Ở Việt Nam, hàng giả, hàng nhái không chỉ xuất hiện tại chợ đầu mối, chợ truyền thống, các tiệm tạp hóa mà còn nở rộ trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Dù ai cũng hiểu “của rẻ là của ôi”, nhưng tâm lý “dùng tạm cũng được” vẫn tồn tại trong thói quen tiêu dùng của không ít người dân. Chính sự dễ dãi ấy cộng với những lỗ hổng trong quản lý nhà nước và đạo đức kinh doanh xuống cấp đã góp phần nuôi sống thị trường hàng giả thêm lớn mạnh.

Hàng giả hàng thật không dễ phân biệt    

Người tiêu dùng & “ma trận” hàng giả

Tại Trung tâm thương mại Saigon Square (Quận 1), nhiều shop hàng dù không công khai nhưng vẫn kinh doanh các sản phẩm như túi xách, ví da, mắt kính, đồng hồ, quần áo, giày dép, son môi, phấn nền, kem chống nắng, nước hoa… gắn mác các thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ hơn nhiều lần so với hàng chính hãng. Chẳng hạn các loại nước hoa dán “mác” Chanel, Gucci… giá chỉ 400-600 nghìn VNĐ/chai 50 ml được bán với danh nghĩa “hàng xách tay” (hàng chính hãng giá từ 2 triệu VNĐ/chai trở lên)… Đặc biệt các chợ như Bến Thành, Kim Biên, Bình Tây, An Đông… (Sài Gòn) vốn được ví như các “tổng kho” với vô số điểm bán sỉ. Tại đây có đủ loại hàng hóa được bày bán gắn mác những thương hiệu nổi tiếng nhưng giá bán rẻ đến bất ngờ.

Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc hoặc bên ngoài in đầy chữ Trung Quốc xuất hiện nhan nhản như một phần hiển nhiên của thị trường. Còn tại các khu chợ dân sinh, chợ tự phát từ quần áo, giày dép đến mỹ phẩm, hàng gia dụng kể cả đồ ăn thức uống… thuộc dạng hàng trôi nổi, không tem nhãn, không kiểm định vẫn ngang nhiên được bày bán, đi cùng các chiến lược khuyến mãi khá hấp dẫn như “hàng xả kho”, “sale cuối tuần” hoặc “giảm giá từ 50-70% thu hồi vốn”.

Xem thêm:   Khách Hàn đến thành phố bên bờ sông Hàn

Điều đáng lo là nhiều người dân dường như đã quá quen với việc chọn mua những mặt hàng giá rẻ mà ít khi quan tâm đặt câu hỏi: “Hàng này ở đâu sản xuất? Phẩm chất thế nào?” Một chiếc chảo được quảng cáo “chống dính tuyệt đối” nhưng giá chỉ 55 nghìn VNĐ/chiếc, liệu ai tin được nó thực sự an toàn cho sức khỏe người sử dụng?

Đủ thứ hàng giả – thật lẫn lộn bán đầy các chợ tại Việt Nam

Ý thức tự bảo vệ bản thân của người dân chưa tốt?

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2025 về hàng giả và gian lận thương mại công bố cho thấy cả nước có hơn 40,000 vụ vi phạm liên quan đến các hình thức này bị phát hiện…

Vài ví dụ nổi bật: Trong các tháng 3,4,5 và 6/2025, hàng loạt vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất ở VN bị phanh phui: Tại Phú Thọ, hơn 600 tấn hàng giả (bột nêm, bột ngọt, dầu ăn…) bị thu giữ từ Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, tiềm ẩn đầy nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Ở Vĩnh Phúc, hơn 1 tấn thịt heo không kiểm dịch bị phát hiện khi đang sơ chế trong một nhà hàng, chuẩn bị đưa vào làm món ăn. Tại Hà Nội, công ty Z Holding với doanh thu lên tới 6,700 tỷ VNĐ nhờ tiêu thụ loại sữa bột giả với tuyên bố: “Sữa HIUP 27 giúp trẻ tăng chiều cao từ 3–5cm sau 3 tháng sử dụng” nhưng thực chất không đúng như vậy. Đáng chú ý giá thành hộp sữa loại này chỉ 87,800 VNĐ nhưng được bán ra với giá 546 nghìn VNĐ/lon. Tại Bình Tân (Sài Gòn) phát hiện lô hàng hơn 10 nghìn chai nước hoa nhập lậu từ Trung Quốc, hầu hết được nhái các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Bvlgari, YSL…

Đồng hồ “hàng xách tay” giá rẻ

Không dừng lại tại các chợ đầu mối, các điểm mua bán truyền thống, hàng giả, hàng nhái hiện còn đang bùng nổ trên không gian mạng, đặc biệt ở các trang thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram… Tại đây hầu như mọi thông tin về sản phẩm, từ công dụng đến phẩm chất đều được gói gọn trong những lời quảng cáo hoa mỹ đầy cuốn hút của người bán (livestream). Từ thực phẩm, thuốc men, hàng hóa mỹ phẩm đến hàng điện tử và tất tần tật các loại hàng tiêu dùng… Người mua chỉ việc ngồi nhà lướt mạng và “chốt đơn” nhưng phần lớn không ai có điều kiện kiểm chứng phẩm chất hàng hóa trước khi nhận hàng.

Xem thêm:   Gái chơi... thời 4.0!

Có thể nói thị trường Việt Nam đang dung túng cho hiện tượng hàng giả tha hồ lộng hành. Điều này liên quan đến mức độ hiểu biết cũng như ý thức tự bảo vệ bản thân của người Việt chưa cao. Người dân quá dễ dàng tin lời một nghệ sĩ chẳng có chút chuyên môn về y học cam kết “loại thuốc này 100% giúp chữa khỏi bệnh…”, hoặc sẵn sàng nghe theo một KOLs (Key opinion leaders) chưa từng qua trường lớp nào quảng cáo về loại sản phẩm nào đó. Hoặc đơn giản họ thấy sản phẩm có giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng. Điều đáng lưu ý một số các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo đài… đã vô tình (hay cố ý?) là “cánh tay nối dài” cho những hành vi gian manh này!

Thuốc tây cũng … giả

Ông Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư Sài Gòn) nhận xét: “Nhiều loại hàng hóa, chẳng hạn thuộc lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… hiện chỉ cần thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm là được phép tung ra thị trường. Cơ quan chức năng không có động tác kiểm định, thẩm định phẩm chất trước khi món hàng lưu hành mà chỉ kiểm tra ngẫu nhiên hoặc dựa vào phản ảnh của người tiêu dùng hay báo chí. Điều này tạo ra một khoảng trống lớn, khiến nhiều sản phẩm kém phẩm chất dễ dàng len lỏi và tiêu thụ trên thị trường, trong khi người tiêu dùng hoàn toàn không có khả năng kiểm chứng được…”.

Xem thêm:   Chuyện tình sân Pickleball

Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, làm suy giảm uy tín của các thương hiệu chân chính, cản trở sự phát triển của nền kinh tế, gây bất ổn môi trường đầu tư, là mối đe dọa cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Việc giải quyết hàng giả không thể là phong trào nhất thời mà cần phải là hành động nhất quán, liên tục và phải được nhà nước đặt trong tầm nhìn chiến lược …

Nhiều mặt hàng in đầy chữ Trung quốc bán giá rẻ

Bài và hình NS