đến thăm một công viên sát bờ sông Hương, nơi đây đặt rải rác những bức tượng không theo một trường phái nào, có cái cổ có cái tân kỳ dạng lập thể, tạo nên một tổng thể lộn xộn, đến nỗi tôi nghĩ là họ vớ được thứ gì thì đặt bừa vào đó. Phản cảm nhất là đi ngang những căn nhà rách như xơ mướp cũng treo cờ đỏ sao vàng nhăn nhúm, tả tơi không kém. Tôi không rõ người dân tự ý treo hay bị bắt buộc. Nhưng không có cảm tình, không có cảm giác “tự hào”. Tôi tự ví chúng như một phụ nữ đã ở tuổi 80 vẫn khoe hình bẹo dáng…Tôi rất mê Bún bò Huế nhưng thử vài tiệm lớn và quán vỉa hè đều không ngon…
Ngày 21-6-2025
Huỳnh Vĩ
A, đọc bài “Đi săn trầm kỳ” làm tôi nhớ lại một thời cùng đám bạn thất thời lặn lội lên núi tìm trầm, chẳng có được một gram, mà lạc đường tưởng bỏ thây trong rừng thiêng nước độc. May sao gặp một nhóm người săn thú. Họ cho lương thực và chỉ lối về. Gặp họ mới biết, là do cắm chốt trong rừng nhiều tháng, tất cả các con thú đều được ướp phọc-mon để khỏi bị thối. Sau này đi làm ở Sài Gòn, tôi luôn tìm cách thoái thác những bữa nhậu thịt rừng với đồng nghiệp mà không giải thích lý do. Tôi không thể làm bể nồi cơm của các ân nhân của chúng tôi. (Bài của Nguyễn Sinh. Đã đăng tại www.baotreonline.com. Bạn có thể đọc tại đây)