Có những di sản là bất động sản, nhưng cũng có những di sản là “động đậy sản”. Như những cửa tiệm lâu đời ở Sài Gòn đã lặng lẽ chứng kiến bao thăng trầm thời cuộc.

Tô bánh canh người thương kẻ ghét – Nguồn: Thiên Hàn, Du Uyên
Sài Gòn buổi xế, nắng chảy thẳng vào nồi nước lèo nghi ngút khói. Ở một góc đường Nguyễn Phi Khanh, có một quán bánh canh không tên – nhưng ai ai cũng biết. Tiệm đã tồn tại ngót nghét gần 50 năm trời, chủ quán là 5 chị em đều xấp xỉ “thất thập cổ lai hy”. “Quán bánh canh một giờ”, “quán mấy cô đầu bạc”, “quán Nguyễn Văn Giai cũ”… là những tên gọi mà thực khách tự đặt.
Mỗi chiều, đúng 3 giờ là mở cửa, chỉ bán trong khoảng 1 tiếng là sạch nồi. Quán giữ nguyên công thức gần nửa thế kỷ: chỉ một món bánh canh giò heo với 3 loại – giò gân, giò móng, giò nạc. Mỗi tô giá từ 40 ngàn đồng, sợi bánh mềm, lớp dầu điều màu cam đỏ, đa số khách mê nhất giò heo của quán vì được hầm vừa chín đủ, ngon-béo-thơm.
Phần lớn khách tới đây là khách quen, biết ý tới sớm… từ 1 tới 2 giờ trưa. Còn khách lạ, nếu đi đúng giờ hoặc còn e dè, có khi chờ tới lượt thì nồi đã cạn. Đôi khi sẽ gặp bất ngờ vì thấy một đại minh tinh bước xuống từ siêu xe, mặc đầm hiệu, đeo túi hiệu, mang guốc lấp lánh, trang điểm kỹ càng, nước hoa thơm phức át cả mùi nước mắm tới hỏi chủ quán: “Hết giò hả? Bánh canh không có còn hông cô Lài?”
Chỉ bán vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ, không ngon nhất Sài Gòn, giá lại khá mắc. Nhưng thực khách vẫn tìm tới nơi đây đông vui suốt mấy chục năm, không hẳn là hạp miệng… Cái chính là họ ăn ký ức, ăn hoài niệm của một thời khốn khó. Nhiều người xa xứ, nhất là Việt kiều, mỗi lần về Sài Gòn là phải bằng mọi cách ghé quán này. Người bán và người ăn đã từng cùng nhau tóc xanh – nay tóc bạc da mồi như nhau. Tô bánh canh như một cuốn nhật ký cũ, mỗi muỗng là một dòng chữ phai màu.
Vậy nên, cái bảng thông báo ghi mấy chữ: “Bánh canh từ 30-5-2025 ngừng kinh doanh. Xin cảm ơn tất cả quý khách đã ủng hộ bánh canh trong thời gian qua!”…không khác gì một vết dao cắt ngang ký ức thực khách.
Những ngày cuối cùng, quán tiếp lượng khách đông gấp nhiều lần bình thường – nhưng vẫn chỉ nấu nồi bánh canh như cũ. Có lẽ người chủ hiểu, khách đến là để thăm chính mình ngày xưa cũ, để chia tay ký ức, chớ chẳng phải vì thèm tô bánh canh đến độ chen lấn. Ngoài lượng khách đau lòng thì còn có một số đông tò mò kéo tới quán để “thu thập tin tức”, họ chắc cũng chẳng mặn mà gì với tô bánh canh đơn điệu, cũ kỹ giữa bản đồ dày đặc quán bánh canh ở xứ Thành Đô.

Những hình ảnh cuối của tiệm bánh canh một giờ được ghi lại – Nguồn: Nhiều người
Trên mạng, những bình luận vừa cảm động vừa hài hước cũng chen lấn không kém:
“Tôi nằm vùng quán này từ nhỏ tại chung xóm. Lượm lặt được vài nội dung nói chuyện của các cô chủ với khách:
14 giờ 45 (dầu chưa bán mang về):
– Hết chỗ em ơi
– Ngồi chỗ này được hôn, còn có chỗ này à
– Nước chung hổng bỏ riêng em ơi, mai mới ăn hả, về chắt nước ra nha, chanh ớt nước mắm là vắt luôn rồi nha
– Bán chớ không có ‘chừa’ con ơi, mới mở hàng mà con kêu ‘chừa con một tô’
15 giờ là hết bán gói mang về
– Có gì ăn đó nha, còn bánh canh không ăn không? Ăn luôn
15 giờ 15 là hết nhận sô
15 giờ 30 nghỉ bán.
Ăn bánh canh giò heo quán một tiếng ở đầu đường, xong chạy xuống cuối đường đá thêm ly chè sương sa hột lựu trong truyền thuyết nữa. Combo đầu cuối trên đường Nguyễn Phi Khanh…”
“Biết quán này chắc được 40 năm, từ bên kia đường Nguyễn Văn Giai dời sang Nguyễn Phi Khanh. Ký ức tuổi thơ. Cứ lấy cặp lồng ra mua mà cứ hết hoài, phát bực luôn.”
“Mình ăn được 3 lần trong 5 năm! Công nhận quán như biểu tượng của khu này. Bán nhanh hết lắm, cứ gọi là có căn mới ăn được. Nhiều thế hệ từ 6X, 7X, 8X đều mê. Họ không quảng cáo, ít ai vô phỏng vấn được vì khách đông, ai cũng vui vẻ trật tự chờ tới lượt. Giờ cô chú nghỉ rồi, Sài Gòn vắng thêm một quán ngon.”
“Tuổi thơ mình cách đây 30 năm là 3 giờ chiều đạp xe ra chân cầu Sắt chờ các cô dọn hàng. Sau dời sang Nguyễn Phi Khanh, mỗi lần ghé nhà mẹ đẻ mới tạt qua ăn. Tô bánh canh tuổi thơ. Chỉ mê bánh canh vắt chanh không và giò heo. Không hiểu sao người ta mê chua dữ vậy!”
“Đối với nhà mình thì bánh canh ở đây rất ngon. Lần nào ăn cũng ba tô. Các cô chú buôn bán cực kỳ dễ thương, chỉ có mấy cô… tự cãi lộn với nhau thôi!”
“Nhà mình ở đó từ thời bà cố. Giờ mình sắp U60 rồi mà chưa từng ăn tô nào. Không hợp gu bán một tiếng là hết, phải tới sớm, phải thế này thế nọ mới được ăn. Nhưng nhìn nó dẹp cũng thấy xót.”
Tô bánh canh cũng như là con người, không phải như cục vàng 9999 mà ai cũng mê, bởi vậy người thương kẻ ghét là chuyện bình thường. Thương vì hạp miệng, vì là hương kỷ niệm. Ghét vì tới hoài không ăn được, hoặc chán nhìn cảnh chờ đợi đông đúc – ăn uống chi mà cực quá.

Trong khi đó, những cái “phố” lại “xâm chiếm” khắp Sài Gòn – Nguồn: Facebook
Về lý do ngưng bán, chủ quán nói các chị em đã lớn tuổi, không còn sức duy trì. Nhưng cộng đồng mạng lại kháo nhau rằng: luật thuế mới quá “cam go” với người già. Nhất là cái tấm bảng ghi mấy chữ “không nhận chuyển khoản” đang bị gây khó dễ vì nhiều người tin đó là dấu hiệu “trốn thuế”, giữa lúc “thuế khoán” dành cho các cửa hàng kinh doanh nhỏ đã bị “ra rìa”.
Ngoài ra, từ 1-6-2025, các quán ăn dầu cóc ổi mía ghim hay khang trang chà bá lửa đều phải xài máy tính tiền, kê khai đầu vô đầu ra trên phần mềm, phải đóng bảo hiểm xã hội… Rất, rất nhiều người cao niên thấy phiền phức, bán tô nào cũng bấm máy thì mệt, không làm được thì mang tiếng “trốn thuế”. Đó là gánh nặng quá sức với những người đã quen buôn bán bằng trí nhớ và cái tâm một đời. Thôi thì… nghỉ. Thế là chỉ trong vài tháng, Sài Gòn tiễn biệt nhiều tiệm, quán lâu đời. Nghĩ cũng buồn, mấy cái tiệm đó dầu không bảng hiệu, không tiếp thị, nhưng tồn tại bền bỉ qua chiến tranh, đổi tiền, đại dịch… để rồi gục ngã vì máy tính tiền và hóa đơn điện tử.
Không chỉ tiệm xưa, người cũ, tiệm mới, người nay cũng bối rối. Bạn tôi còn tuổi tráng niên mà cũng lau nước mắt dẹp tiệm bánh thủ công gây dựng 8 năm trời – vì không chịu nổi cách thuế đánh lên cả doanh thu lẫn phí giao hàng. Bạn bảo, thanh lý từng món mà lòng đau như cắt làm nhiều khúc. Mỗi cái khay nướng, mỗi cái máy đánh trứng ra đi, là một phần tâm huyết của cô ấy cũng chết theo.
Ngày 1-7-2025, trong Sài Gòn lớn mọc thêm một cái “phường Sài Gòn” nhỏ. Địa danh Đakao – nơi quán bánh canh một giờ từng in dấu – cũng bị xóa tên trên bản đồ thành phố. Có những tên gọi tồn tại trăm năm, ăn sâu vào trí nhớ cũng sẽ biến mất… Rồi, rất nhiều thứ sẽ biến mất. Và đôi khi, cả những người thương Sài Gòn da diết chỉ vì đó là Sài Gòn – không coi Sài Gòn là mỏ vàng – cũng sẽ biến mất…
Mỗi lần mất một tòa nhà cổ, một cái quán xưa, não thị dân yêu thương thành phố này không vì vậy mà mất đi một nếp gấp ký ức, nhưng trái tim sẽ bị thêm một cái sẹo lồi. Có thể mai này người ta sẽ dựng lên một Sài Gòn lạ hoắc, sẽ không còn ai biết Sài Gòn đã từng ra sao, sẽ chẳng có ai đứng xếp hàng lúc 3 giờ chiều chỉ để được ăn một tô bánh canh hương vị cũ. Nhưng Sài Gòn vẫn ở đó, không cất tiếng trách ai, chỉ lặng lẽ tự ôm mình qua từng cơn sốt đất, sốt giá và sốt… nghị quyết.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn